Bắc Ireland kỷ niệm 20 năm Thỏa thuận ngày Thứ Sáu Tốt lành trong nỗi lo về Brexit
Ngày đăng: 10/04/2018
Ngày 10/4/2018 đánh dấu kỷ niệm tròn 20 năm Thỏa thuận ngày Thứ Sáu Tốt lành (Good Friday Agreemet - GFA) được ký kết tại Bắc Ireland, kết thúc của một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thế kỷ 20.

Kể từ đó, tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland đã đi được một chặng đường dài với những thành tựu quan trọng trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu này cùng với tương lai của bản thân GFA đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ liên quan đến việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

GFA còn được biết đến với tên gọi Thỏa thuận Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland. Trước năm 1998, Belfast từng được xếp vào nhóm “4B” cùng với Beirut (Lebannon), Baghdad (Iraq) và Bosnia (Nam Tư cũ), là những địa danh du khách được khuyến cáo không nên đến. 

Khi đó Belfast là tâm điểm của những hoạt động bạo lực trong giai đoạn “Hỗn loạn” (The Troubles) kéo dài từ năm 1968 đến 1998 làm gần 3.500 người thiệt mạng. 20 năm sau thỏa thuận lịch sử ngày 10/4/1998, Belfast đã trải qua một “cuộc lột xác ngoạn mục” để trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới năm 2018, theo đánh giá của trang hướng dẫn du lịch uy tín Lonely Planet. 

Hiên tại, riêng ngành du lịch của thành phố Belfast đã đóng góp gần 40% doanh thu du lịch của toàn khu vực Bắc Ireland, thu về 334 triệu bảng Anh cho nền kinh tế của khu vực này, và tạo ra hơn 18.000 việc làm. Bên cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Bảo tàng Titanic và phim trường của bộ phim truyền hình đang ăn khách “Game of Thrones” (Trò chơi vương quyền), hầu hết du khách quốc tế khi đến Belfast đều rất quan tâm đến một sản phẩm du lịch độc đáo gắn liền với quá khứ không yên ả của thành phố. 

Đó là những tour “du lịch chính trị Ireland”, với các hướng dẫn viên đặc biệt đều là những nhân chứng, “những người sống sót”, các tù nhân, các nhà hoạt động chính trị của tất cả các bên từng trực tiếp tham gia vào những cuộc xung đột đẫm máu giữa những người “Liên hiệp” (Unionist) theo đạo Tin Lành muốn Bắc Ireland duy trì tư cách là một phần của Vương quốc Anh, và những người “Quốc gia” (Nationalist) theo đạo Công giáo mong muốn sát nhập Bắc Ireland vào Cộng hòa (CH) Ireland ở phía Nam thành một quốc gia thống nhất. 

Từng là một cựu thành viên của tổ chức quân sự Quân đội CH Ireland (IRA) trong giai đoạn “Hỗn loạn” và phải ngồi tù 7 năm, từ năm  1998 đến nay, ông Peadar Whelan là một hướng dẫn viên du lịch chính trị Ireland, hàng ngày đưa du khách đến từ khắp thế giới đi tham quan các “Bức tường Hòa bình” - tên gọi mới của những bức tường chia cắt các khu định cư giữa người Tin lành và người Công giáo trước kia - vẫn còn nguyên dấu tích của một giai đoạn đầy biến động. 

Ông Peadar Wheland cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng khách du lịch tham gia những tour du lịch chính trị tại Belfast đã tăng rất mạnh, trong bối cảnh thành phố đang xúc tiến một loạt các hoạt động kỷ niệm 20 năm ký GFA. Qua những tour du lịch này, ông Wheland bày tỏ mong muốn được chia sẻ những trải nghiệm, và cả những sai lầm, của mình, để các du khách, nhất là những người trẻ tuổi, thấy được sự thay đổi kỳ diệu mà 20 năm hòa bình đã mang lại cho những người như ông và thành phố Belfast. 

Bảo tàng Titanic, một biểu tượng du lịch của thành phố Belfast.

Hòa bình sau GFA cũng đã “hồi sinh” toàn bộ Bắc Ireland. Từ một khu vực chỉ được biết đến vì bạo lực, bất ổn, thất nghiệp và nghèo đói, Bắc Ireland hiện là một trong những nơi “đáng sống” nhất tại Vương quốc Anh. Theo ông Chris McNabb, quan chức phụ trách thông tin truyền thông của Nghị viện Bắc Ireland, hơn 900 công ty quốc tế đã tới đầu tư tại Bắc Ireland trong vòng 20 năm qua, và 80% trong số này đã mở rộng đầu tư sau giai đoạn ban đầu. Bắc Ireland cũng được đánh giá là khu vực có các lĩnh vực kinh tế sáng tạo phát triển tốt nhất tại Anh. 

Trung bình cứ 5 người dân Bắc Ireland thì có 1 người làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo và công nghệ cao, trong đó chỉ riêng bộ phim “Game of Thrones” đã tạo ra hàng nghìn việc làm và đóng góp hơn 166 triệu bảng Anh cho nền kinh tế khu vực này. Tỷ lệ thất nghiệp tại Bắc Ireland hiện ở mức thấp kỷ lục là 3,2%, thấp hơn mức 4,2% của toàn nước Anh năm 2017. Về an ninh và trật tự xã hội, sau 20 năm không còn những vụ đánh bom và sự hiện diện của quân đội Anh trên đường phố, người dân Bắc Ireland đang cảm thấy an toàn nhất từ trước đến nay. Theo một cuộc điều tra năm 2017, có đến 90% người dân Bắc Ireland tỏ ra hài lòng với tình hình an ninh trật tự của khu vực này, cũng như hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát tại đây. 

Tuy nhiên, phần lớn người Bắc Ireland thuộc mọi tín ngưỡng tôn giáo và quan điểm chính trị đều tỏ ra lo ngại về những thách thức to lớn mà Brexit đang đặt ra với khu vực và tương lai của GFA. Gần 56% trong số 1,8 triệu người dân Bắc Ireland đã bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, nhưng cùng với Vương quốc Anh, chỉ chưa đầy một năm nữa những người dân Bắc Ireland sẽ không còn là công dân EU. Những chia rẽ sâu sắc giữa các cộng đồng và quan điểm chính trị tại Bắc Ireland tưởng chừng như đã được lấp đầy sau 20 năm đang quay trở lại cùng với Brexit. 

Ở cấp độ cử tri, 89% những người “Quốc gia” Thiên Chúa giáo đã bỏ phiếu ở lại EU, trong khi chỉ có 38% những người “Liên hiệp” theo đạo Tin Lành muốn ở lại EU. Trong Nghị viện Bắc Ireland với 90 thành viên vừa được bầu sau cuộc tổng tuyển cử khu vực tháng 3/2018 cũng chỉ có 40 thành viên ủng hộ Brexit. Trong đó cả hai đảng theo đường lối quốc gia là Sinn Fein (27 ghế) và Công đảng Dân chủ Xã hội (SDLP, 12 ghế) đều phản đối Brexit, và viện dẫn quy định về “điều kiện chín muồi” trong GFA để kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc sát nhập Bắc Ireland với CH Ireland để qua đó ở lại EU. Đảng Liên hiệp Dân chủ (DUP, 28 ghế) có quan điểm ủng hộ Brexit, đồng thời cho rằng GFA đã không còn tác dụng trong hoàn cảnh mới.

Thành công của GFA được cho là đến từ việc xóa bỏ đường biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland qua đó cho phép mỗi người dân tại khu vực này quyền tự xác định bản sắc của mình. Việc tự do đi lại qua biên giới mỗi ngày giúp những người dân Bắc Ireland theo quan điểm “Quốc gia” cảm thấy mình là một phần của hòn đảo Ireland thống nhất, trong khi những người theo đường lối “Liên hiệp” cũng cảm thấy mình vẫn thuộc về Vương quốc Anh. Với Brexit, nền tảng quan trọng đó đang bị lung lay dữ dội. Khi Brexit chính thức có hiệu lực, biên giới Bắc Ireland sẽ trở thành biên giới đất liền duy nhất giữa Anh và EU chứ không còn chỉ là ranh giới giữa miền Bắc và miền Nam của hòn đảo. 

Và gần như chắc chắn sẽ phải có một hình thức kiểm soát nhất định trên tuyến biên giới này, nếu Thủ tướng Anh Theresa May thực hiện đúng tuyên bố về việc “nước Anh phải giành lại quyền kiểm soát biên giới và chính sách thương mại” sau Brexit. Cho dù cả Anh và EU đều đã cam kết tránh việc tái lập một đường “biên giới cứng” trên đảo Ireland nhằm bảo vệ Thỏa thuận Ngày Thứ Sáu Tốt lành, vẫn chưa có giải pháp khả thi nào có thể đáp ứng được yêu cầu của cả hai bên đối với tuyến biên giới trên bộ dài gần 500km, cùng hơn 200.000 lượt qua lại mỗi ngày của người dân qua gần 300 cửa khẩu chính thức và vô số điểm giao cắt không chính thức.

 
Biên giới vô hình hiện tại giữa CH Ireland và Bắc Ireland.

Tuy nhiên, theo nhà báo, nhà phân tích chính trị kỳ cựu người Bắc Ireland Brian Rowan, vào thời điểm GFA được ký kết cách đây 20 năm, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể ngờ nổi những thành tựu to lớn mà thỏa thuận này mang lại trong việc thiết lập hòa bình lâu dài giữa những cộng đồng quá nhiều thù hận và khác biệt. Thực tế những gì diễn ra trong chặng đường 20 năm qua đã tạo cho mỗi người dân và chính trị gia Bắc Ireland một sự “tự tin chính trị” về khả năng giải quyết những bất đồng và khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. 

Nhà báo Brian Rowan khẳng định, trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Ireland, cả London và Brussels chắc chắn sẽ phải có những nhượng bộ linh hoạt, nhằm tìm ra giải pháp tôn trọng nguyên vọng của người dân Bắc Ireland về một tương lai hòa bình và thịnh vượng. Đây cũng là quan điểm của Thượng nghị sĩ Paul Murphy, cựu Bộ trưởng Phụ trách Bắc Ireland (2002-2005), khi ông nhấn mạnh bất kể Brexit và vấn đề biên giới Ireland có diễn biến như thế nào, thì điều chắc chắn là không thể có cách nào khác ngoài tiếp tục tinh thần của Thỏa thuận Ngày Thứ Sáu Tốt lành, để bảo đảm sẽ không bao giờ còn bạo lực trên đường phố, cũng như sự hiện diện của quân đội Anh tại những trạm kiểm soát biên giới như trong quá khứ. 

Tuấn Anh ( P/v TTXVN tại London)