Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng 'Tổ quốc có độc lập, tôn giáo mới tự do'
Ngày đăng: 09/07/2019
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân không chỉ trong tư tưởng mà cả trong hành động cụ thể. Ở Người, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một sự tôn trọng có cơ sở lý luận, khoa học và cách mạng; đồng thời là một yếu tố quan trọng trong đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngay sau ngày tuyên bố “Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 03/9/1945, khi quy định về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Từ năm nay tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể như: các báo Việt và Tàu.., Công giáo, Phật giáo.., Công hội, Nông hội...”.

Khi vạch ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì một trong sáu nhiệm vụ cấp bách ấy do Người vạch ra ngày 03/9/1945 là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Sau này, trong “Thư gửi Hội Phật tử ngày 30/8/1947” và trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Cộng sản Việt Nam 3/3/1951” và nhiều bài nói bài viết khác, Người cũng thường khẳng định lại lập trường đó. 

Với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đại đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng và những người không có tín ngưỡng, giữa những người có tín ngưỡng khác nhau, tất cả đều vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển và hoàn thiện của mỗi cá nhân con người Việt Nam và vì sự phát triển của dân tộc.

“Hiện nay toàn quốc đồng bào ta Công giáo và ngoại Công giáo đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức đấu tranh để gìn giữ nền độc lập của Tổ quốc. Ngoài sa trường thì xương máu của các chiến sĩ Công giáo và ngoại Công giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để ngăn cản kẻ thù chung là bọn thực dân phương Tây. Ở khắp nơi trong nước, đồng bào Công giáo và ngoại Công giáo đang cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Tinh thần hy sinh phấn đấu ấy tức noi theo tinh thần cao thượng của Đức Chúa Giêsu” – Trích Thư gửi các vị Linh mục và đồng bào Công giáo Việt Nam ngày 25/12/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài nói tại buổi khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt tháng 3 năm 1951, Người nói: “Trong Đại hội này, chúng ta có đại biểu đủ các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc, già có, trẻ có, nam có, nữ có, thật là một gia đình tương thân tương ái. Chắc rằng sau cuộc Đại hội, mối đoàn kết thân ái sẽ phát triển và củng cố khắp toàn dân. Với lực lượng đoàn kết ấy, chúng ta sẽ vượt qua hết thảy mọi khó khăn, gian khổ, chúng ta sẽ đánh tan tất thảy mọi kẻ thù đế quốc thực dân.”

“Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công” – Trích Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam ngày 30/8/1947 – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”. Người luôn kêu gọi “Toàn thể đồng bào ta, không chia Lương - Giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông, Tổ quốc mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957. Ảnh tư liệu

Quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, người luôn coi những giá trị nhân văn, nhân đạo của các tôn giáo là những di sản văn hóa tinh thần quý báu của nhân dân. Người tìm thấy trong các tôn giáo có nhiều điều tương đồng, phù hợp với mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm đó của Người nhắc nhở mỗi chúng ta phải có thái độ khách quan, khoa học nhằm tìm ra những giá trị nhân văn, nhân đạo trong mỗi tôn giáo để kế thừa, phát huy vì sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, trong đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Người, đoàn kết các tôn giáo là vấn đề rất quan trọng, mà ngày nay còn nguyên giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn. 

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh

(Nguyên Trưởng khoa Khoa Lịch sử, Đại học Vinh)

Nguồn: baonghean.vn