Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm
Ngày đăng: 14/05/2021
Ngôi Thủy đình tại đền Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội.
Đền Phù Đổng hay đền Thánh Gióng được xây dựng tại xã Phù Đổng (làng Gióng) thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội 17km về hướng Đông Bắc. Đây là quê hương của người anh hùng thần thoại mà theo truyền thuyết đã đánh tan giặc Ân thời vua Hùng thứ 6.

Phù Đổng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, nơi đây nổi tiếng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tiêu biểu là người anh hùng làng Gióng “Phù Đổng Thiên Vương” – một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam – còn in đậm trong tâm thức người dân Việt với những câu chuyện được truyền lại qua bao thế hệ.

Trong khuôn viên di tích đền Phù Đổng có rất nhiều giếng nước cổ. (ảnh: PT)

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng là một trong những nơi tưởng niệm người anh hùng Thánh Gióng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi từ buổi bình minh của lịch sử. Để tôn vinh, tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng, nhân dân từ ngàn đời đã dựng lên Khu di tích lịch sử Phù Đổng với nhiều địa điểm liên quan như: Đền Thượng, Chùa Kiến Sơ, Đình Hạ Mã, Miếu Ban, Giá Ngự, Khu Soi Bia, chùa Hương Hải…; trong đó nổi bật là Đền Thượng - nơi thờ phụng Đức Thánh Gióng với quy mô bề thế, được bố cục hài hòa trong không gian khép kín tạo nên bức tranh cổ kính, đậm chất huyền thoại, gồm nhiều hạng mục kiến trúc, hiện còn bảo lưu được những mảng chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII của kiến trúc đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ.

Theo truyền thuyết, đền đã có từ thời Hùng Vương và được dựng trên nền nhà cũ của mẹ Gióng. Đến cuối thế kỷ XI, Lý Thái Tổ cho tu bổ thêm và ra lệnh tổ chức hội Gióng. Đền sát đê, được bố cục theo hình chữ “công”, quy mô rộng rãi.

Trước sân, ngay sát chân đê có ao rộng, có tên ao rối, nơi hàng năm có tổ chức múa rối nước vào ngày hội. Trong ao, dưới bóng cây đa cổ thụ cành lá xum xuê, là ngôi thuỷ đình xinh xắn.

Thuỷ đình được dựng theo kiểu “mái chồng” từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) với nhiều bức chạm tinh vi trên gỗ, mà đề tài là những cảnh sinh hoạt dân gian: người chăn dê, người thổi ống xì đồng… Thuỷ đình mang nhiều yếu tố dịch học mà trên đó những mảng chạm nói nên những ước vọng của dân chúng.

Đó là người quân tử lấy cái trí thức làm đầu, nếu không có trí thì con người đi vào ngu tối mà sự vô minh, ngu tối thì đồng nghĩa đồng thời là mầm mống của tội ác. Thông qua đó thấy rằng, người xưa dậy phải lấy cái trí tuệ làm đầu, nhờ có trí tuệ mà đi vào thiện tâm.

Qua sân gạch đến Nghi môn khá cao mới được xây vào cuối thế kỷ XIX. Phía trước có đôi rồng đá nét chạm hơi thô nhưng rất khoẻ, bên dưới có dòng chữ khắc cho biết niên đại tạo tác của rồng vào năm ất Dậu niên hiệu Vĩnh Thịnh, tức năm 1705 dưới triều Vua Lê Dụ Tông. Phía sau có đôi sư tử đá cũng làm vào năm đó.

Tiếp đến là nhà Thiêu hương (đốt hương), cấu tạo giống Thuỷ đình nhưng nhỏ hơn, lợp bằng ngói kích tấc khá lớn (20 cm x 30 cm). Liền nhà Thiêu hương là hai nhà Tiền tế khá rộng. Nhà ngoài do Điền Quận công Nguyễn Huy (1610 – 1675), người làng Phù Dực, cạnh xã Phù Đổng đứng ra xây dựng. Nhà bên trong do Đặng Công Chất, người chính làng Phù Đổng, đỗ Trạng nguyên năm 1661, đứng ra hưng công. Đáng chú ý ở đây là 39 viên gạch với kích tấc 30 x 20 x 10 (cm), mỗi viên đều chạm khắc hình rồng. Những viên gạch này được lát ở bậc thềm vào cung. Hai ngôi nhà ba gian phía đông do Đặng Thị Huệ chính công của chúa Trịnh Sâm (thế kỷ XVIII) cung tiến.

Trong Hậu cung 12 gian có tượng Thánh Gióng cao 3m, hai bên có sáu tượng quan văn, quan võ, hai phỗng quỳ và bốn viên hầu cận “tứ trấn”. Kiến trúc đền không có gì đặc biệt, nhưng đáng chú ý là những đầu bẩy còn lưu lại được những mảng chạm vào thời Hậu Lê.

Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích đền Phù Đổng còn được khẳng định qua hệ thống di vật, cổ vật, mang tính đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, trong đó, phải kể đến 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn; hệ thống bia đá, rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, long ngai, kiệu, hương án, tượng thờ, bát bửu…,là những tư liệu rất qúy hiếm góp phần nghiên cứu về nhiều mặt như: địa danh hành chính qua từng thời kỳ, lịch sử, mỹ thuật, nghệ thuật trang trí cũng như các khía cạnh khác của đời sống xã hội đương thời.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTG về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với 14 di tích, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Hình tượng Thánh Gióng gắn với truyền thuyết ly kỳ thể hiện tinh thần quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Để tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương - một trong “tứ bất tử” của dân gian, có hai lễ hội Gióng được tổ chức thiêng liêng và rộn ràng - lễ hội Gióng ở đền Sóc (ngày 6 - 8 Tết) và lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (ngày 6 -12/4 âm lịch). Lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào Ngày 16/11/2010, tại thành phố Nairobi trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Lan Anh tổng hợp