Vài suy ngẫm về hoạt động tôn giáo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay
Ngày đăng: 11/03/2020
1. Vấn đề

Hiện nay, cả thế giới đang trải qua dịch cúm nguy hiểm đối với sức khoẻ con người – SARS-CoV-2. Tổng số người nhiễm trên thế giới tính từ tháng 12/2019 tới 10/3/2020 là 114.276 và số người tử vong là 4.009, trong đó Việt nam có 31 người nhiễm và số tử vong là 0[1]. Hai trong bốn ổ dịch lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, và Italy đều liên quan tới hoạt động thực hành tôn giáo khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát.

Tại Hàn Quốc, khoảng 60% ca nhiễm ở Hàn Quốc liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa, nơi có nữ tín đồ phát tán virus tại các buổi lễ ở nhà thờ tại Daegu. Việc giáo phái này tiếp tục các hoạt động với hình thức nghi lễ mà các tín đồ không được đeo kính, khẩu trang, ngồi gần nhau, hát Thánh ca khi có người nhiễm bệnh là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh lây nhanh. Thêm vào đó, người đứng đầu giáo phái này đã có những hành vi chống đối và ngăn cản nhà chức trách trong việc điều tra và kiểm soát bệnh dịch ngay từ ban đầu đã khiến cho Hàn Quốc rơi vào tình trạng khẩn cấp trong việc kiểm soát dịch[2].

Tại Iran, số người nhiễm bệnh tăng từng ngày và trở nên nghiêm trọng khi nhiều quan chức cấp cao cũng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, dù nhà được khuyến cáo là không tụ tập đông người nhưng tại các nhà thờ Hồi giáo vẫn mở cửa thường xuyên đón tiếp các tín đồ[3].

Ngoài ra, ở Hồng Kong, nơi có hơn 100 người nhiễm bệnh và trong số đó có một ổ dịch Covid-19 với 7 bệnh nhân dương tính ở chùa Phúc Huệ Tịnh (Tuệ Tinh Xá). Những người này đã tham gia nhiều giờ tụng kinh trong một căn phòng và cùng ăn cơm với nhau[4]. Việc xác định những người đã từng tham gia thực hành tôn giáo ở chùa này được cho là rất khó khăn để tiến hành cách ly vì đây là một ngôi chùa được điều hành bởi các tình nguyện viên và không có hệ thống đăng ký thành viên[5].

Có thể thấy, hoạt động tôn giáo là một trong những hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ cộng đồng đặc biệt trong tình trạng có những dịch bệnh mới. Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng tôn giáo rất lớn, đứng thứ 3 trên thế giới sau Singapore và Đài Loan[6]. Số người tham gia và thực hành ở các tổ chức tôn giáo năm 2019 là khoảng 26,6 triệu người, chiếm khoảng 27% dân số[7]. Chính vì thế, Hiến pháp và pháp luật xác định những giới hạn của quyền tự do thực hành tôn giáo để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng ở Việt Nam.

2. Cơ sở pháp lý

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là là một trong những quyền con người, quyền công dân, một quyền hiến định tại Việt Nam (Điều 24, Chương II Hiến pháp VN 2013). Quyền này được quy định cụ thể ở Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Quyền tự do thực hành tôn giáo, tham gia các sinh hoạt tôn giáo của những người có tôn giáo đặc biệt được tôn trọng và bảo đảm[8]. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, quyền này sẽ bị hạn chế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng (Khoản 2 Điều 14 HPVN 2013).

Điều này có nghĩa Hiến pháp cũng tạo ra những nền tảng để giới hạn việc thực hành tôn giáo có nguy cơ làm ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. Sức khoẻ cộng đồng được hiểu là “Đây là một căn cứ để Nhà nước đưa ra các biện pháp hạn chế một quyền vì nêú thực hiện quyền đó có thể đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân hoặc các cá nhân thành viên của cộng đồng. Những biện pháp này phải được nhằm cụ thể đến việc ngăn ngừa bệnh tật hoặc chấn thương hoặc cung cấp sự chăm sóc của các bệnh nhân và người bị thương”[9].

Quy định này của Việt Nam là phù hợp với Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người năm 1966 (ICCPR 1966). Theo khoản 3, điều 18, ICCPR 1966 thì “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo và tín ngưỡng chỉ có thể hạn chế bởi pháp luật và khi sự hạn chế đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Theo đó, việc hạn chế quyền thực hành tôn giáo nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng có những nền tảng từ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

 

3. Những bối cảnh giới hạn

Thứ nhất, trong bối cảnh xác định được khả năng lây nhiễm, nguy cơ truyền bệnh ra cộng đồng của các hoạt động thực hành tôn giáo thì các cá nhân, tổ chức tín ngưỡng tôn giáo cần phải tạm ngừng các hoạt động liên quan tới việc tập trung các tín đồ đến cầu nguyện, lễ, cúng bái...nhằm hạn chế sự lây lan nhanh chóng của bệnh tật.

Thứ hai, các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo cần phải cung cấp những thông tin chính xác của những người tham gia các hoạt động thực hành tôn giáo ở tổ chức mình cho nhà chức trách để kịp thời thông tin và tiến hành các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo cho sức khoẻ của các tín đồ và cộng đồng.

Thứ ba, những người đứng đầu các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo cần phải chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng và phải chịu trách nhiệm về các hành vi cản trở việc phát hiện và xử lý các vấn đề làm ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. 

Thứ tư, các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo có thể đưa ra những giải pháp tạm thời cho các tín đồ của mình để nhằm đảm bảo niềm tin của các tín đồ với tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời không làm ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh. Ví dụ, việc thực hành tôn giáo có thể diễn ra tại gia, những nơi mà tự bản thân các tín đồ có thể thực hành tôn giáo mà không gây ra việc phát tán bệnh dịch. Hoặc việc thực hành tôn giáo có thể tiến hành online dựa trên sự tiến bộ của công nghệ thông tin. Các tín đồ vẫn có thể theo dõi được sự giảng dạy, hướng dẫn, hay lời chỉ bảo của các giáo chủ thông qua những sự trợ giúp của công nghệ.

Việc hạn chế quyền tự do thực hành tôn giáo vì sức khoẻ cộng đồng này mang tính thời điểm, có giới hạn theo sự diễn biến của các tác nhân gây ảnh hưởng sức khoẻ cộng động. Trong thời gian dịch bệnh thì quyền này sẽ bị hạn chế nhưng sau khi việc kiểm soát dịch bệnh và sự biến đổi tình hình dịch bệnh theo hướng tích cực sẽ là cơ sở để xác định việc chấm dứt việc hạn chế quyền này./.

ThS. Nguyễn Thị Phượng

(ThS. ngành Luật, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam; ThS. ngành Nghiên cứu Châu Á học, Đại học Nanyang Teachnological University, Singapore)

 



[2] Vũ Hoàng, “ Đường lây lan nCoV trong giáo phái Tân Thiên Địa”,  https://vnexpress.net/the-gioi/duong-lay-lan-ncov-trong-giao-phai-tan-thien-dia-4061062.html

[3] Lan Hương, “Ngôi đền “chữa bệnh” ở Iran”, https://vnexpress.net/du-lich/ngoi-den-chua-benh-o-iran-4063372.html

[4] Phi Yến, “Hồng Kong phát hiện ổ dịch ở một ngôi chùa”,  https://thanhnien.vn/the-gioi/hong-kong-phat-hien-o-dich-covid-19-o-mot-ngoi-chua-1188162.html

[5] Thanh Danh, “Hồng Kông phát hiện hàng loạt ca nhiễm vỉrus corona từ một ngôi chùa” https://news.zing.vn/hong-kong-phat-hien-hang-loat-ca-nhiem-virus-corona-tu-mot-ngoi-chua-post1052444.html

[6] Global Religious Diversity “Half of the most religiously diverse countries are in Asia-Pacific region”, Pew Research Center Religion & Public life, 4 April. 2014 https://www.pewforum.org/2014/04/04/global-religious-diversity/

[7] Báo cáo Tổng kết ngành quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ.

[8] Hoàng Nghĩa – Bách Hợp, “ Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3095/Viet_Nam_luon_ton_trong_quyen_tu_do_tin_nguong_ton_giao

[9] TS.Nguyễn Văn Hiển, NCV.Trương Hồng Quang, “Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo hiến pháp năm 2013”, NXB Tư Pháp 2019, trang 39-40.