Phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình: Lời giải từ thực tiễn
Ngày đăng: 26/09/2019
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề phát triển đảng viên là một bài toán khó. Với những người có đạo càng khó hơn. Chúng tôi đã có một cuộc khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh về công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên là người có đạo nói riêng thì trên 90% những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng đều có chung câu trả lời là rất khó và nan giải, nhất là vừa đảm bảo “chất” và “lượng” như yêu cầu. Cận cảnh những khó khăn tại cơ sở mới thấy không có con đường nào trải hoa hồng bởi ngoài những khó khăn khách quan còn rất nhiều rào cản đặc thù.

Kỳ 2: Đãi cát tìm vàng

Thừa nhưng vẫn...thiếu

Khi chúng tôi tìm hiểu về thực trạng phát triển đảng viên là người có đạo tại Yên Mô, câu trả lời của đồng chí Vũ Thanh Hải, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy khiến chúng tôi khá bất ngờ bởi tại địa phương này không thiếu nguồn, nhưng nguồn “ảo”, nghĩa là tồn tại thực trạng thanh niên có nhiều nhưng thiếu quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng; nguồn nhiều nhưng không có nguồn thực sự bởi số thanh niên tại nơi cư trú thì đi làm tại các khu, cụm công nghiệp, hầu như không tham gia các hoạt động tại địa phương, có tình trạng nhiều khu dân cư tuy có tổ chức Đoàn nhưng lại “trắng” về sinh hoạt. Tôi đi vào kỹ hơn vấn đề.

- Hầu hết các địa phương đều thiếu nguồn do thanh niên đi làm ăn xa, ở Yên Mô lại thừa?

- Thừa mà lại thiếu, nghịch lý là ở chỗ đó, thừa thanh niên nhưng thiếu những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách. Số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn rất ít bởi ban ngày họ đi làm, tối mới về nhà nên “có cũng gần như bằng không”. Trong khi đó, chỉ tiêu kết nạp Đảng vẫn phải thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra nên có lúc khó quá có nơi, có thời điểm đã dùng đến “nguồn ép”, nghĩa là kết nạp những quần chúng chưa thực sự là tiêu biểu, ưu tú rồi bồi dưỡng, nâng cao dần.

- Vậy đảm bảo số lượng nhưng chất lượng thì sao, có tỷ lệ nghịch không?

- Chính vì để giải quyết bài toán cân bằng giữa “lượng” và “chất” trong phát triển đảng viên là người có đạo, chúng tôi đã mày mò, tìm nhiều hướng đi mới, trong đó tập trung vào đối tượng người có đạo là chức sắc tôn giáo.

- Vận động quần chúng là người có đạo đã khó, tại sao Yên Mô lại nghĩ tới đối tượng là các vị chức sắc, một việc như khó chồng thêm khó?

- Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã gợi mở cho Ban Tổ chức Huyện ủy mạnh dạn vận động chức sắc tôn giáo vào Đảng bởi đó là những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư, khi họ đứng trong hàng ngũ của Đảng thì sẽ phát huy được vai trò trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng tới nhân dân.

Thế nhưng từ khi ý tưởng này manh nha đến khi được hiện thực hóa cũng mất một thời gian khá dài bởi nhiều năm qua trên địa bàn toàn tỉnh chưa kết nạp được chức sắc “đương chức” nào vào Đảng, làm thế nào, bắt đầu ra sao, liệu có khả quan.... là một loạt câu hỏi luôn được đặt ra đòi hỏi cách làm thực sự khoa học, sáng tạo và linh hoạt.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Mô Đinh Văn Hậu, tác giả của sáng kiến mang tính đột phá là kết nạp chức sắc tôn giáo vào Đảng cho chúng tôi biết thêm: Một thực trạng đáng buồn khi một số thanh niên ra trường, nhất là người có đạo phấn đấu vào Đảng chỉ để thuận lợi trong xin việc làm tại địa phương với chính sách thu hút bằng giỏi và là đảng viên là được ưu tiên xét tuyển và càng ưu tiên hơn với những người có đạo.

“Tôi nghĩ các em cũng tốt cả thôi vì đã có nền học thức, nhất là những em tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi nhưng vào Đảng chỉ để mỗi thuận lợi trong việc dễ tuyển dụng thì nhận thức còn lệch lạc quá, chín ép quá. Tôi muốn những đảng viên mà các đảng bộ, chi bộ bồi dưỡng, rèn luyện để kết nạp phải là những đảng viên thực sự thiết tha với Đảng chứ không theo xu hướng “thực dụng” thì các em nói trong đồng bào có đạo người ta mới nghe”. Đó không phải chỉ là thực tế tại Yên Mô mà ở hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh.

Những rào cản đặc thù

Cùng quan điểm với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Mô, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn Hoàng Văn Thắng, địa phương được ví là “thủ đô Công giáo” của cả nước cho biết: Trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo, điều đáng quan tâm hiện nay là có một bộ phận thanh niên chưa tha thiết đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nhiều người có đạo, nhất là người trẻ luôn đặt ra những câu hỏi “Vào Đảng để làm gì, vào Đảng được gì” và “Vào Đảng có bị mất niềm tin với Chúa, có nhạt đạo, khô đạo”...Đồng chí Lê Văn Thế, Bí thư Chi bộ xóm 12, xã Định Hóa, Kim Sơn kể lại cho chúng tôi về ngày “Mặt trời chân lý chói qua tim” của ông: “Với đồng bào Công giáo, thời điểm 5 năm trước đây khi tôi tự nguyện viết đơn xin vào Đảng, cũng có nhiều ý kiến khuyên can bởi tôi nguyên là Chánh trương xứ Hóa Lộc, làm xóm trưởng xóm 12, xóm Công giáo toàn tòng gần 40 năm, bà con giáo dân rất tin tưởng. Họ sợ khi tôi vào Đảng sẽ xa đạo nhưng bằng những việc làm cụ thể, đến nay tôi đã chứng minh được vào Đảng là “tốt đời đẹp đạo”. Nhưng người Công giáo trong xóm tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng vẫn không nhiều, chỉ chủ yếu là người trẻ”.

Trong quá trình cùng với cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp, đồng chí Thế nhận ra một thực trạng là xu hướng “thực dụng” trong việc phát triển đảng viên tại một bộ phận nhỏ của thanh niên có đạo. Nhiều thanh niên vào Đảng là để dễ vào biên chế, thuận lợi trong quá trình xin việc...

Tìm hiểu thêm ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Sơn, chúng tôi còn nhận thấy, ở thôn, xóm, một số chi bộ còn tư tưởng hẹp hòi khắt khe trong việc xem xét nguồn bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa tạo được động lực để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia trong các phong trào thi đua ở cơ sở.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên, hội viên chưa sâu rộng; trong nội bộ tổ chức cơ sở Đảng, một số đảng viên tính tiền phong gương mẫu chưa cao; trong sinh hoạt chi bộ, nội dung nghèo nàn, khô khan, thiếu sức hấp dẫn, đấu tranh tự phê bình và phê bình chỉ lấy lệ, ngại đụng chạm đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phấn đấu của quần chúng ưu tú, nhất là người có đạo bởi với họ đức tin là quan trọng nhất; khi đức tin trở thành niềm tin thì “Đảng”, “đạo” và “đời” sẽ tự quyện hòa trong họ.

Một khó khăn mang tính đặc thù trong tạo nguồn phát triển Đảng tại Kim Sơn nói riêng, tại tỉnh Ninh Bình nói chung là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào có đạo về chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước còn hạn chế.

Việc tuyên truyền vận động quần chúng có đạo ở một số cán bộ còn có tư tưởng chờ nguồn tự phát; thực hiện các quy định, thủ tục về điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp đảng viên còn có biểu hiện máy móc, cứng nhắc, một số cấp uỷ cơ sở chưa nắm vững nghiệp vụ về công tác đảng viên, còn lúng túng trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện. Số quần chúng ưu tú được bồi dưỡng qua lớp nhận thức về Đảng nhiều nhưng tỷ lệ được kết nạp chưa cao, nhất là đối với quần chúng ưu tú có đạo là nữ, có chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên.

Diện mạo nông thôn mới ở Giáo xứ Lãng Vân, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn

Ở một số vùng mà tỷ lệ người dân theo đạo cao gần 100% thì nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo chưa tạo điều kiện cho giáo dân tham gia các hoạt động xã hội, phấn đấu vào Đảng, cá biệt có nơi còn gây khó khăn, cản trở. Tỷ lệ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp thôn, cấp xã là người có đạo còn ít, ảnh hưởng đến tâm lý, động lực phấn đấu của quần chúng.

Tại các huyện có đông đồng bào có đạo như Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan, việc kết nạp đảng viên là người có đạo cũng gặp những khó khăn đặc thù như: Có nhiều quần chúng có đạo hội tụ các điều kiện để có thể xem xét, bồi dưỡng cảm tình Đảng và cũng có nguyện vọng tha thiết muốn vào Đảng nhưng lại vi phạm chính sách dân số hoặc quá tuổi quy định, phải xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, trình độ học vấn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến “chất” và “lượng” khi kết nạp đảng viên là người có đạo bởi ở một số thôn, xóm có tỷ lệ đồng bào có đạo cao hoặc các thôn Công giáo toàn tòng trình độ học vấn của một số quần chúng được đưa vào danh sách “đỏ” để xem xét kết nạp lại chưa đủ điều kiện...

Đồng chí Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Để có được những kết quả nổi bật trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo, trở thành điểm sáng của toàn quốc, Ninh Bình cũng đã mất nhiều thời gian để từng bước gỡ khó, giải những “nút thắt” cả khách quan, cả đặc thù; có những thời điểm khó khăn thì việc phát triển đảng viên trong đồng bào có đạo như “đãi cát tìm vàng”, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng lãnh đạo và những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng”. Vậy Ninh Bình đã làm gì và làm như thế nào để giải quyết vấn đề này?

(còn nữa)

Theo baoninhbinh.org.vn