Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về khoan dung trong ứng xử với tôn giáo với việc phát huy nguồn lực tôn giáo ở nước ta hiện nay
Ngày đăng: 25/05/2022Khoan dung trong ứng xử với tôn giáo là một trong những nội dung đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo. Luận giải vấn đề này có ý nghĩa sâu sắc trong quán triệt và thực hiện có hiệu quả của quan điểm, đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Tiếp thu tinh thần khoan dung, độ lượng - một trong những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với tư duy độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh xây dựng và thực thi, nâng cao văn hóa khoan dung lên một trình độ mới - khoan dung cộng sản. Đức khoan dung đã trở thành một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của Hồ Chí Minh được thế giới ngợi ca, coi đó là giá trị văn hóa của tương lai - văn hóa chung sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau…. Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoan dung trong ứng xử với tôn giáo có những nội dung độc đáo, sáng tạo, cụ thể như sau:
Một là, Hồ Chí Minh chấp nhận sự đa dạng, phong phú của các tôn giáo, tôn trọng các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo khác nhau, mong muốn giao lưu, đối thoại tìm ra cái chung, nhằm đạt tới sự hòa đồng cùng phát triển giữa các cộng đồng tôn giáo trên đất nước Việt Nam
Đứng vững trên lập trường mácxít, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh đương nhiên có khác nhau. Nhưng trong một xã hội văn minh, các niềm tin khác nhau phải được tôn trọng, tuyệt đối không được xúc phạm, thóa mạ nhau. Tôn trọng trong các niềm tin, trong đó có niềm tin tôn giáo, coi đó là quyền tự nhiên, vốn có của con người. Không chỉ thừa nhận sự đa dạng, khác biệt vốn có của tôn giáo, tôn trọng niềm tin tôn giáo, Hồ Chí Minh còn quan niệm tôn giáo cũng là một dạng thức văn hóa; những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo là di sản văn hóa của loài người: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật…toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”1. Người hiểu sâu sắc rằng: văn hóa, đạo đức tôn giáo cũng là sự tiếp biến, “thần hóa” cái giá trị văn hóa, đạo đức xã hội và được chuyển thành giới luật, lễ nghi tôn giáo để các tín đồ tin theo. Do tính thần thánh linh thiêng, khó kiểm chứng nên các tín đồ thường vâng phục, tuân thủ một cách tự giác, hiệu quả hơn.
Hồ Chí Minh thừa nhận tôn giáo có những nội dung mang tính nhân nghĩa, nhân văn, hướng thiện, trùng hợp với mục tiêu, lý tưởng của cách mạng, đều mưu cầu hạnh phúc cho con người. Người nói với đồng bào tôn giáo: mong ước, nguyện vọng của Đức Chúa, Đức Phật không khác gì mục tiêu của những người xã hội chủ nghĩa. Đó là xây dựng một xã hội bình đẳng, không có người bóc lột người, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, mọi người được ấm no hạnh phúc… như tín đồ các tôn giáo từng ước mơ, hướng tới ở cõi Niết Bàn, chốn Tây phương cực lạc, “nước chúa Ngàn năm”…. Người nhận xét: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ, cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma”2; Đức Giêsu: “suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ, tinh thần thân ái của Ngài… tỏa ra khắp, thấm vào đã sâu”3; “học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với nước ta. Khổng Tử, GiêSu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều có mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”4.
Hai là, tôn trọng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào
Với Hồ Chí Minh, tư tưởng khoan dung tôn giáo phải được hiện thực hóa trong chính sách tôn giáo. Xuất phát từ sự tôn trọng đời sống tâm linh tôn giáo của đồng bào, trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm của Người đều thể hiện sự thông hiểu, thái độ tôn trọng, tình cảm chân thành, sự thông cảm sâu sắc đối với đồng bào các tôn giáo. Bởi người hiểu rằng, tín ngưỡng tôn giáo là niềm tin thiêng liêng, cao cả, giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần của giáo dân, chi phối tâm tư, tình cảm hành vi của họ. Xúc phạm niềm tin tôn giáo là xúc phạm tín đồ, là làm tổn thất, chia rẽ khối đại đoàn kết, là mắc mưu thâm độc của kẻ thù. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người đã từng vẽ ảnh Đức Phật và giảng giải giáo lý đạo Phật cho Việt kiều ở Thái Lan. Người nhiều lần kính cẩn thực hiện nghi lễ của các tôn giáo.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Ngày 20-9-1945, Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh chỉ rõ: “đền, chùa, lăng, tẩm nhà thờ tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, người dân đều phải tôn trọng, không được xâm phạm”. Hiến pháp năm 1946, do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo, đã khẳng định rõ nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng.
Ba là, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống kẻ địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng
Đi đôi với việc thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm việc xây dựng đời sống mới, từng bước xóa bỏ mê tín, dị đoan và các hủ tục trong đời sống hàng ngày của đồng bào. Người cho rằng, nước độc lập mà dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Đồng bào tôn giáo theo cách mạng khi mà Đảng, Nhà nước quan tâm đến lợi ích thiết thân của đồng bào để “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”. Do đó, Người đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giáo dân… Mặc dù bận nhiều công việc nhưng trong các dịp lễ lớn và vào những dịp thuận lợi, Người luôn gặp gỡ, viết thư thăm hỏi động viên, tặng quà các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Với những người lầm đường, lạc lối, Hồ Chí Minh luôn kiên trì thuyết phục, cảm hóa với thái độ khoan dung độ lượng, bằng những lời lẽ chân tình. Theo Người, họ đều là ruột thịt, đều là con Lạc, cháu Hồng, đều có lòng yêu nước nhưng mắc mưu kẻ địch nên chưa nhận ra lẽ phải mà thôi. Vì thế, Người viết thư nhắn nhủ: “Dù sao các người cùng là ruột thịt…tôi mong rằng các người mau mau tỉnh ngộ. Và tôi cam đoan rằng Tổ quốc, đồng bào và Chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”5.
Người lấy mục tiêu “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” làm mẫu số chung để đoàn kết dân tộc không phân biệt giáo hay lương. Đến với tăng ni, phật tử, Người khẳng định: “nay đồng bào ta đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh ta thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”6. Với đồng bào Công giáo, Người nói: “Chúa Cơ đốc hy sinh để cứu loài người khỏi ách nô lệ và đưa loài người về hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, tự do…chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần phúc âm”7. Người khẳng định: Làm cách mạng để cứu nước cũng là để cứu mình, để được tự do thờ phụng, cúng lễ, cầu nguyện, xây dựng cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc, cũng là làm theo mong muốn của Đức Chúa, Đức Phật.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chỉ làm cách mạng mới đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào, mới bảo đảm cho đồng bào tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Nước độc lập thì tôn giáo mới được tự do. Bởi thế, “kính Chúa và yêu nước” phải kết hợp với nhau; “tốt đời, đẹp đạo” phải đi liền với nhau, không thể phân chia. Vì thế, đồng bào các tôn giáo cần phải và thực tế đã đoàn kết cùng toàn thể dân tộc kháng chiến, kiến quốc. Như vậy, đức khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở sự tin tưởng, tôn trọng đồng bào các tôn giáo, kết hợp khéo léo niềm tin tôn giáo với niềm tin cách mạng; tập hợp, hướng đồng bào vào thực hiện mục tiêu chung của cả dân tộc: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đó là nét rất độc đáo Hồ Chí Minh về khoan dung tôn giáo mang bản chất cộng sản. Càng tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo bao nhiêu Hồ Chí Minh càng vạch rõ mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch; nghiêm khắc phê bình cán bộ vi phạm chính sách tôn giáo cảu Đảng, Nhà nước. Người đã lên án mạnh mẽ thực dân Pháp cấu kết với một số giáo sỹ, chức sắc Công giáo để xâm lược Việt Nam. Người tố cáo những giáo sỹ Pháp làm gián điệp, trực tiếp bắn giết đồng bào ta cả giáo và lương: chúng là bọn đội lốt tôn giáo để phá hoại cách mạng, là bọn bất chính, giả danh tín đồ để làm ô danh chúa. Người nhắc nhở cán bộ, đồng bào: “bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”8. Đồng thời, Người cũng nghiêm khắc phê bình những cán bộ có hành động vi phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo.
Với tư tưởng khoan dung trong ứng xử với tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ những tác động tích cực của tôn giáo, nhất là những giá trị văn hóa, đạo đức, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người đã để lại một kiểu mẫu trong ứng xử với tôn giáo, văn hóa, đạo đức tôn giáo để chúng ta học tập, noi theo.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, do quán triệt và thực thi quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng khoan dung trong ứng xử với tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta đã giải quyết thành công về vấn đề cơ bản tôn giáo ở Việt Nam. Khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo luôn được củng cố, tăng cường đã góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đó là thực tiễn sinh động minh chứng cho tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng khoan dung trong ứng xử với tôn giáo của Hồ Chí Minh.
Từ trước đến nay, Đảng ta luôn xác định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, muốn cách mạng thành công thì phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo.... Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam có sự đóng góp xứng đáng của đồng bào có đạo. Phát huy những tác động tích cực, nhất là giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Sự nghiệp đổi mới ở nước ta đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, trong đó có phát huy các nguồn lực của các tôn giáo. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”9. Quan điểm trên thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học, sát thực tế của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò của các tôn giáo đối với sự nghiệp cách mạng, coi những tác động tích cực của các tôn giáo là một trong những “nguồn lực” cần phát huy trong tình hình mới.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. Quan điểm của Đảng về “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo” xác định là những tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận nêu trên.
Ở Việt Nam, các thuật ngữ: “nguồn lực tôn giáo”, “nguồn lực các tôn giáo”, “các nguồn lực của các tôn giáo”… mới được đề cập mấy năm trở lại đây. Tuy chưa có công trình nào nghiên cứu một cách công phu, toàn diện cả về nội hàm và ngoại diên các thuật ngữ trên, song ít nhiều các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, quản trị hay chính các chức sắc tôn giáo cũng có quan niệm nhất định về nguồn lực tôn giáo theo các cách tiếp cận khác nhau, tùy thuộc vào ưu thế, sự đóng góp của các tôn giáo nói chung, từng tôn giáo nói riêng trong từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể khác nhau.
Các quan niệm về “các nguồn lực của các tôn giáo” đều thống nhất ở những điểm sau: khẳng định vai trò của tôn giáo, coi những tác động tích cực của các tôn giáo là một trong những nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đều thừa nhận các nguồn lực của các tôn giáo ở hai phương diện: nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn ở nguồn lực tinh thần - đó là các giá trị về văn hóa, đạo đức tôn giáo; các nguồn lực của các tôn giáo đã tham gia vào tất cả các quá trình, lĩnh vực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu thế, đóng góp tiêu biểu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.
Tuy nhiên, có lúc chúng ta đã nhận thức về vai trò, tác động của tôn giáo đối với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa thấu đáo, từ đó có những ứng xử không phù hợp với tôn giáo, vai trò tích cực của tôn giáo đã không được phát huy đầy đủ trong đời sống xã hội.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo nói chung, khoan dung trong ứng xử với tôn giáo nói riêng trong “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”, cần thực hiện có hiệu quả những định hướng cơ bản sau:
Thứ nhất, cần nhận thức rằng tôn giáo còn tồn tại, thường xuyên có những điều chỉnh thích hợp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên còn nhiều điều chưa thể đạt đến sự hợp lý, như sự phân hóa giàu nghèo, những rủi ro... vẫn còn là cơ sở khách quan cho tôn giáo tồn tại trên những phạm vi nhất định. Hơn nữa, các tôn giáo ở Việt Nam có những điều chỉnh thích hợp với truyền thống, văn hóa, đạo đức của dân tộc, chủ trương đồng hành cùng dân tộc, với tinh thần: “Bàn thờ tôn giáo thì có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” nên vẫn có sức “hấp dẫn”, mở rộng và lôi cuốn được tín đồ cũng như sự nhìn nhận thiện cảm của chính quyền và xã hội. Phật giáo xác định phương hướng hành đạo: “Đạo pháp gắn với dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, đề cao tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, thương người như thể thương thân. Công giáo xác định đường hướng: “Giáo hội gắn bó với dân tộc”, “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Đạo Hồi coi trọng cuộc sống cá nhân thanh sạch, coi trọng sự giúp đỡ người nghèo, coi trọng tín nghĩa, quan tâm sức khoẻ. Đường hướng “Phụng sự Thiên Chúa, Tổ quốc và Dân tộc” của Tin lành, “Nước vinh, Đạo sáng” của Cao Đài. Phật giáo Hòa Hảo răn dạy tín đồ thực hiện: ơn tam bảo, ơn Tổ quốc, ơn đồng bào, ơn cha mẹ.... Những nội dung đó thể hiện mọi người dân Việt Nam, trong đó có đồng bào theo tôn giáo đều có khát vọng, trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là điểm tương đồng để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, thực hiện thắng lợi sự nghiệp chung - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo tham gia các lĩnh vực có lợi thế và ưu thế của từng tôn giáo trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể
Tôn giáo có lợi thế để thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, chăm sóc người tàn tật, người nhiễm HIV, cứu trợ thiên tai, huy động vốn xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi xã hội (cầu, đường, giếng nước sạch,...). Đây là nguồn lực thuộc điều kiện có sẵn của tất cả các loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo khác nhau và có thể được phân loại như sau: Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng làm tốt hơn các thành phần khác là hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội. Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng chia sẻ, giảm tải cho nhà nước và góp phần nâng cao chất lượng là lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề. Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng hỗ trợ, gồm: tham gia bảo tồn, nuôi dưỡng, quảng bá và làm giàu văn hóa dân tộc; góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu hàng, hình thành đạo đức, nhân cách con người. Tôn giáo nào thế mạnh ấy, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, mục tiêu trước mắt và lâu dài để phát huy. Song để việc phát huy có tính thời điểm được hiệu quả thì trước đó cần có sự nuôi dưỡng tốt cho mối quan hệ giữa tôn giáo với nhà nước, không thể “tranh thủ thời vụ” đối với tôn giáo. Chúng ta cần có cơ chế, chính sách, quy định phù hợp, phát huy vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của các chức sắc, chức việc, tín đồ trong thực hiện nghĩa vụ công dân, sống tốt đời, đẹp đạo.
Thứ ba, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Làm tốt vấn đề này nhằm hạn chế tác động tiêu cực của tôn giáo với đời sống xã hội, đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác tôn giáo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Các thế lực thù địch luôn xác định lợi dụng vấn đề tôn giáo là trọng điểm “ưu tiên”, “huyệt” nhạy cảm nhất để chống phá cách mạng Việt Nam. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, các thế lực thù địch bên ngoài vẫn tiếp tục móc nối với một số chức sắc cực đoan trong tôn giáo lợi dụng các vấn đề xã hội để kích động, tập hợp giáo dân, tuần hành, gây phức tạp về an ninh trật tự, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Các nhóm chống Nhà nước ta tiếp tục nhóm họp, tán phát trên internet các tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo. Hoạt động tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng, hiến tặng, mua bán, lẫn chiếm, mở rộng cơ sở thờ tự của các tôn giáo vẫn diễn ra, gây khó khăn trong quản lý của chính quyền các cấp....
Chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho toàn xã hội về quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương về tôn giáo, công tác tôn giáo, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, các phần tử định kiến, bất mãn, có ý đồ xấu, trục lợi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp các ngành, mọi tổ chức, cá nhân trong đấu tranh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo trong cộng động. Kết hợp chặt chẽ giữa giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của đồng bào có đạo với phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo, không để dây dưa, kéo dài.
Chú thích:
- - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr431.
- - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr197.
- - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr121.
- - Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, bản Trung văn, Hà Nội, 1995, tr197.
- - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr215.
- - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr197.
- - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr197.
- - Báo Nhân dân, ngày 16/10/1953.
- - Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.171
Thượng tá, ThS. Nguyễn Ngọc Hương; Thượng tá, TS. Nguyễn Duy Phương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng