Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
Ngày đăng: 13/08/2021
Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc Tự) là một ngôi chùa nằm trên ngọn núi Câu Lậu xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội.

Chùa Tây Phương được xây dựng từ thời Đường và đã được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 16, 17, 18. Năm 1554, chùa được xây lại trên nền cũ. Năm 1632, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Năm 1660, Tây Đô Vương Trịnh Tạc cho xây lại chùa mới. Đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.

https://media.vov.vn/uploaded/krb8sl5hrwuly8uzveukg/2019_01_10/vov_2_ygid.jpg

Chùa được xây dựng trên đỉnh núi cao hơn 100 mét. Để lên đến cổng chùa phải đi qua 239 bậc lát đá ong. Dựa vào thế núi từ thấp lên cao, kiến trúc chùa Tây Phương được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm ba ngôi chùa song song với nhau dọc theo sườn núi, mỗi chùa cách nhau 1,6m gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Mặc dù mỗi ngôi chùa mang một kiến trúc riêng biệt nhưng lại nằm trong một quần thể hài hòa, thống nhất giữa không gian núi rừng trầm tịch và thoáng đãng.

https://media.vov.vn/uploaded/krb8sl5hrwuly8uzveukg/2019_01_10/vov_5_ywex.jpg

Mỗi chùa có hai tầng mái kiểu chồng diêm mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Mái chùa có những góc đao cong vút được kết hợp bởi hai loại vật liệu chính là gỗ và đất nung, với những đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng rất sống động, vươn cao tới 2,2m. Xung quanh diềm mái của ba chùa đều được chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn rất công phu. Tường chùa xây toàn bằng gạch Bát Tràng, các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh, khắc hình cánh sen.

Tất cả các chi tiết gỗ trong chùa đều được chạm trổ tinh xảo. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc như hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... được tạo ra dưới bàn tay người thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc ngay trong vùng của xứ Đoài.

Nhưng độc đáo và đặc sắc nhất của chùa Tây Phương là kiệt tác 62 pho tượng Phật cổ được công nhận là bảo vật Quốc gia làm hoàn toàn bằng gỗ mít, pho nào cũng được tạo tác rất công phu, tinh xảo, sinh động từ nếp quần áo đến dáng điệu, sắc thái.

https://media.vov.vn/uploaded/krb8sl5hrwuly8uzveukg/2019_01_10/vov_6_yyvk.jpg

Bộ tượng tam thế từ thời Hậu Lê được thờ tại chùa Thượng. Theo quan niệm nhà Phật, bộ tượng Tam thế tượng trưng cho ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai, là không gian vô lượng của thế giới chư Phật từ Đông sang Tây, từ phải sang trái từ trên xuống dưới. 

https://media.vov.vn/uploaded/krb8sl5hrwuly8uzveukg/2019_01_10/vov_7_nhiy.jpg

Bát bộ kim cương, bộ tượng được tạc từ thời Tây Sơn thần khí mỗi ông mỗi khác, trang phục  như võ tướng, thân mặc áo giáp, tay cầm khí giới như sẵn sàng xung chiến. Mỗi tượng bát bộ kim cương là một điển hình của tính chất khuyến thiện và trừ ác. 

https://media.vov.vn/uploaded/krb8sl5hrwuly8uzveukg/2019_01_10/vov_8_bkpc.jpg

Chùa Tây Phương đã được người đời nhớ đến với bộ tượng nổi tiếng Thập Bát La Hán. Được tạc cách đây gần 300 năm, bộ tượng là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tạo hình giàu cảm xúc. Thần thái của 18 vị La hán được lột tả qua ánh mắt, nét mặt, lông mày. Tượng không ở thế tĩnh mà được tạc ở các thế đứng, ngồi khác nhau. Tất cả đều toát lên sự đồng cảm, gần gũi giữa đức Phật với cuộc sống đời thường.

Hàng năm chùa cổ Tây Phương tổ chức lễ hội vào ngày 6 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để du khách vừa đi lễ chùa vừa để thăm quan những công trình nghệ thuật với kiến trúc độc đáo.

Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, đến năm 2014 được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

NN tổng hợp