Bộ Môi trường Campuchia xây dựng trung tâm văn hóa Phật giáo tại vườn quốc gia Kirirom
Ngày đăng: 23/01/2024
Công trường xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo mới trong Công viên Quốc gia Kirirom ở tỉnh Kampong Speu (Ảnh từ Mạng Tin tức Châu Á)
Bộ Môi trường Campuchia đang phát triển một địa điểm thực hành Phật pháp tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Campuchia, nằm bên trong Công viên Quốc gia Kirirom, tỉnh Kampong Speu.

Mục đích của dự án là khuyến khích Phật tử địa phương và du khách suy ngẫm và thực hành Phật pháp, tìm hiểu rõ hơn về giáo huấn của Đức Phật và văn hóa Campuchia, và bảo vệ môi trường.

Trong chuyến thăm địa điểm xây dựng vào ngày 6/1/2024, Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia Eang Sophalleth cho biết trung tâm Phật giáo được thiết kế để thanh lọc tâm trí, mang lại sự yên bình và hạnh phúc. “Chúng tôi đang tạo ra một không gian đặc biệt cho các Phật tử thiền định, với những nhà thất Khmer hiện đại nổi bật so với những nơi còn lại”, Bộ trưởng Eang Sophalleth nói.

Bộ và Sở Môi trường ở tỉnh Kampong Speu đã tích cực tham gia trồng hàng chục nghìn cây trong khuôn viên trung tâm, phù hợp với sự nhấn mạnh của văn hóa tôn giáo đối với rừng tự nhiên. Theo ông Sophalleth, các mục tiêu kết hợp giữa việc bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo và tài nguyên thiên nhiên phù hợp với Kế hoạch Chiến lược về Môi trường giai đoạn 2023–28 của Bộ Môi trường Campuchia. Kế hoạch chiến lược này nỗ lực chuyển tiềm năng của ngành môi trường thành lợi ích thiết thực cho Campuchia và người dân nước này.

https://www.buddhistdoor.net/wp-content/uploads/2024/01/The-construction-site-of-the-new-Buddhist-Cultural-Centre-within-Kirirom-National-Park-in-Kampong-Speu-province.-Photo-from-Asia-News-Network.jpg

Công trường xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo mới trong Công viên Quốc gia Kirirom ở tỉnh Kampong Speu (Ảnh từ Mạng Tin tức Châu Á)

Trung tâm Văn hóa Phật giáo chưa hoàn thành, rộng 126 ha, đã hoạt động từ năm 2005 và nhận được sự ủng hộ của cựu thủ tướng Hun Sen. Địa điểm này là nơi có ngôi chùa Pathom Chedi nổi tiếng với một bảo tháp lớn có chiều dài 108 mét và chiều rộng 37 mét, được cho là nơi lưu giữ xá lợi của Đức Phật cùng với nhiều văn bản thiêng liêng khác nhau. Những tác phẩm điêu khắc bằng đá phức tạp trong khuôn viên trung tâm phản ánh những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, chẳng hạn như sự ra đời và giác ngộ của Ngài. 84.000 tác phẩm điêu khắc Phật tuyệt đẹp cũng được chạm khắc từ đá tự nhiên và đặt ở trung tâm.

Bộ trưởng Sophalleth nhấn mạnh mục tiêu của Bộ là thúc đẩy quản lý môi trường trong cộng đồng. Ông tin rằng có mối liên hệ giữa nỗ lực bảo tồn và cải thiện sinh kế vì trung tâm có ý định cải thiện cuộc sống và triển vọng của người dân địa phương.

Là người khởi xướng thành lập trung tâm Phật giáo, Hòa thượng Nhek Buntha cho biết “Ở nhiều quốc gia khác nhau, các trung tâm Phật giáo đã tồn tại hàng thế kỷ. Là những người thực hành Phật giáo Khmer, việc chúng tôi có trung tâm riêng của mình là điều phù hợp”. Hòa thượng khẳng định, khi trung tâm Phật giáo được hoàn thành sẽ là một báu vật quốc gia của Campuchia.  

Theo ông Sun Meanchey, Giám đốc Sở Văn hóa và Mỹ thuật tỉnh Kampong Speu, trung tâm Phật giáo sẽ là một thành tựu đáng chú ý và là một địa điểm du lịch văn hóa và tôn giáo nổi bật, nhờ quy mô và ý nghĩa to lớn của nó.

Chhort Bunthang, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hoàng gia Campuchia đề cao dự án xây dựng trung tâm Phật giáo, cho rằng nơi đây có không khí trong lành và vẻ đẹp tự nhiên phong phú. “Trong xã hội tiên tiến của chúng ta, con người ngày nay phải đối mặt với vô số thách thức về tinh thần. Không gian thiền này đóng vai trò như một phương thuốc, thanh lọc trái tim và tâm trí để giải quyết những vấn đề này”, ông Bunthang cho biết, đồng thời khẳng định trung tâm Phật giáo sẽ thúc đẩy du lịch và cải thiện sinh kế cho người dân trong vùng./.

Quang Nam (tổng hợp và dịch theo buddhistdoor.net)