Giá trị các tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Ngày đăng: 12/10/2022
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích cả nước với hơn 18 triệu dân sinh sống, (chiếm 19,8% dân số cả nước). Trong đó, đồng bào Khmer có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số. Đồng bào Khmer di cư về Đồng bằng sông Cửu Long ngày một đông, tạo thành các khu vực cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang và rải rác ở các nơi khác như Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long… Vùng đất này, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ hoành hành…do vậy, nơi đây là “mảnh đất” cho các loại hình tín ngưỡng dân gian phát triển.

Các nghi lễ của đồng bào khmer ở (ĐBSCL) có thể kể đến 3 lễ hội chính trong năm: Tết Chôl Chnăm Thmây; Lễ hội Sen Đôn Ta và Lễ hội Ok-Om-Bok. Thông qua các lễ hội, tín ngưỡng  không chỉ góp phần giữ gìn, xây dựng tình yêu quê hương, đất nước; thúc đẩy lòng nhân ái, tinh thần nghĩa hiệp mà còn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những giá trị tốt đẹp, nhân văn của các tín ngưỡng dân gian vì nhiều lí do khách quan và chủ quan đang dần bị phai nhạt. Chúng ta cần có những giải pháp phù hợp nhằm phát huy giá trị các tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay.

Đặc điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tác động đến đời sống văn hóa của người Khmer

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, chiếm 13% diện tích cả nước với hơn 18 triệu dân sinh sống, chiếm 19,8% dân số cả nước, trong đó, người Kinh chiếm hơn 90% dân số; người Khmer có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số; người Hoa có khoảng 192.000 người, chiếm 1,1%; người Chăm có khoảng 15.000 người, chiếm 0,08%[1]. Người Khme đã có mặt ở (ĐBSCL) từ đầu thế kỷ XVI, tức sau khi vương quốc Chân Lạp bị người Xiêm đánh bại, phải dời đô đến Phnom Penh ngày nay. Những người nông dân Khmer nghèo khó tìm cách trốn chạy sự bóc lột hà khắc và nạn lao dịch nặng nề của giai cấp phong kiến thống trị, đã di cư về vùng châu thổ sông Cửu Long ngày một đông tạo thành các khu vực cư trú tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang và rải rác ở các nơi khác. Đồng bào Khme đã chọn những nẻo đất cao trên những giồng dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu ở (ĐBSCL), dựa vào thiên nhiên để sinh tồn. GS. Mạc Đường đã nhận xét: “Cho đến thế kỷ XVII, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sống khu biệt và không có mối quan hệ hành chính với bất cứ quốc gia nào thời đó[2]. Người Khmer ngay thẳng, thật thà, rất tôn trọng đạo lý. Hầu hết thanh niên lớn lên đều vào chùa đi tu để rèn luyện đạo đức, tri thức, nhân cách trước khi vào đời. Họ trọng tình nghĩa, chân thành, thương yêu, sẵn sàng giúp đỡ người thân, bạn bè.

Trong cuộc sống ngoài nhu cầu về giá trị vật chất, con người còn có nhu cầu về giá trị tinh thần, nhu cầu đó là động lực cho con người vươn tới chân, thiện, mỹ. Từ buổi sơ khai, khi nhận thức của con người về thế giới, về vạn vật còn hạn chế, con người không thể lý giải các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tưu duy ở góc độ khoa học, thì thế giới quan tâm linh sẽ thay thế, giúp con người mạnh mẽ, vững tin nơi đất khách. Khi đồng bào Khmer đến (ĐBSCL) khẩn hoang lập ấp, ngoài kiến thức sinh tồn, họ đã mang theo các loại hình tín ngưỡng dân gian đến vùng đất mới. Vùng đất này, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hoang sơ huyền bí, thú dữ hoành hành…do vậy, nơi đây là “mảnh đất” cho các loại hình tín ngưỡng dân gian phát triển. Vùng (ĐBSCL) có hơn 1.230 lễ hội, trong đó, lễ hội dân gian, truyền thống chiếm gần 70%, lễ hội tôn giáo chiếm hơn 21%, lễ hội lịch sử cách mạng hơn 8%, còn lại là các lễ hội khác[3]. Có thể thấy, khi định cư ở (ĐBSCL) người Kinh, người Hoa và người Khmer tuy các nền văn hóa khác nhau nhưng lại gặp nhau ở nụ cười của đức phật. Tiếng đọc kinh chùa của người Khmer tuy thiếu tiếng chuông mõ của chùa người Việt nhưng đều nhắc nhở cả hai làm việc thiện, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đời sống tín ngưỡng của đồng bào Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long

Lễ hội tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khmer gắn liền với đạo đức, lối sống và ước nguyện của con người trong cuộc sống, không chỉ tiếp nối truyền thống tâm linh, mà còn là một liệu pháp tâm lý giúp con người đứng vững trước thiên nhiên khắc nghiệt vào buổi đầu nơi đất khách. Đồng bào Khmer thực hiện những nghi lễ mong sao cho quan hệ giữa con người và thiên nhiên tốt hơn”[4]. Nhìn chung, các nghi lễ của đồng bào khmer ở (ĐBSCL) có thể kể đến 3 lễ hội chính trong năm là: Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền (Tết năm mới), Lễ hội Sen Đôn Ta (Phchum Banh - Lễ hội cúng ông bà tổ tiên) và Ok om bok cúng trăng. Ngoài ra còn có lễ hội, Lễ hội Dâng Y Kathina, lễ Dâng bông, Lễ Nhập hạ, lễ hội phum sóc … là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất tồn tại, phát triển trong lịch sử.

Trong đời sống của các dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phum là đơn vị cư trú thường bao gồm từ 3 – 5 gia đình, sống quây quần trong một khoảnh đất nhất định, trên những dải đất cao (được gọi là những “giồng đất, giồng cát”). Xung quanh phum thường trồng tre gai (loài tre có gai) bao quanh thay cho việc làm tường bao để bảo vệ các gia đình trong phum. “Lập phum, người ta chọn nơi đất tốt, cao ráo, xác định khuôn viên, trồng tre xung quanh để làm rào khép kín, quay mặt ra đường cái, có cổng ra vào, bên trong ngăn nắp, nhà ở theo thứ tự, từng hộ có nơi làm chuồng trâu, bò, heo, nơi chất rơm khô. Phum rộng còn có chút đất ở phía sau để mỗi hộ có thể trồng trọt chút ít rau, đậu, hành, ớt… [5] [    tr….]. Các gia đình trong phum hầu hết đều có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân với nhau. Cùng với quá trình cộng cư, giúp nhau trong lao động sản xuất, ở (ĐBSCL), Phật giáo Nam Tông từ lâu đã mang dấu ấn đậm nét trong tâm linh của cộng đồng. Người Khmer ở (ĐBSCL) có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc và phong phú. Phật giáo là tôn giáo gần như độc nhất và có ảnh hưởng đến đời sống nhiều mặt của người Khmer. Mỗi sóc của người Khmer có ít nhất một ngôi chùa, chùa là bộ mặt xã hội, là trung tâm tôn giáo, văn hóa của cộng đồng cư dân Khmer trong các sóc. Người Khmer lấy chùa làm nơi sinh hoạt tôn giáo, vì bản chất của văn hóa Phật là sự sống an hòa, tịnh lạc không đố kỵ, hơn thua. Theo Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh: “Người Khmer quan niệm “lúc trẻ phải trau dồi tri thức, lớn lên phải biết giữ của, về già phải biết tu thân, lúc sắp lìa trần phải biết niệm phật”[6]. Do vậy, đối với người Khmer ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà còn được xem là “trung tâm văn hóa - xã hội” là “ngôi nhà chung” của đồng bào dân tộc Khmer nơi gắn kết cộng đồng bền chặt. Ngôi chùa được các gia đình trong phum, sóc góp công, góp của … xây dựng nên. Chùa cũng là nơi diễn ra các lễ hội, tín ngưỡng quan trọng trong sinh hoạt của phum, sóc cũng như suốt cuộc đời con người “sự tử cũng như sự sinh”. Mỗi lễ hội tín ngưỡng có những ý nghĩa khác nhau, nhiều nghi thức độc đáo diễn ra, và luôn lấy chùa làm trung tâm tổ chức nghi thức lễ hội.Khi qua đời, bà con Khmer mà xin đem vào chùa hỏa táng, lấy tro cốt gửi vào chùa phụng thờ, với triết lý để vong hồn người quá cố ngày đêm nghe kinh Phật, ăn chay, kề cận ánh hào quang sớm được siêu thoát, về nơi Tây phương cực lạc. Theo nghiên cứu của Phạm Thị Hương Hạnh: “Chùa là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa dân tộc Khmer, nơi rèn luyện đạo đức và nhân cách con người, cũng là nơi giáo dục cho thanh niên người Khmer. Người Khmer xem chùa là nơi thiêng liêng, trang trọng, nơi tập trung những gì tinh túy nhất của dân tộc”[7].

Có thể thấy, một số lễ hội mang ý nghĩa cầu mong sự an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giúp người ta nhớ về cội nguồn tổ tiên, ông bà đã sống chan hòa và yêu thương nhau hơn trên mảnh đất này, rất được cộng đồng trân trọng: Lễ hội Cúng Phước Biển được tổ chức tại chùa Cà Săng (Srei Krosang), ở làng biển xã Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; đua Bò kéo xe, đua Ghe ngo trên cạn,... ngày hội cũng có những chương trình biểu diễn văn nghệ với những điệu múa uyển chuyển, điêu luyện của các cô gái Khmer hòa cùng dàn nhạc ngũ âm và cả vũ điệu cổ truyền như múa gà, múa trống Sadam, múa khỉ của các nghệ nhân Khmer.

Ngoài ra, nét đặc thù trong các phong tục tập quán, các tín ngưỡng, lễ hội trong sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào Khmer nhiều hình thức tín ngưỡng cổ xưa của đồng bào Khmer còn bắt nguồn từ tục thờ đá Neak Tà (còn gọi là Nạk Tà) trong các phum, sóc. Trong tiếng Khmer, “Neak” là danh từ chỉ người nói chung, “Ta” là người đàn ông lớn tuổi, được tôn kính, được cộng đồng tín nhiệm. “Neak Ta” còn được xem là vị thần bản thổ, thần chữa bệnh, xét xử.

Tâm điểm đáng chú ý là Tết cổ truyền (Chôl Chnăm Thmây), “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là “Năm Mới.”. Tết Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là Tết năm mới, mọi người cầu mong sang năm mới mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, những gì còn thiếu sót cũng như những muộn phiền trong năm cũ sẽ tiêu tan hết, điều may mắn sẽ đến. Trong các ngày 14, 15 và 16/4 hàng năm, đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền.  Khi nghiên cứu Tết cổ truyền (Chôl Chnăm Thmây) chúng tôi nhận thấy, cũng giống như phong tục của người Kinh, Hoa đồng bào cũng ăn tết 3 ngày: Ngày thứ nhất có tên gọi là Sang-kran “bước đi, tiến tới”. Ngày thứ hai gọi là Wana-bot “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lơn-sắtk “tiến lên, tăng lên”. Ngày thứ nhất, từng đoàn người sẽ lên chùa với những bộ quần áo sặc sỡ, trên tay cằm nhang đèn, hoa quả cùng nhau rước thần Đại nông lịch (Maha Sâng Kran) với hàm ý biết ơn vị thần đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu quanh chính điện rồi vào lễ Phật, mừng năm mới. Ngày thứ hai, Phật tử dâng cơm cho các vị sư và đắp núi cát (Anisâng Pun Phnôm Khsách). Ngày thứ ba, là một ngày rất trọng đại đối với người Khmer, bởi đó là ngày lễ cầu siêu, tắm phật tại Chùa và tắm Phật tại nhà, mang ý nghĩa gột rửa những muộn phiền, đón những điều mới mẻ, an vui. Chư tăng được cung thỉnh làm lễ cầu siêu, nhất là những người có công tạo lập, các vị sư sãi quá cố đã hy sinh vì Đạo pháp dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc.

Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer chính là bài học răn dạy con cháu về cách sống, lối sống theo triết lý đạo phật, một triết lý nhân văn cao cả về lòng biết ơn của đồng bào với đức Phật, với các nhà sư, với ông bà mình những người đã khuất. Họ dâng cúng bánh tét, trái cây và một sấp vải trắng để cầu siêu cho người đã khuất với quan niệm “mình ăn gì thì ông bà mình có cái đó”, gần giống quan niệm “trần sao âm vậy” của người Kinh. Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer thể hiện tinh thần trọng đạo lý trong văn hóa của người dân Khmer Sóc Trăng.

Lễ hội chính thứ 2 trong năm, là  Lễ Sel Đolta, theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là “cúng”, còn “Dol” có nghĩa là “bà”, “Ta” nghĩa là “ông”. Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa như lễ vu lan báo hiếu thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của thân nhân quá cố. Theo nghiên cứu của Phạm Thị Phương Hạnh: “Vào mùa Đolta, các vị sư sãi và đồng bào Khmer ở các chùa, ở trong mỗi gia đình  đều hướng về tổ tiên với lòng thành kính để được dâng ơn, đáp nghĩa bao la vô tận đối với các đấng sinh thành đã dưỡng dục cho mỗi người lớn lên và trưởng thành”[8]. Theo phong tục truyền thống, lễ Sen Dolta thường được tổ chức trong thời gian nữa tháng với 4 nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta).  Lễ hội Sen Đôn Ta có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, người Khmer tổ chức lễ hội này không chỉ để tưởng nhớ đến công ơn những người đã khuất mà còn thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà còn sống. Đây là dịp để con cái bày tỏ lòng tôn kính, hiếu đạo của mình đối với đấng sinh thành, những thứ ngon vật lạ con cái làm cho cha mẹ dùng, cung phụng tiền bạc, sắm sửa quần áo mới cho cha mẹ. Lễ hội còn tổ chức vui chơi, múa hát những làn điệu truyền thống Khmer tại chùa cũng như tại các gia đình. Từ lâu lễ cúng ông bà Sel Đolta đã gắn liền với tâm linh người Khmer Sóc Trăng thể hiện giá trị đạo đức, văn “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào.

Lễ hội quan trọng thứ ba của đồng bào Khmer là Ok Om Bok, được tổ chức vào đầu rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Mục đích mà đồng bào Khmer tổ chức lễ hội này chính là nhằm tưởng nhớ Thần Mặt Trăng – vị thần của mùa màng, giúp đỡ người dân có vụ mùa suôn sẻ. còn có Lễ Cúng Trăng (Oóc Ombóc), của người Khmer ở Sóc Trăng. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản mùa màng. Do vậy, sau mỗi vụ mùa sản xuất, cần làm lễ cúng trăng để tạ ơn một năm mưa thuận gió hòa, thu hoạch tốt, nhà nhà trong phum, sóc ấm no, hạnh phúc. Lễ hội cũng mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện nghĩa tình đạo lý, sự biết ơn các vị thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng cần được gìn giữ và trân trọng.

Ngoài ra, lễ Dâng Y Kathina. Lễ dângy Kathina (Lễ dâng y cà sa) là nghi lễ quan trọng gắn liền với tính ngưỡng Phật giáo Nam tông, mang thông điệp văn hóa độc đáo của sự “cho” và “nhận” trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở (ĐBSCL). Lễ Dâng Y Kathina diễn ra từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch hàng năm, đồng bào phật tử Khmer hân hoan tổ chức lễ Dâng Y Kathina và dâng bông đến các tỳ khưu tăng đang tu tại các chùa chùa Khmer. Lễ Dâng Y Kathina của Phật tử người Khmer sẽ gieo nhiều phúc đức và việc người nhận là các nhà sư, sẽ viên mãn trong quá trình tu hành. Các Phật tử ngoài áo cà sa, còn dân các phẩm vật khác như đồ dùng hàng ngày cho các chư tăng với lòng biết ơn và kính trọng.Theo quan niệm nhà Phật, những ai thành tâm tham gia đóng góp cúng giường cụ thể là bộ áo cà sa dâng cho nhà sư là tạo được nhiều phúc báu nhất, tùy theo khả năng của mỗi người dân mà đóng góp. Vì vậy lễ hội mang ý nghĩa đối với những vị sư sau khi nhập hạ ba tháng, trong năm cần có bộ áo cà sa mới để thay đổi bởi nhà sư không tự trang bị cho mình được và dịp này cũng tích công đức cho đời. Đồng bào Khmer còn có Lễ Chôl Vôsa hay Lễ Nhập hạ được tổ chức vào ngày 15/6 âm lịch hàng năm. Đây là ngày mà người Khmer cầu mưa thuận gió hòa, gia đình yên ấm, hạnh phúc. Đặc biệt, người dân còn mang các vật dụng sinh hoạt để dâng tặng cho các chư tăng trong chùa vào dịp lễ quan trọng này…

Giá trị tín ngưỡng dân gian đồng bào Khmer tại Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay

Trong các văn kiện Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: Tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam (bổ sung, phát triển 2011) - một văn kiện có giá trị pháp lý cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Có thể thấy, tín ngưỡng ở vùng (ĐBSCL) có các giá trị tiêu biểu:

Một là, góp phần giữ gìn, xây dựng tình yêu quê hương, đất nước

Tín ngưỡng, văn hóa đồng bào Khmer ở (ĐBSCL), không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân, mà còn góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Lễ hội tín ngưỡng dân gian đồng bào Khmer tại (ĐBSCL) không chỉ giúp người dân thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đã khai hoang, lập ấp, mà còn nhắc nhở đồng bào về trách nhiệm giữ gìn, xây dựng tình yêu quê hương, đất nước. Do vậy, yêu nước trở thành “Tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” là “Động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ta”[9] . Khi thực dân Pháp xâm lược, chứng kiến sự hèn nhát của triều đình nhà Nguyễn nhân dân (ĐBSCL), đã kiên cường tham gia phong trào khởi nghĩa, chiến đấu chống giặc Pháp bảo vệ quê hương đất nước, do các sỹ phu yêu nước Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự... lãnh đạo. Sau năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ, cuộc kháng chiến toàn diện chống thực dân Pháp đã thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Thông qua Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước ở (ĐBSCL), đã xuất hiện nhiều tấm gương chống thức dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay, thông qua các tổ chức như Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tuyên truyền chủ trương, đường lối, để phật tử tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Hai là, thúc đẩy lòng nhân ái, tinh thần nghĩa hiệp trong đời sống cộng đồng

Lòng nhân ái,  yêu thương con người, giúp người khác vượt qua khó khăn, hòa nhập ở vùng đất mới, là sự cưu mang người khác khi “sa cơ, lỡ vận nơi đất khách”… của đồng bào Khmer được thể hiện qua lăng kính của những người đi “khai hoang, mở cõi”, đó cũng chính là lời răn dậy của Đức phật đến các tín đồ. Trong lúc khó khăn, hoạn nạn chính lòng nhân ái, tinh thần nghĩa hiệp, sẻ chia lẫn nhau đã giúp họ vượt qua hoàn cảnh thực tại. Vì vậy, đối với những người khi xa xứ, lòng yêu thương con người chính là “thương người như thể thương thân”; “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”…từ lâu đã trở thành nếp nghĩ, cách ứng xử, triết lý sống của con người nơi đây… Trọng nghĩa tình, đạo lý là đặt cái chung lên cái riêng và nếu cần cũng sẵn sàng hy sinh cái riêng vì cái chung. Có thể thấy, đây là vùng đất của dân cư thập phương, tứ xứ, con người không quen biết nhau, nhưng cũng có nhu cầu tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, do vậy cơ sở của quan hệ giữa họ ở đây không phải tình mà là nghĩa. Để sinh tồn, con người cần phải nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Tối lửa, tắt đèn có nhau”. Khi “sa cơ, lỡ vận” mọi người sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, bởi lẽ “cứu được một người phúc đẳng hà sa”. Phật cũng dạy, phật tử “từ bi” “cứu một người hơn xây bảy tháp phù đồ”. Đối với người Khmer, các vị sư có vị trí và ảnh hưởng rất lớn. Nhà sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh, bởi vậy vị sư luôn là người thày được tôn kính và tin tưởng. Trong Sân khấu kịch múa Rô Băm “đã được dân gian và bản địa hóa” về tuồng tích mang tính giáo dục rất lớn, lấy xưa răn dạy con cháu ngày nay, nhân vật chính luôn “có hậu”, giải quyết mâu thuẫn “tốt - xấu”, “thiện - ác” chiến thắng cuối cùng luôn thuộc về “cái tốt, cái thiện”, tuồng tích thể hiện nhân sinh quan của người dân (ĐBSCL).

 Có lẽ triết lý sống của nhà phật đã in sâu vào tâm thức trở thành lẽ sống, thành hành động rất đỗi bình thường của đồng bào Khmer nói riêng và người dân (ĐBSCL) nói chung. Như vậy, lòng nhân ái, tinh thần nghĩa hiệp, trọng đạo lý trong văn hóa Sóc Trăng biểu hiện ở quan hệ ứng xử của nhân dân các dân tộc Sóc Trăng đã thể hiện những bản sắc của nhân dân các dân tộc nơi đây. Nó được hun đúc từ truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta từ ngàn đời, từ những triết lý sống mộc mạc, giản dị “cơm ba bát, áo ba manh” không màng danh lợi của những con người “Mang gươm đi mở cõi…”.

Ba là, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Bằng những hoạt động từ thiện xã hội, nhà chùa cùng với nhân dân đã thể hiện vị trí, vai trò nòng cốt trong phong trào nhân đạo của toàn dân. Thông qua các tổ chức chính trị xã hội đã đóng góp quỹ vì người nghèo, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài, ủng hộ lớp học tình thương, phát quà cho người nghèo, giúp gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, xây dựng đường nông thôn, cấp tập vở cho các em... khối đại đoàn kết toàn dân được thể hiện qua Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, hội đã thực hiện tốt công tác vận động đồng bào phật tử tích cực hưởng ứng cuộc vận động của chính phủ: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.v.v.. Ngoài ra, các chùa Phật giáo Nam Tông mở các lớp dạy chữ Khmer từ lớp 1 đến lớp 6 trong dịp hè cho sư sãi và con em đồng bào Khmer theo học. Các chùa còn được cấp phát miễn phí các loại sách, báo, tạp chí theo định kỳ nhằm bổ sung vào tủ sách pháp luật để sư sãi và đồng bào phật tử nghiên cứu, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  Ngoài ra, Hội Đoàn kết sư sãi, nhà chùa kêu gọi các tín đồ ủng hộ, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong thời gian qua.

Thực trạng và một số đề xuất nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng dân gian đồng bào Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trong tâm thức người Khmer, các vị sư có vị trí và ảnh hưởng rất lớn. Nhà sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh, thực hành các nghi lễ… bởi vậy vị sư luôn là người thày được tôn kính và tin tưởng trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngày nay quan niệm của người Khmer đã thay đổi, họ không còn xem trọng việc thanh niên phải trải qua thời gian tu hành mới có đủ điều kiện kết hôn. Nhà chùa không còn đóng vai trò giáo dục chuẩn mực về nhân cách, đạo đức như trước nữa. Ngày nay, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, do áp lực công việc cũng như tốc độ công nghiệp hóa thời gian nhàn rỗi của các phật tử không nhiều, do vậy, thời gian đến chùa, tụng kinh, cúng dường, làm công quả, thiện nguyện cũng không nhiều như trước. Do vậy, hoạt động của sư sãi cũng phải thay đổi. Hình thức khất thực, tụng kinh, hành lễ bị giảm nhẹ, mất phần long trọng, hình ảnh cũng như vai trò của nhà chùa, sư sãi không còn được xem trọng như trước. Hơn nữa, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự cộng cư và sự du nhập của các tín ngưỡng, tôn giáo, các lễ hội…của nhiều nền văn hóa. Những lễ hội, tín ngưỡng đã  gắn chặt trong đời sống tâm linh từ lâu của đồng bào Khmer có phần bị xem nhẹ. Từ lâu, lễ hội tín ngưỡng của đồng bào Khmer ở (ĐBSCL) mang tính chất của đời sống dân cư vùng trồng lúa. Gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào Khmer ở (ĐBSCL) đi khai hoang, mở cõi. Nhưng những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, lễ hội dân gian truyền thống đồng bào Khmer ở (ĐBSCL) có những hạn chế nhất định. Nhìn chung, mức độ bảo tồn của lễ hội đồng bào Khmer ở (ĐBSCL) không cao, các thanh niên, đa phần là lớp trẻ không còn tha thiết với các lễ hội, tín ngưỡng dân gian như trước nữa, thay vào đó họ thích tham gia vào các lễ hội hiện đại du nhập từ nước ngoài hoặc của các cộng đồng dân tộc khác.

Nhằm phát huy các giá trị tín ngưỡng dân gian đồng bào Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước cần ban hành, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp để các tôn giáo có điều kiện phát huy tốt những giá trị tích cực và chống các hành vi lợi dụng tôn giáo, mê tín, dị đoan. Nhà nước cần cụ thể hóa các nội dung về tôn giáo được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng… Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”[10]. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy những giá trị tích cực, nhân văn trong điều kiện hiện nay.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Để đạt hiệu quả, các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm “Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo” cũng như Nghị định 162/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Cần chú trọng kêu gọi đầu tư và tăng cường thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao dân trí; tăng cường củng cố hệ thống chính trị, động viên quần chúng có tín ngưỡng, tôn giáo sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào cách mạng, các hoạt động từ thiện nhân đạo, các hoạt động thiện nguyện giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo, tín ngưỡng.

Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Tiếp tục thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo, những chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc, xây dựng nông thôn mới, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tín đồ tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống theo tinh thần: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”[11].

Cần coi trọng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển của (ĐBSCL) .Thực tiễn cho thấy, trong quá trình lịch sử, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược vừa qua ở (ĐBSCL) vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo cần có một tầm quan trọng đặc biệt. Thực dân đế quốc, cùng những thế lực thù địch tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo, phá hoại, chống đối cách mạng. Chúng tìm cách chia rẽ các tôn giáo, làm suy yếu lực lượng quần chúng nhân dân yêu nước đứng về phía cách mạng. Vì vậy, thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta ở (ĐBSCL) hiện nay, thực chất là đoàn kết nhân dân, tín đồ tại (ĐBSCL), phát huy truyền thống yêu nước của bà con dân tộc và các tín đồ tôn giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở (ĐBSCL). Đây cũng là nguồn nội lực lớn để xây dựng, phát triển ở (ĐBSCL) trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Hơn nữa, sự khó khăn trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Sóc Trăng là việc xây dựng một đội ngũ cán bộ trong đồng bào dân tộc. Đây là việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. So với một số dân tộc khác ít người ở nước ta, người Khmer, người Hoa đã có một số trí thức là người dân tộc. Tuy nhiên còn quá ít, việc đầu tư cho giáo dục, văn hóa, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong vùng (ĐBSCL) còn quá khiêm tốn. Điều đó ảnh hưởng không ít đến tốc độ phát triển của các dân tộc ở (ĐBSCL).

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cộng đồng dân cư sinh sống, trong đó có đồng bào Khmer. Là một cộng đồng không thể tách rời trong văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng như cả nước Việt Nam nói chung. Đồng bào Khmer đã cùng các dân tộc anh em khác như: Hoa, Kinh, Chăm khai hoang, lập ấp và tạo ra một diện mạo văn hóa, tín ngưỡng vô cùng độc đáo trong dòng chảy văn hóa, tín ngưỡng của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, do áp lực công việc cũng như tốc độ công nghiệp hóa... nhiều lễ hội tín ngưỡng của đồng bào Khmer ở (ĐBSCL) gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian hầu hết đã bị mai một. Thiết nghĩ, những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer cần được giữ gìn, phát huy một mặt bảo vệ bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào, mặt khác cần phát huy những giá trị tốt đẹp, cũng như kế thừa những giá trị tín ngưỡng tôn giáo từ các dân tộc khác trong quá trình giao lưu và tiếp biến các giá trị tín ngưỡng tôn giáo đồng bào Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay./.

 

TS. Lê Thị Tâm

Khoa Lý luận chính trị, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long

 

 

Tài liệu tham khảo

 [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2016), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 [3]. Hồ Chí Minh (Toàn tập), (2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 [4]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Tôn giáo và tín ngưỡng (Dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị), Nxb.Lý luận chính trị, H.2021.

 [5]. Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số TP. Hồ Chí Minh (2016), Văn hóa người Hoa Nam Bộ, Nxb Văn hóa - Văn nghệ

 [6]. Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên), (2011), Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam.  Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7]. Sơn Ngọc Hoàng (Chủ biên), (2012), Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Rô Băm của dân tộc Khmer Nam bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Đề tài cấp tỉnh, tr.53.

 [8]. Ngô Văn Lệ (Chủ Biên), Đặc trưng tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng cư dân Nam Bộ. Đề án KHXH cấp Nhà nước. Đề tài 7

[9. Trần Thị Hồng Liên (2002), “Vấn đề dân tộc & Tôn giáo ở Sóc Trăng”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (số 2), tr.124.

[10]. Sơn Lương (2005), “Vài suy nghĩ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Khmer tỉnh Sóc Trăng”, Tạp chí Văn hóa Sóc Trăng, (số 12), tr.8-11.

[11]. Ngô Đức Thịnh (2016), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.

[12]. Tiền Văn Triệu (2011), Tích xưa về người Khmer Sóc Trăng, Nxb Phương Đông, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, tr.34.

[13]. Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh (2015), Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, tr.21.

[14]. Viện Văn hóa (1993), Văn hóa người Khmer vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long,  Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội, tr.89.

[15]. Thạch Voi (1988), Khái quát về người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, in trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Tổng hợp Hậu Giang, tr.22.

 

[1] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 2019, Nxb Thống kê, 2020.

[2] Nguyễn Khắc Cảnh (2000), Sự hình thành cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sđd, tr. 225.

[3] Xem: Nguyễn Xuân Hồng: “Lễ hội của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long - Truyền thống    và phát triển”, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr. 48.

[4]  Bùi Thị Hồng Loan, Yếu tố văn hóa tinh thần trong cộng đồng cư dân Khmer đồng bằng sông Cửu Long, Hội thảo quốc tế Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Trường Đại học An Giang, tổ chức ngày 30, 31-8-2018.

[5] Thạch Voi (1988), Khái quát về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, in trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, tr. 22.

[6] Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh (2015), Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, tr.21;46.

 

[8] Phạm Phương Hạnh (Chủ biên), (2013), Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật Hà Nội, 123.

 

[9] Phạm Phương Hạnh (Chủ biên), (2013), Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật Hà Nội, tr.99.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr. 141.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr.134.