Giáo hoàng Phanxicô thăm hai quốc gia có đông tín đồ Phật giáo tại Đông Á
Ngày đăng: 22/11/2019
Giáo hoàng Phanxicô đang thăm Thái Lan từ ngày 20-23/11, sau đó ​​sẽ Nhật Bản từ ngày 23-26.

Đây là hai quốc gia có đa số dân theo Phật giáo và người theo Công giáo tại hai nước này chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, chuyến thăm của Giáo hoàng tới hai quốc gia thể hiện sự nhấn mạnh đến tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo vì hòa bình trên thế giới của người đứng đầu Vatican.

Thái Lan là một quốc gia mà người theo Phật giáo chiếm 94,5% số dân 69 triệu người, trong đó chủ yếu là Phật giáo Nguyên thủy, theo dữ liệu của chính phủ năm 2015. Vatican ước tính có khoảng 325.000 người Công giáo, tương đương 0,59% dân số Thái Lan.  

Giáo hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên thăm Thái Lan kể từ khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm đất nước này vào tháng 5/1984. Ông đến thăm Thái Lan với tư cách là một người hành hương vì hòa bình để thúc đẩy việc xây dựng những cầu nối cho hòa bình và hiểu biết, Giám mục Andrew Vissanu Thanya-anan, Điều phối viên của chuyến thăm của giáo hoàng và Phó Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Thái Lan cho biết.

Trong một thông điệp trước chuyến thăm Giáo hoàng Phanxicô nói “Tôi cũng hy vọng tăng cường mối quan hệ hữu nghị mà chúng ta chia sẻ với nhiều anh chị em theo Phật giáo, những người làm chứng hùng hồn cho các giá trị của sự khoan dung và hòa hợp rất đặc trưng của người dân Thái Lan”. Ông nói tiếp “Tôi tin rằng chuyến thăm của tôi sẽ giúp nâng cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn giáo, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác trong tình huynh đệ, đặc biệt là việc phục vụ người nghèo và người khó khăn nhất, và phục vụ hòa bình”.

          Linh mục Alessio Crippa, người đang nỗ lực giúp trẻ em được tiếp cận tốt hơn với giáo dục và chăm sóc sức khỏe trong ba năm qua ở Khlong Toei, khu ổ chuột lớn nhất ở trung tâm Bangkok có khoảng 100.000 người, đã nhận được đề nghị giúp chọn năm trẻ em để gặp Giáo hoàng Phanxicô. Ông đã chọn hai người trẻ em Công giáo và ba trẻ em Phật tử trong độ tuổi từ 10 đến 14.

          Đến cuối tuần, Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp tục hành trình đến Nhật Bản, nơi Giáo hoàng John Paul II đến thăm năm 1981. Ở đó, ông dự kiến ​​sẽ nhấn mạnh lời kêu gọi giải trừ hạt nhân với các chuyến thăm tới Hiroshima và Nagasaki, nơi Hoa Kỳ thả bom hạt nhân vào ngày 6 và 9/8/1945. 

          Nhật Bản có một giai đoạn lịch sử đầy rủi ro với các nhà truyền giáo Công giáo. Sau một thời gian ngắn phát triển mạnh, Kitô giáo đã bị cấm vào năm 1620 và nhiều người Công giáo đã bị sát hại hoặc buộc phải bỏ đạo, và những người Công giáo còn lại phải sống ẩn dật. Kitô giáo chỉ được tái hợp pháp hóa sau khi Nhật Bản mở cửa trở lại thế giới vào năm 1853 và sau đó trong thời kỳ Minh Trị.

          Ikuko Suyama là một Phật tử đang điều hành một bảo tàng nhỏ tôn vinh Thánh Maximilian Kolbe, một linh mục người Ba Lan từng hoạt động ở Nagasaki và sau đó chết trong khi bị giam cầm tại trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan. Ông cho biết “Tại Nhật Bản hiện nay, tất cả các loại rào cản đã được gỡ bỏ và mọi người rất khoan dung”. “Không chỉ trong tôn giáo mà trong tất cả mọi thứ mọi người đã đến với nhau. Điều đó rất quan trọng và cần phải tiếp tục mãi mãi”, Ikuko Suyama nói thêm.  

Giáo hoàng Phanxicô gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2014. 

Theo Vatican, người Công giáo tại Nhật Bản chiếm 0,42% dân số, vào khoảng 600.000 người. Lao động nhập cư chiếm một phần ngày càng tăng dân số theo Công giáo ở Nhật Bản khi nước này nới lỏng các chính sách nhập cư. Dân số Nhật Bản chủ yếu là Phật giáo và Thần đạo, với sự chồng chéo đáng kể trong thực hành của hai tôn giáo: 79,2% người Nhật xác định là Thần đạo và 66,8% xác định là Phật tử.

An Nam (theo Budhistdoor)