Từ vụ lợi dụng mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”:Một vài ý kiến về đạo lạ,cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết
Ngày đăng: 04/05/2018
Trong thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông liên tiếp đưa tin về những hoạt động vi phạm pháp luật, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, cộng đồng và xã hội của tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”. Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị, trường học,… và nhận thức của toàn xã hội.

Từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới chứng kiến nhiều thay đổi và có những biến động phức tạp, trong đó có các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ phát triển mà một trong những nguyên nhân đó là vấn đề toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa có thể làm cho một quốc gia, một dân tộc có cơ hội phát triển, đời sống con người được cải thiện; tạo ra sự giao l­ưu, làm cho các nền văn hóa được mở rộng, xích lại gần nhau hơn và xâm nhập lẫn nhau; con người có điều kiện tiếp cận nhiều giá trị văn hóa tinh thần của các quốc gia, dân tộc khác. Tuy nhiên, nó lại đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nhân loại và mỗi quốc gia, trong đó có cả những giá trị về tín ng­ưỡng, tôn giáo.

Sự phân cực về kinh tế và xã hội, trong đó có sự phân cực về tôn giáo diễn biến rất phức tạp. Đạo lạ hay tà đạo không chỉ xuất hiện ở các quốc gia chậm phát triển mà còn xuất hiện ngay ở các n­ước phát triển, xa lạ với các tôn giáo truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm, nhưng lại mê hoặc được không ít các lớp người khác nhau. Chẳng hạn, vụ tự sát tập thể vì ngày tận thế ở Uganda, giáo phái Aum ở Nhật Bản rải khí độc sarin trong đường xe điện ngầm,.... Tháng 4/2008, các quan chức an ninh Mỹ đột kích, khám xét trang trại rộng gần 700 ha của Giáo phái đa thê do Warren Jeffs đứng đầu tại thành phố Eldorardo, giải cứu 401 trẻ em và 133 phụ nữ. Theo tài liệu gửi tòa án, các cô gái chịu một cuộc sống tăm tối, bị lạm dụng tình dục, phải cưới chồng lớn tuổi hơn 2-3 lần khi vừa mới dậy thì, nếu ai bỏ trốn sẽ bị đối xử tàn tệ… Tin đồn tận thế khiến người dân nhiều nước hoang mang, hoảng sợ.  Cuối tháng 10/2007, 37 tín đồ Giáo phái ngày tận thế ở Nga gồm người Nga, Belarus và Ukraine đào hầm ở chờ ngày tận thế dự kiến sẽ xảy ra vào ngày 28/5/2008 theo sấm truyền của “giáo chủ” Pyotr Kuznetsov - một kỹ sư xây dựng ly dị vợ để hiến thân cho giáo phái này. Ông ta cho rằng đã nhận được “thần khải” giúp ông trở thành một nhà tiên tri biết trước sắp có ngày tận thế. Họ dự trữ nước uống, nhiều loại thức ăn để dùng tới “ngày tận thế”. Pyotr xúi tín đồ, đa số là phụ nữ xuống hầm nhưng ông ta không xuống. Các bác sĩ khoa thần kinh sau đó đã xác định rằng Pyotr Kuznetsov mắc bệnh hoang tưởng…

Với chủ trương, chính sách mở cửa của Việt Nam, số người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, làm việc, học tập… ngày càng nhiều, trong đó có những người mang theo cả tôn giáo mà họ theo vào nước ta. Trong những năm qua đã có một số đạo lạ xâm nhập vào nước ta từ bên ngoài nh­ư: Thanh Hải Vô Th­ượng Sư, Tam Tổ Thánh Hiền, Đạo Trứng, Địa Mẫu,… cùng với nhiều đạo lạ xuất hiện ở trong nước đã gây nên những vụ phức tạp trong đời sống xã hội.

Như trên đã nói, cũng như tình hình chung của thế giới, sự phát triển của nền kinh tế ở nước ta đã làm cho một số người trở nên giàu có rất nhanh và càng ham làm giàu hơn nữa. Vì thế, có những người đi tìm kiếm sự phù hộ tiếp tục từ Đấng siêu nhiên. Một bộ phận trong số họ, thay vì đến với những hinh thức tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, họ đến với những đạo lạ mà theo quan niệm của họ thì đạo lạ hấp dẫn hơn, có nhiều “lợi ích” hơn. Trái lại, những người nghèo thì lại tìm kiếm, tham gia vào các đạo lạ nhằm cầu mong sự may mắn, được chở che phù hộ làm cho họ được đổi đời. Cũng có một số người không thể tìm kiếm được nghề nghiệp, việc làm trong xã hội, nhưng để “tìm nghề” trong các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống thì họ không đủ khả năng, do đó họ tự lập ra các nhóm đạo lạ; đồng thời với tâm lý vọng ngoại nên khi các đạo lạ từ bên ngoài xâm nhập vào họ sẵn sàng đón nhận. Năm 2004, chúng tôi đã có những cuộc khảo sát thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, hoạt động của những người “truyền đạo” rất tinh vi nên lôi cuốn được nhiều người nhẹ dạ cả tin đi theo, len lỏi trong các thôn bản gây tình hình phức tạp trong cộng đồng. Có những người đến với đạo lạ mong tìm được một sự “giải tỏa” bức xúc đang tác động đến cuộc sống con người trong khi đó nhiều đạo lạ thường tổ chức cho “tín đồ” đi tham quan nên dễ thu hút được đông người.

Do sự tác động của nền kinh tế, nội bộ một số tôn giáo có những vấn đề làm cho một bộ phận tín đồ giảm niềm tin, tính thiêng liêng bị giảm sút trong tôn giáo truyền thống. Vì vậy, có những người cho rằng, không nhất thiết phải tìm kiếm một sự thoả mãn nhu cầu tâm linh ở cơ sở thờ tự mà họ đã từng theo,… với những lễ nghi rườm rà, bó buộc, bất tiện với nền nếp sinh hoạt của một xã hội công nghiệp hóa, nhưng dễ chấp nhận một loại hình tín ngưỡng đơn giản hơn, phù hợp với cuộc sống hiện tại hơn. Đó cũng là lý do làm nảy nở các đạo lạ, tà đạo tách biệt với tôn giáo truyền thống.

Trong quá trình phát triển xã hội, kỷ cương, đạo đức, lối sống sa sút, cùng với những tệ nạn xã hội khác làm cho một bộ phận quần chúng hoang mang. Một trong các vấn đề xã hội cũng gây bức xúc là vấn đề sức khoẻ, ốm đau, bệnh tật và việc chữa trị. Trước đây, khi ốm đau thì mọi người đến cơ sở y tế đều được chữa bệnh đỡ tốn kém nhưng một bộ phận dân cư nghèo gặp khó khăn cùng với sự xuống cấp trong y đức, người dân cảm thấy lo lắng khi bị bệnh tật và đành phải chấp nhận “có bệnh thì vái tứ phương”. Những người lập ra đạo lạ nắm được đặc điểm này nên hầu như họ đều có khả năng “chữa bệnh” bằng phương pháp “đặc biệt” và cũng là phương pháp để tập hợp, lôi kéo người tham gia đạo lạ. Một bộ phận đến với các đạo lạ có tính chất mê tín dị đoan, thậm chí phản văn hóa và một bộ phận bị lừa gạt, lôi kéo, dụ dỗ tin theo như đạo Chân không của L­ưu Văn Ty ở Hà Tĩnh, đạo Thiên cơ ở Thái Bình... Một bộ phận quần chúng có đời sống tinh thần nghèo nàn, hiểu biết xã hội có hạn đã tự tìm đến, tham gia các đạo lạ để tạm thỏa mãn phần nào nhu cầu văn hóa tinh thần như một số người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo “Thìn Hùng”, “Vàng Chứ” trước đây để được sinh hoạt cộng đồng, học hát, nghe giảng đạo... Tuy nhiên, trong số những ngư­ời đến với đạo lạ cũng có một số ít có học vấn tươ­ng đối cao.

Toàn cầu hóa đang lôi cuốn các quốc gia vào quá trình cạnh tranh quyết liệt để phát triển; đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng... đã và đang thách thức môi tr­ường, sinh thái toàn cầu, đe doạ không chỉ đối với mạng sống con ng­ười, mà còn đe doạ ngay cả hành tinh. Vì thế, cái gọi là “ngày tận thế” của các hiện tư­ợng tôn giáo mới, tà đạo ra đời. Các đạo lạ th­ường xuất hiện sau những đợt thiên tai xảy ra, mỗi đạo tự sáng tác ra một “Đấng cứu thế” và tuyên truyền rằng “Đấng cứu thế” xuất hiện để “cứu vớt” nhân loại?

Chúng ta đều biết rằng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn xã hội... Vì vậy, các cấp, các ngành liên quan cần:

1. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; nắm chắc địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời những hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không thể để xảy ra tình hình diễn biến phức tạp ở nhiều nơi mới tập trung “hậu kiểm” hoạt động của các đạo lạ như tổ chức lợi dụng mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

2. Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời kiên trì vận động nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và sự tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của Đấng thiêng liêng, từ bỏ cuộc sống hiện tại, từ bỏ gia đình, công việc,... đi theo đạo lạ chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

3. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, phân biệt rõ giữa một số nhóm lợi dụng mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, trong đó có các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo bình thường, tránh nhầm lẫn để không ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bị kẻ xấu lợi dụng. Ngành Y tế cần kiểm nghiệm loại nước mà tổ chức này cho “tín đồ” uống và cần phân biệt với nước Thánh được sử dụng bình thường trong một số tôn giáo.

4. Chức sắc của các tổ chức tôn giáo cần lên tiếng phản đối các hoạt động sai trái trên, góp phần làm cho dư luận nhận rõ sự thật về tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”, hiểu đúng về nước Thánh, đóng góp 10%,…. về những hoạt động tiêu cực của tổ chức lợi dụng tôn giáo này làm ảnh hưởng đến các tổ chức tôn giáo khác đang hoạt động hợp pháp.

5. Cần kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi đập bỏ bát hương, phá bàn thờ tổ tiên là trái đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta; tuyên truyền thờ cúng tổ tiên, ông bà, người đã chết là thờ cúng ma quỷ; con bỏ cha mẹ, học sinh, sinh viên bỏ học tập, phụ nữ bỏ chồng con,… vừa vi phạm pháp luật vừa không phù hợp với phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Cần khẳng định rằng, hoạt động của một số kẻ cầm đầu tự xưng là tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời” hay còn gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” là vi phạm pháp luật vì những tổ chức tôn giáo chân chính không làm những việc sai trái như vậy. Những kẻ cầm đầu đang lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin, nhất là nữ sinh viên và phụ nữ trẻ có chồng, khiến bao gia đình rơi vào cảnh vợ chồng, mẹ con ly tán, sống với nhau theo kiểu bầy đàn; học hành dang dở, tinh thần, thể xác suy sụp, tiền mất tật mang, cuộc sống bị đảo lộn;.. cần sớm được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.

Đặng Tài Tính