Chính sách tôn giáo và những hoạt động không thực hiện theo quy định pháp luật, không theo chỉ dẫn của Giáo hội Công giáo
Ngày đăng: 16/01/2020
Công giáo là tôn giáo với phương châm hành đạo gói gọn trong 4 từ “mến Chúa, yêu người”, yêu thương mọi người, đến với người nghèo, phục vụ người nghèo, người khó khăn để chia sẻ, giúp đỡ, để làm chứng cho giá trị bác ái của Kitô giáo. Tuy nhiên, thời gian qua một số ít Linh mục Công giáo đã lợi dụng tôn giáo, có những hoạt động đi ngược lại đường hướng của Giáo hội Công giáo, ngược với giáo lý của Công giáo và đạo lý của dân tộc Việt Nam, trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Công giáo, ảnh hưởng đến Giáo hội Công giáo Việt Nam. Bài viết dưới đây giới thiệu sơ lược về tình hình, chính sách tôn giáo và hoạt động không thực hiện theo đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

1. Tình hình và chính sách tôn giáo

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, có khoảng 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, với trên 20 triệu tín đồ (chiếm 25% dân số). Hiện nay ở Việt Nam có 16 tôn giáo và 43 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo, Công giáo đều chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, đại đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong đó có đồng bào Công giáo đang tích cực cùng nhân dân cả nước tham gia hoạt động kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đã có nhiều chức sắc Công giáo là tấm gương sáng trong các hoạt động này.

Năm 1986, đất  nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đổi mới chính sách đối với tôn giáo là một nội dung rất quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo hoạt động và phát triển đồng thời cố gắng hoàn thiện những chính sách, quy định của pháp luật để phù hợp với tôn giáo trong bối cảnh mới. Những chính sách này góp phần tích cực cho việc các tôn giáo ngày càng tham gia rộng rãi vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục,…Việt Nam cũng đã ký và thông qua Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, phê chuẩn công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa từ năm 1982.

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng được cập nhật, vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh cụ thể của tình hình tôn giáo ở Việt Nam nên không bị dập khuôn, giáo điều và cứng nhắc. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định: Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

Luật pháp Việt Nam cũng hoàn thiện dần và Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo do Chủ tịch nước ký lệnh ban hành ngày 29/6/2004 là bằng chứng, rõ ràng so với Nghị định 297/CP, 69/HĐBT hay 26/CP thì Pháp lệnh này thông thoáng hơn nhiều. Đến Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời càng khẳng định rõ hơn, cụ thể hơn về chính sách tôn giáo của Nhà nước. Một loạt văn bản do Thủ tướng ban hành sau đó như Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về Công tác đối với đạo Tin lành, Nghị định 22/2005/NĐ-CP, Nghị định 92/2012/NĐ-CP rồi đến Nghị định 162/2017/NĐCP càng chứng tỏ quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân. Quyền tự do đó, dù ngày càng được mở rộng và thông thoáng nhưng phải luôn đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Không có sự quản lý của Nhà nước không thể tạo sự ổn định để cho các tôn giáo có điều kiện hoạt động và phát triển. Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với cả những nhóm giáo phái cực đoan, phản động, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các tôn giáo chính thống.

Cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, Đoàn Công tác liên ngành của Việt Nam sang làm việc với đoàn Tòa thánh Vatican, bàn thảo những vấn đề liên quan đến quan hệ hai bên, đến Quy chế hoạt động và Văn phòng của Đặc phái viên Thường trú. Giáo hoàng Phanxicô đánh giá tích cực quan hệ hai bên, Giáo hoàng nhắc lại tình cảm và sự khâm phục dành cho Việt Nam từ khi còn trẻ đã theo dõi cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân Việt Nam, coi Việt Nam là một tấm gương để học tập; đồng thời cho rằng đối thoại là cách thức tốt để giải quyết các vấn đề đặt ra trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, Tòa thánh sẵn sàng lắng nghe những góp ý của Việt Nam. Tòa thánh mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam tuân thủ đường hướng người Công giáo tốt là người công dân tốt, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển và sự phồn vinh của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời mời Thủ tướng Hồng y Parôlin đến thăm Việt Nam. Điều đó cho thấy sự tin tưởng lẫn nhau giữa Việt Nam và Tòa thánh, đồng thời khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam mà các vị chức sắc, đồng bào Công giáo là những người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ đó.

Trong dịp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với một số chức sắc của Tòa thánh  đều khẳng định không đồng ý với những Linh mục dùng Tòa giảng để lên án, công kích, kết tội người khác, Tòa giảng là để rao giảng Lời Chúa; Giáo hoàng chủ trương Giáo hội phải đi đến với người nghèo, giúp đỡ người nghèo, những người đang khó khăn; đồng thời, lưu tâm đến việc đối thoại với nền văn hóa, phong tục tập quán nơi mình đang sống, luôn chân thành, yêu thương mọi người trong cuộc sống... Có chức sắc Việt Nam cũng cho rằng một số Linh mục rất cực đoan, không thực hiện theo đường hướng, chỉ dẫn của Giáo hội, có những hoạt động ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Giáo hội, làm cho mọi người suy nghĩ Giáo hội Công giáo không tốt, Linh mục không tốt…

Trong quan hệ với Tòa thánh Vatican, Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí, mong muốn thúc đẩy quan hệ trên tinh thần đối thoại, tôn trọng độc lập chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Vì vậy, đến nay quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican đã có nhiều bước phát triển mới. Đồng thời, với giáo huấn của Tòa thánh và chính sách, pháp luật ngày càng cởi mở của Nhà nước Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam ngày càng phát triển và có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; tham gia tích cực, hiệu quả trong các hoạt động từ thiện xã hội như chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, người bị bệnh nan y, người già không có nơi nương tựa, trẻ em mồ côi. Điểm đặc biệt của hoạt động từ thiện xã hội của Công giáo là không chỉ tham gia vào các khía cạnh phổ biến của y tế, giáo dục, từ thiện mà thực sự đã dấn thân mạnh mẽ, tích cực cả vào những khía cạnh nhạy cảm của đời sống như chăm sóc, chữa trị cho người phong cùi, HIV…để làm chứng cho những giá trị của Công giáo, không chỉ đem giá trị tôn giáo vào đời sống xã hội mà còn thể hiện ở những nơi còn người nghèo khổ, dễ bị bỏ rơi, hắt hủi và kỳ thị…

2. Những hoạt động không tuân thủ pháp luật, đi ngược lại đường hướng của Giáo hội Công giáo

Với chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, đã tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động, tổ chức các hoạt động đào tạo, phong chức, phong phẩm, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, đối ngoại tôn giáo, được cấp đất, xây sửa, xây mới các cơ sở thờ tự… Tuy nhiên, vẫn có một số ít Linh mục Công giáo có hoạt động phức tạp, xuyên tạc chính sách pháp luật, chính sách tôn giáo, chống đối Nhà nước, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Trong sự cố môi trường khu vực biển miền Trung (tháng 4/2016), Chính phủ đã chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân, khôi phục và phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, đào tạo nghề cho người dân; đồng thời làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm là Công ty Hưng Nghiệp Fomusa. Công ty Fomusa đã xin lỗi, bồi thường và triển khai các biện pháp để đảm bảo sản xuất an toàn, không gây ô nhiễm theo tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam. Đến 6/2017 tất cả các tỉnh vùng biển ảnh hưởng đã hoàn thành việc đền bù cho người dân. Đại đa số người dân bị ảnh hưởng vùng biển miền Trung đồng tình, ủng hộ chủ trương xử lý, giải quyết sự cố môi trường biển một cách công khai, minh bạch của Chính phủ Việt Nam. Môi trường, ngư trường biển khu vực miền Trung đã hoạt động trở lại.

Nhân sự cố ô nhiễm biển này, một số Linh mục giáo phận Vinh đã kích động một số giáo dân chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đáng chú ý là các hoạt động vi phạm pháp luật diễn ra nhiều nhất tại tỉnh Nghệ An - nơi không bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển. Những giáo dân tham gia đại đa số là nông dân tốt, không tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật, nhưng do bị số Linh mục lợi dụng kích động, chưa ý thức hết được việc tham gia hoạt động vi phạm pháp luật. Trong số Linh mục vi phạm pháp luật, nổi lên là Linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam đã có những hoạt động vi phạm pháp luật như kích động giáo dân tụ tập tuần hành, biểu tình chặn đường quốc lộ gây ách tắc giao thông; ngừng trệ vận tải, sản xuất của địa phương và các tỉnh, thành phố; làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng; tấn công và bắt giữ cán bộ; chiếm trụ sở cơ quan nhà nước, đập phá tài sản công. Ngày 30/4/2017, trong khi nhân dân Việt Nam đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 42 năm Ngày thống nhất đất nước, Linh mục Đặng Hữu Nam đã rao giảng những nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam, xúc phạm nghiêm trọng các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, những người dân yêu nước đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, phỉ báng chế độ chính trị hợp hiến, hợp pháp tại Việt Nam.

Tính từ tháng 4/2016-7/2017, có khoảng hơn 50 vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, làm bị thương hàng chục cán bộ chính quyền địa phương và gây thiệt hại tài sản dân sự. Linh mục Nguyễn Đình Thục đã liên kết với Linh mục Đặng Hữu Nam và số đối tượng phản động kích động, xúi dục, ép buộc giáo dân xuống đường tuần hành; bắt giữ người trái pháp luật, phá hoại tài sản công, vu khống chính quyền đàn áp tôn giáo… nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự. Điển hình: ngày 14/2/2017 Linh mục Thục đã tổ chức khoảng 500 giáo dân giáo xứ Song Ngọc mang theo các băng rôn, biểu ngữ kéo vào thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu kiện nhưng thực chất là để gây rối an ninh, trật tự (quãng đường xa hơn 100km nhưng Linh mục Thục tổ chức cho giáo dân đi bộ, dàn nhiều hàng ngang, làm ách tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng …). Khi di chuyển đến khu vực xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu đoàn người đã có hành vi cản trở, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 1A, đáng chú ý một số giáo dân quá khích dùng gạch đá tấn công lực lượng công an làm 16 cán bộ Công an tỉnh Nghệ An bị thương, vỡ kính 03 xe ô tô đang làm nhiệm vụ. Lợi dụng việc công an tỉnh Nghệ An bị thương, vỡ kính 03 xe ô tô đang làm nhiệm vụ. Lợi dụng việc Công an huyện Quỳnh Lưu tạm giữ 02 bao tải đựng áo có in nội dung phản đối Formosa do đối tượng  Hoàng Đức Nhân, Hoàng Đức Hảo (em trai của Hoàng Đức Bình) vào trưa ngày 24/4/2017, Linh mục Thục cùng Linh mục Đặng Hữu Nam (khi làm quản xứ giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) kéo hàng trăm giáo dân lên bao vây trụ sở Công an huyện Quỳnh Lưu, làm ách tắc cục bộ quốc lộ 1A, gây phức tạp an ninh, trật tự. Lợi dụng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An thi hành lệnh bắt giữ đối với đối tượng Hoàng Đức Bình (là đối tượng bị lực lượng chức năng xử lý về hành vi “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng các quyền tự do dan chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp háp của tổ chức, công dân”) tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu vào ngày 15/5/2017, Linh mục Thục đã huy động giáo dân tụ tập ngăn chặn và gây ách tắc Quốc lộ 1A; bắt giữ, đánh đập một số cán bộ làm nhiệm vụ… nhằm gây sức ép với chính quyền và lực lượng công an để yêu sách thả đối tượng Hoàng Đức Bình.

Linh mục Thục chỉ đạo giáo dân tiến hành các hoạt động lấn chiếm, xây dựng công trình tôn giáo trái pháp luật: Xây dựng công trình trái phép trên đê sông Thái thuộc xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu với diện tích xây dựng trái phép là 5.878,3m2; san lấp trái phép tại khu vực nhà văn hóa xóm 8 (xã Sơn Hải); lấn chiếm đất tại giáo họ Văn Trường vào tháng 8/2018; hiến nhượng đất mở rộng khuôn viên giáo xứ và xây dựng cơ sở lưu trú dòng trái phép vào tháng 3/2019… Mặc dù, chính quyền các cấp đã kiên trì vận động, yêu cầu phối hợp để giải quyết nhưng Linh mục Thục không chấp hành, tiếp tục chỉ đạo giáo dân tiến hành xây dựng công trình cơ bản hoàn thiện. Hiện nay, Linh mục Thục đã thừa nhận hoạt động xây dựng công trình trái phép trên đê sông Thái là sai phạm, vi phạm pháp luật và đồng ý tự tháo dỡ công trình vi phạm; tuy nhiên mới tiến hành tháo dỡ một phần công trình vi phạm.

Những ngày qua khi có thông tin về thảm kịch 39 nạn nhân Việt Nam tại Vương quốc Anh, tất cả người dân Việt Nam đều đau buồn, chia sẻ với các nạn nhân, gia đình nạn nhân. Trong bối cảnh đó, một số Linh mục trong đó có Linh mục Nam, Linh mục Thục tại giáo phận Vinh, một số Linh mục dòng Chúa Cứu thế đã lợi dụng tình hình để hiệp thông cầu nguyện, phê phán, đổ lỗi cho chính quyền, gây phức tạp tình hình tại địa phương.

Những hoạt động của những Linh mục này đã đi ngược lại đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” nêu tại Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và giáo huấn của Giáo hoàng “giáo dân tốt cũng là công dân tốt”, gây ảnh hưởng về an ninh trật tự và đời sống kinh tế - xã hội địa phương, làm ảnh hưởng đến Công giáo ở Việt Nam./.

 

Minh Đức