Sinh viên Nhật Bản ngăn chặn việc trộm cắp tượng Phật bằng cách tạo bản sao in bằng 3D
Ngày đăng: 13/03/2018
Hiện tại, các sinh viên khóa học thiết kế công nghiệp trong Trường Kỹ thuật Wakayama ở Nhật Bản đang tạo bản sao in 3D của các pho tượng Phật để ngăn chặn hành vi trộm cắp các pho tượng gốc đang diễn ở các chùa Phật giáo.

Nhật báo Yomiuri Shimbun cho biết 7 sinh viên đã tạo ra bốn bản sao các bức tượng trong năm nay như là một phần của yêu cầu đào tạo của khóa học và các bản sao này sẽ được trao cho chùa để trưng bày thay thế các bức tượng gốc.

Năm 2015, các sinh viên đã tạo ra bản sao đầu tiên của họ: một bản sao ảo của tác phẩm điêu khắc Aizen Myoo với thời gian hoàn thành là sáu tháng. Cho đến nay, Trường Kỹ thuật Wakayama đã tạo ra 25 bản sao của pho tượng.

Quá trình sao chép một bức tượng được bắt đầu bằng cách tạo một bản quét 3D của bản gốc. Các phép đo nhỏ mà không thể lấy được bằng việc quét - chẳng hạn như các khoảng trống giữa các ngón tay hoặc các nếp nhăn trên quần áo - được nhập vào bởi học sinh sau khi quan sát cẩn thận. Dữ liệu kết hợp sau đó được sử dụng để in các mô hình 3D. Sau đó sinh viên nghệ thuật tại Khoa Giáo dục Đại học Wakayama sẽ hoàn thiện bản sao bằng cách sơn vẽ cho phù hợp với bản gốc.

Cơ quan Văn hoá Nhật Bản ước tính đã xảy ra 105 vụ trộm cắp các tác phẩm điêu khắc lịch sử từ năm 2007 đến năm 2009, và 160 bức tượng Phật đã bị đánh cắp tại Wakayama trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2011. Kể từ đó, có một sự quan tâm ngày càng tăng trong việc sử dụng các bản sao in 3D để trưng bày thay thế cho các tác phẩm gốc.

Việc tạo ra các bản sao không những giúp bảo đảm an toàn cho các bức tượng gốc mà còn giúp những người khiếm thị có thể tương tác với các bức tượng thông qua xúc chạm trực tiếp, điều mà họ khó có cơ hội đối với các tác phẩm gốc vì chúng thường được trưng bày trong hộp kính. 

An Nam (sưu tầm và dịch)