Hoạt động tín ngưỡng góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh
Ngày đăng: 02/08/2022
Quang cảnh tại lễ hội đền Cửa Ông
Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 90% người dân có tín ngưỡng. Do những đặc điểm về tự nhiên và xã hội, mà trước hết là những đặc điểm về dân tộc và diễn biến lịch sử trên vùng Đông Bắc, nên tín ngưỡng ở Quảng Ninh có sự phân vùng, mang đậm dấu ấn lịch sử và sự dung hòa các dòng phái tín ngưỡng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 loại hình tín ngưỡng, được phân chia theo tiêu chí đối tượng thờ, đó là: tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ nhân thần, tín ngưỡng thờ nhiên thần, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, tín ngưỡng thờ người có công với làng xã, tín ngưỡng thờ Hậu Thần, tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Các cơ sở tín ngưỡng ở Quảng Ninh được xây dựng để thờ các vị anh hùng dân tộc chiếm một số lượng đáng kể, trong đó các cơ sở thờ Đức Thánh Trần và các danh tướng nhà Trần chiếm số lượng nhiều hơn cả. Điều này là do Quảng Ninh nằm ở địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh lẫy lững trong lịch sử dân tộc. Nhiều làng ở Thị xã Quảng Yên tôn Trần Hưng Đạo - danh tướng nhà Trần là Thành hoàng làng, như ở Trung Bản, Yên Giang…

Các đền thờ tướng lĩnh nhà Trần có ở nhiều nơi như đền Cửa Ông ở Cẩm Phả, đền Trần Quốc Nghiễn ở Hạ Long, đền Trần Hưng Đạo ở Quảng Yên, đình Quan Lạn ở Vân Đồn, đền An Sinh thờ 8 vị vua nhà Trần; cùng hệ thống chùa, lăng am tháp của danh sơn Yên Tử tôn thờ ba vị tổ sư Thiền phái Trúc Lâm và các cao tăng kế vị trụ trì.

Ngoài ra, còn nhiều ngôi đền thờ các anh hùng, tướng lĩnh triều đại khác như đền An Biên thờ nữ tướng Lê Chân, chùa Bác Mã thờ ba anh em họ Trương thời Hai Bà Trưng, đền thờ ba anh em họ Phạm ở Quan Lạn…

Quảng Ninh xưa là vùng đất biên ải hoang vắng, đất rộng người thưa. Suốt nhiều thế kỷ các thế hệ nối tiếp đến đây khai hoang mở đất, lập nên làng xóm ngày càng trù mật. Khi các vị Tiên công mất đi, tưởng nhớ công ơn của họ, con cháu các đời nối tiếp nhau thờ phụng. Đó là các miếu thờ Tiên Công trên vùng đảo Hà Nam của Thị xã Quảng Yên, đình làng Trà Cổ ở Thành phố Móng Cái và các đền, miếu thờ các vị khai canh ở Yên Đức (Thị xã Đông Triều), Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Yên Trì (Thị xã Quảng Yên)…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 608 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nằm trong danh mục di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê phân loại theo Quyết định 789/QĐ-UBND ngày 26/3/2015 của UBND tỉnh. Tổng số cơ sở tín ngưỡng là 324, trong đó 80 cơ sở là đình, 43 đền, 48 miếu, 140 nhà thờ họ và 13 cơ sở là di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (bia, địa điểm ghi dấu, nhà lưu niệm…).

Trong số này, có 36 công trình tín ngưỡng được xếp hạng cấp quốc gia, 29 công trình xếp hạng cấp tỉnh và gần 300 công trình đã được kiểm kê phân loại, chưa được xếp hạng. Từ Đông Triều đến Móng Cái, từ vùng miền núi nơi có đa số các đồng bào dân tộc ít người sinh sống đến vùng đồng bằng ven biển nơi đa số người Kinh sinh sống đều có các cơ sở tín ngưỡng. Trung bình mỗi năm, một cơ sở tín ngưỡng có ít nhất từ 3 đến 5 ngày lễ lớn, nhỏ và bình quân có gần 200 người tham gia trên một cơ sở.

Các loại di tích tín ngưỡng nói trên ở Quảng Ninh đều gắn với các lễ hội tín ngưỡng dân gian (lễ hội đình, đền, miếu) và các nghi lễ, nghi thức dân gian.

Đền An Sinh (thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1962

Từ thực tiễn tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền ở các địa phương trong tỉnh hiện nay, có thể thấy mỗi lễ hội có một phương thức quản lý và cách thức tổ chức khác nhau tùy thuộc vào quy mô, loại hình, mục đích, địa bàn tổ chức lễ hội. Một số mô hình tổ chức và quản lý lễ hội phổ biến như sau:

- Mô hình quản lý và tổ chức mang tính cộng đồng tự quản: Trong các lễ hội tín ngưỡng vai trò tự quản của cộng đồng được hiện diện ở tất cả các khâu, các mắt xích chính của việc tổ chức và quản lý lễ hội như: việc lên kế hoạch, lập nội dung và tiến hành lễ hội; việc thực hành lễ, tổ chức các hoạt động hội; trong quản lý các nguồn thu, chi; trong việc trùng tu, tôn tạo; trong bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh xã hội (từ quản lý hàng quán, theo dõi trật tự trị an cho đến những công việc nhỏ như thu vé vào cửa, trông giữ xe...). Mô hình này thường chỉ thấy đối với những lễ hội tín ngưỡng có quy mô nhỏ hoặc vừa, mang đậm chất truyền thống, có bản sắc riêng và được cộng đồng giữ gìn, bảo vệ tốt.

- Mô hình kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của Nhà nước: Đó là những lễ hội tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng mà việc tổ chức các hoạt động vẫn do cộng đồng quyết định và thực hiện là chính, tuy nhiên, đã có sự chỉ đạo, định hướng và tham gia của các ban, ngành chính quyền và đoàn thể. Kinh phí tổ chức lễ hội cũng được Nhà nước tài trợ một phần và sự hỗ trợ của chính quyền thể hiện rõ nhất ở các khâu an ninh, trật tự với sự tham gia của các lực lượng công an, cảnh sát, y tế… Mô hình dạng này là vừa phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng, tận dụng tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân, đồng thời có sự giám sát, điều chỉnh kịp thời của các cơ quan chức năng khi có những vấn đề nổi cộm xảy ra. Loại mô hình này rất phù hợp với các lễ hội có quy mô lớn, khách thập phương đông, lễ hội kéo dài nhiều ngày, nhất là ở các lễ hội mang tính tâm linh cao (đền Cập Tiên, Lễ hội Tiên Công…).

- Mô hình quản lý, tổ chức lễ hội có sự quản lý trực tiếp của Nhà nước: Mô hình này thường gặp ở những lễ hội có quy mô lớn tại các di tích của Tỉnh, Quốc gia, có tầm quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội thường là những lễ hội mới hoặc măng tính tôn giáo nhiều hơn. Trong việc tổ chức các lễ hội dạng này có sự tham gia, trợ giúp tích cực của các Sở, ban, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh phí, chuyên môn, nguồn nhân lực. Nội dung hoạt động của lễ hội có sự dàn dựng, lên kịch bản của các nhà hoạt động văn hóa, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Lễ hội được tiến hành một cách bài bản, quy chuẩn với các phần nghi thức nhà nước chính thống, các bài diễn văn long trọng, những màn trình diễn sân khấu hoàng tráng và ở đó chiếm ưu thế là các nghi thức, hoạt động mang tính đương đại. Lực lượng thực hiện chủ yếu là các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên. Cộng đồng dân cư sở tại cũng được tham gia, nhưng sự tham gia này có phần bị lấn át trước những nội dung phong phú khác của lễ hội.

- Mô hình quản lý, tổ chức lễ hội do tư nhân điều hành: Ban quản lý di tích là lập ra do một gia đình, dòng họ đứng ra cai quản với sự tham gia chủ yếu là người thân trong gia đình ở các vị trí trọng yếu, có tuyển chọn thêm người ngoài từ cộng đồng sở tại, có sự phối kết hợp nhất định với chính quyền địa phương (đối với các di tích là nhà thờ họ).

Các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh được quan tâm tu bổ; hoạt động tín ngưỡng, lễ hội ngày càng văn minh, mang đậm nét văn hóa vùng miền

Đối với các cơ sở tín ngưỡng là di tích, là đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh, quản lý của Luật Di sản văn hóa do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9, thông qua ngày 29/6/2001 và Luật Di sản văn hóa được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định 98/2010/NĐ-CP, ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Quy chế về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh và các quy định của pháp luật về xây dựng; Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Từ sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP có hiệu lực, hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, các Ban Quản lý di tích được thành lập như: Khu di tích Đền Trần (thị xã Đông Triều), đền Trần Quốc Nghiễn (thành phố Hạ Long), đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn), đền Xã Tắc (thành phố Móng Cái)… Mỗi cơ sở tín ngưỡng đều có người trông coi, quản lý trực tiếp (đối với các cơ sở tín ngưỡng là đền, đình…), hoặc do Ban quản lý thôn, khu, hoặc do các dòng họ quản lý (đối với các từ đường dòng họ).

Đối với các cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, mỗi cơ sở đều có bản lý lịch và hồ sơ khoa học được lưu trữ tại cơ quan quản lý như Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng tỉnh, Ủy ban Nhân dân các các cấp có di tích được xếp hạng; Phòng Văn hóa và Thông tin; Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích xếp hạng. Đối với các cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt, hồ sơ khoa học còn được lưu trữ tại Cục Di sản văn hóa.

Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với các cơ sở tín ngưỡng được chính quyền các địa phương quan tâm coi trọng. Việc mở rộng diện tích, xây dựng các công trình phụ trợ của một số cơ sở tín ngưỡng được tiến hành thực hiện thể theo tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ. Các trường hợp lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, làm xáo trộn đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Quyền tự do tín ngưỡng và các hoạt động tự do tín ngưỡng của mọi người đều được tôn trọng, bình đẳng trước pháp luật. Tại các cơ sở tín ngưỡng, những sinh hoạt tín ngưỡng được tổ chức, thực hiện thể theo nhu cầu của tín đồ, không có sự phân biệt giữa tín đồ của các tín ngưỡng khác nhau.

Công tác tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai thực hiện, hướng tới tất cả các đối tượng là tín đồ trên địa bàn tỉnh. Qua việc tuyên truyền pháp luật, ý thức pháp luật về tín ngưỡng của tín đồ được nâng cao. Các tín đồ ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong sinh hoạt tín ngưỡng cũng như trong đời sống cộng đồng.

Đối với hoạt động sinh hoạt lễ hội tín ngưỡng, chính quyền các địa phương đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức theo quy định đã ban hành, đảm bảo việc sinh hoạt tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng dân cư đồng thời không vi phạm các quy định của Pháp luật. Các cơ sở tín ngưỡng về mặt cảnh quan ngày càng khang trang, có quy định rõ ràng dành cho các tín đồ và du khách đến sinh hoạt tín ngưỡng. Đồng thời, mỗi cơ sở tín ngưỡng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của tín đồ trong vùng, mà còn là điểm đến sinh hoạt văn hóa của nhân dân từ các địa phương khác.

Đối với các cơ sở tín ngưỡng chưa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, việc thành lập các Ban quản lý di tích ít được quan tâm thực hiện. Việc trông coi các cơ sở tín ngưỡng số ít là do chính quyền địa phương có sự phân công, còn lại, chủ yếu là do các cá nhân tự nguyện tham gia. Các cơ sở tín ngưỡng này thường có cơ sở vật chất và quy mô nhỏ, số lượng người tham gia sinh hoạt ít, mang tính địa phương. Hoạt động lễ hội tín ngưỡng của các cơ sở này diễn ra với quy mô nhỏ, chủ yếu là các ngày lễ.

Đối với lễ hội tín ngưỡng, Quảng Ninh có hơn 60 lễ hội tín ngưỡng được tổ chức hàng năm. Lễ hội tín ngưỡng ở Quảng Ninh chủ yếu diễn ra vào mùa xuân, như Lễ hội Tiên Công, lễ Đại kỳ phước ở Thị xã Quảng Yên, lễ hội đền Cửa Ông …, một số lễ hội diễn ra vào mùa hè như lễ hội Quan Lạn, lễ hội Trà Cổ, lễ hội đình Cẩm Hải…, một số lễ hội lại tổ chức vào mùa đông như lễ hội đình Đàm Hà, lễ hội đình Giang Võng…  Có những lễ hội có quy mô lớn như lễ hội lễ hội đền Cửa Ông thu hút tín đồ, phật tử trên khắp cả nước. Công tác quản lý lễ hội đối với các cơ sở tín ngưỡng nói chung được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo. Hoạt động lễ hội tín ngưỡng theo đó diễn ra ngày càng văn minh nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa vùng miền.

Lực lượng Quản lý thị trường Quảng Ninh kiểm tra hoạt động kinh doanh tại lễ hội

Trên cơ sở các văn bản pháp quy của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành chức năng thực hiện tốt các quy định của nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng được tỉnh quan tâm, với nhiều hình thức phổ biến pháp luật, như: mở lớp tuyên truyền, phát tài liệu, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… công tác phổ biến pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước từng bước đi vào cuộc sống. Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định 4032/2016/QĐ-UBND Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh phần lớn các cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh và đã thành lập được Ban Quản lý: như  Khu di tích đền Trần (Đông Triều), đền Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), đền Cặp Tiên (Vân Đồn), đền Xã Tắc (Móng Cái)…

Mỗi năm, trước, trong và sau mỗi mùa lễ hội, Quảng Ninh đều ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương có lễ hội thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản chỉ đạo, các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Các địa phương có lễ hội được tổ chức đều ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý tổ chức lễ hội tiết kiệm, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Các lễ hội đều được xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức. Các ban tổ chức lễ hội được thành lập thực hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội, chỉnh trang cơ sở vật chất của các cơ sở tín ngưỡng, tạo cảnh quan môi trường, khu đỗ xe, khu vui chơi, xử lý chất thải phù hợp trong lễ hội. Công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, bán và niêm yết đúng giá các mặt hàng phục vụ trong lễ hội được thực hiện thường xuyên. Việc đảm bảo an ninh trật tự cho người dân và du khách trong dịp diễn ra các lễ hội tín ngưỡng được chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về tổ chức lễ hội được thực hiện thường xuyên trước, trong và sau lễ hội, nhằm bảo đảm nếp sống văn minh lễ hội, văn hoá tín ngưỡng. Các hoạt động mê tín dị đoan, xóc thẻ, xem bói đã được xóa bỏ ở hầu hết các lễ hội tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt vàng mã, không thắp nhang tràn lan tại các cơ sở tín ngưỡng - đi kèm đó là các quy định được thực hiện tại các cơ sở tín ngưỡng đã làm giảm đáng kể các hoạt động văn hóa lạc hậu này. Các hoạt động đổi tiền lẻ công khai, nâng ép giá cơ bản không còn xảy ra trong mùa lễ hội.

Thông qua việc quản lý tốt các hoạt động tín ngưỡng, tỉnh Quảng Ninh đã ngăn chặn, phòng ngừa được việc lợi dụng chính sách tự do, tín ngưỡng của Đảng và nhà nước, để tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và làm xáo trộn đời sống văn hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân luôn được tôn trọng, đảm bảo cho mọi người. Việc bảo vệ và phát huy những giá trị mà hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh mang lại đã góp phần không nhỏ đối với tình hình an ninh trật tự và phát kinh tế xã hội của tỉnh thông qua hình thức giáo dục truyền thống, lịch sử và qua du lịch văn hóa, tâm linh./.

 

Nhữ Văn Nguyện