Nghi lễ trong đạo Cao Đài
Ngày đăng: 13/01/2025
Nghi lễ tôn giáo là cách thức hành lễ tụng niệm của một tôn giáo, thể hiện mối quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân sống trên trần gian với các thực thể ở thế giới bên kia. Nghi lễ tôn giáo liên quan đến niềm tin, giáo lý và được thực hiện bởi các chức sắc, những người làm nghi lễ tôn giáo chuyên nghiệp hoặc tự thực hiện dưới sự chỉ dẫn của một nguyên lý và nội dung nhất định. Nghi lễ có tầm quan trọng đặc biệt đối với một tôn giáo. Nếu giáo lý thu hút con người bằng ngôn ngữ, quan niệm về thế giới, nhân sinh quan mang màu sắc tôn giáo hướng
đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ, thì nghi lễ làm phong phú, đa dạng cho tôn giáo bằng những hành vi, cuốn hút con người không chỉ một lần mà nhiều lần, được
lặp đi lặp lại, tạo nên tập quán ăn sâu vào tâm thức của các thành viên trong cộng đồng tôn giáo. Qua việc thực hành nghi lễ, làm cho nội dung giáo lý tôn giáo trở nên sống động, phổ quát hơn.
Cũng như các tôn giáo khác, đạo Cao Đài có giáo lý, luật lệ và nghi lễ thờ phụng. Một bên soi sáng lòng tín ngưỡng, một bên đôn đốc, gìn giữ sự tu hành theo chơn pháp. Nghi lễ ban đầu dùng để thờ phụng, tế tự, làm cho đàn tế được tôn nghiêm, tạo nên bầu không khí thành kính, cảm hóa lòng người. Sau này, nghi lễ không những trở thành phép tắc ứng xử, giao tiếp trong gia đình, cộng đồng những người theo đạo mà còn ảnh hưởng đến xã hội.
Những nghi lễ quan trọng và căn bản của đạo Cao Đài là: thờ Thượng đế, thờ Tam giáo và Ngũ chi, hiến lễ Tam bửu, lễ nhạc, lạy, cúng tứ thời và thờ cúng Tổ tiên.
1. THỜ THƯỢNG ĐẾ
Chính giữa Bát Quái đài, trên chỗ cao nhất, có một quả càn khôn, hình tròn như trái đất. Trên đó vẽ đủ ba nghìn bảy mươi hai ngôi sao và Thiên nhãn để thờ. Trong quả càn khôn thường đốt một ngọn đèn sáng, được gọi là Thái cực đăng, đó là tượng trưng thờ Thượng đế ngự trên ngôi Thái cực, mà điều khiển mối đạo tự nhiên. Khi tế lễ, đốt hai ngọn đèn đôi bên, tượng trưng Thái cực sinh Âm Dương và đốt năm cây nhang, cắm trong lư hương để giữa Thiên bàn tượng trưng Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Bàn thờ trong cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài
Lễ nghi này đủ cắt nghĩa cho chúng ta hiểu rằng, đạo tự nhiên vốn có Thái cực sinh Âm Dương, Ngũ hành. Âm Dương, Ngũ hành nghịch chuyển mà định vị trời đất, hóa sinh vạn vật, mà Thái cực Thánh Hoàng là chủ tể quyền năng vô đối ấy. Kẻ học, nếu biết quan sát thì có thể học được dịch lý của vũ trụ chia ra làm hai trạng thái là “Tiên Thiên Đại Đạo” và “Hậu Thiên Đại Đạo”. Tiên Thiên Đại Đạo là Đạo có trước Trời, vua Phục Hy theo đó mà phát họa Hà đồ Tiên Thiên Bát Quái đài. Hậu Thiên Đại Đạo là Đạo có sau Trời, vua Võ nhà Hạ theo đó mà phát họa Lạc thơ Hậu Thiên Bát Quái. Tiên Thiên Bát Quái vẽ hai yếu tố Âm Dương. Hậu Thiên Bát Quái định số Ngũ hành. Hai trạng thái này làm biểu lý nhau, tác thành cơ tạo tập càn khôn, hóa sanh vạn vật. Đức Chí Tôn không nói một lời mà dạy được Dịch lý của vũ trụ. Đức Lão Tử gọi đó là “bất ngôn chi giáo”.
2. THỜ TAM GIÁO VÀ NGŨ CHI
Bên dưới quả càn khôn thờ ba vị giáo chủ: Đức Thích Ca Mâu Ni ở giữa, bên tả có Đức Khổng Tử, bên hữu có Đức Lão Tử. Kế đến là Tam trấn oai nghiêm – đại diện ba vị Giáo chủ trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, bao gồm: Đức Lý Thái Bạch ở giữa, tả có Đức Quan Thánh Đế Quân, hữu có Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra, đạo Cao Đài còn thờ Đức Ki-tô tiêu biểu cho Thánh đạo và Đức Khương Thái Công tiêu biểu Thần đạo. Tựu trung cách thờ phụng như trên thể hiện tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi phục nhất”. “Tam giáo quy nguyên” là xây dựng một nền giáo lý toàn diện, tức giáo lý Đại Đạo, trên nền tảng kế thừa giáo lý Tam giáo. Bởi giáo lý Tam giáo có đủ khả năng xây dựng con người chân chính, xã hội an lạc, dạy con người biết tu dưỡng thể xác và tinh thần để sống ung dung tự tại và giải khổ. “Ngũ chi phục nhất”, tức Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo phục nhất; đó là đường lối tu hành tuần tự như lên năm nấc thang. Phục nhất có nghĩa là thống nhất thành một hệ thống bổ sung cho nhau, hiệp thành đạo pháp nhất quán nhằm đưa người tu đạt đến mục đích.
3. HIẾN TẾ TAM BỬU
Mỗi lần tế lễ đều có dâng hoa, rượu, trà, gọi là hiến lễ Tam bửu, trong đó hoa tượng trưng Tinh, rượu tượng trưng Khí, Trà tượng trưng Thần. Cách bố trí người mang hoa, quả, rượu, trà lên Thiên bàn cũng phải phù hợp với cách bài trí lễ phẩm trên Thiên bàn. Từ Thiên bàn nhìn ra, bên trái (phía nam quỳ) bày hoa, nước lạnh; bên phải (phía nữ quỳ) bày trái cây, nước trà. Vì thế, dâng hoa quả, người bên phía nam quỳ bưng bông; người bên phía nữ quỳ bưng trái cây. Dâng rượu người bên phía nam quỳ bưng chung rượu, người bưng phía nữ quỳ
bưng nhạo rượu. Dâng trà, người bên phía nam quỳ bưng ấm trà, người bên phía nữ quỳ bưng chung trà. Hiến lễ Tam bửu nhắc nhở người tín đồ Cao Đài rằng: trong mỗi người chúng ta đều có ba món quý báu đó là Tinh, Khí, Thần, đó là nền tảng của sự sống, phải tu tập thế nào cho Tinh, Khí, Thần hoàn nguyên hiệp nhất thành một thể khí vô vi, thì mới đủ điều kiện giải thoát ra ngoài vòng sinh tử; hoặc nói cách khác, là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hườn hư. Đến đó là chứng quả vậy.
4. LỄ NHẠC
Trong thực hành nghi lễ của mình, đạo Cao Đài thường sử dụng lễ nhạc, tác dụng của lễ nhạc như sau: Lễ sĩ Cao Đài áo mũ chỉnh tề, hai tay nâng vật cúng lên ngang mày, theo nhịp điệu của âm nhạc, từ từ điện lễ đi lên. Lễ sĩ khi dâng lễ đi thành hai cặp (bốn người), đầu đội mũ như nho sĩ đậu tú tài ngày xưa. Khi hiến đại lễ dâng Trời Phật thì chân đi chữ Tâm. Vẻ chỉnh tề, phong thái trang nghiêm ấy, khiến người chứng kiến sinh lòng thành kính, nên thường nói tinh thần Lễ là Kính. Tiếng trống, chuông, đàn, kèn, tiêu thiều, nhiều thứ âm thanh khác nhau cùng dấy lên một lượt nên nói tinh thần Nhạc là Hòa.
Lễ nhạc, nguyên ngày xưa, Thánh nhân quan sát cảnh tượng vũ trụ, nhận thức được trật tự và điều hòa của trời đất, rồi theo đó mà chế ra lễ nhạc. Thánh nhân dụng ý chế ra lễ nhạc rất hay với sức mạnh tinh thần có thể kích động lòng người đến chỗ sâu xa. Cũng như sức mạnh tinh thần ấy, lễ nhạc có thể cảm hóa lòng người về đạo đức. Nhạc và lễ đều có chủ đích chung là sửa đổi tâm tính con người cho ngay thẳng, bồi dưỡng tình cảm cho thuần hậu, nhưng mỗi bên lại có cách thức riêng biệt. Lễ cốt ở sự cung kính, để giữ cho trật tự phân minh nhạc cốt ở sự điều hòa, khiến cho tâm tính được tao nhã. Tuy nhiên, lễ nhạc phải luôn song hành với nhau thì mới có kết quả mỹ mãn được. Trong đàn tế, nếu có lễ mà không có nhạc hoặc có nhạc mà không có lễ thì đàn tế mất vẻ tôn nghiêm. Cũng như ảnh hưởng của lễ nhạc là Kính và Hòa, trong nhân tâm thế sự cũng vậy, nghĩa là Kính và Hòa cũng phải theo nhau như hình với bóng thì mới có kết quả tốt. Nếu có lễ mà không có nhạc, tức là có kính mà không có hòa, thì con người với nhau trở thành phân biệt thái quá, nhân tình bất thông, chia rẽ xa cách. Nếu có nhạc mà không có lễ, tức là hòa mà không có kính thì thành ra dễ dãi, khinh nhờn, Vậy nên, có lễ phải có nhạc, có nhạc phải có lễ, để cho cái này bổ khuyết cái kia thì mới tạo được sự điều hòa tốt đẹp và một trật tự ổn định trong xã hội.
Lễ nhạc có ý nghĩa rất sâu xa và tác dụng mạnh mẽ về đường đạo đức, vì nó làm cho cái tâm tính ở bên trong sự hành động ở ngoài, hòa thuận. Trong hòa là làm cho tâm tính được điều hòa, ngoài thuận là làm cho hành vi, cử chỉ thuận theo đạo lý, hợp với lòng người. Trong và ngoài được như thế thì không có cơ hội phát ra, mà dần dần tà tâm biến mất, nhường chỗ cho thánh tâm, dục vọng thấp hèn biến mất, nhường chỗ cho dục vọng thanh cao.
5. LẠY
Đức Chí Tôn dạy: “Lạy là gì? Là tỏ ra bề ngoài, lễ kính trong lòng. Chắp hai tay lại là tại sao? Tả là Nhựt, hữu là Nguyệt, vị chi âm dương. Âm dương hiệp nhất, phát khởi càn khôn, sanh sanh hóa hóa tức là Đạo”. Khi đứng trước Thiên
bàn hầu lễ thì chức sắc, tín đồ quỳ gối, hai tay chắp lại, bắt ấn Tý rồi mặc niệm Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng. Bắt ấn Tý là hai bàn tay chắp lại, ngón cái của bàn tay trái chỉ vào gốc ngón áp út (ngôi Tý), tức ám chỉ sự chủ Tâm kính Trời. Nam Mô Phật: hai bàn tay chắp lại, đưa ngay lên giữa trán và mặc niệm Nam Mô Phật, ấy là nhắc lòng tôn kính Đức Chí Tôn và nhớ lại Đức toàn tri, toàn năng, tận thiện mỹ và Đức háo sanh của Ngài vô biên bao la, hằng hóa dục vạn vật. Bổn phận chúng ta là luôn giữ một lòng sùng bái Đức Chí Tôn và thể theo Đức Chí Thiện hoàn toàn của Đức Thượng đế Cao Đài để học tập. Nam Mô Pháp: chữ Pháp ám chỉ “Dharma”, nghĩa là pháp luật tự nhiên của Đức Chí Tôn truyền dạy, mà người đạo phải tuân theo để tu tâm, sửa tính của mình trở nên thuần nhiên, thanh khiết. Giống như tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức là khuôn thước rèn luyện nên người hiền lương, quân tử theo quan điểm của Nho giáo. Giới, Định, Huệ là phương pháp giác ngộ tâm linh siêu nhiên và pháp luật tự nhiên, mà chúng ta phải tuân theo để đạt Đạo. Nam Mô Tăng: đồng thời với chúng ta biết bao người đạo cao, đức dày chúng ta nên gần gũi với họ để nghe lời luận Đạo, thuyết pháp và làm theo những hành vi, cử chỉ của họ. Ba câu mặc niệm trên đây có ý nghĩa cũng như câu “Quy y Tam bảo” của nhà Phật vậy.
6. CÚNG TỨ THỜI
Hàng ngày, chức sắc, tín đồ Cao Đài hầu lễ bốn lần vào các giờ Tý (từ 23.00), Ngọ (từ 11.00), Mão (từ 15.00), Dậu (từ 17.00), gọi là cúng tứ thời. Mới trông qua, người ngoài lầm tưởng cúng tế như vậy là do ỷ lại thần quyền, nhưng sự thật không phải như thế, mà là một phương pháp hàm dưỡng tâm tính rất huyền nhiệm. Theo đạo tự nhiên, nguyên khí của trời đất, mỗi ngày vượng bốn thời Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Trong thời điểm này, kẻ hầu lễ giữ tinh thần, vật thể an tịnh thì Thần khí hàm dưỡng khí thiêng. Trời đất mà được thanh thoát, tinh thần an nhiên tiếp xúc với đấng chí linh, để lãnh hội lời truyền thọ. Mặt khác, trước khi vào Tòa thánh, thánh thất để chầu lễ, mỗi người chúng ta đã gạt bỏ được những sự ưu tư trần tục. Đến khi nhập đàn, lễ nhạc phát khởi, đồng nhi đọc kinh, hoàn cảnh an tịnh này khiến cho lòng chúng ta được cực tịnh và chỉ có một mặc niệm thành kính. Giá như chúng ta giữ được tâm trạng thành kính mãi mãi thì chúng ta giữ được nguyên vẹn nguồn Thiên lý ở trong người, tức thực hiện được câu “nhơn dục tận tịnh Thiên lý lưu hành”. Còn một lẽ nữa là tu tâm
dưỡng tính. Việc cúng tứ thời còn giúp chúng ta giữ được giới định huệ, trừ bỏ tam độc; tham, sân, si là nguồn gốc dẫn đến phiền não và đau khổ cho con người.
Đức Chí Tôn dạy rằng: “Trước khi vào lạy Thầy buổi tối, phải tự hỏi mình coi phận sự ngày ấy xong hay chưa và lương tâm có cắn dứt điều chi chăng? Nếu phận sự chưa rồi, lương tâm chưa an tịnh thì phải biết chuộc lấy tội lỗi của mình đặc vậy thì các con lo chi không bì bực Chí Thánh. Thầy mong cho mỗi đứa đều lưu ý đến sự sửa mình ấy. Đặng vậy thì may mắn cho Đạo và các con cũng sẽ đặng thung dung nêu gương cho kẻ khác. Lễ bái thường hành tâm đạo khởi”.
7. THỜ CÚNG TỔ TIÊN
Đối với tín đồ Cao Đài, ngoài việc thờ Trời (Đức Chí Tôn) thì sự thờ cúng Tổ tiên cũng không kém phần quan trọng. Trong mỗi gia đình, bên cạnh Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn đặt ở nơi trang trọng nhất, còn có bàn thờ những người đã quá
vãng. Trên mỗi bàn thờ đặt bài vị, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm quá vãng và di ảnh của ông bà hay cha mẹ. Ngoài ra, tối thiểu phải có một bình hương, đầy đủ hơn thì có cặp chân đèn và lư đồng. Hàng ngày, con cháu thắp nhang trên bàn thờ để luôn tưởng nhớ đến người đã mất. Ngày giỗ thì gia đình dâng cúng hoa quả và thức ăn tươm tất. Giáo lý đạo Cao Đài khuyên chỉ nên cúng chay, tuyệt đối không được dùng giấy tiền bạc và sát sinh để hiến lễ. Ngày tế lễ, cả gia tộc đều tụ họp về nhà thờ để cùng nhau lo việc cúng tế. Ngày này được coi là “húy nhựt”, nên tất cả mọi người tỏ lòng thành kính, khi ra vào trước bàn thờ Tổ tiên đều khép nép, dường như ông bà đang ngự trên sở tôn. Họ tự nhủ rằng, Tổ tiên mất đi thì linh hồn thuộc về thần linh, người phàm không trông thấy được, nhưng thần linh thì thấy hết mọi việc. Giờ cúng tế im lặng, tôn nghiêm, người trưởng tộc hành lễ, rồi tất cả con cháu lớn, trước, nhỏ sau, cứ theo thứ tự mà vái lạy trang nghiêm. Sau đó, cùng nhau xum vầy dùng cơm chung trong
tình ruột thịt đồng huyết thống.
Có thể nói, nghi lễ của đạo Cao Đài giản dị, gần gũi và phù hợp với nghi lễ truyền thống của người dân Nam Bộ, có ảnh hưởng tốt đến đạo đức, lối sống của đồng bào theo đạo Cao Đài. Đối với tín đồ, nghi lễ là một phương pháp tu luyện tâm tính rất có hiệu quả; còn đối với gia đình và xã hội, nghi lễ trở thành một văn hóa đặc sắc để giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Vì thế, nghi lễ đạo Cao Đài không có sự xa lạ, mà gần gũi dễ thực hiện. Chính vì vậy, đạo Cao Đài nhanh chóng thu hút đông đảo tín đồ tin Cao Đài đã ăn sâu vào cuộc sống, trở thành phong tục, tập quán, lối sống của đông đảo tín đồ, làm phong phú và tô điểm thêm cho sinh hoạt lễ hội đầy màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo của người Nam Bộ.
Diệu Anh
Tài liệu tham khảo:
1. Soạn giả Đức Nguyên, Cao Đài Tây Ninh (1994), Cao Đài từ điển quyển 1, quyển 2, quyển 3, Đại đạo Tam kỳ Phổ độ - Tòa thánh Tây Ninh.
2. Soạn giả Tiếp pháp Trương Văn Tràng (1965), Giáo lý Cao Đài, Đại đạo Tam kỳ Phổ độ - Tòa thánh Tây Ninh.
3. Cơ quan Phổ thông giáo lý đại đạo (1999), Cao Đài vấn đáp, Đại đạo Tam kỳ Phổ độ - Tòa thánh Tây Ninh.
4. Thánh ngôn hiệp tuyển, Đại đạo Tam kỳ Phổ độ - Tòa thánh Tây Ninh.