Phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo và truyền thông tôn giáo trong công tác thông tin tuyên truyền về tín ngưỡng tôn giáo hiện nay
Ngày đăng: 23/11/2022
Việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Việc công nhận pháp nhân cho các tổ chức tôn giáo và chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo mở trường đào tạo,… được đông đảo chức sắc, tín đồ tôn giáo trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài đánh giá cao; các tôn giáo tiếp tục chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành cùng dân tộc và có nhiều đóng góp thiết thực, quan trọng vào công tác từ thiện, xã hội và bảo vệ môi trường,… Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng tôn giáo.

Công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo trong thời gian qua

Các chủ trương, chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo. Nghị quyết 25 về công tác tôn giáo của Trung ương Đảng khóa IX đã xác định rõ công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là giải pháp quan trọng của công tác tôn giáo.

Thời gian qua công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo được cả Chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh trên cả nước coi trọng; công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo đã chủ động thông tin, phản ánh thực tiễn việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do, bình đẳng tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thiết thực góp phần vào sự hòa hợp và phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.

Công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức triển khai một cách phong phú, đa dạng. Công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo được cơ quan truyền thông đại chúng quốc gia (như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân,…) và địa phương coi trọng, triển khai dưới nhiều hình thức, bao gồm cả báo giấy, báo nói, báo hình và báo mạng. Các đơn vị báo chí, truyền thông của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cũng thường xuyên đưa tin về các sự kiện, hoạt động tôn giáo lớn, các vấn đề nổi bật liên quan tín ngưỡng, tôn giáo, cũng các hoạt động liên quan tôn giáo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ…  Ngoài ra còn các hình thức thông tin, tuyên truyền truyền thống khác như tổ chức hội nghị tuyên truyền, in ấn và phát tài liệu truyền, các hội nghị bồi dưỡng, đào tạo kiến thức liên quan tôn giáo,… cũng được ngành quản lý nhà nước về tôn giáo và các cơ quan có chức năng liên quan đến công tác tôn giáo thường xuyên thực hiện trong những năm qua. 

Trong thời gian gần đây, công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo trú trọng nhiều hơn việc tuyền truyền các giá trị tốt đẹp của tôn giáo, qua đó góp phần  phát huy các nguồn lực tôn giáo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/02/2019 về phê duyệt Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo (Quyết định số 219/QĐ-TTg). Đây là đề án lớn, có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh thành trên cả nước.

Công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo trong thời gian qua đã trú trọng việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tín ngưỡng tôn giáo, cũng như các giá trị tốt đẹp và những đóng góp thiết thực của các cá nhân, tổ chức tôn giáo. Tuy vậy, việc thông tin, tuyên truyền nhằm mục đích nâng cao nhận thức căn bản về các tôn giáo của người dân nói chung cần được được được trú trọng hơn nữa, vì nhận thức, hiểu biết căn bản về mỗi tôn giáo có thể góp phần thiết thực, quan trọng vào việc bảo đảm sự tôn trọng tự do tôn giáo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trên thực tiễn, cũng như việc ngăn ngừa mê tín, dị đoan hoặc lệch chuẩn tâm linh khác.

Bùng nổ thông tin mạng hiện nay đang đặt ra thách thức mới cho công tác thông tin, tuyền truyền về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng

Việc đăng tải và truy cập thông tin liên quan tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng có thể dễ dàng và nhanh chóng thực hiện và không bị giới hạn về không gian và thời gian, do đó rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia nhưng khó kiểm soát được nội dung và khó xác định được tổ chức/cá nhân cụ thể tham gia (nhất là khi nhiều cá nhân sử dụng tên ảo và số điện thoại ảo để thực hiện, và nhiều trang điện tử và mạng xã hội tiếng Việt có xuất xứ từ nước ngoài).

Thực tế, ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, hoạt động đăng tải thông tin tôn giáo và liên quan tôn giáo lên không gian mạng của các cá nhân, tổ chức hướng đến nhiều mục đích rất khác nhau, từ thuần túy là chia sẻ thông tin tôn giáo, quảng bá hình ảnh, bày tỏ quan điểm cá nhân… đến việc vận động, cố súy cho một mục đích tôn giáo, chính trị, xã hội hay thương mại khác. Việc truy cập, tìm kiếm thông tin tôn giáo trên không gian mạng cũng có thể nhằm mục đích thực hành hoặc nghiên cứu, nhưng cũng có thể chỉ là thỏa mãn hiếu kỳ, tò mò nhất thời… Thực tiễn trong thời gian qua có không ít không ít tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua không gian mạng để đăng tải thông tin liên quan tôn giáo vì mục đích chính trị, đưa ra các nhận định thiếu khách quan, thiếu thiện chí, thậm chí xuyên tạc đời sống tôn giáo của nhân dân để vu cáo nhà nước Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo và kích động chống phá chính quyền nhà nước.

Xuất phát từ các mục đích khác nhau và bởi các tổ chức, cá nhân khác nhau, nội dung thông tin liên quan đến tôn giáo được đăng tải trên không gian mạng cũng rất phong phú, đa dạng, muôn hình muôn vẻ. Kinh điển tôn giáo, hình ảnh và biểu tượng tôn giáo có thể được đăng tải đầy đủ và cẩn trọng, nhưng cũng có thể được trích dẫn hoặc diễn giải để chia sẻ một cách tùy ý bởi các cá nhân; nội dung đăng tải có thể được cân nhắc kỹ khi tổ chức hay cá nhân thấy tâm đắc và hữu ích cho mọi người trong nhóm hay cộng đồng, nhưng nhiều nội dung cũng có thể được đăng tải một cách ngẫu hứng, bao gồm các bình luận và bày tỏ cảm xúc hay bức xúc cá nhân trước một nhân vật hay vấn đề tôn giáo),… 

Với khả năng tiếp cập toàn cầu không giới hạn trên không gian mạng, các thông tin về tôn giáo được đăng tải từ nước ngoài (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài) đều có thể được truy cập, khai thác từ Việt Nam. Vì vậy, việc đăng tải và truy cập, khai thác thông tin liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, sai lệch, thiếu khách quan, thiếu thiện chí, hoặc lợi dụng tôn giáo vào các mục đích chính trị, thương mại hay xã hội khác bởi các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài… khó có thể ngăn chặn và xử lý triệt để.

Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo và liên quan đến tôn giáo bởi cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, cơ quan báo chí, truyền thông của nhà nước, và truyền thông của các tổ chức tôn giáo đã được nhà Nước công nhận đóng vai trò thực tiễn và quan trọng không thể thay thế trong việc nâng cao nhận thức đúng đắn, khách quan và đầy đủ về tôn giáo và chủ trương, chính sách về tôn giáo của nhà nước, đồng thời góp phần làm giảm thiểu các tác động của việc đăng tải trên không gian mạng các thông tin tôn giáo lệch lạc, xuyên tạc, thiếu thiện chí liên quan đến tôn giáo và chính sách pháp luật về tôn giáo của Việt Nam, cũng như khích lệ các hoạt động xã hội thiết thực ích đạo lợi đời và phát huy nguồn lực tôn giáo cho phát triển bền vững. 

Phát huy vai trò, ảnh hưởng của chức sắc, lãnh đạo tôn giáo

Do đặc thù tôn giáo, chức sắc tôn giáo – người có phẩm chật cao và/hoặc vị trí lãnh đạo trong tổ chức tôn giáo, có vai trò và ảnh hưởng quan trọng trong các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cũng như trong quần chúng tín đồ. Điều này được thể hiện rõ qua cách xưng hô giữa các tín đồ tại gia với các chức sắc: các chức sắc nhiều tôn giáo thường được gọi là ‘sư’, ‘thầy’, ‘cha’; được các tín đồ tại gia xưng là ‘con’,…  Trong các tổ chức tôn giáo, những người được phong phẩm, bổ nhiệm là những tín đồ đã nỗ lực và thành tựu nhất định trong học tập và thực hành theo tấm gương của đấng sáng lập tôn giáo; đã được đào tạo bài bản cả về kiến thức xã hội lẫn giáo lý tôn giáo. Chính vì vậy, tiếng nói của các chức sắc tôn giáo rất được các tín đồ tại gia chú ý, lắng nghe.

Có thể nói vai trò, ảnh hưởng của chức sắc tôn giáo đã được tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương nhìn nhận và trú trọng phát huy trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhất là trong bối cảnh thông tin mạng liên quan tôn giáo hiện nay, cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò của chức sắc tôn giáo trong công tác thông tin tuyên truyền về tôn giáo, nhất là trong việc phối hợp để cung cấp thông tin cơ bản, khách quan về tôn giáo và thông tin, tuyên truyền về vụ việc, điểm nóng liên quan đến tôn giáo, nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn, khách quan về tôn giáo cũng như nâng cao hiệu quả, tính thuyết phục của việc phản ánh và định hướng đúng đắn dư luận xã hội về các vụ, việc liên quan tôn giáo thu hút sự chú ý, quan tâm của đông đảo người dân.

Sự phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền liên quan tôn giáo cần đề cao vai trò, ảnh hưởng của các chức sắc lãnh đạo cao cấp đồng thời thực sự có uy tín, chức sắc đồng thời là học giả, nhà nghiên cứu và giảng viên tại các trường đào tạo tôn giáo, chức sắc đặc trách truyền thông tôn giáo,… Sự cộng tác, phối hợp với chức sắc của các tôn giáo khi xây dựng tài liệu hoặc tổ chức bồi dưỡng kiến thức cơ bản về mỗi tôn giáo cho cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ thêm sinh động, khách quan trong công tác thông tin, tuyền truyền về tôn giáo

Cần căn cứ mục tiêu của hoạt động thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo để lựa chọn đối tượng chức sắc, lãnh đạo tôn giáo phù hợp: phối hợp nhiều hơn với lãnh đạo các tổ chức và cơ sở tôn giáo trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật cho tín đồ tôn giáo; trú trọng các chức sắc tôn giáo có uy tín trong việc truyên truyền vận động tín đồ tôn giáo tham gia các chương trình và phong trào xã hội; tăng cường phối hợp với chức sắc là học giả, nhà nghiên cứu để cung cấp thông tin, nhận thức xã hội về tôn giáo…

Thiết lập mạng lưới các chức sắc tôn giáo tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo để nâng cao tính chủ động về phía chức sắc tôn giáo và việc dễ dàng tiếp cận từ phía cơ quan báo chí truyền thông nhà nước.

Phát huy vai trò của truyền thông tôn giáo

Các tổ chức tôn giáo nói chung, và các tôn giáo ở Việt Nam nói riêng đều trú trọng đến hoạt động truyền thông - truyền giáo ngay từ khi mới thành lập, thậm chí xem đó là một sứ mệnh. Trong xã hội hiện đại các tổ chức tôn giáo đều thiết lập đơn vị phụ trách truyền thông và lập ra các kênh truyền thông khác nhau. Thực tiễn ở Việt Nam đã cho thấy, tùy thuộc đặc điểm và điều kiện, truyền thông của các tôn giáo rất đa dạng và nhiều thay đổi từ một số phương thức truyền thông truyền thống (băng, đĩa,…) sang phương thức truyền thông hiện đại là truyền thông mạng.

Trong hơn 40 tổ chức tôn giáo đã được công nhận và đăng ký hoạt động ở Việt Nam Giáo hội Phật giáo và Giáo hội Công giáo là hai tổ chức tôn giáo lớn nhất với các hoạt động truyền thông phong phú, mạnh mẽ và được tổ chức có hệ thống hơn cả.  Giáo hội Phật giáo cấp TW có Ban Truyền thông Trung ương trực thuộc Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Truyền thông trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố; Giáo hội Công giáo có Ủy ban Truyền thông xã hội thuộc HĐGMVN, tất cả 26 giáo phận đều có ban truyền thông và các giáo xứ, dòng tu có đặc trách lĩnh vực truyền thông. Đối với báo viết, nhiều đơn vị báo chí của các tổ chức tôn giáo đã được cấp phép hoạt động. Phật giáo có 04 Tờ Tạp chí Phật giáo thuộc TW GHPGVN (Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy, Tạp chí Khuông Việt), 01 tờ báo là Tuần báo Giác Ngộ trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hồ Chí Minh; Công giáo có Báo Người Công giáo Việt Nam Báo Công giáo và dân tộc, Bản tin Hiệp thông do Ủy ban Giám mục về Văn hóa phụ trách; Phật giáo Hòa Hảo có Tạp chí Hương Sen; các hội thánh Cao Đài có chung Tạp chí Cao Đài. Trên thực tiễn, độc giả của các ấn phẩm truyền thông chủ yếu là các thành viên của tổ chức tôn giáo là chính. 

Về truyền thông mạng, có thể nói tất cả các tổ chức tôn giáo đã chủ động và nhanh chóng thiết lập cổng thông tin điện tử. Các tổ chức tôn giáo đều đã có trang điện tử để truyền thông. Đối với các tổ chức tôn giáo lớn như Phật giáo và Công giáo, các ban viện trung ương và các tổ chức trực thuộc cấp tỉnh, cấp giáo phận, và hầu hết các cơ sở Phật giáo lớn và tất cả các giáo xứ Công giáo đều đã lập trang internet để truyền thông.  Thực tế phổ biến là mục đích chính của truyền thông tôn giáo trú trọng việc truyền bá, chia sẽ giáo lý tôn giáo. Nhưng nội dung của truyền thông tôn giáo cũng phản ánh các giá trị và những tấm gương đạo đức tốt đẹp trong các tổ chức tôn giáo, cũng như các hoạt động cộng đồng, xã hội thiết thực (từ thiện, y tế giáo dục môi trường,…). Khác với các hình thức truyền thông truyền thống, mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân đều có thể dễ dàng tiếp cận truy cập, khai thác thông tin tôn giáo trên không gian mạng.

Trước thực tiễn các hoạt động truyền thông của tôn giáo hiện nay, cần tạo điều kiện các tổ chức tôn giáo tăng cường các hoạt động truyền thông một cách chính thống, căn bản về tôn giáo, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn, khách quan về tôn giáo, cũng như ngăn ngừa các hoạt động mê tín, dị đoan, lệch chuẩn, cực đoan trong tôn giáo.

Các hoạt động truyền thông của các tổ chức tôn giáo về các giá trị truyền thống tốt đẹp, những tấm gương sống tốt đời đẹp đạo và các hoạt động xã hội thiết thực cần được khuyến khích, góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn và phát huy các nguồn lực tôn giáo cho phát triển bền vững.

Các đơn vị truyền thông tôn giáo cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo trên các phương tiện truyền thông của tôn giáo, nhất là truyền thông mạng, góp phần giảm thiểu các tác động của việc thông tin thiếu khách quan và thiếu thiện chí liên quan đến tôn giáo và chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tăng cường sự cộng tác, phối hợp giữa đơn vị đặc trách truyền thông tôn giáo với cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông nhà nước trong việc khai thác các cơ sở dự liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo và nâng cao kỹ năng truyền thông cho các cá nhân và đơn vị đặc trách truyền thông của tổ chức tôn giáo để truyền thông tôn giáo có thể thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và tăng cường sự hòa hợp, đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với vai trò, tiềm năng và uy tín của mình, truyền thông của tổ chức tôn giáo và chức sắc lãnh đạo các tôn giáo có thể đóng góp thiết thực và quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền về tôn giáo, nhất là việc nâng cao nhận thức đúng đắn, khách quan về tôn giáo và chính sách, pháp luật về tôn giáo của nhà nước./.    

 

An Nam