Phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình: Lời giải từ thực tiễn
Ngày đăng: 25/09/2019
“Tre già măng đã kịp mọc”, đảm bảo yếu tố “lượng” và “chất”, xóa xóm trắng chi bộ Đảng vùng Công giáo toàn tòng, kết nạp chức sắc tôn giáo vào hàng ngũ của Đảng... là những việc nổi bật mà Ninh Bình đã làm được trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Kỳ 1: Từ đức tin đến lý tưởng cách mạng

Đứng trong hàng ngũ của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người nhưng với những người có đạo, nó còn thiêng liêng hơn nhiều bởi giây phút đó, “đạo” và “đời” hòa quyện. Với chức sắc tôn giáo, bị ràng buộc bởi giáo hội và các giáo lý, giáo luật, việc đứng dưới cờ Đảng gần như là điều không tưởng. Vậy mà ở Ninh Bình, chúng tôi đã ghi trọn được khoảnh khắc thiêng liêng ấy của một người khi có thể gọi là người đặc biệt. Đặc biệt bởi tính đến thời điểm này, đó là vị chức sắc tôn giáo đầu tiên tại Ninh Bình khi đang “đương chức” đã đứng trong hàng ngũ của Đảng và số lượng đảng viên này trên toàn quốc không nhiều. Đặc biệt bởi từ đây gợi mở rất nhiều hướng đi cho Ninh Bình trong việc giải bài toán về công tác phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên là người có đạo.

Nguyện đứng dưới cờ Đảng

Đại đức Thích Thanh Sự, Phó Ban trị sự Phật giáo huyện Yên Mô, trụ trì 4 chùa lớn trên địa bàn huyện trong ngày lễ kết nạp đảng viên (Ngày 16/7/2019) mà ông nói là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời vẫn mặc áo tu hành bởi với ông “đạo” và “đời” là một, khi là chức sắc tôn giáo được kết nạp Đảng thì trách nhiệm và sự nêu gương càng phải cao hơn để vừa xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là một người lãnh đạo trong giáo hội.

Câu chuyện giữa chúng tôi và Đại đức Thích Thanh Sự trong ngày lễ kết nạp đảng viên để tìm hiểu xem quá trình từ đức tin đến niềm tin vào Đảng của ông bị gián đoạn nhiều lần bởi những lời chúc mừng, những bó hoa tươi thắm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, rồi cả những tăng ni phật tử tại các chùa ông trụ trì.

- Thưa Đại đức, cho con hỏi...

- Cô là đảng viên chưa? Nếu là đảng viên thì từ giờ chúng ta là đồng chí, tôi vừa trở thành đảng viên dự bị rồi đấy, không phải xưng hô như thế. Tôi cũng đọc nhiều thơ cách mạng lắm. Nhưng tôi nhớ có câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”. Nó gần giống với tâm trạng của tôi lúc này.

Rồi ông cười, nụ cười rạng rỡ, bắt đầu câu chuyện về sự giác ngộ và phấn đấu trở thành đảng viên của mình. Ông chia sẻ, ông nhen nhóm ý muốn vào Đảng từ những năm 97, 98 của thế kỷ trước, khi tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên nhưng vẫn loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu vì ông nghĩ phải tham gia chiến đấu và cống hiến nhiều như sư cụ của ông thì mới có được vinh dự ấy.

“Với tôi, thời điểm đó, Đảng là một cái gì đó rất cao xa mà tôi không với tới được vì tuổi mình còn trẻ, lại chưa có nhiều đóng góp, phụng sự cho Tổ quốc, cho dân tộc bởi như sư cụ tôi đã chiến đấu, hy sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc mới vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

Và niềm ước mơ một ngày nào đó trở thành đảng viên như sư cụ của mình khiến ông luôn không ngừng trau dồi và có những việc làm thiết thực vì cuộc sống, vì cộng đồng bởi ông tâm niệm “Vào Đảng là phải làm nhiều việc tốt, làm nhiều việc thiện, ý nghĩa, giúp cho nhiều người...” chứ thực sự chưa hiểu rõ về chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bí thư chi bộ xóm Trung Hậu, xã Yên Phong (Yên Mô) trao Quyết định kết nạp đảng viên cho đồng chí Nguyễn Ngọc Sự

Với những việc làm cụ thể, ông đã vinh dự là đại biểu Phật giáo duy nhất được vinh danh “Thanh niên sống đẹp, sống có ích” tỉnh Ninh Bình năm 2005, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội LHTN Việt Nam, Hội LHTN tỉnh, UBND huyện Yên Mô...

“Dần dần, tôi đã hiểu hơn về Đảng và những người đảng viên, nhất là khi là đại biểu HĐND huyện Yên Mô từ năm 2014 đến nay, rồi được học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, tôi đã tình nguyện viết đơn xin vào Đảng. Khi đặt bút viết lá đơn đó, tôi ý thức được niềm vinh dự nhưng đồng thời thấy được trách nhiệm của mình. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời tôi khi đức tin thành niềm tin, thành lý tưởng cách mạng. Tôi không băn khoăn vì mình là nhà tu hành mà tôi chỉ băn khoăn làm sao để tròn cả hai vai, nhất là với tư cách là đảng viên mới, để nhiều người được giác ngộ về Đảng như tôi.”

Xóa “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên xóm Công giáo toàn tòng

Xóm 6, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô và xóm 12, xã Định Hóa, huyện Kim Sơn là những xóm Công giáo toàn tòng, trước đây, do không đủ điều kiện thành lập chi bộ, đảng viên ở các xóm này phải sinh hoạt ở những chi bộ ghép, có thời điểm 3 xóm mới có 1 chi bộ nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc tham dự sinh hoạt Đảng của đảng viên cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy nơi có chi bộ ghép.

Từ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở các chi bộ ghép này cũng giảm đáng kể, công tác phát triển đảng viên nhiều năm “dậm chân tại chỗ”; ở những xóm không có đảng viên hoặc có ít đảng viên, chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ theo quy định thì bài toán làm sao để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống mà thiết thực nhất với người dân là những nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự thực sự có những lúc bế tắc vì số lượng đảng viên ít nên một đảng viên phải phụ trách nhiều hộ dân trên một địa bàn rộng, không thể sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...

Trước thực trạng đó, với quyết tâm xóa “trắng” chi bộ vùng Công giáo, xóa chi bộ ghép, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu triển khai thực hiện quyết liệt công tác này. Thực hiện Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 31-01-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, được sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mô và Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn đã tích cực chỉ đạo đảng ủy các xã tiến hành xây dựng kế hoạch, thực hiện các bước về kết nạp đảng viên mới, chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên.

Cách làm của Ninh Bình là đưa những đảng viên đang công tác tại xã về sinh hoạt ở các chi bộ ghép, là “biên chế” của những chi bộ này để nắm bắt kịp thời những thuận lợi, khó khăn ở xóm Công giáo, để có những tham mưu kịp thời. Những người được chọn “luân chuyển Đảng” phải là những người có kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng ở xã, nắm vững tình hình ở thôn và có uy tín trong cộng đồng người có đạo.

Đây là việc làm khó bởi vì phải có lộ trình, bước đi cụ thể, từ khâu tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới là quần chúng có đạo, đến việc vận động đảng viên đang công tác tại cơ quan xã chuyển sinh hoạt đảng về thôn, xóm để thành lập chi bộ mới.

Tôi có dịp gặp đồng chí Hoàng Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Định Hóa, Kim Sơn, một trong 2 cán bộ được xã “chọn mặt gửi vàng” luân chuyển về làm bí thư chi bộ xóm 12, xóm Công giáo toàn tòng nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên là người có đạo và là một trong những chi bộ ghép cần “xóa trắng”.

Đồng chí Tuấn đã có những chia sẻ đầy tâm huyết, trách nhiệm: “Tôi nghĩ tôi được xã chọn là cán bộ xuống cơ sở bởi tôi đã có kinh nghiệm là bí thư chi bộ xóm 6 xã Định Hóa khá nhiều năm, từ năm 2001 đến năm 2014. Khi xuống một xóm Công giáo toàn tòng như xóm 12, chỉ định là bí thư chi bộ ghép này, lúc đầu tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ bởi ở đây 191 hộ với 557 nhân khẩu đều là người có đạo, công tác vận động, thuyết phục người dân tham gia các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương đã khó chứ chưa nói đến việc tìm ra những nhân tố nổi trội để Đảng xem xét kết nạp.

Việc đầu tiên tôi làm là tạo mối quan hệ với các chức sắc, chức việc nơi đây; gây dựng niềm tin của dân với Đảng bằng những việc làm cụ thể với tinh thần “đảng viên đi trước”; cùng với đó phát hiện ra những người có đủ điều kiện, chín muồi để xóa trắng đảng viên, trắng chi bộ vùng Công giáo mà mình được giao.

Tôi thấy ông Lê Văn Thế, nguyên là Chánh trương xứ Hóa Lộc, xóm trưởng xóm 12 là người hoàn toàn có đủ điều kiện để báo cáo Đảng ủy xã đưa vào nguồn kết nạp. Ông Thế vừa nhiệt tình trong các phong trào địa phương, lại vừa có tiếng nói đối với người có đạo nơi đây, nếu bồi dưỡng, kết nạp được sẽ mở ra nhiều hướng phát triển, hướng đi trong công tác phát triển đảng viên ở xóm Công giáo toàn tòng này”. Nhận định này của đồng chí Tuấn đã được Ban Thường vụ Đảng ủy xã nhất trí cao.

Đồng chí Hoàng Xuân Quý, Bí thư Đảng ủy xã Định Hóa bày tỏ: Với kinh nghiệm nhiều năm làm bí thư chi bộ cùng sự nhiệt huyết, trách nhiệm, đồng chí Tuấn đã có những nhận định đúng đắn, tham mưu kịp thời cho Đảng ủy xã trong việc chọn đúng người, chọn đúng thời điểm để giải quyết “nút thắt” trong phát triển đảng và xóa trắng chi bộ ghép.

Từ khi đồng chí Lê Văn Thế được kết nạp vào Đảng, ông đã phát huy được vai trò của mình, đặc biệt với uy tín trong đồng bào có đạo, ông đã xóa được định kiến vào Đảng là “nhạt đạo, khô đạo” của thôn Công giáo toàn tòng này và làm tốt công tác phát triển đảng viên tại chi bộ. Đại hội cấp cơ sở tới đây, chúng tôi sẽ rút đồng chí Tuấn về bởi thời gian chuyển sinh hoạt đảng cũng đã lâu và đồng chí đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao.

Những “đảng viên luân chuyển” ở Kim Sơn và Yên Mô đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi trong năm 2018 đã hoàn thành việc xóa thôn, xóm chưa có chi bộ; đến nay 100% các thôn, xóm, bản, tổ dân phố trong Đảng bộ tỉnh đều có chi bộ. Những xóm Công giáo toàn tòng đều đã có tổ chức Đảng lãnh đạo.

Việc xóa trắng chi bộ, trắng đảng viên hay kết nạp chức sắc tôn giáo vào Đảng đã tạo điểm nhấn sinh động trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình thời gian qua bởi nó là những việc làm khó, nhạy cảm. Để có được kết quả như thế, để có được “hoa thơm trái ngọt”, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong toàn Đảng bộ đã phải trăn trở để tìm ra hướng đi đúng nhất. Bài toán phát triển đảng viên là người có đạo một thời gian dài đã gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những phương pháp, cách làm mới để giác ngộ những người có đạo đi từ đức tin đến niềm tin, nguyện đứng dưới cờ Đảng.

(Còn nữa)