Phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình: Lời giải từ thực tiễn
Ngày đăng: 27/09/2019
Khó khăn chồng chất khó khăn, từ loay hoay tìm nguồn đến gỡ những rào cản đặc thù với mong muốn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đã đặt ra yêu cầu bức thiết với Đảng bộ tỉnh Ninh Bình trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo nhằm hướng đến mục tiêu chung: Xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, có tính kế thừa và phát triển. Cuộc trao đổi với ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã giúp chúng tôi có cái nhìn khái quát nhất về những cách làm của Đảng bộ để giải bài toán phát triển đảng viên là người có đạo.

Kỳ 3: Đủ nắng hoa sẽ nở

Nhân những “hạt giống đỏ”

Phóng viên (P.V)Thưa đồng chí, tại sao Ninh Bình lại chọn một việc rất khó - phát triển đảng viên là người có đạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ này”?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Trước tiên phải khẳng định phát triển đảng viên hiện nay ở một số lĩnh vực như trong các doanh nghiệp, ở vùng đồng bào có đạo...là việc khó nhưng khó vẫn phải quyết tâm làm thì mới chống được xu hướng “già hóa” báo động ở các chi bộ thôn, xóm.

Từ đó, góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo tính kế thừa và phát triển trong Đảng. Khó nên mới phải chọn ra những nơi, những việc có thể “giải khó”. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã họp bàn nhiều lần để đi đến thống nhất ban hành một số nghị quyết chuyên đề về kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp, công nhân và người có đạo; tuy nhiên xác định rất rõ: Trong công tác phát triển đảng viên, chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo, coi đây như việc nhân những “hạt giống đỏ” cho Đảng bởi đặc thù của Ninh Bình là tỉnh có 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo.

Những người có uy tín trong các tôn giáo này nếu đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ là những nhân tố rất tốt để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Đồng thời, những đảng viên là người có đạo, nhất là chức sắc, chức việc sẽ là “cánh tay nối dài” của những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng khi tiếp tục làm tốt việc phát triển đảng viên mới là các tín đồ trong tổ chức giáo hội của họ.

Thực tiễn đã cho thấy chủ trương này là đúng đắn bởi những đảng viên là người có đạo được đứng trong hàng ngũ của Đảng thời gian qua hầu hết là đảng viên trẻ có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì thế, tôi khẳng định, ở Ninh Bình, nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo đã nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước; góp phần kịp thời bổ sung được lớp kế cận cho Đảng, “tre già măng mọc” theo đúng quy luật.

Thực hiện đồng bộ,quyết liệt, sáng tạo

P.V: Có nghĩa là Ninh Bình không nằm trong bối cảnh chung của cả nước về công tác phát triển đảng viên?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Về các yếu tố khách quan, Ninh Bình không nằm ngoài tình hình chung của cả nước bởi trong xu thế phát triển chung, không ít thanh niên sống thiếu lý tưởng, có tình trạng “nhạt Đoàn, phai Đảng”; số còn lại thì đi làm ăn xa, thiếu nguồn tại chỗ. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán về công tác phát triển đảng viên, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt.

Có những giải pháp chỉ triển khai trong một thời gian ngắn, mang tính thời điểm; có những giải pháp mang tầm vĩ mô, bền vững và tất cả đều đòi hỏi sự chung tay, nỗ lực của cả hệ thống chính trị để phát triển đảng viên là người có đạo đạt được cả “chất” và “lượng”, là “đòn bẩy” để làm tốt công tác phát triển đảng viên mới nói chung. Nếu nói ví von hình ảnh là “đủ nắng hoa sẽ nở”, khi các giải pháp được đồng bộ và phát huy tác dụng thì hiệu quả đạt được sẽ như mong muốn.

P.VĐồng chí có thể chia sẻ một ví dụ về giải pháp mang tính thời điểm mà Ninh Bình đã triển khai?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện quyết liệt việc xóa xóm trắng chi bộ để khắc phục tình trạng chi bộ ghép ở Yên Mô và Kim Sơn. Những thôn, xóm này là các khu dân cư Công giáo toàn tòng nên người dân còn nhiều định kiến trong việc vào Đảng.

Các cấp ủy và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, sâu sát, quyết liệt với nhiều cách làm, nhiều giải pháp sáng tạo, sát với thực tiễn, nhiều khi cán bộ tổ chức “biên chế” tại chi bộ để có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào có đạo, kịp thời có những điều chỉnh cụ thể, linh hoạt. Đến nay, Ninh Bình đã về đích việc xóa xóm trắng chi bộ. Nói thì đơn giản nhưng là công sức của cả tập thể, cả một hệ thống thì “nút thắt” lâu ngày này mới được gỡ và chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo để không “tái trắng”.

P.VVề vĩ mô, đâu là những chỉ đạo khác biệt để làm nên một bức tranh phát triển đảng ở Ninh Bình khác với các địa phương khác trong cả nước, trở thành điểm sáng trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Điểm khác biệt đầu tiên mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Ninh Bình đã gắn kết chặt chẽ công tác phát triển đảng với các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Ban Tuyên giáo các cấp đã mở nhiều lớp để nâng cao nhận thức về Đảng cho đồng bào có đạo, nhất là các chức sắc, chức việc qua việc tổ chức học tập các chuyên đề theo Chỉ thị 05, từ đó bồi đắp tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đảng. Đó là cách làm “mưa dầm thấm lâu” để tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người có đạo để biến đức tin thành niềm tin.

Biểu đồ phản ánh kết quả công tác phát triển đảng viên là người có đạo từ đầu nhiệm kỳ đến nay

Các địa phương cũng đã bám sát 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trên cơ sở đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, đó là cơ sở, là nền tảng vững chắc cho công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng.

Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa: Để làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo, ngoài những cách làm sáng tạo rất cần những yếu tố điển hình, mang tính nêu gương - Đó là những con người cụ thể với phương châm hành động “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đó là mấu chốt của thành công.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Trên cơ sở chỉ tiêu Đại hội đề ra của cả nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hàng năm, trong đó chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo.

Đối với các vùng có đông đồng bào có đạo, cấp ủy cấp trên cơ sở ra nghị quyết chuyên đề về công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới. Lễ kết nạp đảng viên là người có đạo được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định; tại buổi lễ kết nạp có thể mời gia đình của đảng viên, đại diện các tổ chức quần chúng và chức sắc, chức việc tôn giáo cùng dự để động viên, tăng sức mạnh tuyên truyền, vận động, giác ngộ đối với đồng bào có đạo.

Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với đối tượng là người có đạo, có thể gọi là tạo “cơ chế đặc thù” như: bố trí, sắp xếp thời gian phù hợp để mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại địa phương nơi có đông đồng bào theo đạo; hỗ trợ về kinh phí đáp ứng điều kiện để học viên yên tâm học tập.

Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tâm tư, nguyên vọng chính đáng của đồng bào có đạo để giải quyết kịp thời, đảm bảo theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững tình hình an ninh chính trị ở cơ sở, đồng bào có đạo được thực sự “sống tốt đời đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “kính Chúa yêu nước”.

Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp thường xuyên xây dựng tốt mối quan hệ với các chức sắc, chức việc tôn giáo, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa “đạo” và “đời” thông qua các hoạt động giao lưu, gặp mặt, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đây là nội dung cơ bản, thường xuyên, lâu dài, có ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và công tác phát triển đảng viên cũng như công tác dân vận đối với đồng bào có đạo.

P.VXin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khoa học, sáng tạo, Ninh Bình đã thành công bước đầu trong phát triển đảng viên là người có đạo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh kết nạp được 40 đảng viên là người có đạo, nâng tổng số đảng viên là người có đạo trên địa bàn lên 1.880/71.555 đảng viên. Những đảng viên này khi đứng trong hàng ngũ của Đảng có thực sự phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu? Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã bố trí, sử dụng đảng viên là người có đạo như thế nào để những “hạt giống đỏ” nảy mầm “xuân”.

(Còn nữa)

Theo baoninhbinh.org.vn