Tăng cường quốc phòng-an ninh đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta
Ngày đăng: 26/05/2011
Các tỉnh vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới phía Bắc từ Thanh Hoá trở ra, có địa hình rừng núi hiểm trở, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn có khoảng gần 20.000.000 người, thuộc 31 dân tộc sinh sống, trong đó có khoảng 6.000.000 người dân tộc thiểu số. Các dân tộc sống đan xen với nhau, có truyền thống văn hóa đa dạng, đặc sắc; nơi đây là những địa bàn chiến lược, xung yếu trấn giữ, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

                Trải qua các cuộc kháng chiến trước đây, các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam là những khu căn cứ địa cách mạng vững chắc, cung cấp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, những năm gần đây vùng đất chiến lược này đang bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền để tác động, chia rẽ, lôi kéo, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tuyên truyền lập “Vương quốc Mông”, phát triển đạo trái pháp luật, đặc biệt là đạo Tin lành. Chúng dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc “diễn biến hoà bình” để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, quân đội, công an với nhân dân, chia rẽ giữa đồng bào miền xuôi với miền ngược, giữa người Kinh với đồng bào tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng địa hình và địa bàn cư trú phức tạp, chúng tiến hành truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập các tổ chức phản động. Lợi dụng đời sống của đồng bào dân tộc, tôn giáo còn khó khăn, sự thoái hoá, biến chất, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, phủ nhận chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Thủ đoạn hoạt động chính của chúng là tung tin thất thiệt, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, tôn giáo, vu cáo chính quyền các cấp phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, tàn quân của các tổ chức phản động trước đây và các phần tử bất mãn. Một mặt, chúng tìm cách tập hợp những người có thành tích "bất hảo", có tiềm năng hợp tác với phương Tây để tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng chống đối. Mặt khác, chúng lợi dụng những mặt hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số, những yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương ở một số nơi để kích động, chia rẽ, nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền. Thủ đoạn của các thế lực thù địch được tiến hành lặng lẽ nhưng rất ráo riết trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, quốc phòng, an ninh (QP-AN)... Trong đó, lấy việc gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm mất ổn định tình hình ở các địa bàn chiến lược các tỉnh phía Bắc là mục tiêu quan trọng hàng đầu của chúng.

           Đạo Tin lành tuy xâm nhập vào vùng dân tộc thiểu số phía Bắc muộn hơn các tôn giáo khác, nhưng đạo Tin lành đã phát triển với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp không bình thường. Đến nay, đã trở thành một “điểm nóng” hiện thực xã hội với hàng trăm nghìn người tham gia.
 
Qua khảo sát thực tế tại địa bàn một số tỉnh phía Bắc, có thể xác định nguyên nhân, điều kiện đạo Tin lành phát triển là do: Ở bên ngoài, Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục nuôi dưỡng, chỉ đạo và hậu thuẫn số phản động người dân tộc thiểu số lưu vong hình thành tổ chức và tiến hành các hoạt động kích động người Mông ở Lào, Việt Nam chống phá cách mạng hai nước; sử dụng tàn quân của Vàng Pao và một số đối tượng làm “ngọn cờ” nắm lực lượng người Mông lưu vong và bọn phản động trong người Mông ở Lào, Việt Nam. Bọn phản động trong người Mông ở nước ngoài tiếp tục sử dụng các đài phát thành tiếng Mông để tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị và liên kết với các thế lực chống Việt Nam, Lào thành lập các Trung tâm tập hợp người Mông từ các nước Lào, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc huấn luyện hoạt động vũ trang, lập “Nhà nước” của người Mông. Thông qua hoạt động ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ (NGO), Mỹ và EU tăng cường thâm nhập, gia tăng ảnh hưởng, can thiệp, thúc đẩy “tự do tôn giáo” tại Tây Bắc và vùng phụ cận. Các tổ chức phản động ở Thái Lan, Lào, Mianma… gia tăng hoạt động xâm nhập, tác động vào nội địa ta, móc nối, xây dựng cơ sở, hình thành tổ chức ở bên trong và chỉ đạo số này tiếp tục tuyên truyền, phát triển lực lượng, tìm mua vũ khí; chuẩn bị lực lượng, đưa người từ Việt Nam sang Lào tham gia hoạt động chống phá,…
 
Ở trong nước, nổi lên hoạt động tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị, tập hợp lực lượng nhằm lập “Vương quốc Mông”; hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tình hình di cư­ tự do, tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong vùng dân tộc thiểu số, tội phạm hình sự chưa được giải quyết kịp thời. Nhận thức được tính chất phức tạp của việc đạo Tin lành xâm nhập, phát triển vào vùng dân tộc thiểu số các tỉnh phía Tây Bắc nước ta, gắn với âm mưu, ý đồ lợi dụng của một số nước phương Tây và các thế lực thù địch để chống phá ta, ngay từ khi đạo Tin lành mới xâm nhập.
 
Trước âm mưu, ý đồ của địch, các tỉnh Tây Bắc nước ta đã tăng cường củng cố QP-AN trên các địa bàn trọng điểm; nhất là đã phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trinh sát nắm chắc, đánh giá toàn diện tình hình liên quan đến âm mưu, hoạt động của các đối tượng nước ngoài, các tổ chức quốc tế, NGO, các tổ chức tôn giáo, các dự án ở những địa bàn trọng điểm trên các tỉnh Tây Bắc; hoạt động kích động chia rẽ dân tộc, phát triển đạo Tin lành; hoạt động của bọn phản động người Mông ở nước ngoài móc nối từ Lào, Trung Quốc, như: Buôn bán ma tuý, kích động di cư, xưng, đón “vua”, chúng tụ tập đông người Mông hoạt động trọng tâm ở Mường Nhé, Điện Biên, Mường Chè, Lai Châu. Tăng cường nắm, quản lý chặt hoạt động của các đoàn thường trú, lâm thời, các NGO nước ngoài móc nối tuyên tuyền, phát triển đạo Tin lành hoạt động. Hạn chế việc cấp phép cho các NGO liên quan đến tôn giáo, dân tộc Mông, triển khai dự án ở vùng Tây Bắc. Chủ động hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ giữa Bộ đội Biên phòng với Công an các tỉnh Tây Bắc tích cực trao đổi tình hình, phối hợp với các nước bạn Lào, Trung Quốc đảm bảo an ninh biên giới, đấu tranh với hoạt động kích động lập “Vương quốc Mông” của địch. Tăng cường đấu tranh ngăn chặn hoạt động tán phát tài liệu tuyên truyền luận điệu tâm lý chiến của các đài phát thanh tiếng Mông ở Mỹ, ở Thái Lan tác động xấu vào các tỉnh phía Bắc; triển khai thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân đảm bảo an ninh biên giới Việt - Trung, Việt - Lào. Tăng cường củng cố QP-AN, chủ động tấn công địch từ bên ngoài, ngay tại sào huyệt của chúng, tập trung vào số đối tượng cốt cán, cầm đầu phản động người Mông ở nước ngoài.
 
Thời gian tới, các thế lực thù địch, nhất là ở các nước phương Tây sẽ tiếp tục hậu thuẫn, tài trợ cho bọn phản động người Mông lưu vong chuyển lực lượng và hoạt động vào vùng dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc theo hướng sử dụng đạo Tin lành nhằm lôi kéo, không chế quần chúng, tín đồ cuồng tín, lạc hậu để thực hiện ý đồ chống phá cách mạng nước ta. Các NGO nước ngoài sẽ tăng cường triển khai hoạt động ở địa bàn các tỉnh Tây Bắc nhằm cài cắm cơ sở xã hội chống phá lâu dài. Bọn phản động lưu vong người Mông được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, chúng sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động kích động tập hợp, liên kết lực lượng, các nhóm chống đối ly khai nhằm thúc đẩy hình thành lập “Vương quốc Mông”, “Nhà nước tự trị” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các tỉnh Tây Bắc sẽ không loại trừ có thể dẫn đến nguy cơ bạo loạn chính trị, cục bộ ở một số địa bàn. Để tăng cường củng cố QP-AN vùng chiến lược các tỉnh phía Tây Bắc, nhất là địa bàn Tây Bắc, mục tiêu, yêu cầu đặt ra là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để bị động bất ngờ, không để bạo loạn xảy ra trong bất kỳ tình huống nào, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
 
Một là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Qua đó nâng cao giác ngộ ý thức dân tộc, đề cao lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trong đó có lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; đồng thời vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch để đồng bào các dân tộc, tôn giáo hiểu rõ bản chất, luôn đề cao cảnh giác, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi mưu đồ phá hoại của chúng. Thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh; củng cố các tổ chức quần chúng, như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; đồng thời phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các chức sắc, chức việc đứng đầu các tổ chức Tin lành ở vùng dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc để chi phối, hướng dẫn hoạt động nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ các trung tâm Tin lành, tạo thành lực lượng đấu tranh phòng chống "diễn biến hoà bình" mạnh mẽ, rộng khắp ở địa phương, cơ sở. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, cùng nhân dân bàn bạc tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, không để phát sinh thành "điểm nóng".
 
 
Hai là,tăng cường chủ động tấn công địch từ bên ngoài, ngay tại sào huyệt của chúng, tập trung vào số đối tượng cốt cán, cầm đầu phản động người Mông ở nước ngoài. Tăng cường kế hoạch nghiệp vụ phối hợp giữa các lực lượng quân đội và công an đấu tranh với các nhóm phản động người Mông, như: “Châu Phạ - Đảng Cộng sản Mông” tại sào huyệt của chúng ở Lào, Myanma... Tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố đấu tranh ngăn chặn hoạt động lôi kéo người sang Lào tập hợp lực lượng chống phá Lào và Việt Nam, hình thành “Vương quốc Mông”. Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh ngoại giao, quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là với Lào, Trung Quốc, Mianma và Thái Lan trong công tác ngăn chặn, hạn chế hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng địa bàn Lào, Trung Quốc để tạo bàn đạp móc nối đưa người đi nước ngoài huấn luyện, chuyển lực lượng và hoạt động chống phá vào các tỉnh Tây Bắc để lập “Vương quốc Mông”.
 
Ba là,  đối với công tác quản lý hoạt động của NGO ở các tỉnh Tây Bắc: Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao cảnh giác với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thông qua hoạt động của NGO vào địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 19/CT-TW của Ban Bí thư về công tác quản lý hoạt động của các tổ chức  NGO nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, rà soát, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý hoạt động của NGO nước ngoài tại Việt Nam. Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quản lý hoạt động của các tổ chức NGO nước ngoài tại Việt Nam, sửa đổi Nghị định 85/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý người Việt Nam làm việc trong các tổ chức NGO nước ngoài tại Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới.
 
Bốn là, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo và có kế hoạch củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là những địa bàn phức tạp, có nhiều người theo đạo. Hướng vào việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền làm cho đồng bào theo đạo hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, không để phần tử xấu tuyên truyền xuyên tạc, lợi dụng chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước để kích thích phát triển đạo. Thực tế thời gian qua, có nhiều người bị lôi kéo theo đạo mang tính chất phong trào, mức độ tín ngưỡng chưa sâu sắc, khi được ta tuyên truyền, giải thích, họ đã tự nguyện quay lại theo phong tục, tín ngưỡng truyền thống. Cần tiếp tục có biện pháp thiết thực quan tâm giúp đỡ họ, nhưng cách làm phải khéo léo. Đối với các xã, bản có đông người theo đạo Tin lành, đặc biệt là số xã, bản đang bị ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền lập “Vương quốc Mông”, cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có kế hoạch củng cố toàn diện về mọi mặt, đồng thời tiếp tục tăng cường lực lượng xuống địa bàn “nằm vùng”, bảo đảm quản lý được địa bàn, đối tượng, làm chỗ dựa cho cấp ủy, chính quyền cơ sở. Ở những nơi có hoạt động tôn giáo trái pháp luật (tụ tập đông người để truyền đạo, tham dự các khóa học tôn giáo ở trong và ngoài nước, đưa người nơi khác đến truyền đạo, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện... nhưng không tuân thủ các quy định hiện hành), cần phải kiên trì cảm hóa giáo dục, răn đe. Nếu thái độ ngoan cố, tiếp tục có hoạt động vi phạm, cần đưa ra kiểm điểm vạch mặt trước quần chúng hạ uy tín và thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ pháp lý để xử lý công khai trước pháp luật khi có yêu cầu.
 
Năm là, tập trung giải quyết nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số.Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN của Đảng, Chính phủ như: Chương trình 135, Chương trình xoá đói giảm nghèo, Chương trình quân dân y kết hợp,…. Tập trung huy động nguồn nhân lực, vật lực cho đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc; ưu tiên đầu tư cho chương trình xoá đói, giảm nghèo, nhất là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước, và chính quyền các địa phương chăm lo tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào. Thúc đẩy phát triển KT-XH ở các vùng đồng bào dân tộc Mông gắn với những chương trình cụ thể như: tập trung giải quyết đất sản xuất cho đồng bào, giúp họ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ nhà ở, phát triển y tế, giáo dục; có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo nguồn nhân lực trí thức để phát triển lâu dài. Cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm chăm lo đến đời sống văn hoá- tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức các lễ hội truyền thống và giao lưu văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của từng dân tộc... Đó là động lực to lớn cho sự phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng để củng cố mối quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc./.
 
Đại tá PGS, TS. Trần Nam Chuân
Viện Chiến lược Quốc phòng/BQP