Tôn giáo tỉnh Thái Bình tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020
Ngày đăng: 23/10/2020

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích đất tự nhiên 1.546km2, dân số trên 1,8 triệu người, gần 90% dân số ở vùng nông thôn. Toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh, trong đó có 2 huyện là Thái Thụy và Tiền Hải là 2 huyện ven biển. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành với gần 29 vạn tín đồ chiếm 16% dân số trong tỉnh. Công tác môi trường trong những năm qua luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đến nay 260 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 100% đã đạt tiêu chí về môi trường quy định. Hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, phần lớn được thu gom xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp tại bãi rác. Toàn tỉnh có 90 lò đốt rác được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành xử lý rác thải cho 130 xã, thị trấn. 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hoạt động có hiệu quả. Nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và người dân được nâng lên, thực trạng môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Ngày 7/10/2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Tòa Giám mục Thái Bình, Hội thánh Tin Lành đã xây dựng chương trình số 01/CT-FH về tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020. Sau 5 năm thực hiện các tổ chức tôn giáo trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả: Đã làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong các dịp lễ, tết gắn với phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào có đạo, phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” trong tăng ni và tín đồ Phật giáo, phong trào thi đua xây dựng “Xứ họ đạo 4 gương mẫu” trong chức sắc và đồng bào giáo dân Công giáo, Tin Lành; đồng bào có đạo đều hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nêu cao tinh thần tích cực hưởng ứng tham gia. Các tổ chức tôn giáo đã chủ động đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hàng năm của tôn giáo mình, ban hành các văn bản như thông bạch, thông điệp, văn thư, chương trình, kế hoạch... gửi đến tổ chức cơ sở để chỉ đạo cơ sở tôn giáo tổ chức thực hiện. Sau khi ký kết chương trình phối hợp từng tôn giáo đã chủ động triển khai và đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã có văn bản hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tăng ni, Phật tử về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Lồng ghép phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu của Phật tử. Vào các dịp ngày lễ Vu Lan, ngày môi trường thế giới, một số chùa đã tổ chức thả cá tại các sông, hồ, đầm, phát động trồng cây xanh trong khu vực nhà chùa, nơi công cộng. Trong năm 2019 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức 6 hội nghị truyền thông về vấn đề môi trường tại 6 trường hạ với trên 1.000 lượt các vị chức sắc, tín đồ, nhân dân tham gia. Giáo hội đã có văn bản hướng dẫn các chùa thực hiện tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, chống mê tín dị đoan, hạn chế đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự và các hình thức trái với thuần phong mỹ tục trong các lễ hội. Điển hình như chùa Từ Xuyên (Hoàng Diệu - thành phố Thái Bình) hàng năm không đốt vàng mã tiết kiệm được khoảng 30 triệu để ủng hộ người nghèo. Một số chùa đã tổ chức các buổi sinh hoạt với chủ đề Phật giáo với môi trường, tổ chức các buổi tọa đàm trong các khóa tu với chủ đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong các buổi sinh hoạt hè tại một số chùa, các thành viên tham dự đã tổ chức phân loại rác thải để tiêu thụ hoặc thu gom đúng nơi quy định, thành lập các nhóm thanh niên tín đồ bảo vệ môi trường, thành lập các câu lạc bộ với thông điệp bảo vệ môi trường qua các cuộc thi tìm hiểu biểu diễn văn nghệ với chủ đề bảo vệ môi trường, tiêu biểu như: Chùa Từ Xuyên, chùa Keo, chùa Nguyệt Quang, chùa Quán Âm... Tòa Giám mục Thái Bình đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân về bảo vệ môi trường, kỹ năng tự ứng cứu và giúp nhau xử lý rủi ro bất thường do bão lũ, hạn hán, hỏa hoạn xảy ra; tổ chức hướng dẫn giúp đỡ xây dựng và nhân rộng các mô hình giáo xứ, giáo họ thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn xây dựng các công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch bảo đảm vệ sinh môi, trường trồng và bảo vệ cây xanh nơi ở, khu vực nhà thờ và nơi công cộng, không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại, không sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng chất cấm, chất kích thích trong chăn nuôi sản xuất, chế biến dịch vụ, gây hại cho con người và môi trường. Giáo xứ xã Hợp Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải đã tổ chức truyền thông cho 350 bà con giáo dân về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều giáo xứ, giáo họ tổ chức tuyên truyền cho nhân dân không vứt rác bừa bãi, tổ chức vệ sinh môi trường, tổ chức giao lưu về bảo vệ môi trường. Trong các buổi lễ nhiều vị chức sắc đã đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nội dung giáo giảng, nhắc nhở hàng ngày tại các buổi lễ, buổi sinh hoạt tập thể của tín đồ. Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh huyện Kiến Xương, Hội thánh Tin Lành thành phố Thái Bình thường xuyên tuyên truyền vận động, nhắc nhở tín hữu về bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu dân phố sạch sẽ, vận động tín hữu và người dân sản xuất và kinh doanh tiêu thụ sản phẩm sạch.

Trong 5 năm qua tôn giáo ở Thái Bình đã xây dựng được 8 mô hình điểm tại các cơ sở tôn giáo gồm: chùa Từ Vân (huyện Vũ Thư), chùa Quỳnh Hoa (huyện Đông Hưng), giáo xứ Hợp Châu (Tiền Hải), giáo xứ Minh Đức (Quỳnh Phụ), Chi hội thánh Tin Lành Khả Cảnh (Kiến Xương), chùa Keo (Vũ Thư), giáo xứ An Lập (Đông Hưng), giáo xứ Phú Giao (Hưng Hà). Các mô hình đã phát huy tốt vai trò làm điểm, hạt nhân nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền cho các tín đồ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhân rộng trong các tổ chức tôn giáo trong tỉnh. Nhiều nơi có mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường” trong các xã có đông đồng bào Công giáo ở huyện Tiền Hải và huyện Đông Hưng; mô hình “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp” ở các chùa thuộc Vũ Thư, thành phố Thái Bình; mô hình “Xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế đốt vàng mã” tại các chùa Đông Hưng, Quỳnh Phụ, thành phố Thái Bình; mô hình “Giáo xứ sáng - xanh - sạch - đẹp” tại các giáo xứ tại huyện Hưng Hà, Thái Thụy; mô hình “Phân loại, sử dụng các sản phẩm tái chế bảo vệ môi trường của Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh, Hội thánh Tin Lành thành phố Thái Bình. Các mô hình điểm đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân và các vị chức sắc, chức việc tín đồ tôn giáo và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khu dân cư trong tỉnh. Cùng với việc xây dựng các mô hình điểm ở các tổ chức tôn giáo ở Thái Bình đã tổ chức tập huấn cho các tổ chức thành viên cộng đồng tôn giáo phối hợp giám sát thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong 5 năm qua, kể từ 2016 đến nay, các tổ chức tôn giáo ở Thái Bình đã chú trọng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường xây dựng chương trình kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo dân như thông qua các buổi mít tinh hưởng ứng ngày khí tượng thế giới 30/5, ngày môi trường thế giới mùng 5/6 và các buổi tập huấn các buổi tiếp xúc, gặp gỡ, các cuộc thi tìm hiểu, kế hoạch đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đã tổ chức biên soạn in ấn trên 1.600 bộ tài liệu, tuyên truyền 2.500 tờ rơi áp phích xuống cơ sở và khu dân cư các cơ sở tôn giáo; phối hợp kẻ vẽ 680 biển tường, 1.200 khẩu hiệu tuyên truyền, viết 2.820 tin bài phát trên loa truyền thanh ở cơ sở về công tác bảo vệ môi trường; tổ chức 291 hội nghị truyền thông cho 46.500 lượt cán bộ mặt trận, các vị chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo về luật bảo vệ môi trường và một số nhiệm vụ cấp bách về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức tôn giáo trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới ở những địa phương có đông đồng bào là người theo đạo, đã góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về môi trường ở những địa phương này, thường là những địa phương về đích sớm, đồng thời đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng để giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm sai sót góp phần tích cực và phong trào của địa phương.

Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp các tôn giáo trong tỉnh đã có đóng góp tích cực đem lại hiệu quả thiết thực góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó đã khẳng định đường hướng sống “tốt đời đẹp đạo” của các tôn giáo, tinh thần đoàn kết thống nhất của tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. Từ thực tế trên đây có thể rút ra một số kinh nghiệm đó là:

1. Cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho nhân dân nói chung và các tổ chức tôn giáo nói riêng về ý nghĩa tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trên cơ sở đỏ chủ động xây dựng chương trình kế hoạch với các mục tiêu, nội dung cụ thể để triển khai thực hiện, tuyên truyền trong nhân dân và các tổ chức tôn giáo, gắn với phong trào thi đua yêu nước trong các cuộc vận động như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào có đạo như xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” trong tăng ni và tín đồ Phật giáo, phong trào thi đua xây dựng “Xứ họ đã 4 gương mẫu” trong chức sắc và đồng bào Công giáo. Các tổ chức tôn giáo cần đưa chương trình bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu vào chương trình hàng năm của tôn giáo mình để tổ chức triển khai thực hiện.

2. Phát huy vai trò của người đứng đầu các tổ chức tôn giáo các chức sắc, chức việc, nhà tu hành có tâm huyết để làm gương, vận động thu hút tín đồ tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện. Ở những nơi các tôn giáo phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, ngành tài nguyên môi trường, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức thực hiện thì nơi đó triển khai thực hiện có hiệu quả.

3. Phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp để làm tốt công tác tuyên truyền, có sự hỗ trợ về kinh phí, có tài liệu và tổ chức các hội nghị hội thảo trong tôn giáo để thu hút được sự tham gia đông đảo của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và người dân trong cộng đồng tham gia phong trào.

4. Duy trì, xây dựng mô hình tự quản bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, cần lựa chọn những nội dung trọng tâm để chỉ đạo thực hiện tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của mỗi người. Cần xây dựng các mô hình điểm để chỉ đạo thực hiện tổ chức tập huấn cho các tổ chức thành viên cộng đồng tôn giáo, nhân rộng các mô hình hoạt động tốt, kịp thời rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.

5. Quá trình tổ chức thực hiện cần gắn với phong trào thi đua lựa chọn những cá nhân tiêu biểu, những mô hình tốt để sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng, rút ra những kinh nghiệm để chỉ đạo thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, chấn chỉnh kịp thời khuyết điểm thiếu sót, xử lý nghiêm minh các vi phạm để phong trào đi vào nề nếp.

 

Nguyễn Hồng Chương