Giá trị di sản văn hóa Công giáo qua khảo cứu kiến trúc nhà thờ tại Giáo phận Bùi Chu
Ngày đăng: 10/05/2022
Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất và tinh thần tinh túy nhất, cô đọng, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác. Văn hóa có tính dân tộc vì nó được sáng tạo ra, được bảo tồn và lưu truyền trong cộng đồng dân tộc với điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử đặc thù; qua quá trình phát triển, chắt lọc, thử thách của thời gian, những đặc điểm dân tộc in dấu ấn vào các sáng tạo văn hóa; dần dần lắng đọng, định hình tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Nó tạo nên cốt cách, bản lĩnh, sức sống của một dân tộc. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “ Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Hội nhập văn hóa là một yếu tố tất yếu trong tiến trình phát triển của mỗi tôn giáo khi du nhập vào các vùng lãnh thổ khác nhau. Quá trình này được diễn ra lâu dài với những biến đổi sao cho phù hợp với nền văn hóa bản địa. Công giáo khi du nhập vào Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Sự hội nhập này được diễn ra trên nhiều phương diện khác nhau của Công giáo tiêu biểu như kiến trúc và sinh hoạt tôn giáo. Điều đó đã để lại một gia sản quý báu cho văn hóa Việt Nam trên rất nhiều phương diện khác nhau như: chữ viết, kiến trúc, nghệ thuật…

1. Giáo phận Bùi Chu

Mảnh đất Bùi Chu là nơi đầu tiên Công giáo được truyền bá tại Việt Nam. Theo Khâm Định Việt Sử :Giatô, dã lục, Lê Trang Tông, Nguyên Hoà nguyên niên, tam nguyệt nhật, Dương nhân danh Inêxu tiềm lai Nam Chân chi Ninh Cường, Quần Anh, Giao Thủy chi Trà Lũ âm dĩ Giatô tả đạo truyền giáo – Đời Lê Trang Tông, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), người Tây Dương tên là Inêxu lén lút đến làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy và làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, ngấm ngầm truyền tả đạo Giatô (Quốc sử quán triều Nguyễn (1999), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội trang 720).

Chính vì thế, nơi đây đã chứng kiến những giai đoạn phát triển cực thịnh của Công giáo tại Việt Nam, trước biến cố di cư vào Nam năm 1954. Sau năm 1954, Công giáo tại Bùi Chu tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ, sự phát triển này được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: số lượng các linh mục, tu sĩ nam nữ giáo dân; sự phong phú trong sinh hoạt văn hóa của người giáo dân; các công trình kiến trúc nhà thờ với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, trong đó nổi bật nhất là những công trình kiến trúc nhà thờ vừa mang đặc điểm kiến trúc phương Tây vừa mang những nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam.

2. Kiến trúc nhà thờ Công giáo tại Bùi Chu

Khởi đi từ những hang toại đạo tại Roma, là nơi cư ngụ của các tín hữu Công giáo thời tiên khởi khi bị bách hại do các chính sách cấm đạo của chính quyền thời đó. Tuy nhiên, với những chuyển biến trong chính sách đối với Kitô giáo của hoàng đế Constantinus thế kỷ thứ IV, nhà thờ Công giáo cũng dần thay đổi diện mạo, đạt tới mức đỉnh cao mà khi chiêm ngưỡng những công trình đó, chúng ta cảm nhận được sự uy nghi, trang nghiêm và linh thánh, xứng đáng là nơi mà Người Công giáo cho rằng đó là “Nhà của Chúa”, “Biểu tượng của Hội Thánh”.

Để thấy được nét đặc sắc của kiến trúc nhà thờ mang đặc trưng của kiến trúc truyền thống trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam, tác giả xin đưa ra những đặc điểm kiến trúc cơ bản của nhà thờ Công giáo:

- Kiến trúc nhà thờ Gotich và Roman, những nhà thờ mang đậm kiến trúc Gotich và Roman châu Âu, đây là những phong cách kiến trúc tiêu biểu của châu Âu thời kì trung cổ.

- Phong cách kiến trúc nhà thờ theo trường phái Phục hưng và Baroc.

- Phong cách kiến trúc hiện đại, đây là phong cách kiến trúc ngày càng xuất hiện nhiều do những biến đổi về xã hội cũng như thay đổi về tư duy xây dựng.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển tại Việt Nam, kiến trúc nhà thờ Công giáo có nhiều biến đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa cũng như khí hậu tại Việt Nam. Phong cách kiến trúc nhà thờ mang những đặc trưng cơ bản của sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc nhà thờ phương Đông và phương Tây.

Nói đến các nhà thờ mang sắc thái văn hóa Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Nhà thờ đá Phát Diệm (thuộc giáo phận Phát Diệm), một ngôi nhà thờ có sự hết hợp giữa đặc điểm kiến trúc Đình làng và kiến trúc Chùa Việt. Tuy nhiên, nếu thật thiếu sót nếu như chúng ta chỉ dựa vào đó để đánh giá về sự hội nhập kiến trúc trong văn hóa Công giáo. Sự phong phú này còn được thể hiện trên rất nhiều những công trình kiến trúc nhà thờ mà chúng ta có thể bắt gặp khi về Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình,…Trong đó tác giả nhận thấy tập trung khá nhiều tại giáo phận Bùi Chu thuộc tỉnh Nam Định.

Hiện nay, tại giáo phận Bùi Chu có khoảng 500 nhà thờ lớn nhỏ với từng cấp độ khác nhau để phục vụ các sinh hoạt tôn giáo của người giáo dân. Bên cạnh những nhà thờ mang kiến trúc phương Tây với loại hình kiến trúc Gotich và Roman thì còn tồn tại rất nhiều những nhà thờ mang kiến trúc phương Đông, được phân làm hai loại:

- Loại hình kiến trúc nhà thờ mang phong cách phương Đông;

- Loại hình kiến trúc nhà thờ mang phong cách của sự kiến hợp giữa phương Đông và phương Tây hay còn gọi là nhà thờ kiến trúc Đông Tây.

Hai loại hình kiến trúc này phân bố rộng khắp tại các giáo xứ, giáo họ trong giáo phận Bùi Chu, đan xen cùng với những nhà thờ mang phong cách kiến trúc phương Tây. Một không gian vừa hiện đại, vừa cổ kính, nhưng đều có một điểm chung  là cây Thánh giá, được đặt ở nơi cao nhất của nhà thờ như một bảo chứng Thiên Chúa đang hiện diện tại đó.

Thứ nhất, những nhà thờ mang đậm phong cách kiến trúc phương Đông, tức là những nhà thờ chịu ảnh hưởng bởi lối kiến trúc đình làng, với những kiến trúc tiêu biểu chữ nhất () và chữ công (). Tòa nhà cửa mở ngang, gồm các bộ phận: cổng, sân, dãy tả vu, hữu vu, nhà tiền tế, và phần chính là đại điện chiếm nhiều gian với những vì kèo để tạo nên một kết cấu vững chắc. Người Công giáo đã kế thừa những đặc điểm kiến trúc truyền thống đó để tạo nên những ngôi nhà thờ nhìn bên ngoài tưởng là một ngôi đình nhưng bên trong lại là một ngôi thánh đường Công giáo. Điều này tạo sự gần gũi cho giáo dân khi bước vào nhà thờ. Tiêu biểu cho những ngôi thánh đường mang phong cách kiến trúc phương Đông phải kể đến nhà thờ Giáp Nam, nhà thờ Trung Lao,vv…

Nhà thờ Giáp Nam

Nhà thờ Trung Lao

 

Nhà thờ Quất Lâm

Nhà thờ Đông Cường

       

Thứ hai, hệ thống các nhà thờ có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc phương Đông và phương Tây thể hiện một nét đặc sắc riêng biệt của các nhà thờ Công giáo tại Việt Nam nói chung và tại Bùi Chu nói riêng. Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Đông Tây được thể hiện rất rõ qua những hạng mục công trình của nhà thờ. Thân nhà thờ sẽ mang phong cách kiến trúc của một ngôi đình với những cấu kiện kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Nhưng tháp ở cuối nhà thờ lại được xây dựng với phong cách kiến trúc phương Tây, với những ngọn tháp cao vút lên trời thể hiện những tư tưởng thần học của Công giáo. Điển hình cho phong cách kiến trúc này phải kể đến các nhà thờ tiêu biểu như: Nhà thờ Ninh Cường, nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Hai Giáp, nhà thờ Lạc Đạo,v.v…

Nhà Thờ Ninh Cường

3. Giá trị văn hóa của các nhà thờ Công giáo tại Bùi Chu

Hội nhập văn hóa không phải là sự thay đổi về bản chất của tôn giáo, mà là sự tiếp thu có chọn lọc những gì phù hợp nền tảng tư tưởng mà tôn giáo mình đang hướng tới. Sự hội nhập kiến trúc văn hóa truyền thống để góp phần tạo nên một ngôi nhà thờ mang những sắc thái riêng biệt của người Công giáo Việt Nam là một sáng kiến vô cùng quý giá của các bậc tiền nhân, góp phần làm cho đức tin được thâm nhập, ăn sâu vào trong đời sống của các tín đồ Công giáo. Thiên Chúa không còn xa lạ đối với họ mà rất gần gũi, bởi vì được tôn thờ trong một ngôi nhà mang đặc trưng kiến trúc của người Việt Nam.

Không những thế, hệ thống các nhà thờ Công giáo mang đặc điểm kiến trúc truyền thống tại giáo phận Bùi Chu là một gia sản vô cùng quý giá về kiến trúc, lịch sử, biểu tượng,…góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng của văn hóa tôn giáo cũng như kiến trúc tôn giáo tại Việt Nam. Là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho những nhà nghiên cứu văn hóa tôn giáo, kiến trúc có thể tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của di sản kiến trúc này.

Các công trình kiến trúc nhà thờ Công giáo tại Bùi Chu, còn góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển du lịch tâm linh, hành hương về miền đất mà có thể nói là “kinh đô” của các nhà thờ Công giáo tại Việt Nam.

Có thể nói, nhà thờ Công giáo tại giáo phận Bùi Chu là sự kết thừa và phát huy những tinh hoa của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Góp phần tạo nên một “ngôi nhà của Chúa” mang bản sắc của người Công giáo Việt Nam. Nơi đây, cộng đoàn có thể quy tụ và cử hành các nghi thức phụng vụ khác nhau của Công giáo. Họ cảm nhận được sự ấm cúng, sự thân mật của một công đoàn giáo hội, sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ. Qua đó, họ được giáo dục cả về đời sống tâm linh và đời sống xã hội “yêu thương người khác như Chúa yêu thường mình”, sống có trách nhiệm và trở thành người có ích cho xã hội./

 

ThS. Nguyễn Đức Bá,  Bùi Văn Hài

Trường Đại học Văn hóa