Các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Ngày đăng: 21/10/2022
Theo dòng chảy lịch sử vấn đề tôn giáo không chỉ là mối quan tâm của quốc gia mà là vấn đề quốc tế, mang tính toàn cầu. Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển, biển đổi tôn giáo ở mỗi quốc gia, mà còn phản ánh sự tác động, chi phối của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống tôn giáo cũng như sự tác động ngược trở lại của các tôn giáo. Việt Nam là đất nước đa dạng tôn giáo, có tôn giáo nội sinh như Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Tứ ân hiếu nghĩa..., có tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo... với số lượng tín đồ chiếm 27% dân số. Bên cạnh những tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động, vẫn còn khoảng 80 nhóm, phái và hàng chục hiện tượng tôn giáo mới.

Quá trình đổi mới đất nước, đổi mới chính sách tôn giáo đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp trong đời sống của nhân dân trong đó có tín đồ tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiến định, đảm bảo, các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi không chỉ trong hoạt động, mà cả trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, đất nước phát triển, đời sống người dân tăng lên, trình độ nhận thức của người dân được nâng cao, nhưng thiên tai, dịch bệnh cũng diễn ra thường xuyên đã tác động, ảnh hưởng không chỉ đến đời sống người dân mà còn đến hoạt động tôn giáo. Trong hoàn cảnh nào tôn giáo cũng luôn có những biến đổi, phát triển để thích ứng. Tận dụng cơ hội để mở rộng phạm vi ảnh hưởng phát triển không chỉ trong hoạt động tôn giáo, xã hội mà cả trong việc mở rộng đất cơ sở tôn giáo.

1. Các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất cơ sở tôn giáo ở Việt Nam

1.1. Hội nhập quốc tế, phát triển đất nước tác động đế nhu cầu sử dụng đất của tôn giáo

Trong những thập niên qua, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đời sống tôn giáo. Toàn cầu hoá không chỉ làm mềm đi biên giới giữa các quốc gia mà còn góp phần tích cực trong việc phát triển khoa học, kỹ thuật và tăng trưởng kinh tế, mang thế giới xích lại gần nhau bẳng hệ thống số. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật vừa thúc đẩy các tôn giáo tận dụng Internet mở rộng phạm vi hoạt động truyền giáo, vừa tạo cơ hội cho các tôn giáo mới ra đời và phát triển. Người dân và tín đồ các tôn giáo có điều kiện tiếp cận, nhận thức sâu hơn và toàn diện hơn tôn giáo của họ và có sự so sánh giữa các tôn giáo trong nước, khu vực cũng như thế giới về các chỉ số phát triển trong đó có hệ thống đất đai, cơ sở tôn giáo. Các tôn giáo được truyền bá nhanh giữa các quốc gia, đẩy mạnh việc phát triển tín đồ qua ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như thiết lập cơ sở mới ở các địa phương, vùng miền.

Thành công của công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội không chỉ mang đến đời sống kinh tế và trình độ dân trí của người dân được nâng cao, mà còn không ngừng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam không chỉ là nơi thu hút đầu tư mà còn là nơi thu hút các tôn giáo từ nước ngoài vào Việt Nam. Thành quả đó không chỉ làm cho đời sống vật chất của người dân tăng lên, mà còn làm cho đời sống tinh thần của người dân cũng thay đổi, nhất là trong việc lựa chọn niềm tin vào một tôn giáo nào đó, kéo theo đó các hoạt động tôn giáo sôi động và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, tín đồ sẵn sàng đóng góp để xây dựng cơ sở tôn giáo khang trang, to đẹp.

Tình hình thế giới, trong nước đã tác động đến hoạt động tôn giáo ở Việt Nam không chỉ trong việc gia tăng số lượng các tôn giáo đã hoạt động ổn định, các nhóm, phái và hiện tượng tôn giáo mới được truyền từ nước ngoài vào hoặc ra đời tại Việt Nam. Tình hình đất nước và quốc tế mở ra nhiều điều kiện cho các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong hoạt động tôn giáo và tham gia vào các hoạt động xã hội (không chỉ ở phạm vi từ thiện) mà trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội văn hóa và môi trường, cũng như các hoạt động quốc tế. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các tôn giáo mới phát triển, xâm nhập vào các vùng miền, tạo ra sự cạnh tranh trong môi trường truyền giáo, thu hút tín đồ, tạo lập và mở rộng quỹ đất xây dựng cơ sở tôn giáo. Quá trình phát triển của đất nước cũng thu hút nguồn tiền từ thân nhân, cá nhân các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài, mạnh thường quân, tín đồ hỗ trợ để các tổ chức tôn giáo gia tăng đất cơ sở tôn giáo làm cho việc sử dụng đất cơ sở tôn giáo đa dạng và cũng không kém phần phức tạp.

1.2. Chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo tác động đến việc sử dụng đất cơ sở tôn giáo

- Đổi mới chính sách, pháp luật về tôn giáo

Thành tựu trong ban hành chủ trương, chính sách về đổi mới công tác tôn giáo chính là việc đổi mới tư duy về tôn giáo với các luận điểm: (1) nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; (2) nhìn nhận đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Theo đó trên phương diện chỉ đạo công tác tôn giáo Việt Nam đưa ra 03 quan điểm: (1) Phải đồng thời quan tâm giải quyết một cách hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo đề chống lại sự nghiệp cách mạng của dân tộc; (2) Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; (3) Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Đây là những quan điểm rất quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới công tác tôn giáo trong suốt nhiều năm qua của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tinh thần của các quan điểm đổi mới đã dần được thẩm thấu trong đời sống tôn giáo ở những giai đoạn tiếp theo.

Sau 13 năm thực hiện chủ trương đổi mới chính sách tôn giáo, tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII khoá IX, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW, ngày 12/3/2003 Về công tác tôn giáo. Nghị quyết tiếp tục nâng cao, hoàn thiện các quan điểm về tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng trong tình hình mới. Đến các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác khau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ”. Theo đó công tác tôn giáo được nhìn nhận và thực hiện trong tổng thể chính sách kinh tế xã hội để đạt được mục tiêu: (1) Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; (2) Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật; (3) Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Cùng với đó phải thực hiện tốt các nhiệm vụ: (1) Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; (2) Chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; (3) Chủ động, phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (4) Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.

Như vậy, quan điểm của Đảng về tôn giáo xuyên suốt quá trình đổi mới công tác tôn giáo từ năm 1990 đến nay đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tôn giáo phát triển cả về số lượng và phạm vi hoạt động. Khi tôn giáo phát triển thì nhu cầu có thêm đất cơ sở để sử dụng vào các hoạt động cũng gia tăng và điều đó không chỉ đặt ra vấn đề cho cả phía tôn giáo và các cơ quan chức năng trong  việc xử lý hài hòa vấn đề đất cơ sở tôn giáo.

- Chủ trương khuyến khích các tôn giáo tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo cũng thúc đẩy việc sử dụng đất cơ sở liên quan đến tôn giáo

Cùng với đổi mới chính sách, pháp luật về tôn giáo, Việt Nam đã có chủ trương tạo điều kiện và khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo trên tinh thần tôn trọng những quy định của pháp luật và phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo. Liên quan đến việc phát huy nguồn lực tôn giáo, Đảng và Nhà nước đã thể hiện rất rõ quan điểm: Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển bền vững đất nước đã trở thành động lực cho các tôn giáo tích cực tham gia vào hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo một cách mạnh mẽ. Trong đó, Điều 55 Luật tín ngưỡng tôn giáo đưa ra nguyên tắc “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan”. Tại Điều 30 Luật tín ngưỡng tôn giáo ghi rõ: Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại. Các quy định trên từng bước xác định tính pháp lý của tổ chức tôn giáo khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Đồng thời trong thực tế các địa phương cũng đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia sâu hơn vào các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo đóng góp tích cực trong hoạt động an sinh xã hội.

Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương phát huy nguồn lực tôn giáo và thực tế tôn giáo đã và đang hưởng ứng tích cực thì nhu cầu sử dụng đất làm cơ sở để tổ chức các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội cũng gia tăng trong cả nước.

- Chính sách, pháp luật liên quan đến đất tôn giáo

Để đáp ứng nhu cầu hợp pháp của tổ chức tôn giáo trong việc sử dụng đất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất, bên cạnh chính sách, pháp luật về đất đai chung với tôn giáo cũng những quy định mang tính đặc thù như Nghị quyết số 23/2003/QH11, ngày 26/11/2003 Về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991. Nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến tôn giáo được thực hiện thống nhất, đúng pháp luật và phù hợp với thực tế, góp phần phát triển và xây dựng đất nước, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, ngày 31 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1940/CT-TTg Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo. Đây là Chỉ thị chuyên biệt về nhà, đất tôn giáo nhằm mục đích yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nhà, đất liên quan đến tôn giáo, bảo đảm hải hòa lợi ích tôn giáo và lợi ích dân tộc. Đến năm 2013, Quốc hội ban hành Luật đất đai năm 2013, liên quan đến đất đai tôn giáo có một số điều cụ thể sau:

Về quy hoạch và hạn mức đất được giao: Điều 159 Luật Đất đai năm 2013 quy định: UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.

Về giao đất: Điều 59. Điểm b, Khoản 1: Giao đất đối với cơ sở tôn giáo. Điều 173. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Điều 181. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Tại khoản 4 Điều 102 quy định các điều kiện để cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có quy định một trong các điều kiện là: “Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp GCN QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi đáp ứng điều kiện không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01/7/2004...”.

Như vậy, với chính sách, pháp luật về đất đai thì đất cơ sở tôn giáo do nhà nước giao không thu tiền sử dụng. Đây là một chủ trương lớn, tạo điều kiện cho tôn giáo trong sử dụng đất phục vụ các hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, việc quy định đất được giao, không thu tiền sử dụng cũng là một trong nhiều lý do để tôn giáo gia tăng quỹ đất không đúng quy định để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

2.3. Hoạt động của các tôn giáo tác động đến việc sử dụng đất

- Phát triển về tổ chức và mở rộng địa bàn hoạt động

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, từ năm 1990 đến nay thực hiện công cuộc đổi mới chính sách tôn giáo, Việt Nam đã xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận các tổ chức tôn giáo. Việc xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là một trong những thành quả quan trọng trong việc thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước và là bước tiến không chỉ về phương diện pháp lý mà còn định hình cho tôn giáo xây dựng hệ thống tổ chức phù hợp với xu hướng chung. Việc công nhận tổ chức tôn giáo và cấp đăng ký hoạt động trong giai đoạn đổi mới đất nước được thực hiện từng bước, thận trọng và phù hợp với sự phát triển của các tôn giáo và tình hình đất nước cụ thể:

Trước khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành cả nước có khoảng 17,4 triệu tín đồ/hơn 80 triệu dân, chiếm 21,8% dân số(1) của 14 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 06 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo (Islam giáo) và Phật giáo Hòa Hảo. Đến năm 2021 Việt Nam có thêm 27 tổ chức tôn giáo đủ điều kiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp đăng ký hoạt động, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo lên 41 và nâng số tôn giáo lên 16(2). Quá trình phát triển các tổ chức tôn giáo không ngừng gia tăng, đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo vào các địa bàn khác nhau, phát triển tín đồ và thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc, tạo lập quỹ đất xây dựng cơ sở tôn giáo. Tính đến năm 2021,Việt Nam có trên 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trên 58 nghìn chức sắc, trên 148 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự. So với năm 2018, số lượng tín đồ tăng hơn 424 nghìn người; chức sắc tăng 1.539 người; chức việc tăng 1.467 người; cơ sở thờ tự tăng 264 cơ sở(3).

Cùng với thành lập tổ chức trực thuộc, các tôn giáo không ngững mở rộng địa bàn hoạt động nhất là trong giai đoạn đổi mới đất nước, giao thương hội nhập giữa các vùng miền ngày một phát triển. Khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ giờ đây không chỉ còn là địa bàn trọng điểm của Tin lành, Công giáo, hay Phật giáo Nam Tông Khmer mà đã có sự hiện diện và phát triển của nhiều tôn giáo. Phần đông các tôn giáo đã thành lập được các tổ chức tôn giáo trực thuộc ở khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (không còn tỉnh, thành nào ở Việt Nam không có hoat động của tôn giáo).

- Phát triển cơ sở đào tạo, bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo

Các tổ chức tôn giáo được công nhận tích cực đào tạo chức sắc, chức việc, nhà tu hành, thúc đẩy việc truyền đạo, phát triển tín đồ. Ngoài việc củng cố các các cơ sở đã hoạt động ổn định thì các tổ chức tôn giáo tăng cường thành lập mới, xây dựng, mở rộng cơ sở, mở rộng quy mô đào tạo, tăng số lượng chiêu sinh. Tính đến tháng 02 năm 2021 Việt Nam có 65 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo với khoảng 10.000 học viên đang theo học. Cụ thể(4):

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 47 cơ sở đào tạo, trong đó có 04 Học viện;  01 trường Trung, Cao đẳng Phật học; 34 trường Trung cấp Phật học; 08 lớp Cao đẳng Phật học. Giáo hội Công giáo Việt Nam có 11 cơ sở đào tạo gồm 01 Học viện và 9 Đại Chủng viện và 01 Cơ sở 2 của Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc tại Đà Lạt. Các Hội thánh Tin lành có 04 cơ sở. Các Hội thánh Cao Đài có 01 cơ sở đào tạo là Học viện Truyền giáo Cao Đài tại Đà Nẵng, hiện nay các Hội thánh Cao Đài trong nhóm “Liên giao hành đạo” đang xúc tiến việc thành lập Học viện Cao Đài tại Bến Tre. Phật giáo Hòa Hảo có 01 cơ sở là Trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo tại An Giang. Ngoài hoạt động mang tính chuyên nghiệp, dài hạn thì hầu hết các tổ chức tôn giáo đều mở các lớp bồi dưỡng về giáo lý, thần học, mục vụ truyền giáo, khóa tu ngắn hạn cho nhiều đối tượng tham gia.

Như vậy, khi tổ chức tôn giáo được công nhận chiếu theo quy định của pháp luật được thành lập các tổ chức trực thuộc, mở các trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, xây dựng, sửa chữa các cơ sở tôn giáo để tổ chức các hoạt động tôn giáo, tham gia các hoạt động xã hội phù hợp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về đất để xây dựng, mở rộng cơ sở đáp ứng nhu cầu trên gia tăng.

- Các tôn giáo tham gia ngày một mạnh mẽ vào các hoạt động an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển đất nước tác động đến xu hướng biến đổi của tôn giáo trên hai phương diện: biến đổi trong hoạt động tôn giáo và biến đổi trong hoạt động xã hội. Tôn giáo phát huy các thế mạnh trong hoạt động để thích nghi và phù hợp trong bối cảnh mới. Trước đây các tổ chức tôn giáo chú trọng hoạt động tôn giáo thuần túy và tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo, thì những năm gần đây và thời gian tới tôn giáo sẽ chú trọng đầu tư, thúc đẩy phát triển các hoạt động an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế (phòng khám, bệnh viện), giáo dục (dạy nghề, mầm non, trung tâm văn hóa, giáo dục các cấp) và tổ chức các cơ sở bảo trợ xã hội ở tầm vĩ mô.

Theo thống kê từ Ủy ban Trung ương MTTQVN năm 2017: Tổng số cơ sở khám chữa bệnh của tôn giáo là 281, số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia trong các cơ sở khám, chữa bệnh là 13.027 người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở phòng khám chuyên khoa Tây y: 1.512.727 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở Phòng chuẩn trị Y học cổ truyền là 14.233.253 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở bệnh xá của tôn giáo: 179.025 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở khác: 7.577.602 lượt người (5).

Đối với giáo dục mầm non: cả nước đã có khoảng 270 trường mầm non, khoảng 1000 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm 2% so với tổng số trường mầm non công lập và ngoài công lập; chiếm 15% tổng số trường mầm non ngoài công lập trong cả nước, huy động khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc (công lập và ngoài công lập), chiếm 18,3% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập. Đã có 10 trường (3,7%) đã đạt chuẩn quốc gia; nhiều trường là những điển hình tiêu biểu về chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất trên địa bàn(6).

Đối với giáo dục dạy nghề, theo thống kê của đề tài cả nước có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo trong tổng số 1998 cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, bao gồm: 2 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề. Hàng năm tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 2.000 người.

Trong xu hướng thế tục hóa thì hoạt động xã hội không chỉ là phương thức truyền giáo hiệu quả mà thông qua hoạt động xã hội các tôn giáo tạo dựng và xác lập vị trí , ảnh hưởng trong xã hội, đồng thời cũng tạo lập nguồn tài chính để duy trì và phát triển tổ chức tôn giáo, phát triển các hoạt động truyền giáo, tạo thêm quỹ đất xây dựng cơ sở. Để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội một cách vĩ mô, hiệu quả thì nhu cầu có đất là tất yếu. Vấn đề đặt ra là cần đổi mới cơ chế trong quản lý, sử dụng đất để tôn giáo có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội góp phần phát triển đất nước.

- Hạn chế của các tổ chức tôn giáo trong quá trình sử dụng đất

Việt Nam là đất nước đa dạng tôn giáo, do vậy mỗi tôn giáo có những đặc điểm riêng ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý và sử dụng đất cơ sở tôn giáo. Có tôn giáo quy trình quản lý và sử dụng rất chặt chẽ, thống nhất từ hồ sơ đến quy trình quản lý theo cơ chế quy định của giáo hội, có tôn giáo khá lỏng từ trong đặc điểm tu trì đến việc quản lý tài sản. Do vậy, theo thời gian biến động diện tích cũng như công năng sử dụng đất cơ sở tôn giáo thay đổi và chính tổ chức tôn giáo cũng không quản lý được, điều đó gây nên những bất cập trong công tác xác định, thống kê, phân loại và cấp giấy chứng nhận quyến sử dụng đất của các cơ quan chức năng.

Xu hướng đất nhiều, cơ sở to, tượng lớn ngày càng được nhiều chức sắc, tín đồ quan tâm. Dẫn đến việc không ít tổ chức cá nhân tôn giáo quan tâm đến việc tìm thêm quỹ đất bằng cách mua, nhận chuyển nhượng đất từ hộ gia đình xung quanh, lấn chiếm đất công, đất nông, lâm nghiệp và đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng cơ sở khuôn viên. Đất đang sử dụng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; đất sử dụng không đúng mục đích, đang có tranh chấp, chưa xác định được mốc ranh giới với diện tích đất liền kề; một số cơ sở không tích cực trong việc thực hiện việc lập hồ sơ đăng ký đất đai với cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến tỉ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo nói chung và các chùa nói riêng còn thấp. Trong quá trình sử dụng đất tại một số cơ sở, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất giữa cơ sở tôn giáo và các hộ dân xung quanh đã làm cho việc sử dụng đất bị hạn chế cả về công năng cũng như thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết.

3. Một số nhận xét

Một là, nhu cầu sử dụng đất gia tăng

Sự phát triển và ra đời các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam là tất yếu khách quan trong một đất nước đa tín ngưỡng, văn hóa và đặt trong môi trường đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời cũng phản ánh thành quả trong chính sách tôn trọng quyền tự do tôn giáo và thực hiện quyền bình đẳng giữa các tôn giáo của Việt Nam. Việc phát triển các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ cũng kéo theo nhu cầu sử dụng đất cơ sở gia tăng.

Một thực tế cho thấy tôn giáo phát triển về tổ chức, con người nhưng đất đai đai thì không phát triển. Do vậy, bên cạnh đất cơ sở mà các tôn giáo đang sử dụng ổn định thì trong thời kỳ đổi mới đất nước đất cơ sở tôn giáo tiếp tục gia tăng từ các nguồn: Nhà nước giao, cấp mới; một số tổ chức trả lại đất mà trước đây tổ chức tôn giáo cho mượn; tôn giáo tự tạo quỹ đất. Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương cho thấy số cơ sở và diện tích đất mà các tổ chức tôn giáo sử dụng và quản lý tăng, cụ thể: Năm 2003 các tổ chức tôn giáo sử dụng 15.541 nghìn cơ sở tôn giáo; năm 2008 sử dụng trên 25 nghìn cơ sở tôn giáo, tăng 9,5 ngàn cơ sở so với năm 2003; Tháng 11/2020 các tổ chức tôn giáo sử dụng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng 5.801 cơ sở so với năm 2008. Số cơ sở trên bao gồm cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo, cơ sở phụ trợ, các cơ sở sử dụng vào mục đích khác (an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo). Trong đó có cả cơ sở đã được cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hai là, mục đích sử dụng đất của tôn giáo

Mục đích sử dụng đất của tôn giáo chủ yếu ở 3 nhóm: (1) Phần lớn đất tôn giáo sử dụng vào mục đích làm cơ sở tôn giáo, trong đó chủ yếu là cơ sở thờ tự. (2) Một số tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích an sinh xã hội, trong đó tập trung vào lĩnh vực y tế (phòng khám đông y, tây y), giáo dục (trường, lớp mầm non, dạy nghề) và các cơ sở bảo trợ xã hội. (3) Một số tôn giáo còn sử dụng đất sản xuất như nông nghiệp, đất rừng. Theo thống kê từ 28 tỉnh, thành phố trong cả nước, số đất mà các tổ chức tôn giáo sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, cơ sở từ thiện xã hội là 31.921.767,7 m2.

Ba là, xu hướng phát triển của tôn giáo kéo theo nhu cầu sử dụng đất

Với xu hướng phát triển về tổ chức và số lượng tín đồ, phạm vi cũng như mở rộng các hoạt động tôn giáo và tham gia sâu vào hoạt động xã hội như hiện nay thì nhu cầu cần có đất làm cơ sở của tôn giáo là khách quan. Trong khi chính sách đất đai của Nhà nước là giao đất không thu tiền. Nhưng thực tế tôn giáo phát triển, đất không phát triển thì không thể có đủ quỹ đất để giao cho các tổ chức tôn giáo khi có nhu cầu, nhất là những thành phố, khu đô thị.

Với xu thế gia tăng các tôn giáo như hiện nay, cần thiết xem xét việc đổi mới cơ chế, chính sách về đất liên quan đến tôn giáo theo hướng mở rộng nhận thức về tôn giáo và đất đai liên quan đến tôn giáo như các pháp nhân khác. Cần phân loại, quy định cụ thể hơn với các loại đất mà tôn giáo đang sử dụng vào các mục đích khác nhau để có chính sách, quy định phù hợp. Vừa thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo của Đảng, Nhà nước; giải quyết có hiệu quả tình trạng mua, nhận, chuyển nhượng đất không đúng pháp luật trong tôn giáo hiện nay.

Hoạt động tôn giáo và nhu cầu sử dụng đất cơ sở luôn là vấn đề không chỉ được các tổ chức tôn giáo quan tâm mà còn là vấn đề mà các bộ, ngành chức năng liên quan và địa phương luôn tìm kiếm các giải pháp phù hợp, giải quyết hài hòa các mối quan hệ và đáp ứng căn bản nhu cầu của tín đồ, tổ chức tôn giáo. Sự tác động của các yếu tố trong, ngoài nước và nội tại của tôn giáo đã làm biến động đời sống tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có việc sử dụng đất. Điều này rất cần được đánh giá và nhìn nhận một cách khách quan vừa để phát huy những mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của tôn giáo trong sử dụng đất; vừa tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, vừa tiếp tục sửa đổi, bổ sung những chính sách còn thiế u, bất cập trong thời gian tới.

TS. Lê Thị Liên

Viện trưởng Viện NCCS tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2016), Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo, tr 01.

(2) Danh mục các tổ chức tôn giáo được chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020 (Kèm theo Công văn số 6955/BNV- TGCP ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nội vụ).

(3) Ban Tôn giáo Chính phủ (2019), Báo cáo Kết quả công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành QLNN về tôn giáo.

(4) Ban Tôn giáo Chính phủ (2021), Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật và công tác tín ngưỡng, tôn giáo, trang 17.

(5), (6) TS. Vũ Chiến Thắng (2021): Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát huy nguồn lực tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước hiện nay”, đề tài khoa học cấp Bộ, trang 41.