Chùa Phước Lâm - Dấu tích thiền phái Liễu Quán trong đời sống đồng bào ở Tây Nam Bộ
Ngày đăng: 01/11/2023Thiền phái Liễu Quán ra đời vào thế kỷ XVIII, là dòng thiền của người Việt Nam trên cơ sở biến chuyển thiền phái Lâm Tế của thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán. Với tinh thần Phật giáo phù hợp với người Việt Nam, thiền phái Liễu Quán đã lan tỏa sâu rộng ở miền Trung và truyền vào Nam Bộ. Các thiền sư phái Liễu Quán vân du khắp nơi truyền bá ngọn đèn Liễu Quán, nhờ đó mà Phật giáo ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tinh thần của người Việt ở vùng Nam Bộ.
Ở Nam Bộ nói chung, lịch sử truyền bá của phái Liễu Quán còn ghi dấu ở nhiều ngôi chùa, nhưng do một số nguyên nhân, dấu ấn Liễu Quán ngày càng mờ nhạt. Chùa Phước Lâm, tuy lịch sử ghi lại không nhiều và chưa cụ thể về thời gian khai lập, nhưng những tư liệu cơ bản liên quan cũng chứng minh rõ, các thiền sư truyền thừa ở chùa gắn liền với quá trình tồn tại, lan tỏa của Dòng Liễu Quán trong bức tranh phát triển của Phật giáo Bắc tông vùng Tây Nam Bộ. Các thiền sư của thiền phái Liễu Quán ở chùa Phước Lâm có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của Phật giáo vùng Tây Nam Bộ giai đoạn thế kỷ XIX về sau. Thời kỳ chấn hưng Phật giáo thập niên đầu thế kỷ XX có sự kế thừa quan trọng nền tảng phát triển Phật giáo Dòng Liễu Quán mà các thiền sư tạo dựng.
1. Lịch sử hình thành chùa Phước Lâm
Chùa Phước Lâm tại ấp Phú Lợi, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Theo Thượng tọa trụ trì chùa Phước Lâm, chưa có tài liệu đề cập cụ thể về năm thành lập chùa, chỉ biết vào năm 1836, cụ tổ Thanh Lợi trùng kiến ngôi chùa lần thứ nhất; đến năm 1783, tổ Minh Trữ (Trừng Trữ), hiệu Quảng Huệ trùng tu ngôi chùa lần thứ hai1; đến năm 1914, tổ Khánh Huy, pháp húy Như Huy trùng kiến ngôi chùa lần thứ ba. Ngôi chùa Phước Lâm nguy nga, đồ sộ theo lối kiến trúc 05 gian 07 chái, với hơn trăm cột gỗ quý. Cụ tổ Khánh Huy vốn là con út trong gia đình phú nông ở vùng Cai Lậy, khi ông phát tâm xuất gia thì gia đình đã hiến cúng cho chùa hơn trăm mẫu ruộng. Có thể nói, chùa Phước Lâm là một trong những ngôi chùa lớn ở vùng Tây Nam Bộ thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau này, do chiến tranh nên chùa bị hư hoại hoàn toàn. Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng, khi máy bay Pháp ném bom, chùa bị cháy hơn nửa tháng ngọn lửa mới tắt. Sau đó, chùa được người dân tạm dựng lại bằng cây lá đơn sơ để thờ phụng, lễ bái. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều tảng đá kê chân cột gỗ khi xưa và nhiều hoành phi, liễn đối vào thời điểm đó. Đến năm 1984, Hòa thượng Minh Trí, húy Nguyên Đạo được bà con phật tử thỉnh về trụ trì ngôi chùa. Hòa thượng Minh Trí cho trùng tu ngôi chùa lần thứ tư vào năm 1995. Suốt chiều dài gần 200 năm, chùa Phước Lâm là nơi truyền bá Phật pháp của nhiều danh tăng nổi tiếng ở Nam Kỳ.
Theo tư liệu lịch sử ghi chép về ngôi chùa, và cũng theo lời kể của sư trụ trì, dòng truyền thừa tại tổ đình Phước Lâm có các vị: 1, Thiền sư Thiệt Thoại, Tánh Minh, đệ tử đời thứ 35 Dòng Lâm Tế Chánh tông; 2, Thiền sư Tế Hiển, Bửu Vương, đệ tử đời thứ 36 Dòng Lâm Tế Chánh tông; 3, Thiền sư Đại Quang, Chí Thành, đệ tử đời thứ 37 Dòng Lâm Tế Chánh tông; 4, Thiền sư Đạo Trung, Thiện Hiếu, đệ tử đời 38 phái Tế Thượng Chánh tông; 5, Thiền sư Tánh Châu, thượng Đức hạ Triêm, đệ tử đời 39 phái Tế Thượng Chánh tông; 6, Thiền sư Hải Cảm, Chánh Dũng, đệ tử đời 40 phái Tế Thượng Chánh tông; 7, Thiền sư Thanh Lợi, Minh Đức, đệ tử đời thứ 41 phái Tế Thượng Chánh tông; 8, Thiền sư Minh Trữ (Trừng Trữ), Quảng Huệ, đệ tử đời thứ 38 Dòng Lâm Tế Gia Phổ, đệ tử đời 42 phái Tế Thượng Chánh tông; 9, Thiền sư Trừng Đắc, Tịnh Biên, đệ tử đời thứ 42 phái Tế Thượng Chánh tông; 10, Thiền sư Như Huy, Khánh Huy, đệ tử đời thứ 43 Dòng Lâm Tế Chánh tông, đệ tử đời 39 Dòng Lâm Tế Gia Phổ; 11, Thiền sư Nguyên Đạo Minh Trí, đệ tử đời 44 Dòng Lâm Tế Chánh tông. Ngoài ra, trong chùa còn thờ long vị của các thiền sư: 1, Thiền sư Tiên Giác, Hải Tịnh, đệ tử đời 37 Dòng Lâm Tế Gia Phổ khai sơn chùa Giác Lâm - Sài Gòn; 2, Thiền sư Hải Lương, Chánh Tâm, đệ tử đời thứ 40 Dòng Lâm Tế Chánh tông (trụ trì chùa Kim Cang, Thủ Thừa, Long An); 3, Thiền sư Hoằng Nguyên, Thiện Thông, đệ tử đời 41 Dòng Lâm Tế Chánh tông (khai sơn chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn); 4, Thiền sư Nhựt Tín, Thiện Từ, đệ tử đời 41 Dòng Lâm Tế Gia Phổ.
2. Chùa Phước Lâm trong mối quan hệ với phái thiền Liễu Quán
Trên cơ sở sơ lược lịch sử chùa Phước Lâm, cho thấy, ngôi chùa có mối quan hệ mật thiết với Dòng thiền Liễu Quán trong quá trình các thiền sư của phái này truyền bá Phật pháp ở Nam Kỳ.
Tìm hiểu dấu ấn của dòng thiền Liễu Quán ở chùa Phước Lâm, cho thấy, từ đời thiền sư truyền thừa thứ hai về sau đều liên quan đến Dòng Liễu Quán. Đó là thiền sư Tế Hiển, Bửu Dương (trong lược sử ngôi chùa ghi là Vương), đệ tử đời thứ 36 Dòng Lâm Tế Chánh tông, thế hệ thứ hai của Dòng thiền Liễu Quán. Theo tác giả Nguyễn Hiền Đức, thiền sư Tế Hiển - Bửu Dương là đệ tử của tổ sư Thiệt Diệu - Liễu Quán. Thiền sư Tế Hiển lập chùa Thiên Bửu ở thôn Mỹ Hiệp, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vào thời Cảnh Hưng (1740-1768), tức là vào thời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1736-1767)2. Trong Chánh pháp nhãn tạng do Hòa thượng Đạo An Phổ Nhuận phú chúc cho Hòa thượng Lý Trí Minh năm Thiệu Trị nguyên niên, ngày 05/5 năm Tân Sửu (1841) có nội dung liên quan đến truyền thừa của tổ Tế Hiển:
Đệ tam thập ngũ thế Thiệt Diệu Liễu Quán Hòa thượng
Đệ tam thập lục thế Tế Hiển Bửu Dương Hòa thượng
Đệ tam thập thất thế Đại Thông Chánh Niệm Hòa thượng
Đệ tam thập bát thế Đạo An Phổ Nhuận Hòa thượng.
Pháp danh tánh Lý thượng Trí hạ Minh đại sư3.
Theo Thích Quảng Hiệp, thiền sư Tế Hiển Bửu Dương viên tịch ngày 20/2, bảo tháp bảy tầng được đồ chúng xây dựng trong khuôn viên chùa Thiên Bửu4. Thiền sư Tế Hiển - Bửu Dương còn lập nhiều ngôi chùa khác ở miền Trung nhưng nay không còn dấu tích. Thiền sư có công rất lớn trong việc truyền bá Dòng Liễu Quán ở miền Trung vào Nam Bộ.
Cũng như thiền sư Tế Hiển Bửu Dương, truyền thừa tiếp theo ở chùa Phước Lâm là thiền sư Đại Quang, Chí Thành, đệ tử đời thứ 37 Dòng Lâm Tế Chánh tông cũng là đệ tử của Dòng thiền Liễu Quán. Trong quá trình vân du truyền bá Phật pháp, thiền sư Liễu Quán nhận rất nhiều đệ tử, đến nay còn biết được là chín người. Thiền sư Tế Nhơn Hữu Bùi (Viên Giác) là một trong chín vị đệ tử đó. “Thiền sư Tế Nhơn - Hữu Bùi hoằng hóa ở chùa Hàm Long (nay là chùa Báo Quốc) có các đệ tử và pháp tôn hoằng hóa ở Phú Xuân, truyền vào Phú Yên và vào tận vùng Đồng Nai - Gia Định”5. Còn theo tác giả Thích Thánh Minh, pháp phái của tổ Tế Nhơn Hữu Bùi được truyền vào Phú Yên, từ đời thứ 37 do thiền sư Đại Quang Chí Thành và thiền sư Đại Nguyệt Linh Chiếu hoằng giáo, phát triển rực rỡ từ miền Trung đến miền Nam. Các thiền sư khai sơn, xây dựng hàng chục ngôi chùa ở các tỉnh trên, làm cho Dòng thiền Liễu Quán hưng thịnh ở miền Nam. Trong Chánh pháp nhãn tạng ở tổ đình Hội Phước (Nha Trang) ghi:
Tam thập ngũ thế Thiên Thai Thiệt Diệu Liễu Quán Hòa thượng
Tam thập lục thế Tế Nhơn Hữu Bùi Hòa thượng
Tam thập thất thế Đại Quang Chí Thành Hòa thượng
Tam thập bát thế húy Đạo Ấm Quảng Xứ Hòa thượng
Tam thập cửu thế húy tánh Như Phổ Tế Hòa thượng...
Long Hòa tự tứ thập thế húy Hải Hội Chánh Niệm Hòa thượng phú chúc: Lâm Tế Chánh tông tứ thập nhất thế húy Thanh Minh Huệ Châu đại sư”6. Như vậy, long vị thiền sư truyền thừa Đại Quang, Chí Thành, đệ tử đời thứ 37 Dòng Lâm Tế Chánh tông được thờ ở chùa Phước Lâm là vị sư truyền thừa dòng Liễu Quán, đệ tử của Hòa thượng Tế Nhơn Hữu Bùi như lập hệ truyền thừa ở tổ đình Hội Phước (Nha Trang).
Truyền thừa sau thiền sư Đại Quang Chí Thành ở chùa Phước Lâm là thiền sư Đạo Trung, Thiện Hiếu, đệ tử đời 38 phái Tế Thượng Chánh tông, cũng là đệ tử của Dòng Liễu Quán. Dòng thiền Liễu Quán khi truyền vào Nam Bộ, để phân biệt với Lâm Tế Chánh tông hay Lâm Tế Gia Phổ, Dòng thiền Liễu Quán còn có tên gọi khác là Tế Thượng Chánh tông7. Một số long vị của các thiền sư ở vài chùa vùng Tây Nam Bộ cũng được ghi bằng tên Tế Thượng Chánh tông. Cụ thể như chùa Bửu Lâm (chùa tổ - Cái Bèo) ở thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), có long vị của vị tổ xưa nhất, ghi: “Tế Thượng Chánh tông, 33 thế, húy tánh Nhẫn, thượng Thiện, hạ Châu đường thượng Giác Linh, tổ sư nghê tòa”8. Do vậy, tên gọi Tế Thượng Chánh tông hay Liễu Quán cũng là một. Theo tư liệu lịch sử của tác giả Thích Huệ Thông, thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu sinh năm Quý Hợi (1743), là vị cao tăng thuộc thế hệ thứ 38 phái thiền Lâm Tế được truyền theo dòng kệ của tổ Liễu Quán “Thiệt tế đại đạo...”. Thiền sư Đạo Trung là đệ tử đắc pháp với thiền sư Đại Quang - Chí Thành. Thiền sư Đạo Trung từ chùa Hội Sơn ở Thủ Đức đi hoằng hóa đạo pháp, ngài đến khai lập chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà (Tây Ninh) vào năm 1763. Ngài đến vùng Bưng Bàu (cầu Định) vào khoảng năm 1768, được dân làng dựng am nhỏ cho sư tá túc, thiền định. Đến năm 1794 (Giáp Dần), đạo hạnh giới đức của sư được lan rộng khắp vùng, dân chúng phát tâm xin tổ cho trùng tu lại chùa làm nơi thờ phượng được khang trang hơn. Tổ Đạo Trung - Thiện Hiếu có công lớn trong việc truyền bá chính pháp nơi đây. Sau thời gian hành đạo khắp nơi, tổ Đạo Trung thu thần thị tịch vào ngày 20/12 năm Kỷ Mùi (1800). Đồ chúng hỏa thiêu xây tháp phía sau chùa Long Hưng (Ấp 4, xã Tân Định, Bến Cát, Bình Dương) để tôn thờ9.
Liên quan đến thiền sư truyền thừa Minh Trữ (Trừng Trữ), Quảng Huệ, đệ tử đời thứ 38 Dòng Lâm Tế Gia Phổ và cũng là đệ tử đời 42 phái Tế Thượng Chánh tông. Căn cứ vào tiểu sử ghi chép ở chùa, được biết, Hòa thượng pháp húy là Minh Trữ hay Trừng Trữ, hiệu là Quảng Huệ, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 38. Hòa thượng thế danh là Tô Ngọc Trữ, sinh năm Kỷ Mão (1829), đời Vua Minh Mạng thứ 10, tại thôn Bình Phú, tổng Lợi Thuận, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay là xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Ngài sinh ra trong gia đình nhiều đời kính tin Tam bảo, thuở nhỏ được cha mẹ cho học chữ Nho và Phật học cùng với học võ, nên sớm trở thành người có khiếu văn võ. Ngài có tài năng võ nghệ cao và trí tuệ bẩm sinh rất thông minh được mọi người trong làng khâm phục. Ngay từ lúc nhỏ, ngài được gia đình dẫn đến chùa quy y với Hòa thượng Thanh Lợi, hiệu Minh Đức ở chùa Phước Lâm.
Năm 1850, khi tổ tăng cang Tiên Giác - Hải Tịnh (Tế Giác - Quảng Châu) được các đại thần triều Nguyễn cung thỉnh giúp hoằng hóa Phật pháp đến đất phương Nam. Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh đã truyền bá Phật pháp rộng rãi ở vùng đất mới Nam Bộ. Năm 21 tuổi, ngài được Hòa thượng Thanh Lợi gửi đến xuất gia cầu học với thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh, được tổ thu nhận làm đệ tử, ban cho pháp danh là Minh Trữ, pháp hiệu là Quảng Huệ tại chùa Giác Lâm (Sài Gòn). Như vậy, ngài là một trong những vị đệ tử xuất chúng của tổ sư Tiên Giác - Hải Tịnh cùng thời với các vị yết ma Quảng An (chùa Giác Lâm), Quảng Thông (chùa Sắc Tứ Từ Ân), Quảng Thạnh (chùa Hưng Phước), Quảng Hiền và chủ tọa Quảng Văn (chùa Long Quang). Theo Ngũ gia tông phái ký, trong các đệ tử của tổ Tiên Giác - Hải Tịnh ở Nam Bộ thì ngài được xếp sau Hòa thượng Chơn Ứng trụ trì chùa Sùng Đức và Hội Phước.
Sau khi được tổ sư Tiên Giác - Hải Tịnh cho thọ giới và đắc giới tại chùa Sắc Tứ Từ Ân, ngài được cử về trụ trì chùa Huỳnh Long (tại thôn Bình Phú, tổng Lợi Thuận là quê nhà của ngài) thay cho chú của ngài là đại sư Thanh Đạo - Huệ Nhiên vừa viên tịch. Ngài về đây trụ trì được một năm thì địa phương xảy ra dịch bệnh rất lớn, ngài đã dùng lá trầu đặt lên tô nước sạch trì chú Dược sư, kết hợp với y dược mà ngài đã học cứu được rất nhiều bệnh nhân, vì thế, bệnh dịch được đẩy lùi. Theo tác giả Nguyễn Hiền Đức thì ngài dùng nước lạnh và lá bồ đề chú nguyện phát cho dân trị bệnh10. Từ đây, đức độ và danh tiếng của Hòa thượng được người dân khắp nơi biết đến.
Ngày mùng 08/4 năm Tân Mùi (1871), tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc, An Giang) mở ra giới đàn, Hòa thượng Hải Tịnh được cung thỉnh ngôi vị đường đầu, thiền sư Chơn Ứng (trụ trì chùa Sùng Đức và Phụng Sơn, Sài Gòn) được cung thỉnh làm Giáo thọ, Hòa thượng Minh Trữ được cung thỉnh làm đệ lục tôn chứng.
Sau giới đàn chùa Tây An, ngài trở về quê nhà Cai Lậy, nhận thấy nơi đây tuy có chùa chiền nhưng còn hoang vắng không khác vùng biên địa, Phật pháp chưa phát triển. Do đó, ngài trình với tổ Hải Tịnh xin mở đại giới đàn tại chùa Huỳnh Long (Giồng Tre) vào ngày mùng 08/4 năm Nhâm Thân (1872), được tổ đồng ý. Giới đàn đã cung thỉnh Tăng cang Tiên Giác - Hải Tịnh vào ngôi vị đường đầu Hòa thượng, ngài Hoằng Đạo (chùa Phước Long) và ngài Minh Chiếu (chùa Bảo An ở Gò Vấp) làm yết ma, ngài Quảng An (tổ đình Giác Lâm) làm giáo thọ và Hòa thượng Minh Trữ được mời làm Chủ kỳ kiêm giáo thọ. Giới đàn được gia đình ông Cai tổng Lý Văn Tồn (một phú hộ vùng Cai Lậy) ủng hộ trợ duyên. Đây là giới đàn đầu tiên ở vùng đất Cai Lậy và có nhiều tăng khắp Nam Kỳ lục tỉnh về thọ giới. Sau giới đàn, Phật giáo vùng Tiền Giang phát triển rất mạnh, các vị danh tăng sau này nổi tiếng trong vùng cũng xuất phát từ giới đàn. Từ đây, oai đức và uy tín của Hòa thượng Minh Trữ vang danh khắp nơi. Trong năm này (Nhâm Thìn, 1872), ngài được gia đình ông Lê Văn Xuyên (phú hộ có uy tín tại địa phương cũng là phật tử thuần hành của ngài, và là thân phụ của Hòa thượng Như Huy - Khánh Huy) đã hiến cúng cho Hòa thượng rất nhiều ruộng đất và tài vật để trùng hưng chùa Phước Lâm.
Đến tháng Chạp năm Quý Dậu (1873), công việc trùng tu chùa Phước Lâm hoàn thành, để tạ ơn Tam bảo, ngài đã thỉnh ý bổn sư Hải Tịnh cho phép mở đại giới đàn và được rổ chấp nhận. Trong giới đàn, tổ Tiên Giác - Hải Tịnh được cung thỉnh vào ngôi vị chứng minh. Hòa thượng Minh Trữ được cung thỉnh ngôi vị đường đầu. Ngài Minh Thế (chùa Long Quang, Cần Thơ) được thỉnh làm yết ma; ngài Phổ Minh (chùa Hội Phước, Sa Đéc) được thỉnh làm giáo thọ; ngài Tứ Thông (trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân, Chợ Lớn) được thỉnh làm pháp sư, các vị tôn chứng và dẫn thỉnh là những cao tăng thạc đức khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Đây là lần thứ hai Hòa thượng Minh Trữ mở đại giới đàn tại vùng Cai Lậy. Uy danh và đạo hạnh của ngài lan rộng khắp nơi. Ngài được tôn xưng là bậc cao tăng đắc đạo và chùa Phước Lâm trở thành tổ đình pháp phái.
Năm Giáp Tuất (1874), muốn lưu truyền kinh điển cho đời sau, ngài chủ trì khắc nhiều bộ Linh Luật bằng mộc bản. Những bản kinh này trở thành pháp bảo của tổ đình11. Năm Ất Hợi (1875), chùa Tuyên Châu Di Đà (Vĩnh Long) tổ chức khắc bản kinh Thập Thiện bằng mộc bản, đã sang chùa Phước Lâm cung thỉnh Hòa thượng Minh Trữ chứng minh và công việc thành tựu, để ghi nhớ công ơn ngài, chùa đã khắc tên Hòa thượng Minh Trữ chứng minh trong bản kinh, đến nay vẫn còn lưu giữ.
Khi trùng hưng chùa Phước Lâm hoàn thành và công việc khắc bản in xong, để tịnh tu, ngài giao tổ đình lại cho các đệ tử quản lý, sau đó đi vào vùng Chà Là (nay thuộc xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) cất am tu hành, lấy tên là am Phước Hội. Theo Nguyễn Hiền Đức, “thời kỳ này, Tổng đốc Bá Đa Lộc, là tay sai của chính quyền Pháp trấn đóng ở Cái Bè, nghe Hòa thượng Minh Trữ - Quảng Huệ có danh tiếng ở địa phương nên tìm cách mua chuộc. Là bậc chân tu, ngài không muốn dính dấp với quyền thế, hơn nữa là tay sai của thực dân Pháp, nên Hòa thượng Quảng Huệ đã bỏ chùa Phước Lâm, vào tận vùng rừng rậm ở ngọn Chà Là lập am tranh Phước Hội để tu hành”12. Tương truyền vùng đất Chà Là khi đó còn hoang sơ, có nhiều thú dữ, nhưng ác thú không làm hại ngài mà còn đến am nghe tụng kinh mỗi đêm. Vào mùa nắng, nước ở các dòng kinh, rạch khô cạn, Ngài xuống các con mương còn đọng nước múc gánh về đổ đầy các lu lớn, để đêm đến, các loài thú tụ tập lại uống.
Sau thời gian tịnh tu, Hòa thượng bắt đầu đi hoằng pháp và xây cất chùa ở khắp nơi, như: chùa Đông Lâm (Ba Rày), chùa Khánh Sơn (Cai Lậy), chùa Phước Long (Xuân Sơn),... Ngoài ra, ngài còn chứng minh cho các đệ tử khai sơn và trùng hưng rất nhiều ngôi tự viện. Cũng trong thời gian này, chư tăng khắp nơi về cầu học với ngài rất đông; ngài cũng đi hoằng hóa làm Phật sự ở khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Đến khoảng đầu tháng 6 năm Kỷ Sửu (1884), nhận thấy cơ duyên hoằng hóa sắp hết, ngài thông báo cho chúng đệ tử biết là ba tháng sau ngài sẽ mãn duyên. Trong thời gian này, Hòa thượng sắp xếp mọi việc, giao tổ đình cho các đệ tử lớn đảm nhận, riêng việc truyền pháp, ngài giao cho sư đệ là Hòa thượng Chánh Tâm (trụ trì tổ đình Kim Cang, Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An) điều hành. Rạng sáng ngày 16/9 năm Kỷ Sửu (1884)13, sau thời công phu sáng, Hòa thượng Minh Trữ cho tập hợp tất cả tăng chúng đệ tử lại di huấn lần cuối rồi an nhiên thu thần viên tịch trong ba hồi chuông trống Bát nhã.
Hòa thượng Minh Trữ - Quảng Huệ đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp và chúng sinh. Ngài là thiền sư tinh nghiêm giới luật, thông kinh luật, Nhân dân khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh kính trọng, cảm mến. Tương truyền rằng, khi ngài viên tịch tại tổ đình Phước Lâm, có bầy thú kéo đến rất đông, kêu gầm inh ỏi làm cho người dân kinh sợ. Trong bầy thú có một đôi rắn rất to, canh giữ bảo tháp của ngài suốt 49 ngày mới rời đi14.
Sau thiền sư Trừng Trữ, truyền thừa tiếp theo là thiền sư Như Huy, thượng Khánh hạ Huy, đệ tử đời thứ 43 Dòng Lâm Tế Chánh tông (đệ tử đời 39 dòng Lâm Tế Gia Phổ). Thiền sư Như Huy - Khánh Huy là đệ tử quy y theo ngài Trừng Trữ. Như vậy thiền sư Như Huy - Khánh Huy cũng là truyền thừa Dòng Liễu Quán ở chùa Phước Lâm.
Hòa thượng Như Huy, pháp hiệu Khánh Huy, thế danh là Lê Văn Đỏ, sinh năm Quý Mùi (1883) tại xã Tân Long, tổng Lợi Thuận, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là ông Lê Văn Xuyên, thân mẫu bà Nguyễn Thị Lịch. Ngài là con út trong gia đình phú hộ có chín người con. Từ nhỏ, ngài có tính phúc hậu, nhân từ, nếp sống đạo đức và kính tin Tam bảo. Cả gia đình ngài đều quy y với Hòa thượng Minh Trữ, nên hầu hết anh chị của ngài đều được giáo dục về Phật giáo, gia đình sống được người dân trong làng yêu mến. Những ngày sóc vọng hoặc lễ lớn, cả gia đình đều trì trai giữ giới, đi chùa lễ Phật. Năm 1872, thân phụ mẫu và gia đình ngài phát tâm ủng hộ Hòa thượng Minh Trữ trùng tu lại toàn bộ tổ đình Phước Lâm. Chính nhờ sự ngoại hộ mạnh mẽ này mà một năm sau việc trùng tu chùa hoàn thành. Sau đó, gia đình ngài tiếp tục phát tâm ủng hộ đại giới đàn tại tổ đình Phước Lâm.
Khi ngài được bốn tuổi, thân phụ dẫn đến diện kiến Hòa thượng Minh Trữ và được Hòa thượng nhận làm quý tử. Tuy mới 04 tuổi, nhưng khi lên chùa, ngài không chịu về nhà mà đòi ở lại chùa. Thân phụ mẫu ngài biết con mình có túc duyên với Tam bảo nên hoan hỷ để ngài ở lại chùa tu học. Khi Hòa thượng Minh Trữ viên tịch, ngài được sư huynh là Hòa thượng Tâm Niệm - Tấn Thành tiếp tục nuôi dạy. Đến năm ngài 16 tuổi, nhận thấy cơ duyên đã đến (và cũng làm theo lời dặn của Hòa thượng Minh Trữ), sư huynh cùng gia đình đưa ngài đến tổ đình Kim Cang (Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An) đảnh lễ Hòa thượng Hải Lương (Minh Lương) - Chánh Tâm cầu thế phát xuất gia, được Hòa thượng hoan hỷ chấp thuận, ban cho pháp danh Như Huy - pháp hiệu Khánh Huy; pháp hiệu Khánh Huy là theo Dòng thiền Liễu Quán. Vì cụ tổ Hải Lương - Chánh Tâm quy y thế độ ở tổ đình Linh Sơn theo Dòng phái Liễu Quán. Như vậy, ngài là sư đệ của Hòa thượng Khánh Thông (chùa Bửu Sơn, Ba Tri, Bến Tre), Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh, Mỏ Cày, Bến Tre), Hòa thượng Khánh Linh15 (chùa Hội Linh, Cần Thơ), Hòa thượng Khánh Long16 (tổ đình Kim Cang, Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An), Hòa thượng Khánh Đức (chùa Phước Thạnh, Cái Bè, Tiền Giang),... Ngài cũng là sư huynh của Hòa thượng Khánh Tường (chùa Thiền Lâm, Hậu Mỹ, Cái Bè, Tiền Giang), Hòa thượng Khánh Thoại (tục gọi Thầy Trầm ở Ba Giồng),... Theo luật Phật giáo thì 20 tuổi trở lên mới được thọ đại giới, nhưng trường hợp của ngài được cụ tổ Minh Lương cho phép thọ đại giới trước 20 tuổi, cho thấy ngài là người có tuệ căn và đức hạnh cao thâm.
Sau khi thọ đại giới, ngài chuyên tâm tu học, trở thành vị tăng trẻ có học thức uyên bác và giới hạnh linh nghiêm, được Hòa thượng Minh Lương và chư tôn đức cử về trụ trì tổ đình Phước Lâm. Tuy được xem là tăng trẻ có học thức nhưng ngài luôn tham gia các khóa học gia giáo và các khóa kiết hạ, kiết đông khắp cả Nam Kỳ lục tỉnh. Năm Canh Tý (1900), ngài an cư kiết hạ tại chùa Sùng Đức (Sài Gòn - Chợ Lớn). Năm Nhâm Dần (1902), ngài an cư kiết hạ tại chùa Viên Giác (Chợ Lớn). Năm Quý Mão (1903), ngài an cư kiết hạ tại chùa Sắc Tứ Tập Phước (Gò Vấp). Năm Giáp Thìn (1904), ngài đứng ra tổ chức chúc thọ giới đàn tại chùa Khánh Quới (quê nhà của ngài, tại xã Tân Bình, Cai Lậy ngày nay). Năm Bính Ngọ (1906), ngài an cư kiết hạ tại chùa Phước Thạnh (Cái Bè), có Hòa thượng Minh Lương làm chứng minh. Tuy nhiên, khóa an cư kiết hạ không được viên mãn, vì vào ngày mùng 4 tháng Tư (nhuần), Hòa thượng Minh Lương - Chánh Tâm viên tịch, các đệ tử phải tham gia việc tang lễ. Tất cả huynh đệ đều mời ngài đứng ra lo tang lễ cho Hòa thượng. Sau khi tang lễ kết thúc, để sắp xếp công việc tại tổ đình Kim Cang được chu toàn, ngài đề cử sư huynh là Hòa thượng Thanh Nhật - Khánh Long làm trụ trì. Mặc dù, không đảm nhận chức trụ trì chùa Kim Cang, nhưng Ngài luôn lo lắng Phật sự cho tổ đình. Có phật tử nào phát tâm cúng dường tịnh tài, tịnh vật thì ngài đều chia làm hai phần, cúng chùa Kim Cang một phần và chùa Phước Lâm một phần17.
Năm 1914, ngài khởi công tái thiết trùng tu chùa Phước Lâm, khi Phật sự viên mãn, để tạ ơn Tam bảo gia hộ, ngài cho mở đại giới đàn tại tổ đình. Cũng trong năm này, Hòa thượng Như Huy tiếp tục mở khóa kiết đông tại tổ đình, chư tăng khắp nơi về tham dự nội thiền, ngoại thiền trên 200 vị. Cũng trong khóa kiết đông, vào ngày 16, 17, 18/9 (Âm lịch), nhân lễ húy kỵ của Hòa thượng Minh Trữ, để báo đáp công đức ân sư, ngài cung thỉnh chư tăng, ni khắp cả Nam Kỳ lục tỉnh về tham dự giới đàn. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Phật giáo Cai Lậy có một dịp lễ lớn và long trọng. Trong khóa kiết đông, có nhiều vị tăng trẻ tài năng, đức độ, sau này nổi danh trong phong trào Phật giáo cứu quốc là thiền sư Thiện Chiếu.
Vào năm 1930, biết cơ duyên sắp mãn, Hòa thượng nói với các sư huynh đệ và đệ tử cùng bà con phật tử là 04 năm nữa ngài sẽ hết duyên, nên Nngài phát nguyện nhập thất vĩnh viễn cho đến ngày viên tịch. Đúng vào ngày mùng 10/10 năm Giáp Tuất (1934), Hòa thượng cho tập hợp huynh đệ, đệ tử, phật tử lại giảng pháp và truyền lời di huấn. Đến sáng sớm ngày 12/10 năm Giáp Tuất, sau thời kinh sáng, Hòa thượng đắp y áo chỉnh tề, lên đại hùng bảo điện thắp hương lễ Phật, lễ thầy, ngồi kiết già ngay thẳng, kêu đệ tử đánh ba hồi chuông trống Bát Nhã cung thỉnh chư Phật, chư Bồ Tát rồi viên tịch. Tương truyền, khi Hòa thượng Như Huy viên tịch, hào quang ngũ sắc tỏa sáng phủ khắp ngôi chùa. Những người nông dân đi làm đồng thấy chùa sáng rực, cùng với tiếng chuông thúc giục, cứ nghĩ chùa bị cháy, họ chạy đến chùa chữa cháy thì mới biết Hòa thượng viên tịch, hào quang chiếu sáng18. Mộ tháp của Hòa thượng được thiết lập bên khuôn viên chùa Phước Lâm.
Khi Hòa thượng Như Huy viên tịch, truyền đến đời thiền sư Trừng Đắc trụ trì ngôi chùa. Mộ tháp thiền sư nơi khuôn viên chùa có vài thông tin vắn tắt như sau: Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, húy Nguyên Lập, hiệu Tịnh Biên, đệ tử tổ Khánh Huy, cầu pháp tổ Thanh Kế Huệ Đăng; thế danh Nguyễn Văn Lập, xuất thế năm 1913, trụ trì chùa Phước Lâm từ năm 1934-1958; viên tịch ngày 17/7 năm Mậu Tuất (1958). Qua đó cho thấy, đến đời thiền sư Trừng Đắc thì vẫn còn Dòng truyền thừa Liễu Quán ở chùa Phước Lâm.
Trên cơ sở những cứ liệu, minh chứng, chùa Phước Lâm thời gian đầu thành lập gắn liền với Dòng truyền thừa Lâm Tế Chánh tông. Và Lâm Tế cũng là phái thiền gốc từ thời kỳ cụ tổ Thiệt Diệu - Liễu Quán tu học. Các thiền sư “lưỡng phái” Lâm Tế Chánh tông - Liễu Quán ở tổ đình Phước Lâm là những danh tăng có đóng góp rất lớn cho việc truyền bá và phát triển Phật giáo ở Tây Nam Bộ.
TS. Nguyễn Trung Hiếu
CN. Lăng Bảo Hòa
* Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Chú thích:
1. Theo Tiểu sử danh tăng Việt Nam (tập 3), do Thích Đồng Bổn biên soạn thì, Hòa thượng Trừng Trữ - Quảng Huệ là người khai sơn chùa Phước Lâm (Thích Đồng Bổn, 2017, tr.41).
2. Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (tập 1), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.369.
3, 4. Thích Quảng Hiệp (2022), Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/17478, truy cập ngày 11/9/2023.
5. Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (tập 1), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.309.
6. Thích Thánh Minh (2023), Thiền Sư Tế Nhơn Hữu Bùi với dòng Thiền Liễu Quán đất phương Nam, https://quangduc.com/a74949/thien-su-te-nhon-huu-bui-voi-dong-thien-lieu-quan-dat-phuong-nam, truy cập ngày 11/9/2023.
7. Xin xem Thích Đức Trường (2013), Dòng Thiền Phật giáo Đàng Trong, https://phatgiaobaclieu.com/dong-thien-phat-giao-dang-trong-thich-duc-tuong/, truy cập ngày 11/9/2023.
8. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (tập 2), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.358.
9. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb. Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.146-147.
10. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (tập 1), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.371.
11. Tuy nhiên, vào ngày 01/9/2023, tác giả bài viết đến chùa nghiên cứu và tìm hiểu về mộc bản thì vị trụ trì cho biết, mộc bản đã được gửi tặng cho Viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh để nghiên cứu.
12. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (tập 1), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.372.
13. Trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, tập 2, ngài Trừng Trữ viên tịch ngày 17/9 năm Đinh Hợi (1887), tr.372.
14. Nguyễn Trung Hiếu, Tư liệu ghi chép tại chùa vào tháng 9/2023.
15. Trong Tiểu sử danh tăng Việt Nam (tập 3) ghi là Hòa thượng Khánh Hưng, tr.42.
16. Trong Tiểu sử danh tăng Việt Nam (tập 3) ghi là Hòa thượng Độ Long, tr.42.
17. Nguyễn Trung Hiếu, Tư liệu ghi chép lịch sử chùa Phước Lâm và trên bia mộ ngài, tháng 9/2023.
18. Nguyễn Trung Hiếu, Tư liệu ghi chép trên bia mộ ngài, tháng 9/2023.