Chùa Mía - công trình biểu tượng văn hóa của làng cổ Đường Lâm
Ngày đăng: 04/11/2022Từ ngàn đời nay, đại bộ phận người Việt cư trú, lao động, sinh hoạt văn hóa trong địa bàn dân cư có tên gọi gần gũi là Làng Văn hóa làng xã hiện hữu trong thường nhật với những giá trị vật chất, tinh thần mộc mạc, gần gũi. Trải qua thăng trầm, làng xã Việt với những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc được gìn giữ, hun đúc, qua đó là yếu tố quan trọng cấu thành nên văn hóa Việt Nam. Trong bức tranh chung đó, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có giá trị rất đặc sắc, là niềm tự hào của không chỉ người dân xứ Đoài.
Theo các tư liệu địa chí, nhắc đến Đường Lâm là nói về xứ Đoài với địa thế tứ giác nước. Dưới chân núi Tản có các sông nối và thông nhau, bao bọc Đường Lâm: Sông Tích, sông Đà, sông Đáy. Các di tích ở đây cũng liên thông nhiều giai đoạn lịch sử từ Lý Nam đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền v.v…Qua bao biến thiên, Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng vốn có của một ngôi làng người Việt với các công trình biểu trưng như: chùa, đình, miếu, cây đa, bến nước, giếng nước, gò đồi, điếm canh…Đình Mông Phụ ở Đường Lâm thờ Thánh Tản Viên. Các ngôi đền thờ những người có công với giang sơn như đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền. Phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến chùa Mía, công trình tôn giáo có niên đại nhiều thế kỷ, mang dấu ấn đặc sắc về Phật giáo cũng như văn hóa của người dân nơi đây.
Chùa cổ xứ Đoài
Chùa Mía có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự. Theo tư liệu lịch sử, Đường Lâm khi xưa thuộc tổng Cam Giá, người dân gọi Cam Giá bằng tên nôm là Mía. Trong văn hóa làng xã Việt Nam, các công trình có giá trị cộng đồng, mang tính biểu tương…thường được người dân gọi theo tên của địa phương. Do đó, chùa Mía cũng giống như biết bao ngôi chùa khác ở Việt Nam tồn tại 2 tên. Song tên nôm được sử dụng phổ biến vì gần gũi trong thường nhật và giao tiếp.
Theo các tư liệu còn lưu giữ tại đây thì vào thế kỷ XVII, chùa có quy mô nhỏ và xuống cấp. Năm 1632, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung-một người phi của chúa Trịnh Tráng phất tâm công đức xây dựng lại chùa. Nguồn tư liệu cũng cho thấy, hưởng ứng thiện tâm của bà Ngọc Dung, người dân trong tổng Mía cũng góp của, góp công xây dựng lại chùa. Sau đó, mến mộ tâm đức của bà Ngọc Dung, nhân dân tạc tượng, phối thờ ở chùa và sùng kính gọi là “Bà Chùa Mía”. Trải qua năm tháng, Chùa được tu bổ nhiều lần, nhưng đến nay từ quy mô đến kiến trúc thay đổi không nhiều. Tấm bia dưới gác chuông ghi năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621) nói về việc lập chùa.
Là công trình tôn giáo nơi xứ Đoài nên chùa Mía có những nét độc đáo. Theo đó, giá trị văn hóa hiện hữu thông qua hoạt động của người dân cho thấy, trong mỗi địa vực (làng quê, vùng miền), cách con người ứng xử với thiên nhiên là thành tố quan trọng cấu thành nên văn hóa. Đại bộ phận công trình ở Đường Lâm (đình, chùa, đền, nhà ở) được xây dựng chủ đạo hoặc có sự tham gia của đá ong. Chùa Mía cũng không là ngoại lệ khi công trình này nằm trên một quả đồi đá ong. Xứ Đoài được biết đến là “kho tàng” đá ong của Bắc Bộ. Ở đây, nguyên liệu này xuất hiện mọi nơi, từ gò bãi, triền đồi, thậm chí ngay trong vườn nhà; lộ thiên hay nằm sâu trong lòng đất. Qua bàn tay người thợ, đá ong được xây cất thành đình chùa, nhà cửa, trong lịch sử vệ quốc là thành lũy…Đá ong gắn kết sâu đậm với người dân từ công trình dân dụng đến công trình mang tính biểu trưng, có giá trị văn hóa nghệ thuật. Đề cập đến cách con người ứng xử với thiên nhiên để tạo nên văn hóa thì hoạt động kiến trúc của người dân Đường Lâm trong việc biến “tài nguyên” đá ong thành những công trình mang biểu trưng văn hóa, mang hồn cốt người Việt là hoạt động đậm nét. Tại chùa Mía, đá ong xuất hiện trong nhiều hạng mục, tạo nên nét riêng biệt của xứ Đoài so với các nơi khác, nhưng vẫn có sự gần gũi thân thuộc như ở bất kỳ ngôi chùa nào của Bắc Bộ.
Các công trình trong chùa đều rất quy mô, bề thế, gồm: tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ. Hành lang san sát lối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc xen nhau. Vườn chùa có cây đa cổ thụ đã vài trăm tuổi, tán lá xòe rộng, rợp bóng cả khu vườn. Chùa được dựng bằng nhiều cột gỗ to và thấp. Hệ thống cột này là nét đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Các vì kèo cũng được làm bằng gỗ, chạm khắc hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), hoa lá…công phu, sinh động.
Chùa có tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Tòa gác chuông làm theo kiểu kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm khắc. Ở đây có một tấm bia năm 1621, một tấm bia năm 1750. Trên gác treo một quả chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ tư (1745) một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ sáu (1846).
Kho tàng nghệ thuật
Điêu khắc là “linh hồn” của mỹ thuật cổ-trung đại, là đỉnh cao tinh hoa trí tuệ, tinh thần người Việt. Trên thực tế, muốn biết lịch sử một đất nước, tìm hiểu tâm hồn một dân tộc thì cùng với hệ thống văn bản, kiến trúc và điêu khắc là những pho sử chính xác, có độ tin cậy rất cao. Những vấn đề về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, tập tục, con người…có thể dễ dàng tìm thấy qua điêu khắc-như một con đường để tiếp cận và nghiên cứu văn hóa truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà chùa Mía được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận chùa Mía là nơi lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam.
Chùa Mía lưu giữ rất nhiều tượng, có 287 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng. Các pho tượng này dù được đúc, nặn, hay được chạm khắc cũng đều thể hiện tính nghệ thuật cao qua sự khéo léo, tài hoa của những người thợ xưa. Nhiều pho tượng được xem như những tác phẩm nghệ thuật tạo hình rất có giá trị ở Việt Nam, ví như ở tòa thượng điện có một bộ tám pho tượng Bát Bộ Kim Cương làm bằng đất luyện. Mỗi pho tượng là hình tượng một võ tướng đang trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để trừ tà bảo vệ phật pháp.
Tượng Thập bát La Hán (dãy hành lang bên trái có 9 pho tượng. Hành lang bên phải có 9 pho tượng khác)
Hệ thống tượng ở chùa Mía được đánh giá là kho tàng của tư liêu truyền thống về điêu khắc và kiến trúc để cho hậu thế khai thác, tìm hiểu. Trong đó có những pho tượng quý, vô vùng độc đáo, đạt đến độ tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc như tượng Phật Tuyết Sơn (cao 0,76m, tượng trưng cho Đức Phật khi tu hành ở Khổ Hạnh Lâm). Tượng Nam Hải Quan Thế Âm (cao 1,2m, có 12 cánh tay đan lồng vào nhau, tay giơ lên, tay buông xuống nhịp nhàng, tưởng chừng không có lúc nào dừng lại). Theo các chuyên gia về kiến trúc và điêu khắc, hệ thống tượng ở chùa Mía có tính biểu tượng rất cao. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong loại hình nghệ thuật này tạo nên sự đặc sắc, hấp dẫn của văn hóa.
Bên cạnh tính biểu tượng, tính hài hòa thảm mỹ là điểm nhấn trong hàng trăm bức tượng mà chùa Mía đang lưu giữ. Xét trên góc độ tổng thể, yêu tố hài hòa đem đến sự trung tính, nằm trong cách nhìn thông thường của người quan sát, tạo sự gần gũi, tính liên tưởng với đời sống văn hóa xã hội của tiền nhân. Ví như tượng Thập Bát La Hán thể hiện sự tĩnh tọa, an nhiên và gần gũi.
Đối với tượng Quan Âm Tống Tử (cao 0,76 m, thường được gọi là tượng Bà Quan Âm Thị Kính-diễn tả một người phụ nữ thùy mị, vẻ mặt hơi buồn nhưng rất nhân hậu, ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt, thoải mái về dáng điệu, sinh động về tinh thần) lại thể hiện tính tài hoa của người nghệ nhân trong sáng tạo. Ở góc độ sáng tạo, truyền thống văn hóa nằm ở xúc cảm đôi khi là thói quen con người-là những thứ khó nắm bắt cụ thể. Vậy nên nhà điêu khắc đã rất tinh tế để người xem đồng cảm, dung hòa được tư duy giữa người sáng tạo và người thưởng thức.
Hiếm có mảnh đất nào của Việt Nam lại chứa đựng bên trong đa dạng các dữ liệu của cả huyền sử, chính sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo…xuyên qua nhiều giai đoạn như làng Đường Lâm. Huyền sử như Thánh Tản Viên. Chính sử như Phùng Hưng. Văn hóa xen lẫn tôn giáo, tín ngưỡng như đình Mông Phụ. chùa Mía…
Những công trình có tính biểu tượng văn hóa của làng Đường Lâm thể hiện rất rõ đặc trưng văn hóa làng xã của người Việt là một khối dân cư ở nông thôn, có địa vực, cơ cấu tổ chức, phong tục tập quán, tâm lý, tính cách…khu biệt với địa vực khác nhưng không nằm ngoài trong bức tranh chung của văn hóa Việt.
Người Việt thường quan niệm vạn vật hữu linh, ví như đất có thổ công, do vậy từ cây cối, đầm hồ, gò đống cho đến đình chùa miếu… được quan tâm bảo vệ. Cạnh đó là tinh thần tôn trọng quá khứ, những gì thuộc về lịch sử thì ít thay đổi, chỉ tu bổ, tôn tạo. Điều này lý giải người dân Đường Lâm trải qua nhiều thế hệ vẫn lưu giữ được những di sản của cha ông, mà chùa Mía là một điển hình./.
Bùi Quý