Di tích chùa Bổ Đà lưu giữ nét văn hóa độc đáo vùng Kinh Bắc
Ngày đăng: 17/10/2022Nằm nép mình bên dãy núi Phượng Hoàng, khu di tích chùa Bổ Đà quanh năm tĩnh lặng, khiến cho ai đã một lần đặt chân tới đây đều không khỏi xốn xang khi được tách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài. Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), khu di tích chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Chùa có tên là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây nổi tiếng bởi lưu giữ được những giá trị văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc từ xưa đến nay.
1. Khu di tích chùa Bổ Đà có cảnh quan thiên nhiên đẹp
Dải núi Bổ Đà đột khởi, cao vút, các mạch núi nhấp nhô nối nhau chạy dài. Dưới chân núi là dải Sông Cầu uốn lượn. Đây quả là nơi đắc địa. Sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí ghi: “Núi Bổ Đà là ngọn núi bậc nhất của huyện Việt Yên. Bắt đầu từ Thái Nguyên qua Yên Thế mà lại. Nhiều ngọn liên tiếp quây quần, bỗng nổi lên núi Bổ Đà, vừa cao vừa to. Trong đó lại gọi riêng ngọn núi cao nhất là núi Phượng Hoàng. Những ngọn thấp hơn một chút là núi Yên Ngựa, núi Kim Quy. Núi có chùa Tam Giáo, có miếu Thạch Tướng Quân”. Trên các ngọn núi có thảm thực vật phong phú với các chủng loại cây đặc trưng của miền trung du-bán sơn địa như: Thông, lim, táu, sim, dương xỉ cùng nhiều loại thảo dược quý. Dọc theo sườn núi xuất hiện những bãi đá lớn lộ thiên có diện tích hàng trăm mét vuông. Mỗi bãi đá được gắn với một truyền tích về thời mở nước hay sự xuất hiện của đức Quan Âm cứu dân, độ thế. Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và nhuốm màu huyền thoại Phật pháp.
2. Khu di tích chùa Bổ Đà là Trung tâm đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và cũng là nơi minh chứng rõ nhất tư tưởng Tam giáo đồng nguyên
Khu di tích chùa Bổ Đà có lịch sử hình thành từ rất sớm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tên núi Bổ Đà hay tên chùa Bổ Đà bắt nguồn từ chữ Bu Đa (buddha) có nghĩa là Phật mà dân gian quen gọi là Bụt. Theo sự phân tích này thì Phật giáo đến đây từ khá sớm và tên núi gắn liền với tên chùa. Đây không chỉ là nơi tu hành của các tăng ni, mà còn là nơi mở trường đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trải suốt hơn 300 năm. Đến nay, khu di tích chùa Bổ Đà còn bảo lưu được 1935 mộc bản kinh Phật. Đây là khối tư liệu có giá trị nhiều mặt, là minh chứng về vai trò của chốn sơn môn này trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Lâm Tế nói riêng. Trải thời gian, cùng với những diễn biến hội nhập văn hóa, các thiền sư ở đây đã chịu ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và các tín ngưỡng dân gian khác, tuy nhiên Thiền phái Lâm Tế vẫn giữ vai trò chủ đạo. Dấu ấn đậm nét của dòng Thiền phái Lâm Tế tại di tích chùa Bổ Đà được thể hiện rõ nét qua hệ thống bài trí tượng Phật tại tòa Tam bảo, hệ thống Vườn Tháp, mộc bản kinh Phật... Khu di tích chùa Bổ Đà thờ Tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Đạo Giáo). Ngoài thờ Phật, trong Tam bảo chùa Tứ Ân còn phối thờ Lão Tử, Khổng Từ và Thạch Linh Thần Tướng gắn với tín ngưỡng thờ đá ở chùa. Đây là một trong những điểm khác biệt trong thờ tự của Khu di tích chùa Bổ Đà với các ngôi chùa khác trong cả nước.
3. Khu di tích chùa Bổ Đà có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Chùa Tứ Ân trong khu di tích chùa Bổ Đà được thiết kế theo lối kiến trúc đặc biệt kiểu “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng, không cốt ở sự nguy nga, tráng lệ mà quan tâm tới sự liên hoàn, thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của cảnh giới nhà Phật. Với 16 khối kiến trúc khác nhau và 92 gian lối thông nhau tạo thành hệ thống các tòa ngang dãy dọc liên hoàn cổ kính. Đây là một nét kiến trúc độc đáo, đặc sắc không chỉ riêng trong tỉnh Bắc Giang mà các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam cũng rất hiếm thấy. Xung quanh chùa được trình tường đất cao từ 2 đến 3m, có đoạn cao đến 5m tạo nên màu sắc hợp cảnh sơn môn nhưng lại rất độc đáo mà không ở đâu có. Với lối kiến trúc đặc biệt nên chùa Tứ Ân có đến 8 cổng ra vào nối các công trình với nhau cũng là nét kiến trúc hiếm thấy.
Hạng mục chùa Tứ Ân
Chùa Tứ Ân với nét kiến trúc tổng thể của thời Lê (thế kỷ XVII- XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX) còn hiện hữu rõ ràng. Các đầu kẻ hiên toà Tiền đường chạm khắc rất sắc nét và tinh tế hình vân mây, đao mác ở cả hai mặt. Trên các vì nách toà Tiền đường được chạm phủ kín cả hai mặt với nhiều đề tài: Hoa lá, vân mây, đao mác, hình tứ linh, tứ quý và hình linh thú… với những đường nét sống động có hồn. Trên các vì nóc cũng được chạm hình vân mây, hoa lá, con tiện, trái đào tiên… Kỹ thuật chạm thủng kết hợp chạm bong kênh và chạm chìm, đường nét chạm sắc xảo, tinh tế vừa mang nét kiến trúc Phật giáo vừa mang nét kiến trúc nghệ thuật dân gian rất sinh động có giá trị nghệ thuật cao.
Chạm khắc trên vì nách chùa Tứ Ân
Nghệ thuật chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc ở Nhà Tổ cũng mang giá trị mỹ thuật độc đáo. Các bức chạm, hình chạm ở đây có nhiều nét tương đồng với hình chạm ở toà Tam bảo. Chùa Cao là ngôi chùa có kiến trúc cổ nhất trong tất cả các hạng mục công trình thuộc khu di tích chùa Bổ Đà. Ngôi chùa còn bảo lưu nét kiến trúc cổ xưa, kiểu hang động mái vòm. Quá trình tu sửa có thêm hình đắp và cải tạo phần bờ mái trước mang nét kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX) nhưng vẫn không làm mờ đi nét kiến trúc hang động cổ ban đầu. Khối kiến trúc am Tam Đức cũng là nét chấm phá hết sức độc đáo trong toàn bộ khối kiến trúc khu di tích chùa Bổ Đà được tạo theo kiểu kiến trúc chồng diêm mang nét độc đáo.
Tượng Quán Âm Tống Tử trong chùa Cao
Am Tam Đức
Sự độc đáo trong giá trị kiến trúc nghệ thuật ở khu di tích chùa Bổ Đà còn thể hiện qua các pho tượng Phật cổ, các tấm Mộc bản kinh Phật. Chùa Quán Âm bài trí một pho tượng Quan Âm Tống Tử. Trong chùa Tứ Ân lại bài trí hệ thống tượng thờ Tam giáo cho thấy tính chất độc đáo có sự dung hoà giữa yếu tố tôn giáo thờ Phật và Đạo giáo, Nho giáo kết hợp tín ngưỡng dân gian bản địa. Nhiều tấm mộc bản là những trang bìa sách hoặc các tấm điệp, ván lục thù được chạm khắc cầu kỳ với nhiều họa tiết hoa văn Phật giáo có giá trị mỹ thuật. Tiêu biểu như hình đức Phật Như Lai, Quán Thế Âm Bồ Tát… Có thể nói mỗi tấm mộc bản là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Khu Ao Miếu cũng là hạng mục công trình kiến trúc độc đáo nằm trong khu di tích chùa Bổ Đà. Đây là nơi phát tích về tục thờ Đá liên quan đến tín ngưỡng thờ Thạch Linh Thần Tướng. Trong di tích này hiện còn những tảng đá lớn nằm trong ao, tương truyền là nơi lưu lại dấu tích của Mẹ Đá khi sinh ra Thạch Linh Thần Tướng.
4. Khu di tích chùa Bổ Đà có Vườn Tháp lớn nhất Việt Nam
Vườn tháp trong khu di tích chùa Bổ Đà
Kiến trúc Vườn Tháp khu di tích chùa Bổ Đà có giá trị độc đáo trong các khối kiến trúc Vườn Tháp cổ ở Việt Nam, vì thế Vườn Tháp khu di tích chùa Bổ Đà được đánh giá là lớn nhất Việt Nam. Mỗi một toà tháp ngoài chức năng là nơi chứa xá lị của các nhà sư đã viên tịch còn là một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo mang nhiều ý nghĩa. Với số lượng 110 ngọn tháp, trong đó có 97 tháp chứa xá lị, tro, cốt nhục thân của 1214 vị sư trụ trì tại chùa viên tịch mất tại đây. Phần lớn các toà tháp ở đây là tháp cổ được xây dựng dưới thời Lê (thế kỷ XVII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tháp được xây từ 2 tầng đến 3 tầng bằng gạch chỉ bản mỏng, vật liệu gắn kết là vôi, giấy bản và mật mía. Có hai loại tháp Sư Tăng và tháp Sư Ni. Đã trải qua hằng trăm năm nhưng Vườn Tháp chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được nguyên vẹn.
5. Khu di tích chùa Bổ Đà có hệ thống mộc bản kinh Phật của thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam và là nơi lưu giữ nhiều di sản tư liệu phong phú, độc đáo
Mộc bản kinh Phật lưu giữ tại chùa
Khu di tích chùa Bổ Đà còn bảo lưu nhiều di sản tư liệu, tiêu biểu và độc đáo nhất là bộ kinh Phật với 1935 tấm mộc bản và 18 bộ sách kinh chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740 và muộn nhất vào những năm đầu thế kỷ XX. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho rằng: “Thời gian san khắc mộc bản chùa Bổ Đà khởi đầu từ các vị sư tổ trụ trì tại chùa ở thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng đến các vị sư kế nối ở vào thời Nguyễn niên hiệu Thiệu Trị, Tự Đức và đến cả niên hiệu cuối cùng của Triều Nguyễn là niên hiệu Bảo Đại. Tuy nhiên số mộc bản được san khắc vào thời Lê hiện còn ở chùa có số lượng khá lớn”. Các bộ kinh chính như Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy... Trải qua nhiều thế kỷ, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Các bộ kinh phần lớn thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là dòng Thiền Lâm Tế. Bộ kinh khắc gỗ này đề cập đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông). Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế-4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật, gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Một số ván kinh khắc lại chủ yếu nói về Quán Thế Âm Bồ Tát và các giới. Các ván kinh được khắc trên gỗ thị vừa bền, không cong vênh mà nó còn rất nhẹ. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, nay vẫn rất sắc, rõ. Đây là kho di sản tư liệu quý giá không chỉ về việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo mà còn có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện: Lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học….
Ngoài giá trị vật thể, kho mộc bản còn mang giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo. Cũng theo PGS. Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân “Nhiều bản sách ở đây được san khắc từ sách in của Triều Tiên chứ không phải từ sách của Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự giao lưu và du nhập kinh luật Phật giáo không chỉ qua kho tàng sách vở từ Trung Quốc mà còn từ bán đảo Triều Tiên”. Những tri thức kinh nghiệm dân gian trong việc chế tác mộc bản đến nay vẫn còn phải nghiên cứu. Hiện nay việc sao chép, in khắc chữ từ các tấm mộc bản ở khu di tích chùa Bổ Đà để phục vụ việc giảng đạo vẫn được duy trì nhưng rất ít. Một số ván bị hư hỏng nhà chùa phục chế lại theo bản gốc để bảo tồn, mặt khác phục vụ khách nghiên cứu tham quan tránh không làm ảnh hưởng đến hiện vật gốc. Bộ kinh Phật khu di tích chùa Bổ Đà xứng đáng là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau.
Kho tàng di sản Hán Nôm ở khu di tích chùa Bổ Đà cũng rất phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình. Ngoài những tấm bia đá, chuông đồng tạc ghi công đức, nhà chùa còn lưu giữ hàng trăm cuốn kinh sách-luật-giới nhà Phật. Đây là nguồn tư liệu dùng cho nhà chùa và các nhà sư cùng sơn môn trong các kỳ kết hạ. Hệ thống hoành phi (đại tự) gồm 28 bức, 38 đôi câu đối. Nội dung bao trùm của di sản Hán Nôm khu di tích chùa Bổ Đà là sự phản ánh triết lý sâu xa của tư tưởng Phật giáo, ngợi ca đức Phật từ bi, lòng hảo tâm công đức của Phật tử bốn phương, ca ngợi cảnh trí Bổ Đà chốn bồng lai tiên cảnh.... Di sản Hán Nôm ở khu di tích là nguồn tài liệu văn hóa lịch sử quý giá, thông điệp lịch sử được các thế hệ tiền nhân gửi cho hậu thế những thông tin bổ ích lý thú về đạo Phật và vùng đất con người nơi đây. Cùng các cuốn kinh, nhà chùa còn được các vị sư Tổ truyền lại rất nhiều các sách khoa cúng dân gian và các tập thơ ghi chép những bài thơ xướng hoạ của các vị cao tăng, tao nhân mặc khách, hoạ, vịnh cảnh chùa. Những bài thơ chữ Hán tiêu biểu như chùm thơ họa “Sơn cư”. Đặc biệt nhà chùa còn lưu giữ được bản chép tay về lịch sử khu di tích chùa Bổ Đà của nhà văn Nguyên Hồng có giá trị nghiên cứu khoa học.
6. Khu di tích chùa Bổ Đà còn bảo lưu hệ thống tượng Phật cổ và nhiều di vật, cổ vật có giá trị
Khu di tích chùa Bổ Đà còn bảo lưu trên 40 pho tượng Phật trong đó phần lớn là những pho tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, toà Cửu Long, tượng Tam Châu…. Ngoài ra còn có các pho tượng bài trí theo tín ngưỡng thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa như tượng Thạch Linh Thần Tướng, tượng Lão Tử, Khổng Tử. Hệ thống tượng Phật tạc chất liệu gỗ, sơn thếp đẹp có giá trị nghệ thuật đến nay còn nguyên vẹn. Các tài liệu, hiện vật khác như 09 bát hương có chất liệu gốm và sứ niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chum, lọ, vại sành gồm trên 70 hiện vật được đặt trong chùa và khu vườn chùa. 02 mõ cá gỗ cổ. 05 tấm bia đá soạn khắc thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có nội dung ghi về việc xây dựng chùa Tứ Ân, am Tam Đức và trùng tu lại chùa Quán Âm, ghi về việc gửi giỗ, công đức, trong đó 01 tấm bia đá dựng năm 1853 ghi về việc trùng tu tượng Phật, 03 quả chuông đồng thời Nguyễn (thế kỷ XIX) trong đó 01 chuông năm Tự Đức thứ 34 -1881. Trong khu Ao Miếu còn bảo lưu tượng Thạch Linh Thần Tướng, ngai thờ, hệ thống hoành phi, câu đối, đặc biệt là các khối đá tảng to, tương truyền là nơi Mẹ Đá sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Tất cả những tài liệu, hiện vật này đều có giá trị nghiên cứu khoa học trên nhiều phương diện lịch sử, văn hoá, tôn giáo...
Bài trí ban thờ trong chùa Tứ Ân
7. Khu di tích chùa Bổ Đà với giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo
Khu di tích chùa Bổ Đà là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ chùa Bổ Đà hằng năm được tổ chức ngày 16, 17, 18 tháng Hai âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Đây là lễ hội lớn của vùng văn hoá núi Bổ Đà. Không gian lễ hội rộng bao trùm khắp các cửa đình, cửa chùa thuộc dãy Bổ Đà sơn. Từ khu Ao Miếu, Đền Trung, Đền Thượng, tới chùa Linh Sơn, chùa Linh Chi, đền Độc Cước, đền Bà Chúa Kho tới chùa Bổ Đà. Lễ hội ở đây hội tụ đủ cả hai yếu tố văn hoá tôn giáo và tín ngưỡng.
Lễ hội chùa Bổ Đà năm 2019 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc
Lễ hội xưa tổ chức ngày 10 tháng Giêng ở khu Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng. Lễ giỗ tổ khu di tích chùa Bổ Đà tổ chức từ 15 đến 19 tháng Hai âm lịch. Lễ hội nay được tổ chức chung vào ngày giỗ Tổ chùa Bổ Đà 18 tháng Hai âm lịch. Nghi lễ có thêm kiệu rước của thôn Kim Sơn là thôn mới được tách ra từ làng Thượng Lát và làng Hạ Lát. Quy định hiện nay 5 năm mới tổ chức rước kiệu một lần. Trong ngày hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Đấu vật, chọi gà... độc đáo nhất là liên hoan hát quan họ. mang lại không gian văn hóa đậm màu sắc dân tộc của vùng quê bên bờ Bắc Sông Cầu. Việc tổ chức thi hát quan họ tại lễ hội Bổ Đà có ý nghĩa tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Với những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, khu di tích chùa Bổ Đà đã được Thủ tướng Chính phủ hủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016 (QĐ số 2499/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016)./.
Bắc Hà