Những nét khái quát về các tổ chức chính trị - tôn giáo ở các nước Islam giáo Trung Đông
Ngày đăng: 04/03/2019
Khác với các tôn giáo khác, Islam giáo không chỉ là một tôn giáo thuần túy mà còn là một cộng đồng mang tính chất chính trị - xã hội. Trong các xã hội Islam giáo không có sự phân biệt rạch ròi giữa tôn giáo với chính trị và luật pháp. Kinh Koran (Qur’an), Sách Hadith (sách ghi chép những truyền thuyết về Tiên tri Mohammed), Luật Shariah (Luật Islam giáo) không chỉ được thực thi trong đời sống tôn giáo mà còn được áp dụng trong cả đời sống chính trị - xã hội ở những nước lấy Islam giáo làm quốc giáo. Điều này có nguồn gốc lịch sử từ khi tôn giáo này mới ra đời. Ngay khi còn đang phát triển cộng đồng tín đồ Islam giáo của mình tại Medina, Tiên tri Mohammed không chỉ đóng vai trò một thủ lĩnh tôn giáo mà còn là một thủ lĩnh chính trị và một nhà lập pháp.

Kinh Koran đã cung cấp một bộ khung pháp lý cho việc tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước và xác lập nghĩa vụ, trách nhiệm cùng quyền lợi của các “công dân tín đồ” trong một xã hội Islam giáo. Từ đây mô hình tổng quát về nhà nước chính trị được xác lập theo ý đồ của Đức Allah. Trong suốt quá trình lịch sử phát triển của Islam giáo, Kinh Koran, Sách Hadith cùng Luật Shariah luôn được các học giả và giới chức Islam giáo diễn giải cho phù hợp với điều kiện xã hội mà họ đang sống.

Trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, quá trình “Islam giáo hóa chính trị” và “chính trị hóa Islam giáo” đã diễn ra rất mạnh mẽ. Kéo theo quá trình này, trong đời sống chính trị - tư tưởng và văn hóa ở các nước Islam giáo đã gia tăng một cách đáng kể những ấn bản phẩm về Islam giáo. Xin lấy Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Angiêri làm thí dụ. Năm 1980, khối lượng sách về Islam giáo được bán ở nước này có tổng giá trị là 4.103.000 đina (đơn vị tiền tệ Angiêri), đến năm 1982 con số này đã đạt tới 15.525.000 đina, nghĩa là trong 2 năm giá trị sách Islam giáo tăng khoảng 4 lần[1]. Phần lớn các sách Islam giáo tập trung vào các vấn đề chính trị - xã hội và kinh tế. Riêng Trung tâm quốc tế nghiên cứu kinh tế Islam giáo có trụ sở tại Arập Xêut trong một thời gian không dài đã xuất bản 700 cuốn sách và công trình nghiên cứu về các đề tài kinh tế - xã hội của 406 tác giả là tín đồ Islam giáo[2].

Đại bộ phận các chế độ cầm quyền ở các nước Islam giáo đang cố gắng củng cố chính sách đối nội và đối ngoại của mình bằng các tín điều tôn giáo. Các nhà hoạt động tôn giáo đã hợp tác với chính quyền nhà nước để đưa ra những khẩu hiệu chính trị dựa trên các luận cứ tín điều Islam giáo. Nhiều khi các chính phủ cũng đưa ra các cương lĩnh riêng của mình về cải tổ xã hội theo những nguyên tắc của Islam giáo. Trong khi đưa ra những khẩu hiệu và quan niệm Islam giáo khác nhau, các tác giả Islam giáo luôn luôn buộc tội lẫn nhau và đôi khi rất gay gắt. Đó là cuộc đấu tranh giữa những người theo chủ nghĩa bảo thủ với những người theo chủ nghĩa hiện đại và các nhà cải cách[3].

Một học giả theo chủ nghĩa hiện đại tự do tư sản cho rằng, “tính vị kỷ giai cấp, lòng cuồng tín giáo điều, sự khát khao địa vị thống trị”[4] đang ngự trị ở một loạt nước có đường lối chính sách dựa trên những nguyên tắc của Islam giáo. Một tác giả khác lại gọi các nước Iran, Pakistan và các chế độ dưới quyền của các “sultan Arập” là những nước “bạo lực chính trị, cưỡng đoạt kinh tế và không ổn định xã hội”[5]. Mỗi một lực lượng chính trị Islam giáo khi đưa ra những khẩu hiệu chính trị - xã hội của mình đều phê phán những lực lượng khác và cho rằng chỉ có họ mới theo đúng tinh thần của Islam giáo, chỉ có họ mới là những lực lượng Islam giáo chân chính.

Khi luận giải cho các quan điểm của mình, tất cả đều dựa vào Kinh Koran, Sách Hadith và Luật Shariah. Song như chúng ta đã biết, Kinh Koran được hình thành trong một quá trình khá lâu dài. Do vậy, khi luận giải nó, tùy theo ý thức tôn giáo và tư tưởng của từng lực lượng chính trị mà người ta vận dụng nó sao cho có lợi nhất cho quan điểm chính trị - xã hội của mình.

Ở hầu hết các nước Trung Đông, Islam giáo được công nhận là “quốc giáo” và điều này được ghi vào hiến pháp hay các văn bản pháp luật khác. Đồng thời các nhà lãnh đạo các quốc gia này thường nêu lên những quan điểm hoặc đưa ra những chương trình thuần túy Islam giáo trong việc giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội và kinh tế.

Các chế độ quân chủ - tư sản thường sử dụng Islam giáo để đấu tranh với các lực lượng tiến bộ trong đất nước họ nói riêng và trong toàn khu vực nói chung để bảo toàn và củng cố địa vị chính trị - xã hội của mình được hình thành trong quá khứ. Các chế độ dân chủ - cách mạng tiểu tư sản thì cố gắng sử dụng hệ tư tưởng Islam giáo truyền thống đang thống trị trong quần chúng nhân dân để động viên họ giải quyết những nhiệm vụ phát triển đất nước. “Giới tăng lữ” Islam giáo bao gồm các giáo sĩ, các nhà thần học, các nhà luật học là một tầng lớp rất đông đảo và có ảnh hưởng lớn ở các nước Trung. Họ dựa trên các giá trị và truyền thống Islam giáo để biện giải cho chính trị. Những người này với những hình thức và mức độ khác nhau đảm bảo cho sự hoạt động của các thánh đường Islam giáo, các tòa án Shariah, các trường Islam giáo, các trung tâm nghiên cứu Islam giáo, các trung tâm văn hóa Islam giáo, các thư viện Islam giáo, các nhà xuất bản sách Islam giáo, các tổ chức từ thiện Islam giáo và các nghĩa trang Islam giáo của cộng đồng.

Theo quy chế xã hội, những người này thường là viên chức nhà nước và họ hoạt động dưới sự kiểm soát trực tiếp của bộ máy hành chính. Họ là những người theo “chủ nghĩa xu thời”, bảo vệ lợi ích của các giai cấp khác nhau trong xã hội Islam giáo, đồng thời họ cũng bảo vệ lợi ích riêng và lợi ích của tổ chức tôn giáo của mình. Chính vì hoạt động tư tưởng - tôn giáo là nguồn mạch chính cho sự tồn tại của “giới tăng lữ”, nên họ cố gắng tìm vị trí của mình trong cơ cấu xã hội thuộc bất cứ chế độ nào. Điều này làm cho những quan điểm chính trị - xã hội mà họ nêu lên không thật rõ ràng và do đó họ có thể dễ dàng thay đổi định hướng chính trị nhưng vẫn bảo vệ được địa vị của mình cả trong trường hợp tính chất xã hội đã thay đổi.

Xin nêu ra lời phát biểu đáng chú ý sau đây của Tổng biên tập “Tạp chí Al – Azhar” dưới thời Tổng thống Ai Cập A. Sadat: “Một số tác giả (thời Tổng thống G. A. Naser) viết hoặc nói về chủ nghĩa xã hội Islam giáo hoặc về chủ nghĩa xã hội Arập theo quan điểm Islam giáo … nhằm sử dụng thuật ngữ hiện đại để lôi kéo những người bội giáo lầm lạc trở lại với đức tin”[6].

Đại diện của “giới tăng lữ” Islam giáo, đại bộ phận là những người theo phái chính thống, trong mọi trường hợp họ luôn biện hộ cho nguyên trạng. Vì vậy, họ cố gắng không vượt khỏi giới hạn các thể lệ và quy định của Islam giáo truyền thống, nghĩa là tuân thủ nghiêm ngặt Năm Cột trụ của Islam giáo và những quy định trong Kinh Koran và Luật Shariah.

Những tín đồ Islam giáo theo phái chính thống cho rằng, việc tuân thủ những quy định này đảm bảo sự tồn tại của “xã hội Islam giáo”, của “kinh tế Islam giáo” và của “chính trị Islam giáo”. Một bộ phận giáo sĩ và các nhà thần học Islam giáo đã đoạn tuyệt với “tổ hợp tôn giáo quốc doanh” và tham gia các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ. Các tổ chức này được hiểu ngầm là các liên hiệp, hiệp hội, nhóm phái, đảng phái muốn gạt bỏ sự kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động của tổ chức mình.

Nếu như lúc đầu chỉ mới có một số tổ chức như “Anh em Islam giáo” (thành lập năm 1928 và tồn tại cho tới nay, mặc dù bị chính phủ hiện nay ở Ai Cập đặt ngoài vòng pháp luật) thì sau đó ở khu vực Trung Đông đã xuất hiện một loạt các nhóm phái chính trị - tôn giáo khác nhau. Thí dụ, ở Syria có các tổ chức: “Các chiến binh của Allah”, “Phong trào Giải phóng Islam giáo”, “Đội Phalangơ của Mohammed”; ở Marốc có “Hội Thanh niên Islam giáo” và các nhóm nhỏ lấy tên từ lịch sử Islam giáo như “Medina”, “Mohammed”; ở Tuynidi có “Phong trào Phục hưng Islam giáo” (thành lập năm 1979) sau đó tách ra thành “Phong trào Định hướng Islam giáo” (một tổ chức rất có ảnh hưởng hiện nay), nhóm “Khuynh hướng Islam giáo”, “Đảng Hội đồng Islam giáo”, “Đội Tiền phong Islam giáo”, “Đảng Giải phóng Islam giáo”; ở Irắc có đảng hoạt động bí mật với tên gọi “Lời kêu gọi” hay “Đảng Islam giáo kêu gọi”; ở Ai Cập có tổ chức “Thanh niên Mohammed”, “Hội Huynh đệ Thánh chiến”, tổ chức “Thánh chiến”; ở Arập Xêút có các tổ chức “Cảnh báo về một phiên tòa khủng khiếp”, “Những người kêu gọi”, “Phong trào Cách mạng Islam trên bán đảo Arập”, tổ chức “Bình minh”, “Ủy ban Huxêin của những người tử đạo”. Đây mới chỉ là một sự liệt kê sơ bộ về các tổ chức, đảng phái Islam giáo phi chính phủ hình thành ở các quốc gia Trung Đông tính đến những năm cuối thế kỷ XX.

Các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ nói trên, xét về thành phần giai cấp, là các tổ chức tiểu tư sản. Trong các khẩu hiệu có tính chất cương lĩnh và trong hoạt động của các tổ chức này lộ rõ sự hoảng sợ của các chủ sở hữu nhỏ - sự hoảng sợ trước sự vô sản hóa và bần cùng hóa mà chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ đưa đến trong quả trình phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, họ kêu gọi sự bình đẳng về tài sản dưới sự bảo trợ của Islam giáo, đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản, chống lại phong cách và lối sống Phương Tây và điều quan trọng nhất là chống lại công nghệ phát triển cao, chống lại sự thống trị của hàng hóa ngoại nhập. Điều này có nghĩa là họ chống lại tất cả những gì đe dọa người sản xuất nhỏ, tiểu thương và thợ thủ công.

Nhưng mặt khác, hệ tư tưởng và hoạt động của các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ ở các nước Arập cũng nhằm chống lại chủ nghĩa xã hội khoa học. Cái mà họ lo sợ về mặt kinh tế là sự tịch thu tài sản, còn về mặt tư tưởng là sự không có tín ngưỡng và vô thần. Do vậy, tư tưởng then chốt của các tổ chức này là kêu gọi mọi người hãy quay trở về với Islam giáo chính thống và coi nó như một hệ tư tưởng truyền thống.

Về ý thức tôn giáo, các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ này không đơn giản chỉ kêu gọi khôi phục lại “cái tinh thần” Islam giáo trìu tượng, mà họ đòi khôi phục lại một cách chính xác, nguyên bản những quy định, luật lệ và lối sống của tín đồ Islam giáo có từ thuở nó mới ra đời. Họ quan niệm rằng, chính sự tiếp nhận Islam giáo của người Arập đã “tự động” giải phóng các dân tộc này khỏi mọi sự áp bức và nô lệ và rằng, sự quay trở về với tôn giáo chân chính trước đây sẽ đảm bảo giải quyết được tất cả các vấn đề hiện tại[7].

Rất nhiều thành viên của các nhóm phục hưng Islam giáo tìm đến các loại ma thuật. Họ để râu, mặc áo dài màu trắng và sử dụng các vật dụng khác của Islam giáo - đó không chỉ là vấn đề trang phục và diện mạo truyền thống mà còn là ý đồ khôi phục lại Islam giáo như nó vốn đã từng tồn tại từ khi ra đời. Không phải ngẫu nhiên mà một loạt các tổ chức Islam giáo đã khôi phục lại “Hijra”[8] của Tiên tri Mohammed. Những người của các tổ chức này thường đi sâu vào các vùng sa mạc hoang vắng tách biệt với thế giới bên ngoài để tìm đến với các đại diện của cái gọi là “Islam giáo chân chính”.

Tóm lại, các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ thuộc Islam giáo ở các nước Trung Đông rất đa dạng về tên gọi nhưng có chung một mục đích là chống lại xu hướng đổi mới nhằm giữ lại nguyên trạng xã hội Islam giáo như nó vốn tồn tại trong lịch sử. Khi có điều kiện các tổ chức này vươn lên giành quyền lãnh đạo đất nước bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng ưu tiên dùng biện pháp bạo lực thông qua cái gọi là “Thánh chiến” (Jihad). Trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ đề cập tới tư tưởng chủ đạo của những người đứng đầu hai trong số các các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ thuộc Islam giáo ở các nước Trung Đông, đó là  tổ chức“Anh em Islam giáo”  và “Thánh chiến”.

TS. Nguyễn Văn Dũng

 

 


[1]  Xem: Revolution Africaine. Alger,14-20.01.1983, p.24

[2]  Theo:M.N. Siddiqi. Contemporary Literature on Islamic Economics. Jeddah, 1978

[3]  Xem thêm: Nguyễn Văn Dũng. Vấn đề cải cách và đổi mới của tôn giáo Phương Đông thời Cận - Hiện đại. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1/2001, tr.16 – 21, số 2/2001, tr. 21 - 28

[4]  Ali Merad. L’Islam à l’horizon 2000. – “Tiers Monde”. P. Octobre – Decembre 1982, t.23, No 92, p.771

[5]  Trích theo: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M.,1985, tr.210 (tiếng Nga)

[6]  Trích theo: Những vấn đề cấp bách của hệ tư tưởng thuộc phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á – Phi. M., 1982, tr. 220 (tiếng Nga)

[7]  Xem: Abu-al-Hasan Ali al-Hasani an-Nadavi. Thông điệp về cuộc đời của nhàTiên tri gửi con  người thế kỷ XX. Angiê, 1982, tr.11 (tiếng Arập). Đọc và diễn giải theo bản tiếng Nga trong cuốn: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.215

[8]  Hijra - cuộc di cư của Mohammed và những tín đồ Islam giáo đầu tiên từ Mecca đến Medina năm 622 - mở đầu cho kỷ nguyên Islam giáo. Năm Hijra (năm 622) được tính là năm đầu tiên của Lịch Islam giáo