Văn hóa Tây nguyên - linh thiêng và huyền bí
Ngày đăng: 27/07/2022
Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước, nền văn hoá Việt Nam đã hình thành và không ngừng phát triển. Bằng lao động sáng tạo và ý chí đấu tranh bền bỉ, kiên cường, nhân dân ta đã xây đắp nên một nền văn hoá rực rỡ kết tinh sức mạnh và in đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, chứng minh sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Đến Buôn Đôn mà không ghé tham quan Khu nhà mồ tù trưởng Khunjunob & R'leo K'Nul ở ĐakLăk thì quả là thiếu sót lớn. Bởi, nơi đây xung quanh cây cỏ mọc um tùm, chỉ có một hai ngôi mộ mới, còn lại các ngôi mộ khác đều cũ kỷ, thậm chí còn có dây leo, cây cỏ bao trùm ngôi mộ không được dọn dẹp. Tìm hiểu mới biết những loại thảo mọc này “tự tung, tự tác” là do tục bỏ mã của dân tộc nơi đây. Thật bất ngờ và thú vị, ở một nơi xa xôi hẻo lánh thế này mà có một truyền thống rất oai hùng và cực kỳ ý nghĩa. Đấy là: Khunjunob, tên thật là N'Thu K'Nul, sinh năm 1828, một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây. Ông đã săn được hàng trăm voi, trong đó có một con voi trắng mà ông đã mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861. Vua Thái Lan rất cảm phục và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob (Vua săn voi). Cả đời mình, ông đã sống, làm việc, lãnh đạo dân làng Buôn Đôn, rồi chọn chốn này làm nơi yên nghỉ cuối cùng, thọ 110 tuổi. Sau khi ông mất, việc hành lễ, bỏ mã, lập mộ cho ông do người cháu (gọi ông bằng cậu) tên là R/Leo đứng ra lo liệu. Buôn Đôn lúc bấy giờ đã là một nhóm cộng đồng đa sắc tộc mà thành phần chủ yếu là các dân tộc M/nông, Êđê và Lào, nên R/Leo và dân làng đã quyết định xây dựng mộ ông dựa theo kiến trúc M/nông - Lào kết hợp để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố. Kiến trúc nhà mồ theo văn hóa M/nông - Lào của ngôi mộ ông thể hiện khá rõ qua mô-típ hình khối được trang trí bằng các búp sen trên bốn góc và đỉnh mộ. R'Leo (cháu của Khunjunob) sinh năm 1877, là người kế quyền lãnh đạo buôn làng sau khi tù trưởng Khunjunob qua đời. Ở thời kỳ này, R/Leo tỏ ra là một nhà lãnh đạo xuất sắc, biết phát huy các thế mạnh vốn có của địa phương, góp phần không nhỏ trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đặc biệt, ông đã góp phần làm cho mối quan hệ của buôn làng với các nhóm dân tộc lân cận và triều đại phong kiến đương thời (Bảo Đại) ngày càng khắng khít. Ông cũng đã tặng Bảo Đại một voi trắng và thành lập cho vị vua này một đội voi săn "Hoàng Gia Bảo Đại". Ông qua đời năm 1947, thọ 70 tuổi. Ba năm sau khi ông qua đời (1950), lễ bỏ mã cho ông được thực hiện và mộ ông được xây dựng theo kiến trúc đền tháp Campuchia.

         

Dòng sông chảy ngược                          

Nghe qua, chắc rằng tâm lòng không khỏi cảm động và thán phục với những giai thoại làm say mê về tài năng của Khunjunob và R/Leo. Đến huyện Buôn Đôn ngày nay, ai ai cũng đều khát khao mong muốn được gặp, tận mắt chứng kiến một con người bằng xương, bằng thịt, một nhân vật nổi tiếng với biệt danh “Dũng sĩ săn voi A Ma Công”, người anh hùng Tây Nguyên. Mặc dù ông là người kế vị các tiền bói săn voi, thế nhưng biệt tài của ông chẳng thua kém, bởi ông đã bắt và thuần hóa được trên 300 con voi, rất nhiều dụng cụ dùng để bắt và thuần hóa voi còn được lưu giữ tại nhà ông. Hiện nay, ông đã 103 tuổi, đi lại, ăn uống bình thường, song vì sức khỏe, tuổi cao nên ông không còn tiếp tục chỉ huy đội săn voi rừng. Không chỉ có tài săn voi, mà ông còn có những bí quyết chế biến ra rất nhiều bài thuốc chữa trị bệnh, bổ dưỡng cơ thể, được nhiều người gần xa biết đến và tiêu thụ.

Núi rừng Tây Nguyên thật hùng vĩ, nên thơ. Rảo bước trên những chiếc cầu giây bắc qua các con sông nước chảy cuồn cuộc, dòng nước lách qua các khe đá, thân cây tạo nên âm thanh huyền diệu như lời ru của suối ngàn, thấp thoáng gập ghềnh suối đá, đồi cỏ ngất ngay lòng khách tha phương. Tinh thần sảng khoái, biểu lộ trên những gương mặt rạng ngời cười vui náo nhiệt, như bất chợt Buôn Đôn xưa hiện về, chuyện về Buôn Đôn cổ xưa hấp dẫn lạ lùng: Buôn Đôn là một làng trên cao nguyên nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Xưa kia nói tới Buôn Đôn là nói tới cả một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Sêrêpôk – dòng sông chảy ngược - quanh năm nước chảy hiền hòa, con gái, con trai, người già, trẻ nhỏ say sưa với những vũ điệu dân gian trong lễ hội cùng nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng. Buôn Đôn mang sắc thái của nhiều dân tộc cộng cư như Lào, Khơme, Êđê, M' Nông, Gia Rai ..... rồi dân tộc Kinh và cả một số dân tộc phía Bắc đến lập nghiệp.

 Nằm giáp với biên giới Lào, Campuchia, Buôn Đôn mang một sắc thái văn hóa độc đáo và đa dạng. Buôn Đôn là gọi theo cách gọi của người Ê đê và Bản Đôn gọi theo người Lào. Buôn Đôn cổ xưa thịnh vượng được truyền tụng với những khu nhà mồ có kiến trúc, điêu khắc đẹp như những bức tranh hoành tráng, với nhiều huyền thoại về người lập làng, với những giai thoại làm say mê du khách, các nhà nghiên cứu ... một địa danh có tiềm năng lớn trong các hoạt động du lịch với các hình thức du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân tộc, du lịch sinh thái cho người nghiên cứu và yêu thích sự mạo hiểm, tìm hiểu về thiên nhiên và động thực vật; du lịch dã ngoại bằng voi trên sông Sêrêpôk; uống rượu cần, sinh hoạt văn hóa dân gian.

Buôn Đôn về đêm tiết trời ấm áp, tĩnh lặng. Chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng đã được sắp đặt và chuẩn bị trước bỗng vang lên làm xé tan màn đêm giữa núi rừng Cao Nguyên bởi ánh lửa hồng vút lên mỗi lúc cao hơn và rực sáng hơn. Các nghệ nhân bắt đầu trình diễn những tiết mục truyền thống. Thưởng thức từng động tác, tiết tấu, giọng hát, điệu múa, nụ cười… làm cho ta cảm nhận được cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng.  “Đêm rượu cần, say ngất ngây như men rượu cần…”, mọi người giao lưu thưởng thức đặc sản truyền thống nổi tiếng rượu cần của Tây Nguyên. Cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ. Ngày 25-11-2005, Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.

Chia tay Buôn Đôn và Buôn Ma Thuột, cỏi lòng lưu luyến khắc ghi những vườn cây tươi tốt, cành lá xum xuê xanh mượt, nổi bật hơn hết là vườn cà phê, trà liền kề nhau tạo nên một màu xanh của núi rừng phì nhiêu; đó đây vẫn đọng lại hàng trùng đồi, núi cao thấp với muôn hình muôn vẽ cảnh núi rừng hùng vĩ, tạo ra nhiều cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn và gắn liền với nhiều truyền thuyết dân gian.

 

Trần Thắng