Công tác tôn giáo trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng hiện nay
Ngày đăng: 25/11/2022
Cách mạng công nghệ thông tin đưa đến sự bùng nổ thông tin về mọi lĩnh vực trên không gian mạng, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Với khả năng tiếp cận, đăng tải và tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng trên không gian mạng, các cá nhân và tổ chức tôn giáo cũng như các cá nhân và tổ chức quan tâm đến tôn giáo đã sớm tiếp cận, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin mạng vào việc đăng tải và tìm kiếm thông tin lĩnh vực tôn giáo trên các trang internet và các mạng xã hội khác (Facebook, Youtube, Zalo, Twitter, Instagram,...).

Thực tế, ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, hoạt động đăng tải thông tin tôn giáo và liên quan tôn giáo lên không gian mạng của các cá nhân, tổ chức hướng đến nhiều mục đích rất khác nhau, từ thuần túy là chia sẻ thông tin tôn giáo, quảng bá hình ảnh, bày tỏ quan điểm cá nhân… đến việc vận động, cố súy cho một mục đích tôn giáo, chính trị, xã hội hay thương mại khác. Việc truy cập, tìm kiếm thông tin tôn giáo trên không gian mạng cũng có thể nhằm mục đích thực hành hoặc nghiên cứu, nhưng cũng có thể chỉ là thỏa mãn hiếu kỳ, tò mò nhất thời… Thực tiễn trong thời gian qua có không ít không ít tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua không gian mạng để đăng tải thông tin liên quan tôn giáo vì mục đích chính trị, đưa ra các nhận định thiếu khách quan, thiếu thiện chí, thậm chí xuyên tạc đời sống tôn giáo của nhân dân để vu cáo nhà nước Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo và kích động chống phá chính quyền nhà nước

Xuất phát từ các mục đích khác nhau và bởi các tổ chức, cá nhân khác nhau, nội dung thông tin liên quan đến tôn giáo được đăng tải trên không gian mạng cũng rất phong phú, đa dạng, muôn hình muôn vẻ. Kinh điển tôn giáo, hình ảnh và biểu tượng tôn giáo có thể được đăng tải đầy đủ và cẩn trọng, nhưng cũng có thể được trích dẫn hoặc diễn giải để chia sẻ một cách tùy ý bởi các cá nhân; nội dung đăng tải có thể được cân nhắc kỹ khi tổ chức hay cá nhân thấy tâm đắc và hữu ích cho mọi người trong nhóm hay cộng đồng, nhưng nhiều nội dung cũng có thể được đăng tải một cách ngẫu hứng, bao gồm các bình luận và bày tỏ cảm xúc hay bức xúc cá nhân trước một nhân vật hay vấn đề tôn giáo)… 

Với khả năng tiếp cập toàn cầu không giới hạn trên không gian mạng, các thông tin về tôn giáo được đăng tải từ nước ngoài (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài) đều có thể được truy cập, khai thác từ Việt Nam. Và thực tiễn trong thời gian qua sự xuất hiện và phát triển một số giáo phái hay nhóm tôn giáo mới (ví dụ như…) phần lớn nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin…

Ở Việt Nam hiện nay, với việc dễ dàng tiếp cận để quảng bá và truyền giáo trên không gian mạng, nhiều tổ chức, cá nhân thuộc các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước Việt Nam công nhận và cả các nhóm, phái tôn giáo chưa có pháp nhân   quan tâm và tích cực khai thác.

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các hoạt động tôn giáo trực tuyến với khả năng tương tác tập thể nhóm không giới hạn và một cách trực tiếp thông qua không gian mạng ở Việt Nam đã trở lên phổ biến hơn. Việc tổ chức hoạt động trực tuyến này vào các mục đích chia sẻ và trao đổi về giáo lý, nghi lễ, thực hành, đào tạo về tôn giáo,… đang và sẽ ngày càng phổ biến hơn. 

Một số lợi ích và thách thức đối với công tác tôn giáo 

Việc đăng tải và truy cập thông tin về tôn giáo và các vấn đề liên quan đến tôn giáo tôn giáo trên không gian mạng đang là xu hướng chung, tất yếu và đang phát triển mạnh mẽ hiện nay bởi các tiện ích to lớn.

Đối với các tổ chức tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo, so với việc quảng bá thông tin bằng các hình thức truyền thống (như việc sản xuất và sử dụng các ấn phẩm tôn giáo trên giấy, băng, đĩa…), hoạt động đăng tải và tìm kiếm thông tin tôn giáo trên không gian mạng tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí. Hoạt động đăng tải hay truy cập để tìm kiếm thông tin hoạt động trên không gian mạng bởi các cá nhân, tổ chức có thể được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi (có thể được thực hiện vào bất cứ lúc nào và ở đâu…). Thông qua không gian mạng, các tổ chức hay nhóm tôn giáo có thể dễ dàng và nhanh chóng kết nối và trao đổi thông tin liên quan các hoạt động của tổ chức tôn giáo với các tín đồ, thành viên.

Đối với cơ quan hữu quan nhà nước, thông qua không gian mạng, cơ quan chức năng quản lý nhà nước có thể nhanh chóng và dễ dàng trong việc thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm đoàn kết, hòa hợp tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức, cá nhân tôn giáo và liên quan đến tôn giáo, cũng như việc nắm bắt dư luận xã hội về các vấn đề tôn giáo và liên quan đến tôn giáo; thông qua không gian mạng, các giá trị truyền thống tốt đẹp, có tính giáo dục cao của các tôn giáo có thể dễ dàng được lan tỏa trong cộng đồng, xã hội,… ,  

Tuy nhiên, việc đăng tải và truy cập thông tin liên quan tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng có thể dễ dàng và nhanh chóng thực hiện và không bị giới hạn về không gian và thời gian, do đó rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia nhưng khó kiểm soát được nội dung và khó xác định được tổ chức/cá nhân cụ thể tham gia (nhất là khi nhiều cá nhân sử dụng tên ảo và số điện thoại ảo để thực hiện, và nhiều trang điện tử và mạng xã hội tiếng Việt có xuất xứ từ nước ngoài).

Vì vậy, việc đăng tải và truy cập, khai thác thông tin liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, sai lệch, thiếu khách quan, thiếu thiện chí, khó có thể được kiểm soát và ngăn chặn một cách kịp thời, nhất là đối với các thông tin liên quan tôn giáo mang tính cực đoan, kích động thù hận, bạo lực… 

Ngoài ra, việc đăng tải các thông tin, sai lệch hoặc xuyên tạc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo vào các mục đích chính trị, thương mại hay xã hội khác bởi các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài là khó xác định và khó triển khai các biệp pháp xử lý và ngăn chặn triệt để.

Các hoạt động chia sẻ, truyền bá, hướng dẫn, đào tạo tôn giáo trên không gian mạng, trong đó có các hoạt động tôn giáo trực tuyến đang ngày phát triển, đang dần thay thế nhiều sinh hoạt và hoạt động tôn giáo truyền thống vốn chỉ diễn ra trong khuân viên các cơ sở tôn giáo. Thực tiễn này đang đặt ra thách thức mới cho việc xây dựng và ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo.   

Một số vấn đề đặt ra cho công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

- Khung pháp lý hiện hành chưa có điều khoản cụ thể để điều chỉnh hoạt động đăng tải thông tin tôn giáo và liên quan tôn giáo trên không gian mạng. 

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định hướng dẫn thi hành số 162 không có điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động đăng tải nội dung tôn giáo trên không gian mạng

Mặt khác, Luật An toàn thông tin mạng 2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì chủ yếu nhằm bảo vệ thông tin và mạng thông tin của nhà nước, và Luật An ninh mạng 2018 do Bộ Công an chủ trì nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng cũng không có điều khoản riêng điều chỉnh hoạt động tôn giáo trên không gian mạng.

- Hiện chưa có thống kê đầy đủ về việc thiết lập và vận hành trang thông tin điện tử nhằm quảng bá và trao đổi thông tin thông qua không gian mạng bởi các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc ở Việt Nam.

Qua tìm hiểu sơ bộ, đến thời điểm này không phải tổ chức tôn giáo có pháp nhân nào ở Việt Nam cũng đã ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin để quảng bá và trao đổi thông tin trên không gian mạng. Các tôn giáo lớn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam và nhiều tổ chức trực thuộc của các tổ chức tôn giáo này (bao gồm các thiền viện, chùa, tu viện của giáo hội Phật giáo và giáo phận, giáo xứ, tu viện, dòng tu của Công giáo) đã thiết lập và vận hành trang điện tử. Trong khi đó, nhiều tổ chức tôn giáo nội sinh đã được công nhận pháp nhân như Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và nhiều Hội thánh Cao Đài, tổ chức Hồi giáo chưa thiết lập, vận hành bất cứ trang điện tử nào.  

Do đó, chưa thể đánh giá thực trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, quảng bá thông tin tôn giáo bởi các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, cũng như chưa thể nhận diện và đánh giá đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan của thực trạng này để trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp nhằm điều chỉnh và định hướng việc đăng tải thông tin tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng đã và đang tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân và xã hội ở Việt Nam.

- Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo với các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, chưa có sự trao đổi và phối hợp thường xuyên trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên không gian mạng.   

Hiện nay việc cấp tên miền của các trang thông tin điện tử của các tổ chức tôn giáo hiện nay do Bộ Thông tin và Truyền thông. Cho đến nay việc đăng ký và cấp tên miền như vậy chưa có sự phối hợp, tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo.

Việc chặn một số trang thông tin điện tử cũng như gỡ bỏ các nội dung phản cảm, độc hại liên quan đến tôn giáo trên trên mạng xã hội hiện do cục chức năng thuộc Bộ Công an thực hiện, và cũng chưa có sự tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan

Ngoài các giải pháp quản lý nêu trên, việc đăng tải các thông tin sai lệch, tiêu cực thậm chí phỉ báng tôn giáo bởi các cá nhân, tổ chức trên các mạng xã hội cũng chưa được các cơ quan liên quan phối hợp đề xuất các giải pháp phù hợp.   

Một số kiến nghị và kinh nghiệm của một số nước trong việc quản lý, điều chỉnh hoạt động đăng tải thông tin tôn giáo trên không gian mạng

1. Trong nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, cần có điều khoản điều chỉnh và chế tài cụ thể liên quan đến việc cung cấp nội dung chứa đựng thông tin tôn giáo và liên quan tôn giáo lên không gian mạng nhằm ngăn chặn thông tin tôn giáo kích động thù nghịch, cực đoan bạo lực, chia rẽ tôn giáo, dân tộc…

Một số nước có bộ luật riêng về tôn giáo và liên quan tôn giáo đã có các điều khoản riêng nhằm điều chỉnh hoạt động cung cấp thông tin tôn giáo và liên quan tôn giáo lên không gian mạng

Ở Trung Quốc, Cục Tôn giáo Quốc gia Trung Quốc, dựa trên các luật và quy định hiện hành, bao gồm Luật An ninh mạng và Quy chế Hoạt động Tôn giáo, đã ban hành Các Biện pháp Quản lý Dịch vụ Thông tin Tôn giáo trên Internet của Trung Quốc vào ngày 3/12/2021, có hiệu lực từ 1/3/2022. Việc ban hành và trách nhiệm thi hành các biện pháp này có sự phối hợp của Cục Quản lý Tôn giáo Quốc gia phối hợp Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước. 

Theo đó, bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào của Trung Quốc hoạt động dịch vụ thông tin tôn giáo trực tuyến phải nộp đơn đăng ký tại các sở tôn giáo cấp tỉnh. Đơn đăng ký theo mẫu phải cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan. Các biện pháp quy định rằng việc rao giảng trực tuyến phải được tổ chức và thực hiện bởi các nhóm tôn giáo, cơ sở thờ tự và các trường đào tạo tôn giáo đã có Giấy phép Dịch vụ Thông tin Tôn giáo Internet. Giấy phép có thời hạn 3 năm. Thẩm quyền cấp giấy phép được phân cấp từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương.

Tại Singapore, Luật duy trì hòa hợp tôn giáo Singapore 1990 (sửa đổi năm 2019 và có hiệu lực từ 1/11/2022) quy định, để duy trì hòa hợp tôn giáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore có quyền đưa ra một phán quyết chống lại bất kỳ cá nhân nào có hành vi hoặc bày tỏ vi phạm một trong các trường hợp: a) gây hận thù, ác ý hay thù địch giữa các nhóm tôn giáo khác nhau; b) lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị; c) lợi dụng tôn giáo để kích động bạo lực; d) Lợi dung tôn giáo để kích động sự bất mãn với Tổng thống hoặc Chính quyền nhà nước.

Các phán quyết có thời hạn không quá 2 năm, có hiệu lực sau khi được Tổng thống phê chuẩn trên cơ sở xem xét đề xuất của Hội đồng Tổng thống về Hòa hợp Tôn giáo. Hình phạt đối với phán quyết gồm phạt tiền không quá 10.000 đô la Singapore hoặc phạt tù không qua 2 năm hoặc cả hai hình thức. Nếu tái phạm, mức tối đa là 20.000 đô la Singapore và 3 năm tù. Tòa án cấp huyện có thẩm quyền đưa ra hình phạt tối đa cho cho các vi phạm theo Đạo Luật này.

2. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tôn giáo và liên quan tôn giáo trên không gian mạng bởi cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận và cơ quan truyền thông của nhà nước.  

Việc tăng cường hoạt động thông tin, quảng bá và tuyên truyền về tôn giáo và liên quan đến tôn giáo trên không gian mạng bởi các tổ chức tôn giáo đã được nhà Nước công nhận, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo và cơ quan báo chí chính thống đóng vai trò thực tiễn và quan trọng không thể thay thế trong việc nâng cao nhận thức đúng đắn, khách quan và đầy đủ về tôn giáo và chủ trương, chính sách về tôn giáo của nhà nước, đồng thời góp phần làm giảm thiểu các tác động của việc đăng tải trên không gian mạng các thông tin tôn giáo lệch lạc, xuyên tạc, thiếu thiện chí liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước ở Việt Nam, cũng như khích lệ các hoạt động xã hội thiết thực ích đạo lợi đời và phát huy nguồn lực tôn giáo cho phát triển bền vững. 

 Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2019 đã thể hiện sự coi trọng kịp thời đối với công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, cần trú trọng nhiều hơn nữa vào việc thông tin, tuyên truyền về tôn giáo trên không gian mạng trước các vấn đề đặt ra trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng hiện nay, cũng như xem xét việc tạo điều kiện, thậm chí hỗ trợ một số tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận nhưng chưa thiết lập trang thông tin điện tử nào để giới thiệu và quảng bá về tổ chức này.

3. Cần thiết có sự tham gia tích cực của các mạng xã hội được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong việc bảo đảm hòa hợp tôn giáo.

 Bên cạnh thông tin tôn giáo đăng tải trên các trang internet có tính chính thống và hệ thống hơn của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, đồng thời dễ quản lý và kiểm soát hơn bởi cơ quan nhà nước thông qua việc đăng ký và cấp tên miền bởi cơ quan chức năng nhà nước, việc đăng tải thông tin tôn giáo trên các mạng xã hội ngày càng phổ biến, đa dạng nhưng khó kiểm soát hơn. Vì vậy, các nhà mạng cần phải được xem là đối tác và có trách nhiệm trong việc bảo đảm hòa hợp tôn giáo nói riêng, hòa bình và ổn định nói chung.

Tại Mỹ, sau các sự kiện tấn công bạo lực vào các cộng đồng và cơ sở thờ tự tôn giáo, các cơ quan chức năng của chính quyền đã tổ chức một cuộc gặp với các nhà mạng vào ngày 11/7/2019 để thảo luận về vai trò của mạng xã hội trong việc kích động các cá nhân cực đoan và ủng hộ chủ nghĩa cực đoan trở nên bạo lực, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phối hợp và hợp tác để ngăn chặn các nội dung kích động hận thù và các tư tưởng cực đoan khác. Các khách mời bao gồm Giám đốc điều hành của các công ty truyền thông xã hội lớn, nhiều nhà lập pháp có quyền điều chỉnh hoạt động của các công ty nói trên, các học giả về luật hiến pháp và một loạt các nhà hoạt động cộng đồng, các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội dân sự. Cùng với chính quyền, các nhà nghiên cứu và lãnh đạo tôn giáo Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi thay đổi cách thức hoạt động của mạng xã hội và các trang web tương tự nhằm nỗ lực dập tắt ngôn từ kích động thù địch trước khi nó biến thành bạo lực thực sự, và cho rằng các trang truyền thông xã hội điển hình chiếm phần lớn trong số 4,8 tỷ người dùng mạng xã hội và một số trang web đã phần nào góp phần vào việc kích động thù nghịch dẫn tới các cuộc tấn công bạo lực vào một số cộng đồng và cơ sở tôn giáo trong thời gian qua.

Như vậy, trong bối cảnh xã hội đương đại với sự bùng nổ thông tin mạng, các nhà mạng không chỉ phải có ý thức trách nhiệm đối với các thông tin được đăng tải mà còn chủ động và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của nhà nước để kịp thời ngăn chặn sự lan tỏa các nội dung cực đoan, “độc hại” trên mạng xã hội.

Trong các cuộc tấn công bạo lực nhắm vào cộng động Hồi giáo ở New Zealand năm 2019, một trong những kẻ tấn công được cho là đã đăng tải một đường link liên kết với văn bản dài 87 trang, trong đó trình bày các ý tưởng chống Hồi giáo và chống nhập cư, cũng như những lời giải thích cho cuộc tấn công; và một trong số các nghi phạm đã livestream toàn bộ quá trình gây án. Trước các mối đe dọa này, chính quyền New Zealand đang sửa đổi Đạo luật Nhân quyền 1993 để đưa bổ sung các cộng đồng tôn giáo vào danh sách các nhóm xã hội cần áp dụng các biện pháp bảo vệ hiện có chống lại sự kích động. Đạo luật Nhân quyền 1993 quy định rằng việc xuất bản hoặc phát tán những lời lẽ đe dọa, lăng mạ hoặc xúc phạm có khả năng 'kích động thái độ thù địch' hoặc 'khinh thường' bất kỳ nhóm nào vì lý do màu da, chủng tộc, sắc tộc hoặc nguồn gốc quốc gia là vi phạm pháp luật.

Việc xem xét sửa đổi, bổ sung vào Đạo luật Nhân quyền 1993 ở New Zealand trong bối cảnh thực tiễn liên quan đến bạo lực tôn giáo cũng có thể được xem là một tham khảo hữu ích trong việc nhận diện và khắc phục các vấn đề liên quan đến tôn giáo và bùng nổ thông tin mạng hiện nay./.

Bùi Quang Nam

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.chinalawtranslate.com/en/internet-religious-information/

https://sso.agc.gov.sg/act/MRHA1990

https://vov.vn/the-gioi/ho-so/the-gioi-2019-chan-dong-vi-vu-tan-cong-khung-bo-tan-bao-o-new-zealand-991855.vov

https://www.legislation.govt.nz/act/public/1993/0082/latest/DLM304212.html

https://www.worldreligionnews.com/religion-news/researchers-religious-figures-call-social-media-changes-tackle-hate-groups/

 https://www.newyorker.com/news/news-desk/trumps-very-big-very-important-social-media-summit