Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự đại hội lần thứ 11 Diễn đàn Phật giáo châu Á vì Hòa bình
Ngày đăng: 28/06/2019
Sáng 21-6, tại tu viện Gandan Tegchenling (thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ), đã diễn ra Đại hội lần thứ 11 và lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Diễn đàn Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP).

Hội nghị với chủ đề “Di sản và Giá trị Phật giáo và trong thế kỷ 21” đã có sự tham dự của các chức sắc Phật giáo cấp cao từ Mông Cổ, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Nga, Hàn Quốc, Sri Lanka, Việt Nam và một số nước châu Á khác.

Tham dự hội nghị còn có Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Xã hội của Liên hiệp quốc (ECOSOC).

Tổng thống Khaltmaagiin Battulga phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Khaltmaagiin Battulga nhấn mạnh: “Được sự dẫn dắt bởi những lời dạy về lòng từ bi của Đức Phật, ngay cả trong thời kỳ khó khăn của thời chiến tranh lạnh, Diễn đàn Phật giáo châu Á vì Hòa bình đã làm cho tiếng nói của mình được nhìn nhận không chỉ ở Châu Á mà trên toàn thế giới”. 

Tổng thống Mông Cổ nhận định, diễn đàn này đã mang đến những cơ hội mới trong hợp tác lâu dài về văn hóa, giáo dục và kinh tế nơi quyền con người, tự do và đoàn kết được giữ vững. Do đó, Diễn đàn đã được đăng ký như một quan sát viên cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc năm 1988 - để ghi nhận những đóng góp cho sự thịnh vượng của nhân loại thông qua các hành động vì hòa bình.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế - Xã hội ECOSOC của Liên Hợp Quốc Inga Rhonda King phát biểu tại lễ khai mạc

Đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội đồng lần thứ 11 của ABCP do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, làm trưởng đoàn. Cùng đi còn có GS. Lê Mạnh Thát, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN và TT. Thích Nhật Từ, Phó Ban Phật giáo quốc tế cùng 20 Phật tử Việt Nam.

TT. Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký HĐTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế GHPGVN, thay mặt GHPGVN, đọc bài phát biểu tại Hội thảo.

Diễn đàn là cầu nối Phật giáo để các nước Phật giáo và các tổ chức Phật giáo tại Châu Á chung tay cùng với cộng đồng Phật giáo toàn cầu chia sẻ tiếng nói vì hòa bình thế giới, hữu nghị giữa các nước và vì sự phát triển bền vững các xã hội theo tinh thần của Đức Phật. 

Tổ chức này được thành lập vào tháng 7 năm 1969, và sau đó trở thành một trong ít các tổ chức tôn giáo được đăng ký tại Liên Hợp Quốc. ABCP kể từ đó đã triệu tập 11 đại hội ở Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Nhật Bản và Lào.

PTT