Lễ khai trương Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia - Halcert
Ngày đăng: 25/04/2024Ngày 24/4/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Công bố thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia - HALCERT, trực thuộc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là đơn vị cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam quản lý chứng nhận Halal - chìa khóa mở cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo trên thế giới.
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ); Vụ Trung Đông - Châu Phi (Bộ Ngoại giao); Đại sứ Malaysia tại Việt Nam; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương liên quan.
Năm 2017, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập tổ chức chứng nhận Halal với sự đồng hành, tư vấn của Ban Tôn giáo Chính phủ. Mặc dù vậy, ở thời điểm đó, xã hội vẫn coi Halal là vấn đề tôn giáo thuần túy nên việc triển khai công việc gặp nhiều khó khăn. Qua nhiều hội thảo, diễn đàn, các cuộc trao đổi mang tính khoa học và thực tiễn đã giúp chuyển đổi tư duy xã hội, coi Halal là một ngành kinh tế, từ đó có cách tiếp cận hợp lý và thiết thực hơn tới lĩnh vực này.
Với sự quyết tâm xây dựng và phát triển ngành Halal của Chính phủ, là sự vào cuộc hiệu quả của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, cơ quan khác đã thúc đẩy việc nghiên cứu thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam. Năm 2022-2023, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã chủ trì xây dựng tiêu chuẩn về tổ chức chứng nhận Halal, tiêu chuẩn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố dưới số hiệu TCVN 13888:2023.
Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc mở rộng thị trường, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường Halal toàn cầu, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia có ý nghĩa quan trọng góp phần thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Chứng nhận Halal của cơ quan có thẩm quyền quốc gia đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng luật của người Hồi giáo và được sản xuất theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền quốc gia xây dựng nhằm mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng Hồi giáo. Do đó, HALCERT đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm tuân thủ luật Hồi giáo.
Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực, cũng như triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Hiện nay có hơn 02 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số toàn thế giới.
Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho thấy, chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Chính vì vậy, việc phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm; đồng thời là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch từ các quốc gia Hồi giáo, góp phần phát triển đất nước và tăng cường quan hệ hợp tác với 57 quốc gia thuộc OIC.
Vỹ Thanh