Nghị định số 95/2023/NĐ-CP góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 06/02/2024
LTS: Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 95/2023/NĐ-CP). Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 30/3/2024 và thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162/2017/NĐ-CP). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có nhiều nội dung mới, tiến bộ, khắc phục được một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Phóng viên Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ về một số nội dung liên quan đến Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, xin gửi đến quý độc giả nội dung cuộc phỏng vấn:

* Phóng viên:

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 29/12/2023, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3/2024 và thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, xin bà cho biết về sự cần thiết ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP?

* Bà Nguyễn Thị Định:

Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP. Nghị định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3/2024 và thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Việc ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP là thật sự cần thiết vì một số lý do sau đây:

Một là, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước thời gian qua đều chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mặt khác cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Vì vậy, việc tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định chưa đầy đủ hoặc còn tồn tại của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP để thay thế bằng một Nghị định khác là rất cần thiết.

Hai là, qua kết quả sơ kết 03 năm triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đánh giá các quy định của Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tôn giáo, cộng đồng có tín ngưỡng thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ, cụ thể:

Thứ nhất, một số quy định của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP như giải thích về công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ; quy định về việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ chưa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cho người dân cũng như gây ra lúng túng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện... Bên cạnh đó, một số quy định của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP thực hiện gặp khó khăn như quy định tại khoản 3 Điều 4 về việc bảo đảm và quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ; việc tiếp nhận hồ sơ vẫn theo cách truyền thống (hiện nay, bên cạnh việc tiếp nhận này, đã có nhiều hình thức tiếp nhận khác được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng rất hiệu quả);....

Thứ hai, một số quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chưa có biện pháp thi hành cụ thể dẫn tới qúa trình thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hiệu quả trên thực tiễn, gây lúng túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng, như thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo (đây là một trong những trường hợp dẫn đến giải thể các tổ chức được quy định tại Điều 31 và Điều 42 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo); phục hồi hoạt động tôn giáo cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo;...

Thứ ba, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, một số hình thức hoạt động tôn giáo mới xuất hiện, như tổ chức các hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến đã phát sinh nhưng pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng chưa có quy định điều chỉnh và biện pháp để quản lý cho phù hợp.

Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và trình Chính phủ ban hành Nghị định 95/2023/NĐ-CP thay thế cho Nghị định này là thật sự cần thiết.

* Phóng viên:

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới, tiến bộ, khắc phục được một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, bà có thể cho biết một trong các điểm mới quan trọng của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP so với Nghị định số 162/2017/NĐ-CP là những điểm mới nào?

* Bà Nguyễn Thị Định:

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP bên cạnh việc kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới, tiến bộ, giúp cho quá trình thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thuận lợi hơn. Một trong các điểm mới có thể kể đến như Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã dành một điều giải thích các từ ngữ về công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ, giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp. Ngoài ra, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP còn bổ sung các quy định về thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo; phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; việc xác định công trình phụ trợ được miễn giấy phép xây dựng; hoạt động quyên góp; tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ; tiếp nhận hồ sơ; phân cấp, ủy quyền… Các điểm mới này góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới.

* Phóng viên:

Đây là một trong các nghị định có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rất rộng, xin bà cho biết Bộ Nội vụ có ban hành quyết định để triển khai thi hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP không?

* Bà Nguyễn Thị Định:

Do phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP rất rộng, có tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, vì vậy ngày 02/02/2024, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 75/QĐ-BNV để triển khai thi hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP. Theo đó, thời gian tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo Nghị định số 95/2023/NĐ-CP được thực hiện hiệu quả như xây dựng tài liệu tuyên truyền Nghị định; Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ ban hành thông tư phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ; UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để phân cấp hoặc ủy quyền các quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình được quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới đảm bảo thuận lợi trong thực hiện cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng thụ hưởng cũng như các cơ quan được Nhà nước trao quyền các nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP

* Phóng viên:

Xin trân trọng cảm ơn bà Nguyễn Thị Định đã trả lời phỏng vấn. Nhân dịp năm mới, kính chúc bà và gia đình luôn mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong năm 2024.

Trung tâm Thông tin và Truyền thông