Đôi điều về việc giải mật tài liệu lưu trữ dưới thời Giáo hoàng Piô XII (1939 - 1958)
Ngày đăng: 11/07/2019
Ngày 2 tháng 3 năm 2019 Tòa Thánh Vatican kỷ niệm 80 năm ngày Hồng y Eugenio Maria Giuseppe Giovanni Paccelli đắc cử và trở thành vị giáo hoàng thứ 260 của Giáo hội Công giáo Roma với tông hiệu là Piô XII (Pius XII). Nhân dịp này Giáo hoàng Phanxicô đã thông báo rằng, Tòa Thánh Vatican sẽ mở Kho Lưu trữ các tài liệu mật (hay thường gọi là Văn khố mật của Vatican) về Giáo hoàng Piô XII vào ngày 2 tháng 3 năm 2020 cho các nhà nghiên cứu.Thông báo trên được đưa ra trong buổi tiếp kiến của Giáo hoàng Phanxicô vào sáng ngày 4 tháng 3 năm 2019 dành cho 75 người thuộc ban giám đốc, các nhân viên và cộng tác viên Văn khố mật của Vatican, đứng đầu là Tổng giám mục Jose Tolentino de Mendoca, thư viện trưởng Vatican.

Cũng trong buổi tiếp kiến này, Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Giáo hội không sợ lịch sử, trái lại Giáo hội yêu mến lịch sử và muốn yêu mến hơn nữa. Vì thế, với cùng lòng tín nhiệm của các vị tiền nhiệm, tôi mở và ủy thác cho các nhà nghiên cứu gia sản tài liệu này”[1]. Đây là điều mong ước lâu nay của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các học giả người Do Thái, bởi vì họ rất muốn tìm hiểu về vai trò của Giáo hoàng Piô XII trong nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) của Đức Quốc Xã trong Chiến tranh Thế giới II. Đây là vấn đề vốn còn gây nhiều tranh cãi.

 Theo Giáo hoàng Phanxicô, di sản của Giáo hoàng Piô XII đã trở thành chủ đề cho “một số thị phi và cường điệu”[2]. Ngài nói rằng, triều đại của Giáo hoàng Piô XII gồm “những thời khắc khó khăn trầm trọng, những quyết định mang tính đớn đau của sự cẩn trọng mang tính con người và Kitô giáo, mà một số có thể xuất hiện như sự cẩn trọng”[3]. Giáo hoàng Phanxicô nói tiếp rằng, các quyết định của Giáo hoàng Piô XII có thể được coi là những nỗ lực “để thắp sáng, trong những giai đoạn tăm tối và tàn bạo nhất, ngọn lửa của những sáng kiến nhân đạo, của chính sách ngoại giao kín ẩn nhưng năng động”[4].

Cùng với việc mở Kho Lưu trữ các tài liệu mật về Giáo hoàng Piô XII, Tòa Thánh Vatican cũng đưa ra những điều kiện để được tham gia nghiên cứu những tài liệu này. Theo Giám mục Sergio Pagano, Giám đốc Văn khố mật của Vatican, việc nghiên cứu tại Văn khố được miễn phí cho các học giả có điều kiện cần thiết, quan tâm thực hiện những nghiên cứu khoa học. Những người này phải có bằng cao học chuyên môn (5 năm) hoặc có bằng cấp đại học tương đương. Đối với các giáo sĩ, cần có bằng cao học hoặc bằng tiến sĩ.

Giáo hoàng Piô XII được biết đến với danh hiệu “Giáo hoàng của hai cuộc chiến tranh” - Chiến tranh Thế giới II và Chiến tranh Lạnh. Theo Niên giám Tòa Thánh năm 2003, ngày đắc cử Giáo hoàng của Ngài là ngày 2 tháng 3 năm 1939, ngày khai mạc chức vụ mục tử đoàn chiên Chúa là ngày 12 tháng 3 năm 1939 và kết thúc triều đại của Ngài vào ngày 9 tháng 10 năm 1958.

Eugenio Paccelli sinh ngày 2 tháng 3 năm 1876 tại Roma, Italia trong một gia đình quý tộc nhỏ nhưng có mối quan hệ thân thiết với các giới của Vatican. Năm 1894, Eugenio Paccelli bắt đầu theo học môn thần học và sau đó là triết học. Đến năm 1899 ông đã có 3 bằng cử nhân về thần học, giáo luật và luật dân sự. Cũng trong năm này, ngày 2 tháng 4 ông được thụ phong linh mục.

Trong cuộc đời mục vụ của mình, Eugenio Paccelli đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng của Tòa Thánh Vatican, cụ thể như: năm 1901, ông vào làm việc tại Thánh bộ Công vụ Ngoại thường của Giáo hội Công giáo Roma, phụ trách những quan hệ quốc tế của Tòa Thánh Vatican; năm 1904, ông được bổ nhiệm vào Ủy ban Pháp điển hóa giáo luật; năm 1905, ông được thăng làm giám chức thân cận của Giáo hoàng Piô X. Những năm tiếp đó Eugenio Paccelli được thăng chức một cách nhanh chóng và đều đặn: năm 1911, ông trở thành thứ trưởng Thánh bộ Công vụ Ngoại thường; năm 1912, được Giáo hoàng Piô X bổ nhiệm làm phụ tá Tổng trưởng và đến năm 1914, làm Tổng trưởng; năm 1917, được Giáo hoàng Benedicto XV bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh Vatican tại Munich, đại diện duy nhất của Giáo hoàng tại Đế quốc Đức; từ năm 1929, dưới thời Giáo hoàng Piô XI, Eugenio Paccelli là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Tòa Thánh Vatican và ngày 2 tháng 3 năm 1939, sau 2 vòng bỏ phiếu, 63 hồng y trong Viện Cơ mật, chiếm 2/3 số phiếu bầu, đã chọn Hồng y Eugenio Paccelli làm Giáo hoàng với tông hiệu Piô XII. Ngày được bầu làm Giáo hoàng cũng là ngày sinh nhật của Eugenio Paccelli.

Trong thời gian trị vì Giáo hội Công giáo Roma, Giáo hoàng Piô XII đã khuyến khích mọi nỗ lực để xây dựng một nền dân chủ Kitô giáo thật sự. Ngài đã đưa ra nhiều thông điệp về Giáo hội, về nghiên cứu Kinh Thánh, về thần học, phụng vụ và đặc biệt vào năm 1950 đã công bố tín điều “Đức Mẹ hồn xác lên Trời”.

Dưới triều đại của Giáo hoàng Piô XII, sinh hoạt của Giáo hội có nhiều thay đổi, trước hết là phụng vụ, cụ thể như: nghi thức bí tích bằng tiếng địa phương; cho dâng lễ buổi chiều; việc giữ chay Thánh Thể chỉ còn 3 giờ; cải tổ nghi lễ tuần thánh và đơn giản hóa kinh thần vụ. Giáo hoàng Piô XII tích cực cổ vũ phong trào tông đồ giáo dân, mở 2 đại hội giáo dân thế giới, quốc tế hóa Hồng y đoàn và cổ vũ việc lập hàng giáo phẩm các xứ truyền giáo[5].

Tuy nhiên, các trào lưu thần học, phong trào xã hội chủ nghĩa và linh mục thợ lại bị Giáo hoàng Piô XII phê phán. Cũng giống như người tiền nhiệm của ngài là Giáo hoàng Piô XI, người đã ký các điều ước với phát xít Italia và Đức Quốc Xã, Giáo hoàng Piô XII là một người chống cộng cuồng nhiệt. Dưới thời Giáo hoàng Piô XII, phong trào “Công giáo hành động”, một phong trào quốc tế cánh hữu đã hoạt động tích cực nhằm mục đích ngăn chặn sự tham gia của thanh niên Công giáo vào chủ nghĩa xã hội. Với mục đích “chống cộng”, Giáo hoàng Piô XII đã củng cố quan hệ với các chế độ của Benito Mussolini ở Italia, Francisco Franco ở Tây Ban Nha, Antonio Salazar ở Bồ Đào Nha, Ante Pavelic ở Croatia, v.v..

Về vai trò của Tòa Thánh Vatican mà Giáo hoàng Piô XII là người đại diện trong Chiến tranh Thế giới II, và đặc biệt là đối với nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) của phát xít Đức, theo các nhà nghiên cứu, vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

 Những người chỉ trích Giáo hoàng Piô XII thường cáo buộc Ngài đã không lên án công khai nạn diệt chủng của Đức Quốc Xã nhằm vào người Do Thái và bảo vệ những nạn nhân của Holocaust. Trong các bài phát biểu của Giáo hoàng Piô XII trong giai đoạn này người ta không tìm thấy bất kỳ sự lên án rõ ràng nào đối với chủ nghĩa phát xít Đức, cũng như không nghe được bất kỳ lời nói chính thức nào của Ngài về những nỗi thống khổ mà người Do Thái phải chịu đựng do nạn diệt chủng của Đức Quốc Xã. Các giám mục cũng như các tín đồ Công giáo trong giai đoạn này cũng không nhận được bất kỳ một chỉ dẫn nào của Giáo hội Công giáo Roma về cách đối xử với người Do Thái. Ngoài ra, trong suốt cuộc chiến tranh Tòa Thánh Vatican dường như cũng không bận tâm đến những việc kinh hoàng mà Chính phủ Công giáo ở Croatia đã làm.

Những lời phát biểu một cách dè dặt của Giáo hoàng Piô XII về kế hoạch “Barbarossa[6] và “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái[7] cũng là lý do nảy sinh giả thuyết về Eugenio Paccelli như một “giáo hoàng thân phát xít”. Năm 1963, giả thuyết này đã được Rolf Hochuth, nhà viết kịch người Đức đưa vào vở kịch của ông với tên gọi “Người Đại diện” (The Reprsentative). Nghịch lý của “Người Đại diện” là ở chỗ trong vở kịch này có một nhân vật chính diện - một sĩ quan SS của Đức Quốc Xã đã uổng công kêu gọi Giáo hoàng Piô XII hủy bỏ các điều ước với Hitler và bảo vệ người Do Thái.

Thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng Piô XII “Summi Pontificatus” công bố ngày 27 tháng 10 năm 1939 đã lên án Đức Quốc Xã vì tư tưởng của chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng Tòa Thánh Vatican dưới thời “Giáo hoàng Đại Tây Dương” đã không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đệ Tam Quốc Xã.

Còn những người ủng hộ Giáo hoàng Piô XII lại thường nhắc đến nhưng nỗ lực của các khâm sứ ở các nước Châu Âu và các tổ chức Công giáo ở Roma trong việc giải cứu hàng nghìn người Do Thái khỏi nạn diệt chủng. Họ cho rằng, sự tranh cãi về vai trò của Tòa Thánh Vatican đối với Holocaust chỉ rộ lên sau khi xuất hiện vở kịch “Người Đại diện” của Rolf Hochuth và dựa vào đây để kết tội Giáo hoàng Piô XII đồng lõa với Đức Quốc Xã vì lo sợ chủ nghĩa cộng sản mà đại diện là những người Bolshevik Nga sẽ tràn khắp Châu Âu.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Giáo hoàng Piô XII cũng phải thừa nhận rằng, những lời nói hay tuyên bố của Ngài trong Chiến tranh Thế giới II là quá thận trọng. Nhưng những người này lại biện hộ rằng, những lên án công khai đối với Đức Quốc Xã lúc bấy giờ có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho người Công giáo ở khắp các khu vực trên lãnh thổ Châu Âu bị phát xít Đức chiếm đóng và làm cho việc bảo vệ người Do Thái nói riêng và mọi người nói chung thêm khó khăn hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, những tranh cãi trong những năm gần đây về vai trò của Tòa Thánh Vatican và Giáo hoàng Piô XII trong Chiến tranh Thế giới II và nạn diệt chủng người Do Thái xoay quanh vấn đề Vatican không muốn mở Kho Lưu trữ tài liệu mật của Vatican thời Chiến tranh thế giới II cho công chúng tìm hiểu rõ[8].

Tại buổi khai mạc các hoạt động kỷ niệm 80 năm lên ngôi giáo hoàng của Piô XII, Giáo hoàng Phanxicô nói: “Nhân cách của Giáo hoàng (Piô XII), một con người đã can đảm chèo lái con tàu của Thánh Peter trong những thời khắc cay đắng và tăm tối nhất của lịch sử thế kỷ XX, vẫn đang bị chỉ trích. Ngày nay, chúng ta cần phải đánh giá lại và đặt những phẩm chất cá nhân của Ngài vào đúng vị trí của chúng; như một mục tử, một nhà thần học, một nhà tu hành khổ hạnh và một nhà ngoại giao”[9]. Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc lại rằng, năm 2006, người tiền nhiệm của Ngài là Giáo hoàng Benedicto XVI đã tiếp tục công việc của các giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II trong việc hệ thống hóa di sản của Giáo hoàng Piô XII. Di sản này của Ngài đang được lưu giữ tại Kho Lưu trữ mật của Tòa Thánh Vatican và do vậy các nhà sử học chưa thể tiếp cận được. Giáo hoàng Phanxicô muốn hoàn thành công việc của Giáo hoàng Benedicto XVI và hơn thế nữa, Ngài sẽ giải mật Kho Lưu trữ mật của Giáo hoàng Piô XII.

Cũng cần phải nhắc lại một điều là, trước đó Giáo hoàng Benedicto XVI đã chứng minh rằng Tòa Thánh Vatican “không sợ lịch sử” bằng việc vào năm 2006 Ngài cho giải mật phần lớn các tài liệu lưu trữ của Giáo hoàng Piô XII giai đoạn 1922 - 1939, đó là các “điều ước của giáo hoàng” đã ký với Mussolini năm 1929 và với Hitler năm 1933.

“Quyết định của Giáo hoàng Phanxicô mở Kho Lưu trữ mật của Tòa Thánh Vatican nhận được sự chào đón của nhiều tổ chức Do Thái”[10]. Đó là tuyên bố của ông Ephraim Zuroff, Giám đốc Trung tâm Simon Wiesenthai của Israel trong bài trả lời phỏng vấn báo Jerusalem Post. Ông Ephraim Zuroff cho rằng, phần lớn các tài liệu mật trong Kho Lưu trữ của Giáo hoàng Piô XII liên quan đến các quan hệ Do Thái - Công giáo và quan điểm của Tòa Thánh Vatican về nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust). Ephraim Zuroff nói: “Giả sử không có một tài liệu nào trong số các tài liệu của giai đoạn này đánh giá tiêu cực về Giáo hoàng và Giáo hội Công giáo cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ thì những cáo buộc gián tiếp đối với Piô XII về sự đồng lõa với Đức Quốc Xã cho tới nay vẫn chưa được gỡ bỏ. Quyết định của Giáo hoàng Phanxicô sẽ cho phép các nhà sử học xác định xem trong tương lai lịch sử sẽ nhìn nhận Piô XII như thế nào, cũng như tuyên bố Ngài có thể là Thánh hay không”[11].

Bộ Ngoại giao Israel, Đại hội Do Thái toàn thế giới cũng như Viện Tưởng niệm thảm họa quốc gia và chủ nghĩa anh hùng Yad Vashem đã chính thức lên tiếng hoan nghênh dự định giải mật tài liệu lưu trữ của vị Giáo hoàng đương nhiệm. Aron Schneer, cán bộ khoa học của Viện Yad Vashem đã nói với Báo Độc lập - Tôn giáo của Nga như sau: “Quan hệ của Vatican với ‘Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái’ - đó là trang tài liệu ít được biết nhất về mối quan hệ của Piô XII với Đức Quốc Xã và các đồng minh của chúng. Liệu Giáo hoàng Phanxicô có thể công khai được gì? Tôi có thể giả định: đây có thể là những tài liệu và những báo cáo của lãnh đạo các giáo hội Công giáo địa phương và của các sứ thần Tòa Thánh về chính sách của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái ở những vùng lãnh thổ mà chúng chiếm đóng. Người ta có thể đọc được phản ứng của Piô XII đối với những báo cáo này. Theo truyền thống, Piô XII bị buộc tội đã thờ ơ với số phận bi thảm của người Do Thái ở Châu Âu, ngoại trừ số phận của những người Do Thái ở Italia bị đưa sang thảm sát tại trại Auschwitz sau khi người Đức lật đổ Mussolini và chiếm đóng Roma. Trong trường hợp này, như các nhà sử học khẳng định, Piô XII không thể im lặng, bởi vì nó liên quan tới những người Do Thái “của ngài”. Tài liệu về Italia, do vậy, sẽ rất nhiều.Tôi tin rằng, sẽ có những tài liệu về thảm họa ở Pháp, Ba Lan, Slovakia và có thể ở cả Litva”[12].

Tại Litva, bằng cách lôi kéo các phần tử theo chủ nghĩa bài Do Thái đang gia tăng mạnh mẽ ở nước này lúc bấy giờ, Đức Quốc Xã đã thành lập các đội quân trừng phạt từ những tình nguyện viên người địa phương. Tiểu đoàn tình nguyện Litva II đã thực hiện những cuộc thảm sát hàng loạt người Do Thái và người Slavơ ở Belorussia. Tiểu đoàn này từng bảo vệ cho trại tập trung Majdanek. Những tên lính trong đội quân trừng phạt người Litva đã phục vụ tại thị trấn Paneriai - thực chất, đây là một trại giết người ở ngoại ô thủ đô Vilnius. Tại đây chúng đã bắn chết   hơn 100 nghìn người là tù nhân của trại này.

Tại Slovakia, trong những năm 1941 - 1943 chính quyền nước này đã đầy hàng loạt người Do Thái Slovakia tới trại tập trung Auschwitz, trong khi đó, Tổng thống Josef Tiso là một giám mục người Công giáo, còn Bộ trưởng bộ Ngoại giao Alexander Mach là cựu sinh viên của một chủng viện Công giáo.

Theo dự đoán của Aron Schneer, những tài liệu được giải mật lần này rất có thể là những tài liệu trước đây chưa từng biết tới về những cuộc tiếp xúc ngoại giao của Tòa Thánh Vatican, bao gồm cả những nỗ lực hòa giải có thể giữa các đồng minh, ngoại trừ với Liên Xô và với Đức Quốc Xã. Cũng có thể Piô XII có những cuộc tiếp xúc trước đây chưa từng biết tới với Đức Quốc Xã. Và cũng có thể có những khám phá rất bất ngờ khác.

Yuri Tabak, nhà sử học tôn giáo, chuyên gia về quan hệ Do Thái - Kitô giáo cũng đưa ra giả định của mình về những cái mới có thể có của những tài liệu sắp được giải mật. Trả lời phỏng vấn của Báo Độc lập - Tôn giáo, Yuri Tabak nói: “Sự kiện này thật thú vị vì hy vọng rằng, bỗng nhiên sẽ tìm được những tài liệu nào đó gây chấn động. Ý kiến về Giáo hoàng Piô XII đang bị chia rẽ, đặc biệt là về thời kỳ Holocaust. Ở đây không có sự phân chia truyền thống, trong khi các nhà sử học Do Thái đưa ra một ý kiến, thì những nhà sử học gần gũi với Giáo hội Công giáo lại đưa ra ý kiến ngược lại. Ở Liên Xô, Nam Tư và một loạt nước khác, Giáo hoàng Piô XII đã bị buộc tội không nguyền rủa Hitler hay Pavelic vì sự tàn bạo mà chúng đã gây ra. Còn sau Chiến tranh Thế giới II, nhiều tổ chức Do Thái đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Piô XII vì sự im lặng của Ngài. Chính sự im lặng này đã giúp Vatican cứu người Do Thái”[13].

Yuri Tabak nói tiếp: “Những người phê phán chê trách Piô XII rằng, Ngài đã quá im lặng trước tội ác của Đức Quốc Xã và do vậy đã cởi trói cho chúng. Họ tin rằng, nếu như Giáo hoàng phản đối Hitler và bè lũ tay sai của ông ta thì người Công giáo trên toàn thế giới đã đoàn kết chống lại ‘dịch hạch nâu’ và có thể đã không có Holocaust và Chiến tranh Thế giới II. Để khắc phục những mâu thuẫn này, năm 2000, tại Vatican đã thành lập một ủy ban gồm các nhà sử học Do Thái và Công giáo. Nhưng không lâu sau đó các đại diện của Do Thái đã khiếu nại rằng họ không được phép làm việc tại các kho lưu trữ của Vatican và ủy ban này đã bị giải thể”[14].

Igor Kovalevski, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Nga nói: “Cần nhấn mạnh sự cởi mở của Giáo hoàng Phanxicô để đánh giá khách quan những sự kiện bi thảm của Chiến tranh Thế giới II. Dự định của Giáo hoàng Phanxicô đang góp phần hòa giải giữa các dân tộc, giữa người Kitô giáo và người Do Thái giáo. Trong số những người đại diện của Do Thái giáo cho đến nay vẫn còn một số người có quan niệm cho rằng, Giáo hội Công giáo và nói riêng là Giáo hoàng Piô XII, hình như đã không làm được nhiều để cứu người Do Thái khỏi nạn diệt chủng. Nhưng cũng có những bằng chứng cho thấy Giáo hội Công giáo tích cực tham gia vào việc cứu người Do Thái. Việc công bố tài liệu lưu trữ của Piô XII sẽ góp phần nhìn nhận khách quan về những sự kiện bi thảm của thế kỷ XX”[15].

Việc công bố những tài liệu lưu trữ dưới thời Giáo hoàng Piô XII đang được chuẩn bị rốt ráo và ngày 2 tháng 3 năm 2020, nhân kỷ niệm 81 năm Piô XII đăng quang giáo hoàng, hy vọng toàn bộ những tài liệu này sẽ ra mắt những nhà nghiên cứu lịch sử Giáo hội Công giáo Roma và nạn diệt chủng người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới II. Hãy cùng chờ đợi tới ngày đó./.

TS. Nguyễn Văn Dũng

[1]  https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-03/dtc-tuyen-bo-mo-van-kho-trieu-dai-duc-pio-12.html

https://www.masimpress.com/ban-tin/toa-thanh-vatican-se-mo-van-kho-mat-ve-duc-giao-hoang-pius-xii

3  https://www.masimpress.com/ban-tin/toa-thanh-vatican-se-mo-van-kho-mat-ve-duc-giao-hoang-pius-xii

https://www.masimpress.com/ban-tin/toa-thanh-vatican-se-mo-van-kho-mat-ve-duc-giao-hoang-pius-xii

5  Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/giáo hoàng Piô XII

6  “Barbarossa” là kế hoạch chiến tranh xâm lược của phát xit Đức chống lại Liên Xô. Kế hoạch này được bắt đầu soạn thảo ngày 21 tháng 7 năm 1940 và được thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1940 với âm mưu thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng hòng đập tan các lực lượng chủ yếu của Hồng quân Liên Xô trong vòng 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị thất bại hoàn toàn bởi cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân và lực lương vũ trang Liên Xô ngay trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941 - 1945). Xem: Từ điển Bách khoa Xô Viết. M. 1985, tr. 109 (tiếng Nga)

7  “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái” (tiếng Đức: die Endlösung der Judenfrage,) là kế hoạch của Đức Quốc Xã trong Thế chiến II để tiêu diệt một cách có hệ thống toàn bộ người Do Thái ở các vùng châu Âu do Đức Quốc Xã chiếm đóng thông qua diệt chủng. "Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái" là tên mã Nazi cho kế hoạch giết tất cả người Do Thái, và không giới hạn chỉ ở lục địa châu Âu. Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/giải_pháp_cuối_cùng

8 Về vai trò của Vatican và Giáo hoàng Piô II trong Chiến tranh Thế giới II và nạn diệt chủng Do Thái xin tham khảo thêm:

- Carol Ritter, Stephen D. Smith, Irena Steinfeldt. The Holocaust and the Christian World, Yad Vashem 2000, p. 133 - 137, bản dịch tiếng Việt của Ngô Việt Nguyên và hiệu đính của Lê Hồng Hiệp. http://nghiencuuquocte.org/2016-03-29/giao-hoang-pius-ii-va-nan-diet-chung-do-thai.

- Vatican sẽ mở hồ sơ về Giáo hoàng Píu XII bị cho là “ủng hộ Hitler. https://www.bbc.com/vietnamese/world-47446697.

- Nhật Minh. Giáo hoàng Píus XII từng muốn trừ khử Hitler? antg.cand.com.vn/ho-so-mat/giao-hoang-pius-xii-tung-muon-tru-khu-hitler.375776/

- Hồng Ngọc. Giáo hoàng Pius XII có yêu mến giáo hội Việt Nam? Tongiaovadantoc.com/c1043/20110409003446919/giao-hoang-pius-xii-co-yeu-men-giao-hoi-viet-nam-htm.

9 Trích theo: Arthur Priymak. Những bộ xương từ tủ của Vatican. www.ng.ru/ng_religii/2019-03-19/14_461_skelet.html (tiếng Nga)

10  Trích theo: Arthur Priymak. Những bộ xương từ tủ của Vatican. www.ng.ru/ng_religii/2019-03-19/14_461_skelet.html (tiếng Nga)

11 Trích theo: Arthur Priymak. Những bộ xương từ tủ của Vatican. www.ng.ru/ng_religii/2019-03-19/14_461_skelet.html (tiếng Nga)

12 Trích theo: Arthur Priymak. Những bộ xương từ tủ của Vatican. www.ng.ru/ng_religii/2019-03-19/14_461_skelet.html (tiếng Nga)

13  Trích theo: Arthur Priymak. Những bộ xương từ tủ của Vatican. www.ng.ru/ng_religii/2019-03-19/14_461_skelet.html (tiếng Nga)

14 Trích theo: Arthur Priymak. Những bộ xương từ tủ của Vatican. www.ng.ru/ng_religii/2019-03-19/14_461_skelet.html (tiếng Nga)

15 Trích theo: Arthur Priymak. Những bộ xương từ tủ của Vatican. www.ng.ru/ng_religii/2019-03-19/14_461_skelet.html (tiếng Nga)