Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Hồi giáo
Ngày đăng: 05/04/2024
Ngày 03/4/2024, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Trung tâm Halal Việt Nam tổ chức ngày Iftar hạnh phúc năm 2024 tại Hà Nội, với sự tham gia của đại sứ các nước, các nhà quản lý doanh nghiệp.

Iftar là lễ xả chay trong tháng Ramadan là dịp lễ linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Năm nay, tháng Ramadan diễn ra từ ngày 09/3-10/4/2024.

Theo PGS, TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, ngày Iftar hạnh phúc nhằm giới thiệu nhiều hơn nữa cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành hiểu thêm về văn hóa của người Hồi giáo; đồng thời, mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Hồi giáo và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển ngành Hala Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, sự kiện chung tay với Đề án của Chính phủ “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với 57 nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Được biết, thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo.

Để tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia Hồi giáo, khai mở một thị trường Halal đầy tiềm năng, việc tìm hiểu về văn hóa Islam nói chung, hiểu về những phong tục, tập quan, những điều kiêng kỵ Halal/Haram, Iftar nói riêng là vô cùng quan trọng góp phần giúp doanh nghiệp, địa phương Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… đạt tiêu chuẩn Halal.

Minh Lan