Kiến trúc chùa, tiếp cận từ thực tiễn và giáo lý nhà Phật
Ngày đăng: 15/11/2022
Không gian mỗi ngôi chùa, nhất là những chùa cổ là kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đến từ cấu trúc quần thể các công trình, tiếp nữa là hệ thống tượng thờ, phù điêu, nhang ấn, hoành phi câu đối, mộc bản…Các vật thể đó rất phong phú mang dấu ấn lịch sử, giá trị vùng miền và được thể hiện đa dạng trên nhiều chất liệu như: đá, gỗ, giấy, đồng…Ngoài những giá trị vật thể hiện hữu, các ngôi chùa còn bảo lưu được giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc và độc đáo biểu hiện qua tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, lễ hội truyền thống…

Phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến kiến trúc (cấu trúc) các ngôi chùa mà lâu nay không nhiều người để ý tới, nhất là giới trẻ trong thời hiện đại. Bên cạnh đó là những ví dụ cụ thể cho từng loại hình kiến trúc cũng như lịch sử, giá trị của những ngôi chùa được lấy làm ví dụ. Đến chùa dù chỉ để cầu an hay tham gia lễ hội, nhưng nếu có thêm một chút kiến văn thì giá trị từ không gian văn hóa mà các ngôi chùa mang lại có thể sẽ làm sự lĩnh hội những cái hay, cái đẹp của đạo và đời thuận lợi, dễ dàng hơn!?

Những kiến trúc phổ biến

Chùa là một loại hình kiến trúc truyền thống của Việt Nam xuất hiện khá nhiều và thiết kế chùa cũng luôn tuân theo những nguyên tắc nhất định để đảm bảo mang được nét đẹp và chuẩn mực tư tưởng. Dù ở chốn kẻ chợ hay nơi thôn dã thì chùa thường được xây dựng ở những nơi thanh vắng, yên tịnh, có cảnh trí đẹp, địa thế phong thủy. Điều này lý giải vì sao không ít chùa ở Việt Nam trở thành danh thắng tầm cỡ quốc tế như chùa Yên Tử, chùa Hương…Ngày bắt đầu xây dựng chùa cũng như ngày khánh thành đều là những thời điểm rất có ý nghĩa trong đời sống của người dân.

Việt Nam trong nhiều thế kỷ sử dụng chữ Hán làm văn tự quốc gia, do đó ngôn ngữ này quy chiếu và chi phối nhiều mặt của đời sống xã hội ví như với thi ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc…, kiến trúc và cấu trúc xây dựng các ngôi chùa cũng không phải là ngoại lệ. Chùa Việt Nam thường không phải là một công trình mà là một quần thể kiến trúc được sắp xếp cạnh nhau hoặc nối với nhau. Tùy theo cách bố trí những công trình này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau với tên gọi thường được đặt theo các chữ Hán có dạng gần với mặt bằng kiến trúc chùa.

1. Cấu trúc nội công ngoại quốc

Cấu trúc này khá phổ biến trong các ngôi chùa Việt Nam. Đây là lối kiến trúc mà bên trong có hình chữ Công (), bên ngoài có hình chữ Quốc (). Chùa hình dạng này có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà Tổ hay nhà Tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ Vi () hay như ở chữ Quốc (). Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà Tổ (nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch), hoặc nhà Tăng (nơi ở của các nhà sư) và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan. Chùa Keo (Thái Bình) là điển hình cho cấu trúc này.

Theo tư liệu lịch sử, năm Tân Sửu, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 3 (1061) đời Lý Thánh Tông dựng chùa Nghiêm Quang trên đất Giao Thuỷ (làng Keo), thuộc Nam Định ngày nay. Tháng 3 năm Đinh Hợi, niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) đời Lý Anh Tông, chùa này được đổi tên thành chùa Thần Quang. Năm Tân Hợi (1611), một trận lụt lớn làm chùa bị trôi dạt, dân ấp Keo phải di dời đi 2 nơi: một bộ phận định cư ở phía Đông Nam - hữu ngạn sông Hồng (nay thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định); một bộ định cư ở phía Đông Bắc - tả ngạn sông Hồng (nay thuộc thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Như vậy, sau năm 1611, làng Keo được chia thành hai làng. Sau đó, hai làng dựng lại chùa, tên Nôm đều gọi là “chùa Keo”. Để phân biệt, dân gian thường gọi chùa Keo ở Thái Bình là Keo Thái Bình hoặc Keo trên; chùa Keo ở Nam Định là Keo Nam Định hoặc Keo dưới. Chùa Keo Thái Bình được dựng năm 1632, tên chữ là Thần Quang tự.

Ngoài thờ Phật, chùa Keo Thái Bình là nơi thờ Thánh Dương Không Lộ và nhiều người có công lớn trong việc dựng chùa. Chùa Keo có 2 lễ hội trong 1 năm. Hội xuân được tổ chức ngày mùng 4 tháng Giêng, mang tính chất của một lễ hội nông nghiệp. Ngoài các nghi lễ thông thường, trong hội còn có nhiều trò đặc sắc, như thi nấu cơm, thi ném pháo, thi bắt vịt, trong đó, thi nấu cơm được coi là hoạt động trung tâm của hội. Hội tháng 9 được tổ chức vào ngày 13 đến ngày 15, gắn với ngày sinh (13/9), ngày mất (14/9) của Thánh Dương Không Lộ và một số lễ nghi gắn với Phật giáo.

Chùa Keo, tỉnh Thái Bình

Chùa Keo Thái Bình gồm 21 hạng mục lớn, nhỏ (154 gian). Trải qua trên 300 năm, chùa đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Xét về quy mô, bố cục, đặc điểm và nghệ thuật kiến trúc, có thể coi chùa Keo là một trong những công trình sáng giá nhất trong hệ thống chùa dạng thức “tiền Phật hậu Thánh” cũng như dạng thức chùa “trăm gian” ở Việt Nam.

2. Cấu trúc lối chữ Công ()

Theo cấu trúc này thì nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) là một dạng cấu trúc theo mô hình chữ Công.

Chùa Cầu là một cây cầu cổ trong khu phố cổ Hội An. Chùa còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỷ 17. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Sau đó, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa". Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Có thể sau đó không lâu, ngôi chùa cũng được dựng lại Kể từ năm 1817, chùa Cầu được trùng tu nhiều lần và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản. Tháng 2 năm 1990, Chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.

Chùa Cầu, Hội An

Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.

3. Cấu trúc lối chữ Tam ()

Đây là kiểu chùa có ba công trình song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Tây Phương, chùa Thầy (Hà Nội) được xây dựng theo dạng bố cục như vậy.

Các nguồn dữ liệu không thống nhất về năm chùa Tây Phương bắt đầu khởi công xây dựng. Dữ liệu được biết đến nhiều nhất là năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng với thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng những năm 1657-1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc lại cho phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.

Chùa Tây Phương là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc ngay trong vùng Tổng Nủa, làng truyền thống Chàng Sơn (Làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng của xứ Đoài). Điểm nhấn trong nghệ thuật điêu khắc ở chùa Tây Phương là 64 pho tượng. Các tượng được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ pháp, cao chừng 3 m…

Chùa Tây Phương, Hà Nội

4. Cấu trúc lối chữ Đinh ()

Đây cũng là lối kiến trúc rất phổ biến trong xây dựng chùa. Theo mô hình này thì nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường. Chùa Trăm gian (Hà Nội) là một ví dụ.

Chùa Trăm Gian nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ được nhiều di vật và tượng quý.

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một "gian" thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính: Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước. Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một tòa gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,10 m, đường kính 0,6 m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai, 1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật.

Tiếp đó, leo thêm 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thế tới cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà tổ, giữ lại có lầu trống bên trong treo một cỗ trống lớn, đường kính 1 m và một tấm khánh đồng dài 1,20 m, cao 0,60 m đúc năm 1749, Cảnh Hưng thứ 10. Tại đây có 153 pho tượng hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Chùa Trăm Gian, Hà Nội

Tư tưởng, giá trị của những “mô típ” trên

Theo các nguồn tư liệu cùng với những người am tường về giáo lý, văn hóa Phật giáo thì kiểu kiến trúc chữ Đinh và chữ Công là những biến thể của nhau. Điểm nhấn của lối kiến trúc này là lấy một trục chính làm cốt lõi. Theo quan niệm của nhà Phật, trục chính đó tựa như đại diện cho bánh xe Nhất Thừa, hướng con người đến sự giác ngộ, tỉnh thức, an nhiên. Đó là mặt giáo lý. Còn về công năng và tiện ích sử dụng, theo các chuyên gia kiến trúc thì công trình kiến trúc chữ Đinh (chùa, đình, đền, nhà ở…) có cửa cái nhà trên mở ở chiều dài của ngôi nhà, còn cửa cái nhà dưới sẽ mở ở chiều rộng. Do đó cửa cái đều được mở ra cùng một hướng và có chung mái hiên trước, tạo nên sự đồng nhất cho toàn bộ công trình. Không gian trong nhà luôn được thoáng mát vào mùa hè và ấm áp về mùa đông. Nhà trên của nhà chữ Đinh có diện tích rộng và vị trí ưu tiên nhất. Thông thường, nhà trên sẽ được thiết kế thành ba gian hai chái, tùy vào điều kiện và ý muốn của gia chủ. Với chùa thì có thể là ý muốn của vua, quan hoặc của cộng đồng cư dân…

Với cấu trúc nội công ngoại quốc. Mô hình này có biến thể khác là nội đinh ngoại quốc. Điểm nhấn là chữ Vi () bao quanh chữ Đinh () hoặc chữ Công (). Về ý nghĩa, vì chữ Vi bao bọc vòng ngoài nên sự vuông tròn, viên dung được bộc lộ ở các công trình theo cấu trúc này. Theo quan niệm của nhà Phật thì sự vuông tròn thể hiện bởi 12 nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, tử). Đây là một vòng tròn khép kín và mọi sự việc điều do nhân duyên mà khởi phát.

Tương tự, tư tưởng nhà Phật được gửi gắm qua lối cấu trúc chữ Tam ()  là ba ngôi báu của đạo Phật là: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. Theo đó, Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn, viên mãn, có lối sống tỉnh thức và truyền sự giác ngộ cho chúng sinh. Pháp là con đường tình thương, đạo thức tỉnh từ những điều những điều thực nghiệm, thực tu thực chứng…của bản thân. Tăng là toàn thể đại chúng, tăng ni làm theo những điều chỉ dạy của đức Phật.

Có thể khẳng định, kiến trúc chùa cùng tư tưởng, giáo lý nhà Phật thông qua mô hình đó đem đến những giá trị tinh thần, vật chất lớn lao cho đời sống xã hội./.

 

Thanh Hà