Đồng Tháp đưa đình làng tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc vào tour du lịch
Ngày đăng: 05/06/2019
Các đình làng tiểu biểu đang được tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát huy giá trị, tiến tới đưa một số ngôi đình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ vào các tuyến du lịch.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương, Đồng Tháp hiện có 99 ngôi đình, tọa lạc tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 4 đình được xếp hạng di tích quốc gia là đình Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự), đình Tân Phú Trung (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành), đình Phú Hựu (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành), đình Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò).

Các đình làng ở Đồng Tháp cũng như đình làng Nam Bộ hầu hết được mô phỏng theo đình làng miền Bắc, đã được định hình từ thế kỷ XVI. Hiện nay, đình làng ở Đồng Tháp không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa truyền thống mà còn là nơi tuyên truyền giáo dục về lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, tri ân các anh hùng liệt sĩ, các tiền nhân có công mở cõi, khai hoang lập ấp, lập làng; nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em trong tỉnh.

Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư, đình làng thực hiện chức năng như trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, tổ chức các hội thao truyền thống, trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa - văn nghệ, đờn ca tài tử; hội họp, bầu cử và giải quyết các vấn đề liên quan đến quy ước khóm, ấp và các nội dung khác trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết, các đình làng đang được tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát huy giá trị, tiến tới đưa một số ngôi đình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ vào các tuyến du lịch, tuyến góp phần phát triển du lịch của tỉnh và thực hiện hiệu quả đề án tạo dựng hình ảnh địa phương.

Tỉnh Đồng Tháp đang làm đề án thí điểm tại 4 đình tiêu biểu gồm: Vĩnh Phước (thành phố Sa Đéc), Định Yên (huyện Lấp Vò), Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) và đình Ngã ba Thông Bình (huyện Tân Hồng) vào các tuyến du lịch trong tỉnh.

Để thực hiện đề án, tỉnh chú trọng trùng tu, tôn tạo các hạng mục đã xuống cấp (ưu tiên các đình có giá trị tiêu biểu), sau đó sẽ thực hiện rộng rãi theo kế hoạch hằng năm; khôi phục lại những nghi thức truyền thống trong các lễ hội cúng đình, các cổ vật, các mẫu chữ cổ (chữ Hán, chữ Nôm), các hoạt động nghệ thuật dân gian như hát bội, nghệ thuật múa bóng rỗi tại lễ hội của đình.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đẩy mạnh công tác kiểm kê, sưu tầm hiện vật để đánh giá niên đại; viết lại đầy đủ, chính xác lược sử ngôi đình, tạo sức hút đối với người dân và du khách thập phương; đồng thời gắn kết đề án phát huy giá trị hệ thống đình làng với chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp; đưa các ngôi đình tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ vào các tour, tuyến góp phần phát triển du lịch và thực hiện hiệu quả đề án tạo dựng hình ảnh địa phương có hiệu quả đến năm 2020.

Lược theo dangcongsan.vn