An Giang vùng đất ghi dấu ấn của những thánh đường Hồi giáo tuyệt đẹp
Ngày đăng: 23/08/2023
Thánh đường Masjid Jamiul Azhar
An Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống, gồm các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Địa bàn sinh sống của các dân tộc có sự đan xen. Sự đa dạng về dân tộc và sự giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc làm cho An Giang mang sắc thái văn hóa đặc thù riêng của vùng đất Tây Nam Bộ. Toàn tỉnh An Giang có 11 tôn giáo được Nhà nước công nhận, có 523 cơ sở thờ tự, với hơn 80% dân số của tỉnh là tín đồ các tôn giáo. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 5% dân số toàn tỉnh, trong đó, đồng bào Chăm chiếm 0,6% dân số, gắn với Hồi giáo (Islam) có khoảng 17.000 người; đồng bào Khmer chiếm gần 4% dân số; người Hoa chiếm gần 0,3% dân số. Từ đó hình thành những giá trị văn hóa, đạo đức phong phú, với nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống và công trình tôn giáo với kiến trúc độc đáo, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang.

Trên mảnh đất sông nước Cửu Long, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên đồi núi, đồng lúa, chùa chiền, lễ hội, An Giang hiện hữu hấp dẫn bởi những ngôi thánh đường Hồi giáo tuyệt đẹp như xứ sở Trung Đông. Với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi lớn, An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường, nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là di sản quốc gia. Thánh đường Hồi giáo đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Chăm theo đạo Islam từ lâu đời ở An Giang.

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar

Nhắc tới thánh đường Hồi giáo An Giang, ai cũng nhớ ngay tới thánh đường Masjid Jamiul Azhar, có thể coi là thánh đường đẹp nhất, thu hút du khách thập phương bởi vẻ đẹp cuốn hút và những câu chuyện kể lưu truyền từu xa xưa của cư dân bản địa.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-1.jpeg

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar thuộc địa phận xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, được xây dựng từ những năm 1959. Năm 2012, thánh đường được trùng tu mở rộng thêm lần nữa. Ngày 03/8/2014, thánh đường hoàn tất và chính thức khánh thành.

Đây được coi là một trong những thánh đường lâu đời nhất ở mảnh đất An Giang. Thánh đường Masjid Jamiul Azhar trở thành biểu tượng tôn giáo của cư dân đạo Hồi sinh sống nơi đây. Masjid Jamiul Azhar nổi bật giữa trời rực nắng bởi hai gam màu trắng và xanh ngọc tạo nên sự hòa quyện độc đáo. Ghé thăm thánh đường Masjid Jamiul Azhar, điều đầu tiên nhìn thấy là một nghĩa trang với từng hàng bia đá giản dị khắc tên những người quá cố ngay phía trước cổng vào, tạo nên một khung cảnh đầy kỳ bí, thu hút mọi người tham quan, khám phá về những câu chuyện ẩn chứa phía sau khu thánh đường. Bước chân vào khuôn viên thánh đường, gây ấn tượng bởi lối thiết kế độc đáo của những công trình bên trong; những mái vòm cao rộng, những khung cửa in hoa văn viền cách điệu, những biểu tượng trăng lưỡi liềm cùng nhiều đường nét sắc sảo khác. Tất cả đều thể hiện rõ nét lối kiến trúc cổ của đạo Hồi để thánh đường Masjid Jamiul Azhar như mang trong một hơi thở huyền bí được truyền lại từ nghìn năm trước. Gần như mọi ngóc ngách của khu thánh đường, từ cổng vào, đến mặt trước, mặt bên, bên trong Masjid Jamiul Azhar đều thể hiện những đường nét kiến trúc đầy tinh xảo, cổ kính.

Thánh đường Hồi giáo An Giang Mubarak

Nằm bên bờ sông Hậu, thánh đường Hồi giáo An Giang Mubarak, thuộc ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang (trước đây là xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người dân. Thánh đường Hồi giáo An Giang Mubarak là một trong những công trình kiến trúc mang nét đặc thù của đồng bào Chăm theo phong cách kiến trúc thánh đường ở các nước Trung Đông, do kiến trúc sư người Ấn Độ Mohamed Amin thiết kế. Đến nay, thánh đường này đã trải qua 05 lần trùng tu, sửa chữa và lần gần nhất vào năm 1965. Với nét kiến trúc độc đáo, đậm bản sắc văn hóa của người Chăm và những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của đạo Hồi, năm 1989, thánh đường Mubarak được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Nhìn từ xa, thánh đường Mubarak giống như các đền thờ cổ Ba Tư, Ấn Độ.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-2.jpeg

Từ ngoài nhìn vào là cổng chính hình vòng cung hết sức hoành tráng, theo dạng một tòa nhà rộng, với nhiều dãy hành lang dài thẳng. Toàn bộ thánh đường được trang trí màu chủ đạo là màu xanh và màu trắng. Trên nóc là một tháp lớn 02 tầng. Nóc của tháp có hình bầu dục, dưới chân tháp thì là hình Trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho Hồi giáo. Dọc hành lang là những bức tường trang trí họa tiết cùng với những dòng chữ Chăm được trích từ Kinh Thánh. Thánh đường là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người theo đạo và thường xuyên tập trung rất nhiều người đến cầu nguyện nên không gian bên trong thánh đường Hồi giáo Mubarak được thiết kế rộng và có nhiều cửa ra vào cùng 08 cây cột dạng trụ tròn to lớn, chắc chắn được đặt cân đối, là nơi tập trung đông người đến cầu nguyện. Bên trong thánh đường không chỉ rộng lớn, thoáng mát mà còn có hậu tẩm. Hậu tẩm được thiết kế theo kiểu vòm lõm sâu vào tường, giúp cho các tín đồ khi cầu nguyện luôn hướng về phía Mặt Trời lặn. Đây là nơi dành riêng cho các vị imam (người chủ lễ) có nhiệm vụ hướng dẫn các tín đồ làm lễ. Bên cạnh hậu thẩm là một bục cao hay còn được gọi là “minbar”, khu vực này dành cho người thuyết giảng giáo lý trong các buổi lễ thứ Sáu hằng tuần. Toàn bộ bức vách bên trong thánh đường được tô điểm bởi màu trắng và xanh, nền được lát gạch, trần nhà được treo những chùm đèn điện sáng rực càng làm nổi bật sự trang trọng và tôn nghiêm của thánh đường.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-3.jpeg

Nghĩa địa của người Chăm Hồi giáo ở tỉnh An Giang được đặt sát với thánh đường, ở đó được mai táng nhiều tầng, không phân biệt về mối quan hệ xã hội - sang, hèn qua những ngôi mộ to hay nhỏ, mà đơn giản chỉ là mọi người nằm xuống chỉ có một cái mộ chí.

Hằng năm, có 03 kỳ lễ lớn diễn ra ở thánh đường Hồi giáo. Đó là lễ Maulid kỷ niệm ngày sinh của Giáo chủ Nabi Muhammad - người khai sáng đạo Hồi vào ngày 12/3 (Hồi lịch); lễ Roja Haji - lễ hành hương đến thánh địa Mecca vào ngày 10/12 (Hồi lịch); đặc biệt nhất là ngày Tết của người Chăm vào ngày 01/10 (Hồi lịch) gắn liền với lễ Ramadan, còn được gọi là tháng ăn chay, kéo dài từ ngày 01 đến ngày 30/9 (Hồi lịch).

Trong những dịp lễ này, tín đồ Hồi giáo từ mọi nơi tề tựu đông đủ về đây tạo thành những ngày hội văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở An Giang.

Thánh đường Hồi giáo An Giang Mas Jid Khay Ri Yah

Thánh đường Hồi giáo An Giang Mas Jid Khay Ri Yah ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi (hay Chăm Islam) sống tại địa phương. Đây cũng là một trong những điểm tham quan của du khách khi tới Búng Bình Thiên rộng 200 ha. Một trong những hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Búng Bình Thiên và thánh đường Hồi giáo cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km về phía Bắc, giáp biên giới Cam-pu-chia.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-4.jpeg

Mái vòm của thánh đường với biểu tượng Trăng lưỡi liềm và ngôi sao năm cánh của Hồi giáo. Trong đó, vầng Trăng lưỡi liềm tượng trưng cho Âm lịch Hồi giáo, còn ngôi sao là biểu tượng của sự tuân theo ý Chúa Trời. Kiến trúc bên dưới mái vòm của thánh đường, được xây dựng theo phong cách đặc trưng của Hồi giáo. Nội thất đơn giản gần như trống trơn, không trang trí nhiều để các tín đồ tập trung vào cầu nguyện. Trong thánh đường chỉ có thảm thay vì ghế ngồi bởi tư thế khi hành lễ là đứng, quỳ và phủ phục. Bức tranh duy nhất treo trên tường là nhà thờ Kaaba ở thánh địa Mecca, Arab Saudi, nơi đấng tiên tri Mohammed ra đời. Bên dưới mái vòm của thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah, gọi là Qubba, tượng trưng cho vòm trời. Trên tường treo những chuỗi hạt cầu nguyện (masbaha) của các tín đồ trong gian cầu nguyện. Tràng hạt là công cụ để tín đồ ghi nhớ và đọc thuộc 99 tên của Thiên Chúa. Các chuỗi tràng hạt 99 hoặc 33 hạt được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như nhựa, gỗ, gốm, đá quý…

Khu vực thanh tẩy nằm bên phải thánh đường. Trong đạo Hồi, trước khi cầu nguyện các tín đồ phải thanh tẩy bản thân bằng các động tác rửa mặt, cánh tay, vùng đầu, tai, bàn chân.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-5.jpeg

Tín đồ cầu nguyện trước một hốc tường được gọi là mihrab, nơi làm dấu chỉ hướng về thánh địa Mecca ở Arab Saudi. Tại Việt Nam, các mihrab đều hướng về phía Tây. Theo quy định, các tín đồ đạo Hồi phải cầu nguyện năm lần vào những giờ ấn định trong ngày: trước khi Mặt Trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ.

Thánh đường Hồi giáo Masjid Nia’mah

Thánh đường Hồi giáo Masjid Nia’mah nằm tại Tổ 4, ấp Phum Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Thánh đường Hồi giáo Masjid Nia’mah được dựng lên vào năm 1930, đến nay, được gần 100 năm tuổi. Giờ đây thánh đường không chỉ còn là nơi để cầu nguyện mà còn là sở ban đại diện cộng đồng Islam (Hồi giáo) An Giang, trường học Hồi giáo.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-6.jpeg

Thánh đường Masjid Nia’mah nổi bật với tông màu trắng, điểm nhấn là viền kẻ màu ngọc lam, phối trụ cột La Mã, mái vòm uốn cong. Bên trên chỉ có một tháp giáo đường, đỉnh nhọn để biểu tượng lưỡi liềm là biểu trưng của thần Mặt Trăng Ay Ata và ngôi sao là biểu trưng cho thần Mặt Trời Gun Ana. Mái ngói đậm chất Nam Bộ, hàng rào cổng cũng mang đặc trưng Tây hóa kết hợp đèn trời bằng kính. Phong cách kiến trúc Pháp biểu hiện ở mặt cột trụ, mái vòm, khung cửa. Trên cửa trang trí họa tiết Mặt Trăng lưỡi liềm và ngôi sao.

Một điểm khác biệt của Thánh đường Masjid Nia’mah là sự ảnh hưởng từ nét kiến trúc châu Âu đương thời và văn hóa nhà ở người Việt mà hình thành. Ấn tượng từ bên ngoài của thánh đường là sự sang trọng của kiến trúc cổ điển, màu sắc độc đáo.

Thánh đường Hồi giáo Jamuil Azhar Mosque

Thánh đường Hồi giáo Jamuil Azhar Mosque thuộc tổ 8, ấp Châu Giang, Châu Phong, An Giang là ngôi thánh đường nổi tiếng nhất của người Chăm An Giang, bề thế về quy mô và vô cùng nổi tiếng trên các trang mạng xã hội du lịch.

Thánh đường Hồi giáo Jamuil Azhar Mosque được dựng lên hoàn chỉnh vào năm 1959, trước đó thì là thánh đường với gỗ và mái lá đơn sơ đã có từ khoảng năm 1700. Thánh đường được trùng tu, xây mới lại và mở rộng vào năm 2012, tuy nhiên, vẫn còn một số công trình cổ soát lại như cổng vào từ năm 1989, tháp thánh đường 1929; đây là ngôi tháp lớn nhất trong tất cả các tháp thánh đường ở An Giang.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-7.jpeg

Thánh đường Hồi giáo Jamuil Azhar Mosque cũng như nhiều thánh đường khác của Tân Châu khi lấy màu trắng làm nền và điểm nhấn là màu xanh ngọc bích, trang trí chữ vàng đặc trưng. Mặt chính thánh đường từ cổng chính đi vào, phía sau hai dãy đèn là nghĩa trang. Cặp bên thánh đường là hồ nước để thanh tẩy cho các tín đồ nam trước khi vào làm lễ. Thánh đường Hồi giáo Jamuil Azhar Mosque có tháp thánh đường lớn nhất An Giang. Hướng chính diện đi vào nơi thánh đường và nét đẹp trang trí đặc trưng Hồi giáo. Phần tháp thánh đường hình nón, hình củ tỏi dùng để giảm nhiệt cho không gian thánh đường và tô điểm cho vẻ đẹp thánh đường. Ngôi thánh đường lớn có kiến trúc nổi bật với phần tháp thánh đường hình trụ, vòm nón, củ hành, nhấn mạnh các họa tiết hoa cỏ, dây leo, hình học, ngôi sao, ánh trăng điểm nhấn là vàng, xanh… sắc màu trắng và xanh là chủ đạo trong thánh đường theo quan niệm của người Hồi giáo về thế giới bên kia mọi người đều mặc loại gấm lụa tốt, điểm nhấn màu xanh lá cây…

Thánh đường Hồi giáo Jamil Mukminin

Thánh đường Hồi giáo Jamil Mukminin, nằm tại kênh Chà Và, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, là một sự đặc biệt trong các ngôi thánh đường Hồi giáo tại An Giang. Vì thánh có màu sắc trắng và đen; thánh đường duy nhất ở An Giang có màu sắc này. Màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp hòa bình, sự tinh tế, màu đen tượng trưng cho lòng khiêm tốn. Toàn cảnh bên trong gồm khu thánh đường (bên phải) khu nhà dạy học (bên trái).

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-8.jpeg

Khu vực thánh đường Hồi giáo Jamil Mukminin là khu làng sinh sống của người Chăm ở Vĩnh Hanh đã có từ lâu đời, người dân quanh đây gọi là người Chà Và, xóm Chà Và, xóm Chà… đến định cư nơi đây họ làm lúa, kéo lưới và chăn nuôi, xây dựng thánh đường để làm lễ, xây lớp để dạy tiếng Chăm truyền thống. Thánh đường chính được trùng tu mới lại vào ngày 22/02/2020, đến nay vẫn còn một số công trình chưa hoàn thiện. Ở thánh đường Hồi giáo Jamil Mukminin không gian rộng thoáng hơn với không gian phía sau là cánh đồng lúa, mặt trước là dòng sông nối tiếp cánh đồng rộng lớn.

Ngoài những thánh đường trên, An Giang còn nhiều thánh đường và tiểu thánh đường đẹp, độc đáo khác nữa đã làm nên một nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Chăm theo đạo Islam từ lâu đời ở An Giang.

Thùy Linh