Kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Kon Tum
Ngày đăng: 31/07/2018
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Ngày 30/12/2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định 162).

Vì vậy, để đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị, người dân và nhất là đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt được những nội dung cụ thể của Luật, Nghị định, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trường Nghiệp vụ Công tác tôn giáo, công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

1. Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo kịp thời

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 306/QĐ-TTg ngày 08/3/2017 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời căn cứ thực tế tình hình tại địa phương, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1358/KH-UBND ngày 25/5/2017 về triển khai việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 và Kế hoạch số 2064/KH-UBND ngày 02/8/2017 về triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.  Trong đó xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; Xác định cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật và Nghị định để bảo đảm việc triển khai thi hành Luật và Nghị định 162 được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra Kế hoạch còn chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy định về công tác quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền; tham mưu công bố thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, tổ chức rà soát, kiện toàn bộ máy, bổ sung nhân lực làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với nhiệm vụ Luật quy định.

Ngoài ra, đầu năm 2018, Ban Tôn giáo cũng đã ban hành Kế hoạch số 06/ KH-BTG ngày 22 tháng 01 năm 2018 tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2018, trong đó có 02 Hội nghị dành cho đối tượng là cán bộ chủ chốt các sở, ban ngành, đoàn thể, công chức  trực tiếp tham mưu công tác tôn giáo; 03 hội nghị dành cho đối tượng là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

2. Nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến hiệu quả

Về tài liệu:

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, hàng trăm cuốn sách về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 đã được các cơ quan, đoàn thể, địa phương kịp thời phát hành đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp và chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuộc các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Ban Tôn giáo đã biên tập, phát hành Tài liệu hỏi - đáp pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để các cấp, các ngành, chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo nghiên cứu.

Ngoài ra, còn có các đầu tài liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ như: “Văn bản pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo”, “Tài liệu giới thiệu Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”, “Hỏi – đáp pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”.

Về tổ chức hội nghị tập huấn:

Đối với cấp tỉnh: trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ: tổ chức 02 hội nghị, trong đó có 01 hội nghị trực tuyến để quán triệt, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho 748 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt, công chức trực tiếp tham mưu công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho 300 công chức làm công tác tôn giáo của 14 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho 450 chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; tổ chức 02 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho 110 công chức làm công tác tôn giáo các cấp trên địa bàn tỉnh, trong đó 01 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ công chức làm công tác tôn giáo cấp tỉnh, huyện và 01 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ công chức làm công tác tôn giáo cấp xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, Ban Tôn giáo đã cử công chức đưa đoàn chức sắc của tỉnh tham dự Hội nghị phổ biến Luật này do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức tại tỉnh Gia Lai; đưa 22 chức sắc, chức việc các tôn giáo của tỉnh đi tham dự Hội nghị bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tại tỉnh Lâm đồng và Gia Lai do Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh Trung ương phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức.

Đối với các huyện, thành phố: Bên cạnh việc cử công chức tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về công tác tôn giáo, các hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 do Sở Nội vụ tổ chức; UBND các huyện, thành phố còn tập trung chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với UBND các xã, phường thị trấn tập trung triển khai việc tuyên truyền, quán triệt quy định mới của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho tín đồ tôn giáo và quần chúng nhân dân trên địa bàn, đặc biệt trên phương tiện loa phát thanh. Một số địa phương như Ngọc Hồi, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô còn ban hành kế hoạch chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp xã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài ra, thực hiện quy chế phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh, một số hội, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ; Tỉnh đoàn Kon Tum cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến Luật này đến các hội viên, đoàn viên của đơn vị.

Nhìn chung, công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa tỉnh Kon Tum đã được các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai hiệu quả, kịp thời. Qua công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, quán triệt đã giúp cho cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về tôn giáo; hiểu rõ những quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và những nội dung trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật; từ đó góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn. Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo ngày càng phấn khởi, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; chăm lo phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân được mở rộng, phát huy; tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân và quần chúng tín đồ được nâng cao; thực hiện sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật./.

Hồng Nhung