Cần nhìn nhận khách quan về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 09/07/2019
Ngày 29/4/2019, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) ra báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo thế giới năm 2019. Ngày 21/6/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố “Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2018”. Trong phần viết về Việt Nam, mặc dù ghi nhận Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng 02 bản Báo cáo vẫn nhìn nhận không khách quan về tình hình tôn giáo Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc này được khẳng định tại các bản Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ khi thành lập nước đến nay và được đảm bảo thực thi trên thực tế.

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Bên cạnh Hiến pháp 2013, Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo (2004), Nghị định 92 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2012), Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016), Chính phủ ban hành Nghị định 162 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 30/12/2017. Với những điểm mới được bổ sung, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã kế thừa những ưu điểm của các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trước đây, thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và được đánh giá là một bước tiến mới trong vấn đề đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhận của thế giới trong tình hình hiện nay.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước tôn trọng và đảm bảo trong thực tế. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại:  (1) lễ hội dân gian, (2) lễ hội lịch sử cách mạng, (3) lễ hội tôn giáo, (4) lễ hội du nhập từ nước ngoài, (5) lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề. Các ngày lễ tôn giáo lớn như Lễ Giáng sinh của Công giáo, Tin Lành, Lễ Phật đản của Phật giáo và hàng loạt các ngày lễ của các tôn giáo khác đều được tổ chức trọng thể theo nghi lễ tôn giáo với sự tham dự của hàng trăm ngàn người. Hoạt động sinh hoạt tôn giáo ngày nay không chỉ được xem là nhu cầu tâm linh của những người theo đạo mà còn được xem là nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Cả nước có khoảng 26 triệu tín đồ chiếm 27% dân số, hơn 55.000 chức sắc, gần 145.000 chức việc, hơn 29.000 ngàn cơ sở thờ tự.

Về việc công nhận tổ chức tôn giáo, kể từ năm 2004 khi thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, Việt Nam đã công nhận thêm 10 tôn giáo với 28 tổ chức, nâng tổng số các tổ chức lên 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Số lượng nêu trên chưa bao gồm hàng ngàn điểm nhóm của đạo Tin Lành và rất nhiều hình thức tôn giáo nhỏ khác đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cấp cơ sở.

Trong số các tổ chức được công nhận ở Việt Nam, có tôn giáo hàng triệu tín đồ (như Phật giáo: khoảng 14 triệu tín đồ, Công giáo: 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo: 1,3 triệu tín đồ, Cao Đài: 1,1 triệu tín đồ, Tin lành: 1 triệu tín đồ,...), nhưng cũng có tổ chức chỉ vài trăm tín đồ đã được công nhận Ban Đại diện (như Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê -su Ky-tô). Là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo nhưng ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo không ngừng được duy trì và mở rộng. Hiện nay, cả nước có 60 trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Một số cơ sở đào tạo tôn giáo được phép đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Nhiều chức sắc, nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Italia….Đại diện chức sắc các tôn giáo đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn như: Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á….Các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã đăng cai nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn và được dư luận đánh giá cao. Gần đây nhất là việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc VESAK từ ngày 12 - 14/5/2019 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) với sự tham dự của hơn 3000 đại biểu, trong đó có 1.650 đại biểu quốc tế đến từ  112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào là tăng, ni, nhà nghiên cứu, Phật tử từ hơn 40 quốc gia, trên dưới 20.000 lượt tăng, ni, Phật tử tham dự các hoạt động bên lề của Đại lễ.

Đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo  quy định của pháp luật. Cộng đồng dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bà la môn được thành lập Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đáp ứng nhu cầu đạo tạo của tu sỹ Phật giáo Nam Tông khmer. Các tổ chức tôn giáo được xuất bản kinh sách bằng tiếng dân tộc. Hàng trăm điểm nhóm Tin Lành ở Tây Nguyên, Tây Bắc được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung…

Như vậy, có thể thấy rằng những thành tựu Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là không thể phủ nhận. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, nhưng không chấp nhận các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Việt Nam kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, gây rối an ninh trật tự, kích động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước, làm tổn hại lợi ích quốc gia, làm cản trở tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tại các nước phát triển, hoạt động tôn giáo cũng luôn phải tuân thủ pháp luật. Luật Phân ly (1905) của Cộng hòa Pháp, Điều 26 quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo”. Điều 35 của Luật này cũng nêu rõ: “Giáo sỹ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ việc thi hành pháp luật của Nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm”. Tại Nhật Bản, Luật Pháp nhân tôn giáo ban hành và có hiệu lực từ năm 1951. Đến năm 1995, sau sự kiện giáo phái AUM khủng bố trong hệ thống đường tàu điện ngầm ở Tokyo bằng chất độc Sa - rin,  Nghị viện Nhật Bản đã bổ sung, sửa đổi Luật này theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với các hoạt động tôn giáo.

Ngay tại nước Mỹ, luật pháp các bang cũng quy định rất rõ hành vi chống chính quyền và chế tài xử phạt tương ứng. Đặt biệt các tòa án ở Mỹ cũng rất nghiêm khắc đối với các hành vi truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan và bạo lực. Bất kể cá nhân hay tổ chức nào có hành vi nhân danh tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động bạo lực và khủng bố…đều bị xét xử theo pháp luật.

Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhà nước Việt Nam không ngăn cấm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, mà chỉ ngăn cấm và xử phạt nghiêm khắc những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật.

Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ và của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phản ánh đúng thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thiết nghĩ Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cái nhìn đầy đủ, khách quan, tôn trọng sự thật tình hình tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Việt Nam và Hoa Kỳ đã có “kênh” đối thoại nhân quyền. Đây là phương thức tốt nhất để hai bên trao đổi, học hỏi lẫn nhau, rút ngắn những khác biệt, khoảng cách thông qua đối thoại, phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước./.

 

Ngô Thị Xuân Lan