Vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 23/09/2022Được nhận định là đất nước đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, Việt Nam hiện nay có 41 tổ chức tôn giáo với khoảng 26.5 triệu tín đồ, chiếm hơn ¼ dân số cả nước. Đây là số lượng dân số có tôn giáo chiếm tỷ lệ cao, đặt ra cho Nhà nước những yêu cầu và mục tiêu về chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó có mục tiêu về việc thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, huy động nguồn lực tôn giáo cho xây dựng và phát triển đất nước. Để thực hiện được mục tiêu đó thì việc thúc đẩy thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, hòa hợp tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, nhắc đến thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, người ta thường nghĩ đến vai trò chủ động, chủ đạo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo mà ít quan tâm đến vai trò của các tổ chức, cá nhân ngoài tôn giáo, như Liên Hợp quốc, các quốc gia, các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trên thế giới. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin tiếp cận để làm rõ vai trò của nhà nước Việt Nam trong thúc đẩy đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam.
Có thể nhìn thấy vai trò Nhà nước trong thúc đẩy đoàn kết tôn giáo thông qua một số hoạt động quan trọng như: xây dựng hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật; đưa ra mục tiêu chung giữa nhà nước và tôn giáo; ủng hộ tôn giáo trong việc xây dựng, thực hiện đường hướng gắn bó đồng hành cùng dân tộc; xúc tiến tổ chức các thiết chế, cơ chế liên hợp, hội nghị, đối thoại… trong đó, Nhà nước Việt Nam có vai trò trung tâm tập hợp và đoàn kết.
Thứ nhất, Nhà nước xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động bình thường, công bằng trong khuôn khổ pháp luật
Xuất phát từ đặc điểm xã hội và tôn giáo ở Việt Nam, Nhà nước Việt Nam ngay sau buổi đầu thành lập nước (ngày 02-9-1945), tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03-9-1945, trong Tuyên bố về sáu vấn đề cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết". Tuyên bố này đã đặt nền tảng cho việc xây dựng và thực hiện một chính sách về tôn giáo của Việt Nam. Từ năm 1945 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn cách mạng khác nhau, nhiệm vụ của mỗi thời kỳ trọng yếu cũng khác nhau, nhưng đối với tôn giáo, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán quan điểm trên và không ngừng mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, cũng như ngày càng đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ấy.
Cụ thể là: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 Về công tác tôn giáo; Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 1991 Về các hoạt động tôn giáo; Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 1999 để cụ thể hóa các khung pháp lý để hướng dẫn hoạt động tôn giáo. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam có Nghị quyết số 25 đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/6/2004 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 08/11/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 22/2005. Khẳng định quan điểm nhất quán về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013 tại các Điều 14, Điều 24 và Điều 70. Cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về chính sách tôn giáo, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV ban hành năm 2016, Nghị định 162/2017/NĐ-CP, Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Chính phủ ban hành năm 2017. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về công tác tôn giáo.
Có thể tóm tắt những nội dung chính của chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam như sau:
Một là, với Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôn giáo là "nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân", "mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào", và "đồng bào theo tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Hai là, Đảng, Nhà nước Việt Nam "tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo" của mọi người.
Ba là, "các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật"; "các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật".
Bốn là, "không ai được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo" và "không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".
Năm là, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà đặc biệt là những Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Sáu là, mục tiêu của chính sách tôn giáo Việt Nam là nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết ấy.
Bảy là, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể thấy, chính sách tôn giáo của Việt Nam là nhất quán và hướng đến tạo lập sự bình đẳng, hài hòa cho mọi tôn giáo, dù là tôn giáo lớn hay nhỏ, du nhập từ nước ngoài hay nội sinh đều được pháp luật bảo hộ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tôn giáo khác nhau tôn trọng lẫn nhau, đối thoại hiệu quả, đoàn kết với nhau và trở thành một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, Nhà nước đưa ra mục tiêu chung để tập hợp đoàn kết đồng bào các tôn giáo
Để huy động các tôn giáo nỗ lực thực hiện giá trị nhân văn tôn giáo, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định điểm tương đồng giữa Nhà nước và tôn giáo. Nội dung này được Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo khẳng định: những điểm "tương đồng" giữa lý tưởng của tôn giáo với mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa: "Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với mục tiêu chung".
Trong thực tiễn đời sống tôn giáo, mặc dù có những phương pháp hành đạo khác nhau, nhưng các tổ chức tôn giáo, tu sĩ và tín đồ tôn giáo đều được tuyền truyền và ý thức rõ rằng, trước khi là một giáo sỹ, tín đồ tôn giáo thì phải là công dân của đất nước; muốn trở thành một giáo sỹ, một tín đồ mẫu mực, thuần thành thì trước hết phải là một công dân gương mẫu. Bất kể là tín đồ tôn giáo nào, hay là những người không có tín ngưỡng, tôn giáo đều phấn đấu vì mục tiêu chung và trực tiếp được thụ hưởng những giá trị, lợi ích từ việc thực hiện thành tựu mục tiêu chung đó của đất nước.
Không chỉ đưa ra mục tiêu chung để tập hợp, đoàn kết mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn khẳng định những giá trị mà tôn giáo lưu giữ và xiển dương cũng chính là điểm tương đồng trong trong việc xây dựng và phát triển xã hội và đạo đức xã hội mới. Đó là các giá trị về lòng yêu thương, tinh thần bác ái, sự xẻ chia những khó khăn với mọi thành viên trong xã hội, đó còn là mục tiêu xây dựng mỗi gia đình, mỗi họ tộc, mỗi làng bản, mỗi cộng đồng cư dân và rộng ra là quốc gia dân tộc toàn thiện, toàn mỹ. Đó chính là các nét đẹp trong đạo đức, văn hóa tôn giáo và cũng là điều hướng đến trong xây dựng đạo đức con người Việt Nam.
Việc nhìn nhận khách quan, đưa ra và khẳng định mục tiêu chung này, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã không chỉ đánh giá vai trò tích cực của các tôn giáo trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn kéo gần lại khoảng cách giữa các tôn giáo và trong mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội.
Thứ ba, Nhà nước ủng hộ và hỗ trợ tôn giáo thực hiện đường hướng gắn bó đồng hành cùng dân tộc để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu nước mạnh
Không chỉ có chung mục tiêu hành đạo giữa các tôn giáo, giữa các tôn giáo với Nhà nước, mà để tạo nên những điểm chung làm cơ sở cho các hoạt động hành chính đạo, các hoạt động xã hội tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo, từ đó hỗ trợ cho việc thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, xây dựng đời sống tôn giáo - xã hội hòa hợp, Nhà nước Việt Nam còn vận động, hỗ trợ và giúp đỡ các tổ chức tôn giáo xây dựng hiến chương, điều lệ, tôn chỉ mục đích và đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó đạo - đời, tạo được sự tương đồng về lợi ích cũng như phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực của các tôn giáo. Cụ thể:
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội;
- Hội đồng Giám mục Việt Nam: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào;
- Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc): Kính Chúa, yêu nước;
- Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam): Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc;
- Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên: Phụng đạo, yêu nước;
- Phật hội Tứ ân Hiếu nghĩa: Hành tứ ân, sống hiếu nghĩa, vì đại đoàn kết toàn dân tộc;
- Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam: Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân;
- Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh: sống tốt đạo, đẹp đời, phát huy truyền thống Islam - đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
Dù mỗi tôn giáo có những đặc trưng về lịch sử hình thành, phát triển, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và cách thức hành đạo khác nhau, theo đó, đường hướng hành đạo của mỗi tôn giáo cũng có những đặc thù. Tuy nhiên, chúng ta đều có thể thấy, dù là tôn giáo nào thì đường hướng hành đạo cũng luôn đề cập đến định hướng hoạt động tôn giáo và định hướng thực hiện trách nhiệm xã hội. Điều trùng hợp thú vị, đó đều là những định hướng tích cực để xây dựng một xã hội tốt đẹp, ở đó con người được giải phóng, được trân trọng, đề cao với những giá trị nhân văn, cao đẹp nhất.
Những đường hướng tiến bộ, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của các tổ chức tôn giáo đã trở thành chất liệu kết dính các tôn giáo, gây dựng con thuyền chung mang định hướng và đích đến là “đồng hành cùng dân tộc”.
Thứ tư, Nhà nước tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động thúc đẩy đoàn kết tôn giáo
Ngay sau ngày nhân dân ta giành được chính quyền, tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để mở rộng quyền dân chủ, để các tổ chức tôn giáo có điều kiện tham gia vào bàn luận những vấn đề hệ trọng của đất nước liên quan đến mọi người dân và tổ chức, trong đó có tổ chức tôn giáo, bên cạnh chỗ ngồi của các đại biểu chính thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam còn bố trí 03 ghế ngồi danh dự cho đại biểu của 03 tôn giáo lớn có mặt ở miền Bắc lúc đó (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành).
Từ đó cho đến sau này, theo tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng, Chính phủ, Chính quyền, đoàn thể các cấp đã rất quan tâm tổ chức và tạo điều kiện để các tôn giáo cử nhiều hơn đại biểu của mình tham gia các cơ quan quyền lực các cấp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các cấp hội, đoàn thể chính trị: Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội khuyến học, Hội Hữu nghị Việt Nam với các nước... Tại các cơ quan quyền lực, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đó, đại biểu các tôn giáo càng có cơ hội để thể hiện chính kiến, quan điểm của cá nhân, của tôn giáo mình trong việc xây dựng, chia sẻ những công việc trọng đại của đất nước, những công tác lớn ảnh hưởng đến xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo.
Điều đặc biệt, ở các diễn đàn này, chức sắc, tín đồ các tôn giáo không phân biệt đức tin, tôn giáo mà họ đoàn kết cùng nhau trong cộng đồng tôn giáo để tạo tiếng nói có trọng lượng trong tổ chức, trong diễn đàn, nhằm chung tay làm cho xã hội tiến bộ, đất nước phát triễn. Trong thực tế, việc tạo ra các thiết chế và tạo điều kiện để tôn giáo, đại biểu các tôn giáo tham gia tích cực trọng các hội nghị, diễn đàn này đã tạo nên một cơ chế thúc đẩy đoàn kết tôn giáo hiệu quả.
Thứ năm, Nhà nước tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực tôn giáo, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định, trong bản chất, lý tưởng của những tôn giáo chân chính chứa đựng những giá trị nhân đạo, nhân văn cao cả. Người thừa nhận: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa”. Phát huy tư tưởng chỉ đạo và định hướng của Hồ Chủ tịch, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng đều khẳng định lại một cách rõ ràng quan điểm này: “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với đạo đức xã hội mới”; “phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo trong đời sống xã hội”.
Trong đời sống thực tiễn cũng như trong nghiên cứu, học thuật và định hướng chính sách văn hóa, Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận và giao cho các cơ quan đào tạo, nghiên cứu chuyên môn tổ chức những cuộc hội thảo với chủ đề đóng góp của tôn giáo với đời sống văn hóa, đạo đức và phát triển của xã hội. Các hội thảo đều khẳng định tầm quan trọng nhất định của tôn giáo đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến đóng góp của tôn giáo với văn hóa và đạo đức dân tộc, đồng thời đề xuất các giải pháp để phát huy hơn nữa các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, nhìn nhận và đánh giá vai trò của tôn giáo trong việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, từ thiện nhân đạo... Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã quy định cụ thể thành những điều khoản trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và nhiều bộ luật, luật liên quan: Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Di sản... trong đó khẳng định quan điểm, chính sách của Nhà nước là khuyến khích các chức sắc, tín đồ các tôn giáo với tư cách cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, từ thiện nhân đạo... để phát huy nguồn lực của tôn giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vai trò của một tôn giáo và tính đặc trưng của các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo đương nhiên không hoàn toàn giống nhau, nhưng khi các tôn giáo được tạo điều kiện, khuyến khích thực hiện vì một mục tiêu chung đó là phát huy nguồn lực tôn giáo, thực hiện các hoạt động mang lại lợi ích, giá trị cho cộng đồng thì họ lại trở thành những người có điểm chung quan trọng, đó là cùng mang lại lợi ích, giá trị cho xã hội. Trong việc thực hiện mục tiêu chung ấy, các tổ chức, cá nhân tôn giáo học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để thực hiện các hoạt động xã hội, khẳng định chức năng xã hội của tôn giáo có hiệu quả hơn, khi đó các chức sắc, tín đồ tôn giáo đang thực sự thực hiện các thúc đẩy đoàn kết tôn giáo một cách trực tiếp, cụ thể và hiệu quả.
Như vậy, với một chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, phát huy các giá trị tích cực, ưu việt của tôn giáo trong đời sống xã hội, nhà nước Việt Nam đã thực hiện vai trò quan trọng trong đoàn kết tôn giáo và thúc đẩy các giao lưu, gặp gỡ, thúc đẩy đoàn kết tôn giáo một cách hiệu quả. Điều đó đã mang lại cho Việt Nam một đời sống tín ngưỡng, tôn giáo thống nhất trong đa dạng, sôi động mà ổn định, đoàn kết, hòa hợp và cùng phát triển. Điều này trước hết là thành quả của một chính sách đúng đắn, phù hợp, tiếp đến là nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Thành quả này cũng là mục tiêu mà bất kỳ quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nào trên thế giới đều mong muốn hướng đến, mong muốn đạt được./.
TS. Lê Trung Kiên