Cần chấm dứt ngay việc sử dụng trẻ em thành công cụ chống phá chính quyền
Ngày đăng: 05/10/2018
Sinh thời Bác Hồ dạy: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Ấy thế mà giờ đây, các linh mục cực đoan ở một số giáo xứ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang dần biến các em thành công cụ để thực hiện ý đồ xấu xa. Đây là những việc làm cần phải lên án.

Thời gian gần đây, do chưa hiểu hết đặc điểm sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và phương pháp, nội dung chương trình giảng dạy có nhiều khác biệt so với chương trình giáo dục hiện hành, khiến cho nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh ta nói chung và phụ huynh theo Công giáo nói riêng có những băn khoăn, lo lắng.

Lợi dụng vấn đề này, thông qua rao giảng, một số linh mục đã chỉ đạo các phụ huynh là giáo dân có con em đang học bậc tiểu học không được đến trường để phản đối tài liệu chương trình học nói trên và các khoản thu đầu năm học 2018 – 2019 của nhà trường.

Kết quả là từ ngày 17 đến 21/9/2018, đã có 418/610 học sinh Trường tiểu học số 1 Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch và ngày 24-9-2018, có 320/403 học sinh Trường tiểu học Nhân Thọ, phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn nghỉ học.

Việc một số linh mục chỉ đạo phụ huynh là giáo dân không cho các em học sinh bậc tiểu học trong giáo xứ đến trường không những cản trở việc học tập của các em, làm ảnh hưởng đến tiến độ chương trình dạy học mà Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn đề ra từ đầu năm học, mà đã vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục và Luật Trẻ em.

Chưa dừng lại ở đó, một số linh mục như Mai Xuân Ái, quản xứ Xuân Hòa, xã Xuân, huyện Quảng Trạch; Nguyễn Lượng, phụ trách giáo họ Minh Tiến, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa chỉ đạo giáo dân yêu cầu Ban giám hiệu các Trường tiểu học có con em theo học phải làm việc với Ban công lý và hòa bình giáo xứ, giáo họ để thống nhất chương trình giảng dạy, các khoản thu đầu năm học.

Rõ ràng đây là hành động thể hiện sự ngang ngược, lộng hành của các vị linh mục muốn lấn lướt và qua mặt chính quyền cũng như cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - Đào tạo trên địa bàn huyện. Đây không phải là lần đầu tiên linh mục Nguyễn Lượng đưa ra những yêu sách ngang ngược, xem thường vai trò quản lý nhà nước tại địa phương. Bởi trong năm học 2017 - 2018, khi đang mục vụ tại giáo xứ Thủy Vực, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, vị linh mục này cũng đã đưa ra những đòi hỏi quá đáng nhưng không được chính quyền địa phương cũng như ban giám hiệu các trường học trên địa bàn chấp nhận.

Nội dung Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã triển khai tại 76 trường, với tổng số có 227 lớp và 5.511 học sinh hơn 1/3 số HS lớp 1 toàn tỉnh. Từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục –Đào tạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đối với tất cả các trường có học sinh tiểu học. Cụ thể: toàn tỉnh có 229 trường, với 550 lớp và hơn 12.300 học sinh; năm học 2017-2018 có 226 trường, với 660 lớp và hơn 16.900 học sinh; năm học 2018-2019 có 226 trường với hơn 19.200 học sinh lớp 1 học chương trình Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục 100%.

Qua thời gian thí điểm và đặc biệt sau 2 năm thực hiện đại trà dạy học chương trình Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình đã khẳng định những ưu điểm nổi bật của chương trình, đó là: đội ngũ Cán bộ quản lý và giáo viên có tinh thần trách nhiệm, có nhiều biện pháp tích cực trong việc duy trì sĩ số học sinh. Nhiều giáo viên thực hiện vững chắc và nhuần nhuyễn quy trình các việc trong tiết học, tạo được nề nếp học tập tốt. Chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục nâng lên rõ rệt kỹ năng đọc, viết tốt, đặc biệt với những vùng thuận lợi, học sinh đọc viết thành thạo từ cuối học kì I. Chất lượng học sinh có nhiều chuyển biến tích  cực, nắm chắc tiếng Việt, giao

Học sinh Trường Tiểu học Đồng Phú hào hứng với chương trình TV1-CNGD

tiếp tốt, nghỉ hè không bị quên, viết ít sai chính tả và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng; đọc đúng và nhanh hơn. Sau khi quen với cách dạy theo sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục, giáo viên hứng thú với các dạy mới, rèn được nền nếp học tập cho học sinh nhiều hơn. Sau khi tiếp cận hết các âm, học sinh có thể đọc thông thạo và viết đúng chính tả. Khoảng thời gian này ngắn hơn so với sách Tiếng Việt lớp 1 trước đây khoảng 2 tháng.

Có thể nói, dạy và học theo sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục theo sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục có nhiều ưu việt. Tuy nhiên, trên thực tế trong dạy và học chương trình Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục cũng có những hạn chế nhất định, như giai đoạn đầu năm học, khi mới làm quen, học sinh không được học đánh vần như cách học truyền thống mà nhận diện các tiếng trước khi đi vào làm quen với phần âm (chính đây là điều mà dư luận đang tranh cãi trong thời gian qua). Phụ huynh, kể cả giáo viên không được tập huấn thì không thể hướng dẫn con em mình học thêm tại nhà.

Lợi dụng vấn đề này, thông qua rao giảng, một số linh mục đã chỉ đạo các phụ huynh là giáo dân có con em đang học bậc tiểu học không được đến trường để phản đối tài liệu chương trình học nói trên. Việc làm của một số vị linh mục là trái với quy định tại Điều 795, Quyển III. Nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội của Ủy ban Giáo dục Công giáo Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Các trẻ em và các thanh thiếu niên phải được đào tạo thế nào để họ có thể phát triển cách hài hòa những tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ của mình, để họ có được một ý thức hoàn hảo hơn về trách nhiệm và biết sử dụng sự đúng đắn sự tự do của mình, và để họ trở thành những người có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội”.

Năm 2017, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, quản xứ Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn đã sử dụng trẻ em vào các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Công ty Formosa gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung. Năm nay, một số linh mục lại tiếp tục lợi dụng trẻ em làm vấy bẩn và ảnh hưởng nghiêm trọng sự thuần khiết môi trường giáo dục. Tình trạng một số linh mục đang mục vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sử dụng trẻ em làm công cụ để chống phá chính quyền và đưa ra những yêu sách ngang ngược đang ngày càng tăng lên. Việc làm bất nhân, bất nghĩa, bất tuân giáo lý của những linh mục này cần được cả cộng đồng lên án, đấu tranh để loại bỏ.

Thiết nghĩ, trước những hành động ngang ngược của một số linh mục trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để xử lý triệt để việc lợi dụng trẻ em làm vấy bẩn và ảnh hưởng nghiêm trọng sự thuần khiết môi trường giáo dục. Không thể để những kẻ “buôn đằng sóng, nói đằng gió”, đi ngược lại hoàn toàn lời răn của Chúa. Hãy trả lại cho các em sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng của tuổi học trò. Để các em được sống trong môi trường giáo dục thuần chất, được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội.

Hà Thanh