Bác Hồ với đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định
Ngày đăng: 26/05/2023
Sinh thời, Bác Hồ có 05 lần về thăm Đảng bộ và Nhân dân Nam Định. Mỗi lần về thăm, Bác đều để lại sự quan tâm yêu thương trong lòng người dân Nam Định, trong đó có đồng bào Công giáo Nam Định. Những lời chỉ bảo của Bác trong cách ứng xử cùng với chính sách tôn giáo đúng đắn khi đó đã khơi dậy, khích lệ người Công giáo Nam Định tích cực tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đất nước.

Sáng ngày 10/01/1946, sau phiên họp quan trọng với Hội đồng Chính phủ, Bác lên xe rời Hà Nội đi thăm tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và cuối hành trình Bác về thăm Nam Định. Đây là lần đầu tiên Bác về thăm Nam Định và trở thành ngày đặc biệt đối với cán bộ và Nhân dân trong tỉnh. Bảy giờ sáng, hơn một vạn cán bộ, bộ đội, Nhân dân đã họp mặt trước trụ sở UBND tỉnh để chào mừng Người. Tại đây, Bác đã gặp, nói chuyện thân mật với đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh, ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Quốc hội và Chính phủ. Mọi người đều hết sức chăm chú lắng nghe những lời dạy bảo của Người và hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác đã gặp gỡ các vị thân hào, thương gia của thành phố cùng bàn kế hoạch cứu tế, Bác cũng nói chuyện thời sự và thăm hỏi tình hình phụ nữ, cố đạo, phật tử trong tỉnh.

Sáng ngày 11/01/1946, tại trụ sở Ủy ban hành chính thành phố Nam Định, Người nói chuyện với đồng bào về những nhiệm vụ kháng chiến, cứu đói. Trước khi rời thành phố Nam Định, Người đến thăm và chia quà cho các cháu ở Trại trẻ mồ côi (nhà Thiên Thần) hay còn gọi là nhà Dục Anh, ở phố Hàn Thuyên, tỉnh Nam Định do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres phụ trách. Tại đây, Người đã đến thăm từng phòng ở, từ chỗ nuôi trẻ sơ sinh đến phòng của trẻ 9-10 tuổi và nói với bà phước nuôi trẻ: “Tôi ghé qua đây thăm bà và các cháu. Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ đó cảm ơn bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ. Chúng tội tình gì mà tội nghiệp quá”.

Có thể nói, chuyến viếng thăm bất ngờ của Bác để lại ấn tượng và tình cảm lớn trong lòng Nhân dân tỉnh Nam Định lúc bấy giờ.

Tuy thời gian gặp gỡ, trao đổi với đồng bào ngắn ngủi nhưng lại ẩn chứa trong sự chia tay đầy quyến luyến bịn rịn. Người động viên bà con Công giáo Nam Định “tích cực tham gia kháng chiến cứu quốc, tăng gia sản xuất, tiết kiệm” cũng chính là làm tròn bổn phận với Thiên Chúa và đúng tinh thần của Phúc âm. Người nói: Chính phủ cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và Nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm. Cho nên đồng bào Công giáo làm tròn chính sách của Chính phủ cũng là làm tròn tinh thần của Chúa Cơ đốc”.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm sâu sắc, luôn dõi theo phong trào yêu nước của đồng bào Công giáo, trong đó, có đồng bào Công giáo Nam Định, Người nói: “Nam Định có 18 vạn đồng bào Công giáo, các cấp ủy phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo... Đồng bào Công giáo càng hiểu rõ chính sách của Đảng thì càng gắn bó với hợp tác xã. Cho nên phải ra sức giúp đỡ củng cố và phát triển tốt các hợp tác xã của đồng bào Công giáo nhằm làm cho hợp tác xã ngày càng vững chắc, xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống ngày càng no ấm hơn”.

Người biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền Nam Định đã làm tốt công tác vận động đồng bào Công giáo tham gia phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp và đã xây dựng được những hợp tác xã tiêu biểu. Người nói: “Các cấp ủy đã biết vận động đồng bào lương và giáo xây dựng được những hợp tác xã tốt... Nhờ các hợp tác xã được củng cố, cho nên trong hai năm qua, tuy bị thiên tai ba vụ, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển cả về năng suất, diện tích và sản lượng”.

Nam Định là nơi đầu tiên trên cả nước đón nhận ánh sáng Tin Mừng, nơi có đông đảo người Công giáo vừa có lòng mộ đạo vừa có tinh thần yêu Tổ quốc. Công giáo ở Nam Định, nhất là giáo phận Bùi Chu, từ khi Giám mục Đa minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) làm Giám mục (1936-1948), không chỉ là giáo phận “thịnh vượng nhất về số lượng giáo dân, mộ đạo, sốt sắng, một hàng giáo sỹ đạo đức” mà còn là giáo phận tích cực tham gia ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong đồng bào Công giáo Nam Định, có nhiều tấm gương kính Chúa, yêu Nước tích cực tham gia kháng chiến như: Linh mục Vũ Xuân Kỷ, Linh mục Phạm Bá Trực đã kêu gọi, động viên, khích lệ giáo dân cả nước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 09 năm kháng chiến, tỉnh Nam Định có hàng nghìn người Công giáo tham gia kháng chiến, thanh niên Công giáo tòng quân, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Nhiều gia đình là cơ sở bí mật, nhiều làng Công giáo có đội du kích kháng chiến, tiêu biểu là đội du kích Công giáo thôn Quỹ Nhất, thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, là thôn Công giáo toàn tòng đã có thành tích xuất sắc trong kháng chiến, chống càn, làm tốt công tác địch vận, diệt tề, trừ gian, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành tình cảm đặc biệt đối với Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Người mời Giám mục làm cố vấn cho Chính phủ. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) là Giám mục người Việt Nam đầu tiên được Giáo hoàng Piô XI ban hành Sắc lệnh (ngày 09/3/1936) trao cho hàng giáo sỹ bản quốc cai quản Giáo phận Bùi Chu và người Công giáo Nam Định. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã thể hiện tinh thần phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc của mình bằng lời nói và việc làm cụ thể. Ông là Giám mục Công giáo Việt Nam đầu tiên nêu lên tư tưởng phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia. Trong buổi lễ “Tuần lễ vàng” do Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định tổ chức, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã có nghĩa cử cao đẹp và những lời nói giản dị, nhưng thật sâu sắc. Ông nói, là một Giám mục, “trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy tôi cũng vui lòng chia của quý làm hai. Thánh giá tôi giữ lấy để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin để phụng sự quốc gia”.

Giám mục Hồ Ngọc Cẩn cũng thể hiện tình cảm đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tự nhận mình có cùng dòng họ với Bác. Trong diễn văn mừng lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ ngày 28/10/1945, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn nói: cho đến nay, nước Việt Nam đã có 04 người được phong giám mục. Điều lý thú là mỗi người đều mang họ một Anh hùng dân tộc. Giám mục Nguyễn Bá Tòng mang họ vị anh hùng Nguyễn Huệ. Kế đến là Giám mục Ngô Đình Thục mang họ Ngô Quyền. Hôm nay là Giám mục Lễ Hữu Từ mang họ Lê Lợi. Còn tôi đây mang họ... Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trên báo Đa Minh (số 154), Giám mục Hồ Ngọc Cẩn có bài tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bài viết khác về Người, trong đó, bài Chuyện không đề của tác giả Huyền Không viết: “Cụ Hồ Chí Minh. Từ trẻ đã từng bôn ba hải ngoại nằm sương nếm mật để giành giật lấy quyền độc lập cho đồng bào yêu quý. Ngày nay, các đồng chí vì yêu tài mến đức đặt lên làm Chủ tịch cả một Chính phủ, thế mà cụ vẫn khiêm tốn nhũn nhặn, ăn mặc xuềnh xoàng, râu tóc không kịp cạo, lại đội một cái mũ... đã trải gió, mưa, như chủ của nó. Với một Chủ tịch lão thành đầy kinh nghiệm, đầy đức hy sinh và lòng khiêm tốn như thế... chúng ta có quyền tín nhiệm vào Chính phủ. Chúng ta lại có quyền hy vọng Chính phủ sẽ dẫn dắt ta đến đài vinh quang xây bằng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” (Đa Minh, số 149 năm 1945).

Tinh thần phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã lan tỏa, định hướng cho người Công giáo Nam Định đồng hành cùng dân tộc, là gạch nối đưa đạo vào đời, là động lực “thánh thiêng” để đồng bào Công giáo Nam Định tích cực tham gia cách mạng, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần đưa hai cuộc kháng chiến (năm 1945 và 1954) của Đảng và Nhân dân ta đi đến thắng lợi. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Dưới sự dẫn dắt của Giám mục, người Công giáo Nam Định đã tích cực ủng hộ nền độc lập của nước nhà và Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu bằng những việc làm thiết thực. Tờ Bán Nguyệt san Đa Minh, cơ quan ngôn luận của giáo phận do Giám mục Hồ Ngọc Cẩn làm chủ bút, trở thành tờ báo Công giáo phản ánh nhiều nhất mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền cách mạng.

Tờ Đa Minh số 147 ra ngày 01/9/1945 (một ngày trước Lễ Độc lập), đăng trang trọng Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, trong đó có vấn đề: “Tự do tín ngưỡng”. Đặc biệt, trong số ra ngày 15/9/1945, tờ Đa Minh đăng toàn bộ Bản Tuyên ngôn độc lập trên trang nhất, với nền cờ đỏ sao vàng dưới có hàng chữ Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm. Cũng trong số báo này, lần đầu tiên khẩu hiệu “Mến Thiên Chúa - yêu Tổ quốc” được đăng công khai thể hiện rõ tinh thần phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia của người Công giáo do Giám mục Hồ Ngọc Cẩn khởi xướng. Trong bài, Tinh thần độc lập trên tờ Đa Minh (03/10/1945) giải thích rõ: “Công giáo chúng ta có bổn phận yêu Tổ quốc không những vì Tổ quốc lại vì Thiên Chúa chúng ta nữa... Hai triệu người Công giáo chúng ta vốn từ trong thâm tâm đoàn kết với 20 triệu đồng bào ngoài đạo. Nhưng trước đây, vì thực dân đã có dã tâm gieo mầm ly gián giữa kẻ Lương người Giáo để thỏa mãn chính sách đê hèn “chia mà trị””.

Ngày 27/11/1948, khi Giám mục Hồ Ngọc Cẩn qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn chia buồn: “Tôi rất lấy làm đau đớn được tin Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã từ trần. Tiếc vì chiến sự, tôi không thể về để dự đám tang Đức Giám mục. Tôi đã nhờ Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III thay mặt đến dự lễ và chia buồn cùng đồng bào Công giáo địa phận Bùi Chu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành sự quan tâm đến nhiều giáo sỹ, giáo dân ở Nam Định với một tình cảm chân thành, trong đó có thể kể đến Linh mục Phêrô Vũ Xuân Kỷ (1886-1972), đã tham gia phong trào Công giáo cứu quốc ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Linh mục Vũ Xuân Kỷ cũng có những tình cảm đặc biệt đối với Người qua bài viết: “Có Hồ Chủ tịch là có tự do rồi” đăng trên Báo Cứu quốc, số 1708, ra ngày 15/5/1955 thể hiện lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm kháng chiến gian khổ, Linh mục luôn sát cánh cùng Ủy ban Liên lạc Công giáo Liên khu 3, Mặt trận Liên Việt và các linh mục, nhất là Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1946-1954), tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo kính Chúa, yêu Nước, đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho tôn giáo, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng.

Sau khi các giám mục Đông Dương tuyên bố Thư chung (11/1951), tháng 12/1951, Linh mục Vũ Xuân Kỷ triệu tập và chủ trì Hội nghị ban thường trực Ủy ban Liên lạc Công giáo Liên khu 3, ra tuyên bố khẳng định những người Việt Nam Công giáo chân chính ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tuân theo giáo luật, vâng phục chính quyền hợp pháp. Trong dịp Giáng sinh năm 1953, Linh mục Vũ Xuân Kỷ cùng với Linh mục Phạm Bá Trực viết lời kêu gọi đồng bào Công giáo, tố cáo tội ác của thực dân Pháp lên án âm mưu chia rẽ người Công giáo với người cộng sản. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954), Linh mục Vũ Xuân Kỷ cùng Linh mục Phạm Bá Trực viết thư kêu gọi đồng bào Công giáo nói rõ nội dung của Hiệp định, kêu gọi đồng bào cùng toàn dân tiếp tục đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện các điều đã ký kết nhằm làm cho nước ta được hoàn toàn thống nhất, đồng bào được hoàn toàn giải phóng, đem lại hòa bình cho mọi người.

Từ lần đầu tiên khi Bác về thăm Nam Định đến nay, 77 năm qua, những tình cảm thiêng liêng, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Nam Định, trong đó có đồng bào Công giáo luôn tin vào Đảng, Nhà nước, tự hào về truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu quê hương, đất nước đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc, ấm no cho tất cả mọi người Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Người.

Tài liệu tham khảo:

1. Nam Định và kỷ niệm những lần Bác Hồ về thăm, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định đăng ngày 19/5/2022.

2. PGS, TS. Nguyễn Phú Lợi, Đồng bào Công giáo ở Nam Định thực hiện phương châm kính Chúa, yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận Chính trị tháng 10/2022.

3. Bác Hồ với đồng bào Công giáo Nam Định, Báo Nam Định điện tử ngày 15/5/2023.

4. Trần Hùng Thắng, Tình cảm của Bác Hồ với nhân dân tỉnh Nam Định, Báo Nam Định điện tử ngày 29/01/2023.

 

Nguyễn Văn