Giá trị di sản của chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng: 03/11/20221. Khái quát về chùa Vĩnh Nghiêm
Tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương có bề dày văn hiến lâu đời. Những yếu tố tự nhiên, lịch sử, xã hội đã góp phần tạo cho Bắc Giang có một kho tàng di sản văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu giá trị, còn được lưu truyền đến ngày nay. Một trong những thành tố của kho tàng di sản văn hóa quý giá đó phải kể tới hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú với nhiều loại hình khác nhau. Theo thống kê, hiện nay Bắc Giang có hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa phân bố ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Nhiều di tích có quy mô lớn và độc đáo như: chùa Kem, chùa Bổ Đà… Đây là những di sản văn hóa vô cùng có giá trị, được bao người dân Bắc Giang trân trọng và giữ gìn. Trong đó đặc biệt nhất phải kể đến di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm và lễ hội truyền thống nơi đây.
Chùa Vĩnh Nghiêm hay còn gọi là chùa Đức La, xưa thuộc thôn Đức La, tổng Trí Yên, Phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Ngày nay chùa thuộc địa phận hành chính của thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa nằm cạnh ngã ba Phượng Nhãn, nơi dòng sông Thương gặp sông Lục Nam cùng đổ xuôi về Lục Đầu Giang lịch sử, bên kia sông là đền Kiếp Bạc. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa "đầu gối sơn, chân đạp thủy". Chùa tọa lạc trên đồi con Quy, rộng chừng hơn 1ha, lưng tựa vào dãy núi Cô Tiên, ở giữa cánh đồng lộng gió, phía Đông Bắc có núi Hổ Phục, phía Nam là một dải núi có tên Tuấn Mã, phong cảnh nơi đây thật hùng vĩ, tráng lệ, uy nghiêm và tĩnh tọa.
Tương truyền chùa có từ thời Lý, ban đầu chùa có tên là Chúc Thánh, sau đổi tên thành Vĩnh Nghiêm tự. Trong nội dung văn bia đặt trước tòa tiền đường của chùa, soạn khắc năm Hoằng Định thứ 7 (1606) có miêu tả cảnh đẹp của địa thế chùa Vĩnh Nghiêm như sau: "Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt có một khu sùng phúc rõ là đất Tam Bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao nghìn nhận, điệp điệp trùng trùng, bao bọc như hình long ổ. Ở chỗ hai ba con sông hợp lại, nước đầy ăm ắp, dào dạt, mênh mang, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Khoảng giữa đất trời thiêng liêng đó, có một ngôi chùa cổ, tên gọi Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm, thật là một danh lam đứng đầu thiên hạ..."
Như thế, nơi đây thực là vùng đất tụ thủy, tụ nhân, địa linh nhân kiệt. Đó là lý do từ xưa các vua quan nhà Lý, Trần thường vi hành. Điều quan trọng nhất chính vua Trần Nhân Tông đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi đăng đàn thuyết pháp, đồng thời làm trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo của nước Đại Việt. Chính vì vậy nhân dân nơi đây vẫn lưu truyền câu ca:
Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành
2. Giá trị lịch sử, văn hóa
Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm, một chốn Tổ quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần mỗi người con đất Việt. Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được nhân dân ta nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này. Theo sử sách ghi lại thì Vĩnh Nghiêm là nơi có số lượng tăng ni tham gia an cư kiết hạ rất đông. Vì thế chùa được xây dựng trong khuôn viên đất lớn, quy hoạch kiến trúc phải đảm bảo sự sinh hoạt cho tăng chúng. Nếu vào thời điểm nhà Lý, chùa Vĩnh Nghiêm ít người biết thì đến đời Trần kể từ khi Trần Nhân Tông chính thức khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và chủ trương đưa đạo Phật vào đời thì tầm ảnh hưởng không chỉ ở trong giới thiền môn mà còn ảnh hưởng rộng trên nhiều giới, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Điều đáng nói là cả ba vị Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm Trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà sau thời Trần nó vẫn tiếp tục phát triển theo dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là yếu tố quan trọng cố kết nhân tâm, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhà Trần lãnh đạo toàn dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông, thi hành chính sách thân dân, hoà hiếu với lân bang, xây dựng đất nước thịnh vượng.
Hơn 700 năm qua, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với sự diễn tiến thăng trầm của lịch sử Việt Nam nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Ngày nay, tinh thần, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần vẫn được tăng, ni, phật tử ở Việt Nam tu học. Từ Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và lan tỏa ra khu vực và thế giới, riêng hệ phái Thiền Tông chủ trương khôi phục Phật giáo thời Trần đã có tới hàng chục vạn người đang tu học tại hơn 60 Thiền viện, Thiền tự trong và ngoài nước.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay được tổ chức vào ngày 14/02 âm lịch. Đây là lễ hội lớn, mang tính liên vùng. Ngày tổ chức lễ hội cũng là ngày giỗ Tổ chùa nên tính chất hội ít, tính chất lễ nhiều hơn. Năm 2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.
3. Giá trị kiến trúc nghệ thuật
Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô lớn, tồn tại song song kiểu thức kiến trúc thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX. Trải gần một thiên niên kỷ với nhiều lần trùng tu, tôn tạo công trình kiến trúc hiện nay là sản phẩm của hai triều đại: Lê Trung Hưng và triều Nguyễn. Sự tồn tại của hai kiểu thức này trong cùng một di tích, chẳng những đã mang lại tính chất đa dạng của công trình, mà còn là một ví dụ tốt cho việc nghiên cứu so sánh các giai đoạn kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu thờ Phật và nơi đào tạo tăng đồ trong cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô lớn. Các cụm kiến trúc chính được sắp xếp trong một không gian hình chữ nhật, dàn trải theo một trục dọc theo một trật tự từ hướng Nam đến hướng Bắc thành năm tổ hợp kiến trúc chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà Tổ đệ nhị. Trong đó, tòa Tam bảo là công trình lớn nhất và đẹp nhất trong tổ hợp kiến trúc của chùa Vĩnh Nghiêm.
Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm
Tam quan: Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm xây theo kiểu chồng diêm gồm 01 gian, 02 chái với 02 tầng 08 mái đao cong. Bờ nóc xây gạch phủ áo vữa, giữa đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải xây gạch trát vữa, khúc nguỷnh tạo hình nghê chầu, bờ guột xây gạch phủ vữa nối các đầu đao cong.
Tòa Tam bảo nhìn từ trên cao
Mặt trước tòa Tam bảo
Tòa Tam bảo: Kiến trúc kiểu chữ công với thiết kế khang trang nối tàu bẩy, đao lá, mái 4 đao, 8 kèo, kiểu con chồng thượng tam, hạ tứ. Bộ khung kết cấu với những cây cột chịu lực có đường kính và chiều cao khá lớn đã cho thấy quy mô của tòa nhà này cũng như sự tài khéo trong kỹ thuật xử lý các mộng, chốt, liên kết gỗ của người thợ dân gian xưa và phần nào khẳng định tính ưu việt của kiến trúc gỗ dân gian truyền thống. Đáng chú ý về mặt kiến trúc ở tòa Tam bảo là vẫn giữ được nền nhà bằng đất nện, nơi tàng trữ nguồn sinh lực vô tận của mẹ Đất. Bên ngoài chùa trang trí đắp nổi hình cuốn thư trong đề ba chữ “Vĩnh Nghiêm tự” được trổ theo thể chữ triện, trang trí hồi văn hoa lá chạy đường diềm bao quanh. Trong ba nếp chùa đều có cửa võng, chạm khắc hoa lá, chim muông, họa tiết tinh tế mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Nhà Tổ đệ nhất nhìn từ trên cao
Nhà Tổ đệ nhất: Cũng làm theo kiểu chữ công nhưng thấp và nhỏ hơn, mang những nét đặc trưng kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Đó là các mảng chạm khắc đề tài vân mây, lá lật có đuôi dài uốn sóng, nét to mập. Năm 2002, trong đợt tu bổ Nhà Tổ đệ nhất đã tìm thấy chân tảng hoa sen thời Trần.
Gác chuông nhìn từ xa
Gác chuông: Gác chuông cao 02 tầng 08 mái có kiến trúc thượng thu, hạ thách mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tầng trên có sàn gỗ, giữa treo một quả chuông lớn được đúc năm Minh Mệnh thứ 11 (1830). Nhìn chung, đây là một công trình có kiến trúc đẹp với đao tàu kẻ góc và sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ và gạch ngói. Mặc dù Gác chuông chùa Vĩnh Nghiêm có diện tích kiến trúc nhỏ nhất nhưng lại có chiều cao cao nhất, trội hẳn lên so với các công trình kiến trúc khác.
Một góc nhà Tổ đệ nhị
Nhà Tổ đệ nhị: Có kiến trúc hình chữ nhị, gồm 11 gian Bái đường chạy song song với 3 gian hậu cung, nối với nhau bởi một máng xối là khoảng chảy của mái sau tòa Bái đường với giọt chảy mái trước tòa hậu cung. Đây là một kết cấu kép thường gặp trong nhiều di tích nhằm mở rộng hơn khoảng không gian kiến trúc lòng nhà.
Qua lược khảo một số hạng mục chính trên, cho thấy chùa Vĩnh Nghiêm có một dáng vẻ đặc biệt, khác hẳn với kiến trúc một số ngôi chùa: Chùa Keo (tỉnh Thái Bình), chùa Bút Tháp, chùa Dâu (tỉnh Bắc Ninh), chùa Tây Phương, chùa Thầy (thành phố Hà Nội)…. Chúng ta đều biết rằng, đặc điểm cơ bản của nền kiến trúc Việt Nam là nhà kết cấu khung gỗ, tường không là cơ sở chịu lực. Trong gần ba thế kỷ (XVI, XVII, XVIII) cái “thức” của nền kiến trúc này được hoàn toàn tôn trọng. Bước sang thế kỷ XIX các nghệ nhân dựng chùa Vĩnh Nghiêm đã có sự cố gắng vươn tới những kết cấu vững bền hơn, nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, tuy không vượt ra khỏi “thức” của kiến trúc gỗ, mà tiêu biểu là tòa Tiền đường. Hệ thống vì kèo ở đây chỉ có 04 cột, các thành phần kiến trúc khác như: Câu đầu, con chồng, đấu kê, kẻ… đều nhẹ nhàng mà vẫn tạo được độ rộng và chiều cao cần thiết, không thua kém các công trình với vì kèo 06 hàng chân cột, kích thước cột to và các thành phần kiến trúc rất nặng nề. Đặc biệt, những đầu bẩy không lớn mà tác dụng có hiệu quả không thua gì các bẩy làm bằng cả thân cây gỗ lớn ở các kiến trúc xây dựng trong hai thế kỷ trước.
Hệ thống tượng Phật chùa Vĩnh Nghiêm tương đối hoàn chỉnh về hình thức, vị trí, thứ bậc, chức năng… và đều là những tác phẩm điêu khắc đẹp trong kho tàng tượng Phật ở Việt Nam. Điêu khắc tượng tròn ở chùa Vĩnh Nghiêm chiếm một vị trí đặc biệt về giá trị mỹ thuật tiêu biểu của thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Hệ thống tượng Phật rất lớn về số lượng, phong phú về thế dáng, tỷ lệ, đa dạng về hình thái biểu cảm. Nghệ thuật điêu khắc chuẩn mực về tỷ lệ tả chân theo lối ước lệ của tượng Phật.
Bài trí tượng Phật trong tòa Tam bảo
4. Giá trị kho Mộc bản
Ngoài nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 3050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực: Tôn giáo, Y học, Văn học, Triết học, Lịch sử, ngôn ngữ, văn tự, in ấn, mỹ thuật…. với 9 đầu sách chính: “Tỳ khâu ni giới kinh”, “Giới luật kinh”, “Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh”, “Kính tín lục”, “Yên Tử nhật trình”, “Đại thừa chỉ quán”, “Sa di ni giới kinh”, “Di Đà kinh”, “Tây Phương mỹ nhân”... Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, Phật tử từ xưa tới nay. Năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Với những giá trị độc đáo, tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực: Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia; năm 2015, chùa Vĩnh Nghiêm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg, ngày 23/12/2015).
5. Vai trò của chùa Vĩnh Nghiêm trong đời sống tinh thần người dân tỉnh Bắc Giang
Có thể thấy, với vai trò là một trung tâm, một chốn Tổ quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, vì vậy Vĩnh Nghiêm có vai trò vô cùng to lớn đối với vùng đất Bắc Giang và quê hương Trí Yên. Khi đến với chùa Vĩnh Nghiêm, du khách sẽ được chiêm bái, lễ Phật, bái Tổ, hướng dẫn tu đạo. Đó chính là cầu nối giữa nhà chùa với du khách thập phương tại vùng đất Kinh Bắc xưa cũng như ngày nay, vậy nên dân gian vẫn có câu ca dao khẳng định vị trí, vai trò và các giá trị văn hóa nghệ thuật của ngôi già lam này.
Thứ nhất là chùa Đức La
Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng
Không phải ngẫu nhiên mà tổ đường Vĩnh Nghiêm lại có vị trí đặc biệt từ thế kỷ XIII khi mà Phật giáo Đại Việt tự tổ chức, xây dựng được một thiền phái độc lập và phát triển mạnh mẽ, nội sinh trong lòng dân tộc. Bởi lẽ, bỏ qua các yếu tố thần thoại truyền thuyết, xét về địa thế đất dựng chùa Vĩnh Nghiêm ta thấy : nếu lấy chùa làm trung tâm thì về đường thủy có thể nối Thăng Long với vùng biên cương của tổ quốc, xuôi dòng sông khoảng 1 giờ đồng hồ là tới Phả Lại, từ đây có thể dễ dàng tới Quỳnh Lâm, Yên Tử-miền đất thánh của Thiền phái Trúc Lâm. Bên cạnh đó qua đường thủy còn nối liền hai miền là : miền núi biên giới phía Bắc và miền biển Quảng Ninh. Về đường bộ, từ chùa có đường dẫn về trung tâm Xương Giang xưa (nay là Lạng Giang) và thị xã Bắc Giang. Nơi đây còn có con đường cổ đi Lục Ngạn, Lục Nam rồi sang Trung Quốc. Vị trí này vừa thuận tiện giao lưu, phát triển kinh tế lại có vị trí chiến lược quan trọng có thể bố trí các tuyến phòng thủ xa và gần nhằm chặn đứng bước tiến của kẻ thù trước cửa ngõ Thăng Long. Có lẽ vì thế mà xưa kia vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây làm đất dựng chùa. Sự lựa chọn đó không chỉ thể hiện con mắt đạo-hướng tới cái thiêng, cái thiện, cái đẹp của thế đất dựng chùa mà còn thể hiện con mắt rất đời của một nhà vua, nhà quân sự. Trải qua bao biến cố thăng trầm, tổ đường Vĩnh Nghiêm chính là hiện thân của đời sống tinh thần Phật giáo Đại Việt thế kỷ XIV, cũng như thành biểu tượng văn hóa – lịch sử của cả dân tộc. Cái tên Vĩnh Nghiêm đã ăn sâu vào quốc hồn dân tộc bằng giới pháp tu trì:
Dù ai năm tháng chung riêng
Cứ về chốn Tổ Vĩnh Nghiêm là bình./.
ThS. Nguyễn Thị Duyên