Chùa cổ giữa làng quê văn vật
Ngày đăng: 11/11/2022
Nằm khép mình bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nhiều người ví Thổ Hà như một ốc đảo với diện tích 20ha bởi ngoài phía Bắc là đồi núi thấp thì ba phía còn lại của làng được bao bọc bởi con sông nổi tiếng là Sông Cầu. Trải qua bao đời, giữa những tấp nập đô thị hóa ngày nay, Thổ Hà vẫn giữ hồn mình thanh thản, truyền thống, e ấp bên cây đa, giếng nước, mái đình, nhà cổ san sát sâu trong những con hẻm.

Thổ Hà là một trong 3 thôn của xã Vân Hà có không gian văn hóa đặc trưng của toàn vùng Kinh Bắc. Nơi đây hội tụ đầy đủ các thiết chế văn hóa, làm cơ sở cho việc duy trì đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư trong vùng. Đó là các công trình văn hóa tiêu biểu như đình, chùa, đền, từ chỉ, nghè, miếu, bến đò, cổng làng…. Đặc biệt tại Thổ Hà còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính, đó chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự)  - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Từ thành phố Bắc Giang xuôi theo trục đường quốc lộ 1A (cũ) tuyến Bắc Giang-Hà Nội khoảng 12km tới thị trấn Nếnh, rẽ phải theo đường đi Nếnh-Bổ Đà qua các xã Quảng Minh, Ninh Sơn, Tiên Sơn qua lối rẽ vào chùa Bổ Đà khoảng 10km, đi tiếp theo đường đê sông Cầu khoảng 3km qua làng Vân là tới làng Thổ Hà- nơi có di tích chùa Thổ Hà tọa lạc.

Phía trước chùa Thổ Hà

Tương truyền, chùa Thổ Hà được nhân dân làng Thổ Hà xây dựng từ lâu đời với quy mô nhỏ, ban đầu chỉ là am, động. Còn căn cứ vào dòng chữ Hán được khắc trên thân rồng đá (con bên trái) đặt hai bên cửa chùa có ghi: “Giáp Thân niên, các sĩ mại long thạch, chí Canh Thân niên, xuân tiết, cốc nhật, toàn xã các sĩ tu long thạch” (dịch nghĩa: Năm Giáp Thân mua rồng đá, đến ngày tốt mùa xuân năm Canh Thân toàn xã tu tạo lại rồng đá). Thời điểm năm Giáp Thân được xác định là năm 1580, đời Mạc Mục Tông và năm Canh Thân được xác định là năm 1620, đời Lê Thần Tông. Xét theo lôgic tự nhiên, chùa phải được xây dựng trước, sau mới mua rồng đá. Như vậy, chùa Thổ Hà phải được dựng trước năm 1580 (thuộc thời Mạc-TK XVI). Căn cứ vào tấm bia niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679) cho biết cổng tam quan và gác chuông được xây dựng vào thời gian này. Năm 1710 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 tạo cây hương ghi danh những người đóng góp tiền của để xây dựng và tu sửa chùa.

Theo cuốn Địa chí Bắc Giang từ điển do Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) có ghi: “Chùa Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên khởi dựng năm Thịnh Đức nguyên niên-1653, tọa lạc trên một thửa đất rộng, bố cục kiểu nội công ngoại quốc… Nhìn tổng thể, chùa là một kiến trúc hài hòa về nghệ thuật, còn lưu giữ được nhiều bia đá, hoành phi, đại tự, câu đối cùng các đồ thờ phụng có giá trị…”.  Chùa được tu sửa lớn ở thời Nguyễn (TK XIX) và các giai đoạn sau này nhưng đến nay còn bảo lưu được hầu như nguyên vẹn hệ thống kiến trúc cũ có giá trị về nhiều mặt, trong đó nổi bật là giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Thổ Hà tọa lạc trên một địa thế đẹp ở đầu làng Thổ Hà, nhìn ra hướng Tây, phía trước là đình Thổ Hà, tạo ra kiểu thức "tiền Thần, hậu Phật" truyền thống. Bên hữu là đường liên thôn, ao và cổng làng, bên tả là khu dân cư và dòng sông Cầu tạo ra một quần thể kiến trúc-nghệ thuật độc đáo, hài hòa mang đậm tính cổ truyền của một làng quê cổ kính.

Chùa xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có quy mô lớn, bao gồm: Tam quan, sân chùa, tòa tiền đường, toà thượng điện, hai dãy hành lang và nhà tổ. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Qua tam quan một quãng xa mới tới sân chùa. Đây là một khoảng sân rộng gần 1500m2, còn nguyên dấu vết của con đường (chính đạo) lát gạch vuông chạy thẳng từ tam quan vào tận cửa chùa. Trên trục đường này cạnh cây hương đá có hai con sấu bằng đá xanh thời Lê Trung Hưng (TK XVII) có chiều dài 70cm, mình dày 13cm, đầu cao 45cm. Đi hết trục đường này là lên đến cửa chùa. Nền tiền đường cao 0,5m có 3 bậc thềm được bó bằng đá tảng xanh, trên đó ngự một đôi rồng đá uốn khúc cuồn cuộn (loại rồng yên ngựa), hướng về phía cổng chùa. Rồng có độ dài là 120cm, cao 50cm, dày 10cm, đặt trên một bệ cao 20cm. Hiện chỉ còn một con bên trái nguyên vẹn, con bên phải đã bị nứt làm đôi và sứt mẻ một vài chi tiết. Điều đáng chú ý là trên thân rồng (con bên trái) được khắc dòng chữ Hán: “Giáp Thân niên, các sĩ mại long thạch, chí Canh Thân niên, xuân tiết, cốc nhật, toàn xã các sĩ tu long thạch” (dịch nghĩa: Năm Giáp Thân mua rồng đá, đến ngày tốt mùa xuân năm Canh Thân toàn xã tu tạo lại rồng đá). Thời điểm năm Giáp Thân được xác định là năm 1580, đời vua Mạc Mục Tông và năm Canh Thân được xác định là năm 1620, đời vua Lê Thần Tông.

Theo các tác giả cuốn "Mỹ thuật thời Mạc", tuy có niên đại thuộc về thời Mạc, nhưng đôi rồng không mang phong cách chung của đa số rồng Mạc là sự kế thừa và kết hợp nhuần nhuyễn giữa rồng thời Trần và rồng thời Lê sơ. Đây là một trong những dạng ít gặp của rồng Mạc bởi nó “bước ra ngoài sự uyển chuyển truyền thống, ra ngoài tâm lý nông dân... và ít nhiều gắn với giai đoạn phát triển của kinh tế thương mại thế kỷ XVI”. Rồng đá chùa Thổ Hà có khối hình thon thả. Các mảng trang trí (râu, bờm và hình mây lửa) thưa thoáng, tinh tế. Đặc biệt phần thân được làm theo lối nhiều đoạn vuông góc khúc triết.

Rồng đá niên đại thời Mạc đặt trước cửa tòa Tiền đường

Hệ thống cửa di tích chùa Thổ Hà được làm bằng gỗ lim theo kiểu ván ghép chân quay để mộc, đặt trên ngõng gỗ cao cách mặt hiên 45cm, bước qua hệ thống cửa là vào bên trong tòa tiền đường.

Tòa tiền đường chùa Thổ Hà được tạo bởi 7 gian 2 chái, tường xây gạch chỉ, ngoài phủ vữa, quét vôi trắng. Bờ nóc, bờ dải xây gạch phủ vữa, soi gờ gắn dải hoa chanh. Chính giữa bờ nóc đắp nổi bức đại tự đề ba chữ Hán “Đoan Minh tự” (chùa Đoan Minh). Hai đầu mái tạo hoa văn sóng nước. Mái chùa lợp ngói mũi. Hai bên đầu hồi trổ hai cổng nhỏ.

Toà tiền đường được dựng gồm 7 gian với 8 vì mái. Hệ thống các vì mái liên kết không giống nhau: Vì số 1,3,4,5,6,8 kết cấu kiểu chồng rường, vì số 2, số 7 kết cấu kiểu chồng rường đấu kê kẻ moi (nhìn từ ngoài vào trong, từ trái sang phải). Hệ thống kẻ được kết cấu theo kiểu tiền kẻ hậu kẻ. Hệ thống khung gỗ kiến trúc được làm bằng gỗ lim chắc khỏe, không chạm khắc cầu kỳ, chủ yếu là những đường soi gờ kẻ chỉ. Tường bao được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, ngoài quét vôi trắng. Nền tiền đường lát gạch vuông truyền thống.

Hệ thống Tượng Phật trong chùa Thổ Hà

Toà thượng điện xây 5 gian với 6 vì mái kết cấu theo kiểu chồng rường. Các cấu kiện đều được bào trơn đóng bén, không chạm khắc cầu kỳ,  nền lát gạch vuông. Bên trong thượng điện, các đồ thờ tự và hệ thống tượng Phật được bài trí dàn trải trên các bục xây bằng gạch chỉ phủ vữa, quét vôi trắng. Hệ thống tượng Phật được bài trí khá đầy đủ, bao gồm các pho: Tượng Tam Thế, tượng Phật Tổ Như Lai, tượng ADiĐà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh, Đức Ông, Thánh Hiền, Thập Điện Diêm Vương, Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí, Phạm Thiên, Đế Thích…

Hai bên thượng điện là hai dãy hành lang, mỗi dãy 10 gian kết cấu theo kiểu vì kèo độc trụ. Ở mỗi hành lang bài trí 09 pho tượng La Hán, mỗi pho được tạo bởi các tư thế và hình dáng khác nhau góp phần làm cho hệ thống tượng ở chùa Thổ Hà thêm phong phú, đa dạng.

Đi dọc theo hai dãy hành lang là vào tới Động Tiên, đó là một công trình kiến trúc hiếm có. Động tiên đã ghi lại đầy đủ hình ảnh Đức Phật Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi lìa bỏ kinh thành vào động tu hành đến đắc đạo. Hệ thống khung gỗ kiến trúc tòa Động Tiên được tạo bởi 5 gian 2 chái, kết cấu các vì theo kiểu chồng rường, chồng rường đấu kê và kiểu vì kèo độc trụ, nền lát gạch vuông.

Tiếp theo đi qua khoảng sân gạch tới nhà Tổ, nơi đây thờ sư Tổ và các vị sư đã trụ trì ở chùa này. Nhà Tổ chùa Thổ Hà được tạo bởi 9 gian khung gỗ lim, các vì kết cấu kiểu chồng rường và chồng rường giá chiêng, hệ thống khung nhà Tổ đa phần được bào trơn đóng bén, soi gờ kẻ chỉ. Chỉ riêng phần hệ thống kẻ cổ ngỗng được chạm nổi hình vân mây, hoa lá, các nét chạm nổi khối tròn, mập thể hiện rõ những đường nét cần nhấn mạnh.

Nhà Tổ chùa Thổ Hà

Ngoài những công trình kiến trúc cổ kính, chùa Thổ Hà còn lưu giữ được hệ thống tượng Phật cổ (khoảng gần 50 pho), những bức hoành phi, câu đối, hệ thống bia đá (11 bia), cùng nhiều đồ thờ tự có niên đại hai thời Lê-Nguyễn (TK XVIII-XIX), sấu đá, rồng đá (thời Mạc-TK XVI) có giá trị lớn trong nghiên cứu khoa học. Chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự) được xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1994 (QĐ số 226-QĐ/BT, ngày 5/02/1994).

Hệ thống bát hương sành và gốm Thổ Hà (TK XIX) trong di tích

Qua công tác nghiên cứu, khảo sát ở di tích chùa Thổ Hà cho thấy: Đây là một di tích có quy mô đồ sộ với những hạng mục kiến trúc liên hoàn, hài hòa. Đồng thời di tích còn bảo lưu được hầu như nguyên vẹn hệ thống kiến trúc cũ cùng hệ thống bia đá, tượng Phật, đồ thờ tự cổ có giá trị trong nghiên cứu khoa hoc. Chùa là nơi thờ Phật, đồng thời cũng là điểm sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân trong vùng.

Nhịp sống ồn ã hiện đại dường như bị giữ lại trước cánh cổng chùa, bên trong, sự chậm rãi giữ cho ngôi chùa nét thuần phác, chân chất giữa làng quê cổ kính. Đứng giữa sân chùa, thời gian dường như đang đứng lại để ta nuông chiều từng cung bậc cảm xúc “cố hương”. Cho dù ngày nay đã có nhiều đổi thay trong đời sống xã hội, nhưng ở nơi đây vẫn còn nguyên vẹn những giá trị cổ truyền tạo nên một bản sắc văn hóa của một làng quê Bắc Bộ./.

Bắc Hà