Một số nghi lễ trong sống đạo Công giáo
Ngày đăng: 09/01/20251. Nghi lễ Công giáo
Nghi lễ là một trong ba yếu tố then chốt của Ki-tô giáo, hay của Công giáo. Ba yếu tố này là 1) Đức tin hay niềm tin, hay tín điều; 2) Nghi lễ và 3) Sống đạo. Người Công giáo cũng thường nói tới ba yếu tố này trong một câu ngắn gọn: tin, cử hành lòng tin và sống lòng tin. Tin gợi lên sự xác tín của tín đồ. Cử hành lòng tin ám chỉ tới các nghi lễ tôn giáo cộng đoàn các tín hữu cử hành tại nhà thờ hay tại một nơi nào đó để mừng, để sống một sự kiện, một biến cố của việc Thiên Chúa cứu độ loài người theo lòng tin của Ki-tô giáo. Sống lòng tin gợi lên cuộc sống thường ngày của Ki-tô hữu trong xã hội trên nền tảng của niềm tin Ki-tô giáo.
Các nghi lễ đạo mà một tín hữu có thể tham dự trong suốt cuộc đời của mình có thể nói được là khá nhiều. Các nghi lễ này được gọi là bí tích. Có bảy bí tích tất cả. Đó là các bí tích Thanh tẩy, Thánh thể, Hòa giải, Thêm sức, Hôn phối, Xức dầu kẻ liệt, Truyền chức Thánh. Danh sách bảy bí tích này đã được các Công đồng chung Florence (1439) và Trentô (1545-1563) chính thức thừa nhận. Khởi đầu, có hai bí tích được xem là cơ bản: đó là các bí tích Thanh tẩy và Thánh thể. Sang thời Trung đại, có tác giả đưa ra con số 30 bí tích. Nhưng danh sách bảy bí tích được liệt kê trên đây đã sớm được nhìn nhận. Thánh Thomas Aquino chấp nhận danh sách này và còn phân biệt các bí tích thành bí tích lớn và bí tích nhỏ. Ngài cũng nhận ra mối liên quan mật thiết giữa các bí tích và các giai đoạn lớn của đời người: Thanh tẩy (chào đời); Thêm sức (bước vào tuổi thành niên); Hôn nhân (khi lập gia đình); Hòa giải (để hối cải những lỗi đã phạm đối với lề luật Chúa đã dạy); Xức dầu kẻ liệt (chuẩn bị từ giã đời này để về với Chúa); Truyền chức Thánh (dành cho các tín hữu được kêu gọi phục vụ trong hàng ngũ giáo sĩ); và cuối cùng là bí tích của các bí tích là bí tích Thánh thể, người Ki-tô hữu được mời cử hành thường xuyên và buộc tham dự hàng tuần, vào ngày chủ nhật. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng khẳng định: “Bảy bí tích này liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu: chúng làm cho đời sống đức tin của các Ki-tô hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và được trao sứ vụ. Về điều này, có một sự tương tự nào đó giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và những giai đoạn của đời sống thiêng liêng”. Bảy bí tích trên còn được chia thành ba nhóm: các bí tích khai tâm (Thanh tẩy, Thêm sức, Thánh thể). Đây là các bí tích được xem là đem lại cho người nhận sự sống của Thiên Chúa và giúp người nhận bí tích lớn lên trong tình thương của Ngài. Các bí tích chữa lành (Sám hối và Hòa giải, Xức dầu bệnh nhân). Các bí tích phục vụ sự hiệp thông và sứ vụ của các tín hữu (Truyền chức Thánh, Hôn nhân). Trong số bảy bí tích này, ba bí tích: Thanh tẩy, Thêm sức và Truyền chức Thánh được xem là các bí tích ghi tích ấn trên người nhận và do đó không thể được lặp lại. Các bí tích khác, Giáo hội khuyến khích các tín hữu siêng năng cử hành. Riêng đối với bí tích Thánh thể, Giáo hội buộc các tín hữu phải cử hành một tuần ít là một lần vào ngày Chủ nhật.
Thanh tẩy là bí tích được lãnh nhận đầu tiên. Chỉ có người đã chịu bí tích Thanh tẩy mới được nhận các bí tích khác. Người tin theo và “giữ”, tức siêng năng thực hành các nghi lễ này, được đánh giá là người “ngoan đạo”. Đọc lịch sử Công giáo ở Việt Nam, không thể không chú ý tới lòng quý chuộng các bí tích hay lễ nghi của các tín hữu Việt Nam. Lòng quý chuộng này xuất hiện ngay từ buổi đầu của công cuộc truyền giáo và xuyên suốt lịch sử phát triển của Công giáo, tới tận ngày nay.
Đi lễ nhà thờ: Đi lễ nhà thờ là một trong giáo điều bắt buộc đối với tín đồ Công giáo. Giáo hội quy định người tín đồ phải đi lễ nhà thờ vào các ngày lễ trọng như lễ Chúa nhật (diễn ra hàng tuần), lễ Phục sinh, lễ Thánh quan thầy, lễ Vọng,… theo lịch Công giáo. Trong một năm Giáo hội có những quy định cụ thể và chặt chẽ về lịch phục vụ. Theo đó, tại các giáo xứ, giáo họ người tín đồ phải nghiêm túc thực hiện. Ngoài ra, người tín đồ được mời gọi tham gia lễ nhà thờ bất cứ khi nào (tùy theo điều kiện cho phép). Việc siêng năng đi lễ nhà thờ sẽ cho thấy mức độ “ngoan đạo” của mỗi giáo dân.
Với người Công giáo, họ buộc phải sống với nhu cầu quan trọng là sống và thực hành đức tin trong Giáo hội sau khi được lĩnh phép Rửa. Vì thế người Công giáo phải tham dự mọi cử hành phục vụ thánh của Giáo hội mà đỉnh cao là Thánh lễ Tạ ơn thì đức tin và đời sống thiêng liêng của mỗi người mới được tăng trưởng và có đủ sức để sống đức tin ấy trước những thách đố của mọi sự khó khăn trong xã hội này.
Vấn đề học tập giáo lý: Hội thánh Công giáo yêu cầu cha mẹ phải chăm lo giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình, nhất là cho con cái được tiếp cận với một cộng đoàn đức tin - cụ thể là một giáo xứ, để con em được học hỏi giáo lý và lãnh nhận các bí tích quan trọng, cần thiết như xưng tội, rước lễ lần đầu, và thêm sức thì đức tin của các em mới có thể lớn lên được.
Đối với người tân tòng (catechumens) và những người lớn (adults) đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy từ ngày sơ sinh, thì việc nuôi dưỡng và thực hành đức tin trong Giáo hội cũng cần thiết không kém. Cụ thể, nếu không tham dự việc cầu nguyện chung với cộng đoàn đức tin là giáo xứ, và nếu không tin - hay không nhìn nhận lợi ích của bí tích hòa giải để năng đi xưng tội, nhất là không tham dự Thánh lễ, là “nguồn suối và đỉnh cao của đời sống Giáo hội” thì người ta không có gì để nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin.
Mỗi giáo dân cần tin có Chúa là điều quan trọng và đọc Thánh Kinh là cần thiết và bổ ích, đức tin phải được nuôi dưỡng với ơn Chúa đặc biệt qua các bí tích quan trọng phư Phép rửa, Thêm sức, Hòa giải và nhất là bí tích Thánh thể là nguồn mạch chính nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của Giáo hội nói chung của cá nhân mỗi tín hữu nói riêng.
Cầu nguyện tại gia đình: Trong sống đạo của người Công giáo, cầu nguyện trong gia đình đã trở thành nền nếp. Gia đình chính là nơi đầu tiên để giáo dân, dù là trẻ nhỏ hay người lớn mới gia nhập cộng đoàn Thiên Chúa, học cầu nguyện. Có 3 thời điểm để cầu nguyện hàng ngày trong gia đình, đó là kinh tối, kinh sáng, trước và sau các bữa ăn. Trong đời sống gia đình thì có thể cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng.
Cầu nguyện chung của gia đình là hình thức mọi người cùng ngồi với nhau để cùng cầu kinh, hoặc lặng thinh suy ngẫm, tự xét mình,… Trong mỗi gia đình Công giáo, khi các thành viên cùng cầu nguyện chung với nhau, họ cùng cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa Giê-su. Giáo hoàng Gioan Phaolô đã nhấn mạnh “gia đình cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống…”.
Người Công giáo cho rằng những giờ kinh chung trong gia đình giáo dân chính là để mọi người thánh hóa sinh hoạt hàng ngày, là dịp mỗi người chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những thành công, thất bại trong ngày. Qua đó, mọi người cùng cầu nguyện để xin Chúa đón nhận, thanh tẩy, nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người tín đò. Đây cũng là dịp để mỗi người trong gia đình được hiệp thông với nhau, đồng thời là dịp để mọi người cầu nguyện, xin lỗi, tha thứ và giúp đỡ nhau ngày một hoàn thiện hơn. Mặt khác, qua việc cầu kinh chung ở gia đình chính là dịp để cha mẹ làm gương và dạy dỗ cho con cái về đức tin, về nhân cách,… của người Công giáo.
Ngoài việc cầu kinh trong gia đình, một nếp đạo mà mỗi người ngoại giáo đều thấy khi có dịp dùng cơm chung với giáo dân Công giáo là việc cầu nguyện và dấu thánh trước và sau tất cả các bữa ăn. Lời nguyện và dấu thánh giá chính là lời cảm tạ Thiên Chúa đã cho tín hữu có cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Cầu nguyện có một ý nghĩa quan trọng đối với mỗi giáo dân Công giáo, bởi lẽ thông qua việc cầu nguyện mỗi tín đồ luôn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong mình và trong mỗi việc làm, họ luôn thấy bình an khi nhớ tới Chúa, thấy Chúa luôn bên cạnh mình trong mọi sự thật.
2. Sống đạo qua giáo dục của Giáo hội Công giáo
Giáo dục Công giáo được Giáo luật quy định chặt chẽ từ Điều 794 đến Điều 821, quy định chặt chẽ về trách nhiệm, nghĩa vụ giáo dục trong phạm vi của Giáo hội. Theo đó, “Nền giáo dục đích thực phải bảo đảm việc huấn luyện toàn vẹn con người, hướng về mục đích tối hậu của con người, và cả về thiện ích chung của xã hội. Bởi đó, các trẻ em và thanh niên phải được giáo dục làm sao để có thể phát triển điều hòa về mọi tài năng sinh lý, luân lý và trí tuệ; đạt được một ý thức toàn hảo về trách vụ và biết sử dụng tự do cách hợp lý; và được huấn luyện để tham gia tích cực vào đời sống xã hội”.
Bên cạnh việc giáo dục từ các trường học Công giáo, từ các chức sắc Công giáo đối với tín đồ, Giáo hội Công giáo chú trọng về đề cao vai trò giáo dục trong các gia đình Công giáo. Với mỗi giáo dân, gia đình chính là chiếc nôi văn hóa đức tin, chiếc nôi của sự sống và tình yêu. Một trong những lĩnh vực quan trọng mà mỗi gia đình Công giáo đều phải đảm trách, đó là việc giáo dục đức tin Ki-tô giáo. Giáo hội Công giáo xác định “Việc giáo dục đức tin và dạy giáo lý cho con cái đặt gia đình trong Giáo hội như một phần tử tích cực loan báo Tin Mừng và làm tông đồ đích thực”. Nội dung giáo dục con cái trong mỗi gia đình rất phong phú và đa dạng. Việc cầu nguyện chung trong các giờ kinh hàng ngày tại gia đình đã trở thành nếp đạo trong mỗi “Hội thánh tại gia” có ý nghĩa quan trọng. Các gia đình luôn nhắc nhở con cái cầu nguyện hàng ngày. Không chỉ đơn thuần là việc nhắc nhở kiểu “đánh trống bỏ dùi”, mà cha mẹ còn trực tiếp dạy bảo con cái về các nghi lễ cầu nguyện và đọc kinh.
Các gia đình Công giáo không chỉ dạy dỗ con cái việc thực hành các nghi lễ tôn giáo hay việc học giáo lý, xác tín đức tin của người tín đồ Công giáo, mà họ còn dạy dỗ con cái nhiều vấn đề khác trong xã hội như: cách ứng xử với người lớn tuổi, với hàng xóm, với bạn bè cùng lứa tuổi của con cái. Ở các xứ đạo Công giáo Việt Nam thường có Ban hành giáo xứ và các ban hành giáo họ, gồm những người có cuộc sống đạo gương mẫu, sốt sắng, là những người đạo đức trong cuộc đời, hơn thế nữa lại là những người có nhiều hiểu biết về nghi lễ và giáo lý tôn giáo. Do vậy, mọi người trong giáo xứ, giáo họ đều rất kính trọng những người này, con trẻ hoặc thanh thiếu niên thường rất lễ phép với họ. Việc thường xuyên giáo dục con cái phải biết lễ phép, biết vâng lời những người trong Ban hành giáo. Để đạt được kết quả tốt trong việc giáo dục con cái tại gia đình, những người cha, người mẹ đều chú ý tới việc đồng tâm nhất trí, kiên nhẫn để hiểu con, giáo dục con cái. Không những vậy, cha mẹ còn thường xuyên cầu nguyện cho con cái, nêu gương sáng cho con. Tất cả những việc làm đó của những người làm cha, làm mẹ trong các gia đình Công giáo, từ Giáo hội Công giáo là nhằm mục đích giáo dục mỗi tín hữu trở thành người sống tốt đời đẹp đạo, trở thành người có ích cho xã hội để làm đẹp lòng cha mẹ, đẹp lòng Thiên Chúa.
Kim Bảo
Tài liệu tham khảo:
1. Gioan Phaolô II, Tông thư Mân Côi.
2. Giáo luật 1983, Nxb. Trái tim Đức Mẹ.
3. Ủy ban Giám mục về văn hóa (2002), Bốn mươi năm sau Vatican nhìn lại, tài liệu hội thảo, lưu hành nội bộ.
4. Giêrônimô Nguyễn Văn Nội (2003), Giáo dân với gia đình, Chương trình đào tạo giáo dân khóa VI.
5. TS. Lê Đức Hạnh (2021) Sống đạo Công giáo và ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam, Nxb. Công an Nhân dân.
6. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 1114.
7. Launay, Histoire de la mission de la Cochinchine, trích dẫn theo Trương Bá Cần (2008), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tập 1.
8. Thánh Thomas, Tổng luận thần học, Nghiên cứu Tôn giáo (2015).