Vài suy nghĩ nhân dịp lễ Vu lan và ngày Xá tội vong nhân
Ngày đăng: 15/08/2019
Lễ Vu lan và ngày Xá tội vong nhân diễn ra trong tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Từ nhiều đời nay, hai nghi thức đó đã ảnh hưởng tới tâm thức cũng như hành vi tôn giáo, tín ngưỡng của không ít người Việt. Chúng tôi xin được trao đổi một số ý kiến liên quan đến hai nghi thức này.

Về điển tích

Theo tìm hiểu của chúng tôi, điển tích về lễ Vu lan cũng như ngày Xá tội vong nhân đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Nếu Vu lan được các học giả có sự thống nhất cao là gắn với Phật giáo, thì Xá tội vong nhân lại có nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi một số người cho rằng Xá tội vong nhân cũng là nghi thức Phật giáo, gắn liền với Vu lan báo hiếu trong cùng câu chuyện ngài Mục Kiền Liên báo hiếu với mẹ. Thì một số khác lại nhận định Xá tội vong nhân không liên quan gì đến đạo Phật, mà là một phần của Đạo giáo, với việc các vong hồn được thả tự do vào ngày Rằm tháng Bảy hàng năm. Lại cũng có ý kiến cho đây là tín ngưỡng dân gian, nói về những vong hồn vất vưởng, lang thang, không có người thờ cúng, cần sự bố thí của mọi người.

Chúng tôi nghĩ rằng, rất khó để minh định tính chính xác của từng điển tích. Và có lẽ, nếu làm được việc ấy, thì kết quả cũng không tác động nhiều tới thực tế hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến những nghi thức này.

Về giá trị, ý nghĩa

Lễ Vu lan với mục đích báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên; còn Xá tội vong nhân, cúng cô hồn, với ước muốn giúp đỡ những vong hồn cô đơn, không người thờ cúng, đều là những việc làm có giá trị, ý nghĩa về tâm thức, đạo đức, và mang tính nhân văn.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, các giá trị, ý nghĩa đó không phải mặc định có được khi ta thực hành nghi thức, mà chỉ có thể có được với những nhận thức, việc làm phù hợp; nếu hiểu sai, làm sai, nó có thể còn gây tác hại xấu.

 

Về nhận thức và thực hành

Theo điển tích, lễ Vu lan cũng như Xá tội vong nhân, cúng cô hồn đều liên quan đến vong linh người đã khuất. Tuy nhiên, trên thực tế, hai nghi thức này có những hướng thể hiện tương đối khác nhau. Nếu lễ Vu lan được tổ chức thiên về các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, qua đó thể hiện, nhắc nhở tấm lòng hiếu nghĩa của con cái với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Thì Xá tội vong nhân, cúng cô hồn lại thiên về việc cúng đồ ăn, thức uống, đốt vàng mã cho các vong hồn, với mục đích để các vong hồn không còn bị khổ sở, đói khát.

Với nghi thức Xá tội vong nhân, cúng cô hồn, cũng như lễ cúng gia tiên, hay cúng các đối tượng vong linh khác mà có sử dụng đồ ăn, thức uống, vàng mã; chúng ta thấy nổi lên mấy vấn đề cần suy nghĩ, xem xét:

Thứ nhất, vong linh người đã khuất (nếu có) thuộc trạng thái nào thì chúng ta chưa biết, nhưng chắc chắn không ở dạng vật chất như cơ thể sống của chúng ta. Mà chúng ta biết, mỗi dạng vật chất khác nhau sẽ có nhu cầu, đối tượng và quá trình trao đổi chất khác nhau. Vong linh không cùng dạng vật chất với cơ thể chúng ta, đương nhiên sẽ không có nhu cầu, đối tượng và quá trình trao đổi chất giống chúng ta; tức là không phải ăn, uống, sử dụng đồ dùng hàng ngày như chúng ta. Điều này được chứng minh qua việc quan sát thực tế, chúng ta thấy, tại tất cả các lễ cúng lớn nhỏ, lượng đồ cúng đều không thay đổi trước và sau khi cúng; như thế, vong linh đã không sử dụng đồ ăn, thức uống được cúng.

Thứ hai, trên thế giới, những cộng đồng có quan niệm và thực hiện cúng đồ ăn, thức uống, đốt vàng mã cho vong linh không nhiều, chiếm tỷ lệ nhỏ. Vậy, nếu đúng là vong linh cần đồ ăn, thức uống, vàng mã để tồn tại, thì phần lớn số vong linh trên thế giới không được cúng những vật chất ấy sẽ không thể tồn tại được.

Thứ ba, theo tìm hiểu của chúng tôi, quan niệm về sự tồn tại của vong linh không phải chỉ có ở Việt Nam và một số ít các nước cúng đồ ăn, thức uống, vàng mã. Tại các nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây, nơi không có tập tục cúng những thứ ấy cho người đã khuất, vậy mà mật độ các câu chuyện về sự xuất hiện của vong hồn chẳng kém gì nước ta, nếu không muốn nói còn dày đặc hơn, nhiều chi tiết hơn; bởi ở các nước đó, với cách sống thiên về tính chính xác, coi trọng số liệu, nên họ có thói quen ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận mọi việc, nhất là những việc lạ thường.

Từ những phân tích và dẫn chứng vừa nêu, ta có thể suy luận, thậm chí có thể kết luận: Vong linh không sử dụng đồ ăn, thức uống, đồ mã mà chúng ta cúng.

Phải chăng, vì thế, mà việc làm đồ cúng chỉ có ở một số cộng đồng nhất định, không mang tính phổ biến trên thế giới.

Các vong linh không sử dụng đồ cúng, tuy nhiên, việc cúng bái lại có những giá trị về mặt tinh thần, cụ thể: Một là, qua việc cúng bái, người còn sống bày tỏ được sự tưởng nhớ, quan tâm tới người đã khuất; hai là, việc làm đó đã nhắc nhở mọi người, họ hàng, con cháu phải nhớ tới công ơn người đã khuất; và ba là, vong linh (nếu có), có thể thấy được sự quan tâm của người sống với mình.

Như vậy, có thể nói, trong nghi thức thờ cúng, thì giá trị, ý nghĩa về mặt tinh thần là rõ ràng; còn giá trị, ý nghĩa về mặt vật chất là rất hạn chế. Từ ấy, chúng ta có thể rút ra đặc trưng của việc thờ cúng là: Cần đề cao tinh thần, nên giảm thiểu vật chất, và không để yếu tố vật chất ảnh hưởng tới yếu tố tinh thần.

Đề cao tinh thần là việc chúng ta thành tâm, nhất tâm, an tâm, tĩnh tâm, thể hiện tình cảm, sự trân trọng, biết ơn, trong việc thờ cúng. Giảm thiểu vật chất là việc không cần hoặc chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ, mang tính tượng trưng đồ cúng các loại. Và không để những yếu tố vật chất ảnh hưởng tới yếu tố tinh thần là không để những lo lắng, trở ngại về lễ nghi, tiền bạc, đồ cúng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm thái của chúng ta khi thờ cúng.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin bàn luận đôi điều về việc cúng bái các vị thánh thần. Để tiếp cận vấn đề được đơn giản, thực tế, chúng ta hãy lấy ví dụ về một vị thánh rất nổi tiếng ở nước ta, đó là đức Thánh Trần. Sinh thời, Ngài là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, một con người có thật, bằng xương bằng thịt như tất cả chúng ta. Sau khi Ngài mất, nhân dân tôn xưng là Đức Thánh Trần, và thực hiện các nghi thức thờ cúng. Như vậy, chúng ta thực hiện các nghi thức thờ cúng Đức Thánh Trần chính là thực hiện nghi thức thờ cúng vong linh của cụ Trần Quốc Tuấn. Nếu các vong linh khác không cần đến đồ ăn, thức uống, đồ mã để tồn tại, thì đương nhiên, vong linh của Cụ cũng vậy, không cần những vật chất ấy. Cho nên, khi thờ phụng đức Thánh Trần, cũng như khi thờ cúng các vị thánh thần khác, theo chúng tôi, như đã nêu và phân tích ở trên, chúng ta cũng cần đề cao yếu tố tinh thần, giảm thiểu yếu tố vật chất, và không để yếu tố vật chất ảnh hưởng tiêu cực đến tâm thái của chúng ta trong việc thờ cúng các Ngài.

 

Hồng Quân