Quan niệm của Phật giáo về Từ bi
Ngày đăng: 16/01/2025Nhắc đến đạo Phật người ta thường sẽ nghĩ ngay đến đức tính Từ bi. Đạo Phật và hai chữ Từ bi như hình với bóng, trở thành sự mặc định vốn có trong tư tưởng của mỗi chúng ta. Từ bi là một cách sống đẹp, cao thượng và luôn được tôn kính. Từ bi nằm trong “Tứ vô lượng tâm”, đó là: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm, Xả vô lượng tâm. Đó là đức hạnh của những bậc Thánh nhân mà chúng ta phải noi theo.
Quan niệm về Từ bi của Phật giáo có ý nghĩa giáo dục rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà con người cũng phải đối mặt không ít nỗi buồn, nhiều vụ tàn sát lẫn nhau. Phải chăng những kẻ gây ra tội lỗi là những người ích kỷ, chỉ thấy mình, luôn cố chấp và không hiểu được giá trị từ - bi- hỷ- xả của đạo Phật và nhân quả báo ứng đã đến với nhiều người gây ra tội lỗi? Nếu ai cũng thấm nhuần tư tưởng, tinh thần cao quý của đạo Phật chắc sẽ bớt những thái độ hung hăng, tránh làm việc tội lỗi để cùng nhau xây dựng một cuộc sống hòa hợp, nhân ái, thanh bình trên thế gian này. Để làm được điều này, mỗi người trong chúng ta cần hiểu được Từ bi là gì trong việc giáo dục con người Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở giai đoạn hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, sự ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những giá trị đạo đức, lối sống đang bị suy thoái, thì việc giáo dục con người hướng tới những giá trị tốt đẹp của lòng từ - bi - hỷ - xả là vô cùng cần thiết.
1. Quan niệm của Phật giáo về Từ bi
Phật giáo ra đời từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên ở miền Bắc Ấn Độ, được sáng lập bởi Thái tử Tất Đạt Đa - pháp hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Phật giáo đã vượt lên trên nhiều tôn giáo khác nhau ở tính nhân văn sâu sắc về đạo làm người. Với chủ trương kêu gọi con người biết yêu thương nhau trên tinh thần “từ, bi, hỷ, xả”, có thể thấy rằng, Từ bi chính là giá trị nền tảng trong đạo đức Phật giáo. Trong Kinh Pháp cú, Đức Phật dạy: “Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn thu”.
Có khá nhiều khái niệm, cách hiểu khác nhau về phạm trù Từ bi. Với cách hiểu thông thường, Từ bi được hiểu là than khóc, nhu nhược, không quan tâm tới hoàn cảnh hay hành động người xung quanh, không có tinh thần tiến thủ. Còn theo Từ điển Tiếng Việt, Từ là hiền từ, bi là bi lụy, mềm yếu. Tuy nhiên, nếu hiểu Từ bi như vậy thì không thể nào làm rõ hết quan niệm của Phật giáo về Từ bi. Từ bi trong quan niệm của Phật giáo mang ý nghĩa sâu xa hơn ý hiền từ và thương xót.
Theo quan niệm của Phật giáo, Từ là lòng thương yêu, mang lại niềm an lạc, vui sướng. Nếu chúng ta sống mà không mang lại sự an lạc cho người xung quanh thì chúng ta chưa đạt được tâm từ. Tâm từ không dừng lại ở đó mà còn trải rộng theo tinh thần “vô duyên đại từ” nghĩa là chúng ta mang đến niềm vui không chỉ cho những người thuận duyên mà phải đem niềm vui cho những kẻ ghét ta, nghịch duyên với ta. Tâm từ trong Phật giáo không có giới hạn nhất định, không có sự phân biệt đẳng cấp và chủng loại. Mỗi người yêu thương, mang niềm vui cho người khác, cho muôn vật và muôn loài xung quanh mà không tư lợi mong cầu.
Bi là diệt trừ khổ não, là sự đồng cảm với nỗi khổ và ý chí muốn làm vơi đi nỗi khổ của mọi người, mọi vật. Nghĩa là có thể giúp mọi người thoát khỏi sự phiền não trong cuộc sống. Sâu hơn nữa là “đồng thể đại bi”, nghĩa là xem nỗi khổ của chúng sinh như nỗi khổ của mình. Lòng đại bi tựa như câu tục ngữ Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Cũng như đại từ, chúng ta phải mở rộng lòng đại bi đến cho mọi người và mọi loài, bất kể đó là loại hữu duyên hay vô duyên, đó mới đúng theo tinh thần của Phật giáo.
Từ bi trong Phật giáo là tình thương chân thật, Phật đã dạy nếu có người hỏi gì là căn bản của pháp lành thì đó chính là tâm Từ. Bởi tâm Từ là đạo vô thượng, là cảnh giới vô song, là cội gốc của đạo đức con người. Từ tấm lòng sẽ được nảy sinh trong mỗi người, bởi lẽ, Từ bi là tâm địa không toan tính, tĩnh lặng mà hành đạo.
Phật giáo nhấn mạnh vào Từ bi, bởi đó là đạo đức, trí tuệ. Tâm từ bi hay tâm nhân ái trong các tư tưởng khác đều mang nét đặc trưng là biểu hiện cái tâm của con người nằm trong mối quan hệ biện chứng với xã hội, ảnh hưởng lớn đến cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, Từ bi trong Phật giáo khác tâm trong tư tưởng, khác ở chỗ nó là cái tâm vô lượng, vô biên.
Từ bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của người khác, là phương thuốc xoa dịu nỗi đau của người khác, là lòng tôn trọng, chan hòa, yêu thương mọi người, tôn trọng quyền sống của mọi người.
“Từ bi” là “từ” và “bi”, là hai đức tính (tinh thần) cơ bản trong bốn đức tính mà Phật giáo gọi là “Tứ vô lượng” hay còn gọi là “Tứ vô lượng tâm”. Theo Câu xá luận, quyển 29, “vô lượng” nói về đối tượng vô lượng, bao quát chúng sinh, không hạn chế một ai và hiệu quả vô lượng, lợi ích đem lại cho chủ thể cũng như khách thể đạo đức là vô cùng lớn lao. Bốn đức tính đó gọi là “Từ”, “Bi”, “Hỷ”, “Xả”, Kinh Tập giải thích: “Từ” là mong muốn đem lại lợi ích và an lạc cho người khác. Bi là hy vọng nhằm loại trừ những khổ đau không có lợi cho người khác hoặc có hại cho người khác. Thông thường “từ” vẫn được hiểu là “đem lại niềm vui”, “bi” có nghĩa là “giảm bớt khổ đau”. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó. Chẳng hạn Vãn sinh luận chú lại cho rằng: “Giảm bớt khổ đau cho người khác gọi là “từ”, đem lại người khác gọi là “bi””. Niết bàn kinh, quyển 14, cũng kiến giải: “Giảm bớt những gì không có lợi ích cho chúng sinh gọi là “đại từ”, đem lại niềm vui vô hạn cho chúng sinh gọi là “đại bi”” (Vi chư chúng sinh trừ vô lợi ích thị danh đại từ, dục dữ chúng sinh vô lượng lợi lạc thị viết đại bi).
Trong suốt chiều dài của lịch sử, những giáo lý Phật giáo nói chung và quan niệm về Từ bi nói riêng đã góp phần làm sâu sắc hơn những giá trị đạo đức trong xã hội Việt Nam như tinh thần yêu thương, đùm bọc, đoàn kết lẫn nhau, làm điều thiện. Chất liệu Từ bi không thể thiếu trong giáo lý Phật giáo. Từ bi là giá trị căn bản, là nét đẹp của đạo đức Phật giáo, có ảnh hưởng lớn và chi phối hành vi, ứng xử của người dân Việt Nam trong các mối quan hệ.
Biểu hiện của Từ bi
Tinh thần của Từ bi thể hiện tình yêu thương bao la, rộng lớn, thể hiện sự bình đẳng, khoan dung đối với muôn loài. Từ bi không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một hiện tượng tâm lý xã hội. Từ bi chính là mong muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi loài, là mong muốn được giúp đỡ, cứu khổ, giải thoát muôn loài, đặc biệt là con người, ra khỏi bất hạnh, khổ đau. Dù ở bất cứ địa vị xã hội nào, mỗi người đều có những số phận khác nhau, nhưng ai cũng muốn được vui vẻ, hạnh phúc. Đó là nhu cầu cơ bản của mỗi con người trong xã hội, là quyền bình đẳng về mưu cầu hạnh phúc. Khi nhận ra rằng ai cũng có thể đạt được hạnh phúc, lòng Từ bi trong mỗi người sẽ phát triển và thôi thúc mỗi cá nhân có hành động giúp đỡ, để tất cả mọi người sống an lành vui vẻ.
Tinh thần Từ bi nảy sinh lòng hỷ, xả. Bên cạnh Từ bi, Hỷ xả là hai đức cần thiết và quý báu trong mỗi con người để có thể sống vui, sống đẹp. Hỷ là niềm vui khi thấy người khác đạt được mong muốn. Hỷ là niềm vui sướng chân chính, có được khi làm việc thiện, giúp đỡ mọi người trong mọi khó khăn, khích lệ, khuyên bảo những người tâm trí rối ren, đem niềm vui đến cho mọi người.
Xả là sự buông bỏ hay chấp nhận sự biến đổi của sự vật và tư tưởng, là sự nhẹ nhàng, thư thái, không phân biệt, kỳ thị trong tình yêu. Hỷ và Xả có mối quan hệ với nhau. Khi muốn vui, tạo niềm vui cho người khác, thì trước hết bản thân mỗi người cần phải xả bỏ những suy nghĩ cố chấp, bỏ qua những thiệt thòi mà người khác tạo ra cho mình. Từ bi hay tình thương đích thực theo Phật giáo là tình thương khác tạo ra cho mình. Từ bi hay tình thương đích thực theo Phật giáo là tình thương khiến mọi người vui vẻ, hạnh phúc giữ được sự tự do cho bản thân và cho cả người khác, là khả năng biết hy sinh vì cộng đồng. Từ bi được xem là nền tảng cho tâm Hỷ và tâm Xả nảy sinh. Theo logic chung, tâm Từ và tâm Bi là tiền đề cho tâm Hỷ và tâm Xả. Sự rung động, lòng trắc ẩn cao thượng hướng về nỗi đau của người khác sẽ định hướng cho con người trong lý trí và hành động, sẵn sàng quên mình vì mọi người.
Trên nền tảng Từ bi, Phật giáo chủ trương giải thoát con người khỏi bể khổ đau. Từ bi giúp mỗi cá nhân tự giải thoát khỏi mọi nỗi đau và giúp đỡ người khác vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Với quan niệm về Từ bi là tình yêu thương con người, là mong muốn loại bỏ mọi khổ đau. Trước khi chỉ ra con đường để giải thoát khỏi khổ đau, Phật giáo đã nêu ra những nguyên nhân gây ra những đau khổ cho con người. Bàn về nguồn gốc của nỗi khổ, Phật giáo cho rằng chính những si mê, dục vọng, tham lam tạo ra luân hồi, và nguyên nhân sâu sa hơn đó chính là do vô minh - được hiểu là sự thiếu hiểu biết. Từ đó, Phật giáo chỉ ra rằng, muốn từ bỏ, giải thoát khỏi dục vọng cần phải dập tắt mọi nguồn gốc sinh ra nó, để giúp con người giải thoát mọi đau khổ, Phật giáo chỉ ra tám con đường đó chính là Bát Chính đạo. Với Bát Chính đạo, con người có thể chấm dứt mọi đau khổ, khi không còn vô minh, không còn tham - sân - si, con người có thể đạt tới cảnh giới cao nhất, đó là Niết bàn. Niết bàn là loại bỏ dục vọng vô minh để chấm dứt phiền não, đau khổ, để tâm trở nên thanh tịnh, đạt đến trạng thái tâm hồn yên tĩnh, suy nghĩ sáng suốt.
Tinh thần Từ bi khiến con người có lòng khoan dung, hòa giải góp phần tăng tinh thần đoàn kết dân tộc. Xuất phát từ tham, sân, si, con người trong xã hội ngày càng đặt ra nhiều ham muốn, chìm đắm trong tính toán, đố kỵ, so đo hơn thua, tạo nên khó khăn cho chính mình và những người xung quanh. Từ bi là cách hóa giải mâu thuẫn giữa các mối quan hệ trong xã hội. Với tấm lòng từ bi trong mỗi người, xã hội sẽ không còn sự oán thù, ganh ghét mà sẽ tràn đầy sự cảm thông, thấu hiểu.
Triết lý Từ bi của Phật giáo là triết lý của hành động, hướng tới giải quyết những vấn đề hiện thực của cuộc sống nên có ý nghĩa thời sự to lớn trong giai đoạn hiện nay. Trong xã hội, đạo đức con người ngày càng suy tàn bởi lối sống nhanh, điều này khiến lòng Từ bi giảm dần. Tâm Từ không được phát sinh, đồng nghĩa rằng tự chúng ta đã và đang đưa mình vào thế giới của sự vị kỷ, lo lắng. Con người muốn sống trong thế giới yêu thương, hòa giải thì bản thân mỗi người cần thực hành Từ bi.
2. Ý nghĩa của quan niệm Từ bi trong giáo dục con người Việt Nam hiện nay
Từ bi - một liệu pháp khắc phục sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội
Trong xã hội hiện nay đã và đang xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực, đi ngược với đạo lý, truyền thống dân tộc. Bệnh vô cảm là căn bệnh của cách hành xử, lối sống, người mắc bệnh vô cảm có biểu hiện dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng xảy ra xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, sống ích kỷ chỉ biết đến lợi ích của riêng mình. Ngoài ra, tình trạng suy thoái các giá trị đạo đức đang diễn ra trong xã hội. Các giá trị đạo đức như: yêu nước, khoan dung, đặc biệt là chữ Hiếu đang bị chủ nghĩa thực dụng làm xói mòn, dưới tác động của công nghệ thông tin, ngày càng có nhiều người dành thời gian, sức lực vào mạng internet, tự giam mình trong thế giới ảo. Tình trạng con cái đánh chửi cha mẹ, bỏ rơi không chăm sóc cha mẹ, anh em mâu thuẫn, tranh giành đất đai diễn ra rất nhiều trong cuộc sống. Nhiều người sống thực dụng, coi trọng vật chất, đề cao cá nhân, hoang phí, bạo lực đã làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức cơ bản, hình thành nên lối sống đi ngược lại với truyền thống dân tộc. Mối quan hệ giữa con người với con người còn thiếu tình đoàn kết. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân căn bản là tính cố chấp, ích kỷ. Tính cố chấp hay chủ nghĩa cá nhân đã tác động đến không ít người trong xã hội nước ta hiện nay, làm suy thoái về văn hóa ứng xử, giao tiếp, khiến bạo lực “lên ngôi”, gây mất đoàn kết dân tộc, để xây dựng lại khối đại đoàn kết dân tộc, cần khơi dậy tính khoan dung, từ bi trong mỗi con người. Với thực trạng về giá trị, đạo đức lối sống của một bộ phận đang bị suy thoái, xuống cấp thì việc giáo dục lòng từ bi, hỷ xả là cần thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta cần hướng đến phát huy những giá trị đạo đức, đặc biệt là lòng từ bi, vị tha, để hình thành và củng cố cho con người niềm tin sâu sắc vào những giá trị đích thực và lâu bền, để phát triển tinh thần đoàn kết trong mối quan hệ giữa con người với con người, tự nhiên. Khi con người thấm nhuần những giá trị đạo đức và hành động theo những giá trị ấy, tham - sân - si sẽ được loại bỏ, những hành vi tham ô, suy thoái đạo đức, tha hóa về nhân cách sẽ giảm bớt và biến mất, như vậy sẽ có tác dụng khiến cho xã hội tốt đẹp hơn, hướng con người đến những giá trị nhân văn, cao cả, xây dựng một xã hội văn minh hơn.
Giáo dục đạo đức thông quả thuyết nhân quả, tư tưởng luân hồi
Theo quan niệm của Phật giáo, chết không phải là chấm dứt mọi thứ mà sẽ có cái mới sinh ra từ cái chết ấy. Mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới đều là nguyên nhân của nhau, cứ thế nối tiếp nhau trong vòng sinh diệt. Ở giáo lý luân hồi, sự sống giống như bánh xe đang quay tròn, vĩnh hằng, bất tận. Con người đi ở kiếp này rồi lại đầu thai vào kiếp khác, nghiệp ở kiếp này tạo, sẽ chuyển đến kiếp sau. Như vậy, Phật giáo khẳng định gieo nhân tức là gây nghiệp, điều này được hiểu theo hai hướng: nếu gây nghiệp lành thì sẽ nhận được quả lành, nếu gây nghiệp dữ thì ắt sẽ nhận quả dữ. Từ đó, Phật giáo muốn dạy con người làm nhiều việc tốt đẹp, tránh xa việc xấu. Mỗi người phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Phật giáo đã đặt lên vai con người trách nhiệm cá nhân và sự tự do. Khi nhận thức rõ mọi thứ trong cuộc sống không có gì là mãi mãi chúng ta có thể hình thành được niềm tin mạnh mẽ về cuộc sống, từ đó sẽ cố gắng phấn đấu, rèn luyện, học tập, không kiêu căng, không ỷ lại.
Những phương pháp giáo dục này là những nguyên tắc đạo đức được Phật giáo đề ra thực hiện mục đích là giải thoát, nhưng khi áp dụng vào xã hội sẽ làm cho cuộc sống bình yên, tạo ra mối quan hệ lành mạnh giữa người với người, xã hội đoàn kết, văn minh tốt đẹp hơn. Việc vận dụng tinh thần Từ bi của Phật giáo vào giáo dục đạo đức con người hiện nay sẽ khiến con người có lòng yêu thương, biết giúp đỡ người xung quanh, giúp giải tỏa căng thẳng, lo âu, không còn thù hận, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và những người xung quanh.
Giáo dục lòng khoan dung và tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái
Tinh thần Từ bi trong Phật giáo ngày nay được xem tương đương với quan niệm khoan dung. Từ bi hay khoan dung đều là tình thương yêu, quý trọng sự sống, đồng cảm với nỗi khổ của người khác, là tinh thần tôn trọng con người và quyền sống của con người hướng tới hòa bình và hạnh phúc. Trong hoàn cảnh hiện nay, khoan dung là phẩm chất đạo đức mang giá trị thực tiễn lớn. Do vậy, cần phê phán thái độ thờ ơ, vô tâm, ích kỷ của một số thanh niên hiện nay. Quan trọng hơn, việc giáo dục tư tưởng khoan dung cho giới trẻ thực sự cần thiết. Nếu xã hội thiếu lòng khoan dung sẽ trở thành một xã hội lạnh lùng, vô cảm. Bởi vậy, để xã hội trở nên tốt đẹp, tinh thần bao dung. Từ bi là thứ không thể thiếu trong mỗi cá nhân.
Phật giáo chủ trương mang tình yêu thương dành cho tất cả con người trên thế giới. Tình yêu thương hay lòng từ bi sẽ giúp con người biết rung động, có lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh khó khăn hay nỗi đau của người khác, từ đó hình thành trong mỗi người tâm lý luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Đó là hành động của người có đạo đức, trí tuệ. Tư tưởng về từ bi của Phật giáo phù hợp với truyền thống “thương người như thể thương thân” của người dân Việt Nam, nó đã hòa quyện cùng nhau những giá trị đạo đức truyền thống của Nhân dân, góp phần củng cố đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách con người, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Ý nghĩa của từ bi trong giáo dục gia đình
Từ bi là tình thương vô hạn, chân thật, dành cho mọi người trên thế giới, trong đó phải kể đến cha mẹ. Tình yêu thương dành cho cha mẹ được thể hiện qua chữ Hiếu. Căn nguyên đầu tiên đầu tiên được Phật giáo đặc biệt nhấn mạnh, bởi lẽ đó là giai đoạn quan trọng đối với con sau này. Đức Phật cho rằng, trên thế gian này, công ơn cha mẹ là điều lớn nhất, vì trong chín tháng mười ngày mang thai, thân hình mệt mỏi, chỉ mong con sinh được vuông tròn. Về phương diện giáo dục con cái thành người tốt trong xã hội, ngoài việc giúp con phát triển thể chất, cha mẹ còn giáo dục cho con cái hình thành nhân cách tốt và phát triển trí tuệ, biết yêu thương và mang lại niềm vui cho người khác. Vì công lao lớn lao ấy, Phật giáo luôn giáo dục con người phải biết báo hiếu cha mẹ, cần sống hiếu thảo và nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn bổn phận và giữ gìn danh dự gia đình, truyền thống dân tộc. Việc hiếu thảo không chỉ thể hiện ở thái độ lễ phép, vâng lời cha mẹ mà còn phải biết lo đời sống vật chất cho cha mẹ.
Quan niệm Từ bi của Phật giáo trong xã hội hiện nay không phải là triết lý gì đó cao siêu, mà rất giản dị, gần gũi, dễ tìm thấy trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tinh thần Từ bi ấy không chỉ là giáo lý cho phật tử, mà còn là triết lý sống, là phương pháp giáo dục đạo đức cho tất cả mọi người, mọi thế hệ. Có thể thấy việc vận dụng Từ bi vào giáo dục con người có ý nghĩa to lớn, hướng tới xã hội với những con người có tinh thần tự giác, tự nguyện thương yêu, cảm thông, khoan dung, biết dung hòa lợi ích riêng và chung, để xã hội trở nên đoàn kết cùng nhau đạt được mục tiêu cao đẹp, không ích kỷ, vụ lợi, hướng tới những giá trị tích cực.
Cẩm Tú