Tư tưởng Đồng trần của Phật giáo nhà Trần, nhìn từ mối quan hệ giữa các tướng lĩnh chủ chốt
Ngày đăng: 14/11/2022
Một trong những triều đại làm rạng danh nước Việt là vương triều Trần (1225-1400). Những chiến công hiển hách về quốc phòng đã đưa lịch sử quân sự Việt Nam xuất hiện trang nghiêm trên thư tịch cổ quốc tế và cho đến nay những chiến thắng oai hùng đó vẫn là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học lịch sử trong và ngoài nước. Cùng với đó, hào khí Đông A luôn là niềm tự hào bất diệt của xứ sở con Lạc cháu Hồng. Song hành với những thành tựu to lớn về quân sự, đời Trần cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét về kinh tế chính trị, văn hóa xã hội... mà lĩnh vực văn hóa là một “trang vàng” với hoạt động Phật giáo trong tinh thần nhập thế.

Khái quát tư tưởng Đồng trần

Giáo lý nhà Phật trùng khớp với tư tưởng, tâm tư của người dân nên tạo sự hòa quyện, qua đó Phật giáo có vị trí quan trọng trong nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc, ví như với thời Lý-Trần khi tôn giáo này tựa như quốc giáo. Thời kỳ này, Phật giáo giống như một hệ tư tưởng-kim chỉ chỉ nam trong việc điều hành quốc gia của các nhà quản trị cũng như là nơi gửi gắm niềm tin và hành động theo lý tưởng (đã được thế tục) của dân chúng. Vì thế, Phật giáo xuất hiện và tham gia vào nhiều mặt của đời sống xã hội từ chính trị, quân sự cho đến văn hóa…

Dù trong cùng một giai đoạn lịch sự nhưng Phật giáo triều đại nhà Trần có những bước tiếp biến so với nhà Lý khi các nhà lãnh đạo quốc gia không chỉ vận dụng tôn giáo này trong xây dựng, bảo vệ đất nước mà còn phát triển thành những hệ tư tưởng phù hợp với đời sống xã hội của nhân dân. Cư trần lạc đạo, Hòa quang đồng trần…là những tư tưởng cốt lõi của Phật giáo thời Trần. Minh chứng điển hình là Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông là những hoàng đế xuất gia đã khởi phát cũng như đưa các giá trị trên vào đời sống xã hội, được cộng đồng tiếp nhận và thực hành….Đó cũng là lý do mà thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời và có vị trí uy nghi trong lịch sử dân tộc.

Giá trị chủ đạo của Phật giáo thời Trần là tinh thần nhập thế. Tinh thần này được hiểu là phật pháp tồn tại ở thế gian, không tách rời thế gian hay nói đơn giản hơn là đạo không tách khỏi đời và ngược lại đời không vắng bóng đạo. Hai yếu tố này luôn hiện hữu trong nhiều hoàn cảnh và đặc biệt càng ở cấp độ lớn càng phát huy nhiều giá trị. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua sự đồng lòng của toàn dân trong 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, cũng như trong quan hệ giữa các cá nhân có vai trò trọng yếu trong những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại ấy. Đó là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư...và không ít người trong số họ là những Thiền sư.

Một trong những tinh thần nhập thế Phật giáo đời Trần là tư tưởng “Hỗn tục hòa quang”, gọi cách khác là tư tưởng “Đồng trần”. Tư tưởng này được nhìn nhận như đem sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho cộng đồng, quốc gia. Vì thế mà luôn ưu phiền, suy tư, lo toan... trước thiên hạ, như trong lời hịch sau đây của Trần Quốc Tuấn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Lo toan thì trước thiên hạ nhưng hưởng thụ thì sau mọi người.

Bên cạnh đó, tư tưởng Đồng trần thể hiện rất rõ ở các khía cạnh như: Vì hạnh phúc của số đông, cộng đồng, không vì lợi ích của riêng mình. Trước khi mất, Trần Liễu, cha của Trần Quốc Tuấn căn dặn ông rằng : “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm được mắt”. Sau đó, thưc tế cho thấy, mặc dù có những điều kiện để thực hiện điều căn dặn của người đã mất nhưng Trần Quốc Tuấn không vì di nguyện mà làm ảnh đến bình yên, hạnh phúc của người khác, của cộng đồng.

Khi đã không vì hạnh phúc của cá nhân thì tinh thần vô ngã vị tha luôn thường trực trong tâm thức. Tư tưởng Đồng trần cho thấy rất rõ điều này qua những con người, sự việc cụ thể. Lịch sử ghi nhận sự trắc trở giữa chi Vạn Kiếp (chi trưởng-tạm coi Trần Quốc Tuấn là đại diện) và chi Tức Mạc (chi thứ nhưng nắm quyền- tạm coi trần Trần Quang Khải là đại diện…), nhưng hai ông đã xóa bỏ tư hiềm bằng việc tắm gội cho nhau, trân trọng tài năng của nhau khi chi nắm quyền trao quyền Tổng chỉ huy quân đội cho Trần Quốc Tuấn. Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử nhắc rất chi tiết hình ảnh vị Quốc công Tiết chế tắm cho vị Thái Sư dưới thuyền. Sự chia sẻ đạt đến cảnh giới của vô ngã vị tha.

Hòa quang đồng trần với tinh thần nhập thế cao độ của những con người cụ thể, nhất là những con người đó có vai trò, vị trí trong xã hội thì quốc gia ấy tất sẽ an lạc, vững mạnh. Chính sử từng chép, vua tôi nhà Trần thường ăn, ngủ, hát múa cùng nhau. Hay nói như Trần Quốc Tuấn là “Tướng sĩ một long phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Ngoài ra, tư tưởng Đồng trần biểu hiện rất rõ ở việc, người tu hành ngoài việc thực hành chính pháp thì cần phải sống tùy tục, tùy duyên, theo cái lý của hiện thực. Nói dễ hiểu hơn là sống không xa rời thực tiễn, thuận theo thực tiễn mà hành động, nhất là khi thực tiễn ở phạm vi quốc gia, dân tộc.

Cảnh giới giới vô ngã của những nhân vật chủ chốt

Về quan hệ giữa các cá nhân có vai trò thiết yếu trong các cuộc chiến vệ quốc, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tinh thần Phật giáo nhập thế và tư tưởng Đồng trần vô cùng đậm nét trong bối cảnh đó. Mối quan hệ mà chúng tôi muốn nói ở đây là giữa Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn. Một người là con ruột vua, được giao nhiều quyền bính (Trần Quang Khải). Một người phần lớn cuộc đời sống ở thái ấp Vạn Kiếp, khi giang sơn gặp điêu linh mới tham chính (Trần Quốc Tuấn).

Theo các tài liệu chính sử, mối quan hệ giữa 2 giường cột nước nhà ấy, do điều kiện của lịch sử trước họ để lại gây nên trắc trở khi cha của Trần Quốc Tuấn là Trần Liễu đứng ở vai anh nhưng không được làm hoàng đế. Cha Trần Quang Khải là Trần Cảnh ở vai em nhưng ngồi ghế chí tôn. Những ngày này cách đây, 737 năm, Đại Việt đang gấp rút chuẩn bị những bước cuối cùng cho một trong những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại nhất lịch sử dân tộc (kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5/1285), nhắc đến hai ông cũng là nhắc đến tư tưởng đồng trần chói lòa.

Câu đặt ra là tại sao Trần Quốc Tuần khi nắm quyền Tổng chỉ huy quân đội lại không làm đảo chính mang ngai vàng dòng trưởng? Thử đặt trường hợp nếu quyền Tiết chê thuộc về Trần Ích Tắc thì câu chuyện sẽ ra sao. Trần Ích Tắc không phải là người hèn nhát mà trong ông có tham vọng nguyên thủ. Câu trả lời chỉ có thể là xóa bỏ thù nhà, chung tay gánh vác nợ nước, vì đại thống quốc gia. Đó là tinh thần của những con người bất vị thân (không vì mình). Với cha, Trần Quốc Tuấn có thể là người con bất hiếu nhưng với giang sơn xã tắc và với hậu thế, ông là Đức Thánh Trần mà muôn triệu con dân nước Việt một lòng tôn kính!

Nhà bia thờ Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và phu nhân tại xã Mỹ Thành, Mỹ Lộc (Nam Định)

Tư tưởng đồng trần thể hiện rất rõ ở con người Trần Quốc Tuân là sống tùy hỷ, tùy duyên, theo cái lý của sự vật. Không xa rời thực tiễn, thuận theo cái lý của thực tiễn để hành động. Nếu ông làm đảo chính chưa chắc đã thành công mà giang sơn sẽ lầm than bởi gót giày xâm lược. Thậm chí sau khi kết thúc chiến tranh, với vị thế và uy tín đang ở trên đỉnh cao, cùng với các con của mình sở hữu điền trang thái ấp, trấn giữ các nơi trọng yếu dọc một dải Đông Bắc, ông vẫn có thể “cướp chính quyền”, nhưng một người đức độ như Đức Thánh Trần sẽ không bao giờ làm vậy. Minh chứng cho việc này, các tài liệu chính sử chép “Trần Quốc Tuấn từng vờ hỏi các con. Ông hỏi Trần Quốc Nghiễn: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào? Quốc Nghiễn thưa: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!". Ông đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng nói: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ". Trần Quốc Tuấn rút gươm kể tội: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra" và định giết Quốc Tảng, Quốc Nghiễn vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Trần Quốc Tuấn mới tha. Sau đó, ông dặn Quốc Nghiễn: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng".

Hành động của Trần Quốc Tuấn được xem là sự nối dài của tinh thần bất vị thân trong hoàng gia nhà Trần. Trước ông, Trần Thái Tông đã từng lấy thân mình che cho Trần Liễu khỏi sự trừng phạt của triều đình. Cũng chính Trần Thái Tông từng rời bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu tập, song vì xã tắc, vì lợi ích chung, ông quay trở lại Thăng Long. Tương tự, trước khi lên ngôi, Trần Nhân Tông không ít lần muốn triều đình để em mình là Trần Đức Việp tiếp quản ngai vàng, nhưng trách nhiệm quốc gia khó rũ bỏ nên các vị đã điều chỉnh để đời và đạo song hành với nhau, vừa tu tập vừa điều hành quốc gia, giá trị của tinh thần nhập thế Phật giáo vì thế luôn hiện hữu. Phải là những con người tu mình và sửa mình ra sao thì mới đạt tới cảnh giới vô ngã như vậy.

Về Trần Quang Khải, là Thượng tướng Thái Sư, ông hoàn toàn có thể kiêm luôn chức Tổng chỉ huy quân đội nhưng trong bối cảnh quân xâm lược ngoài bờ cõi, trăm họ cần một sự đoàn kết, đồng lòng mà anh em ông không là những người khỏi xướng, thực hiện sự đoàn kết thì làm sao để “nhất hô bá ứng”. Sự tiếp tục chia rẽ giữa chi trưởng và chi thứ rất có thể sẽ khiến bá tánh quay lưng lại với vận mệnh quốc gia. Ngoài ra, Trần Quang Khải cũng như Trần Thánh Tông nhìn nhận rất rõ tài thao lược và sự đức độ của Trần Quốc Tuấn (mặc dù phần lớn thời gian Trần Quốc Tuấn sống ở thái ấp Vạn Kiếp, không tham gia triều chính). Nếu như trao quyền chỉ huy cho người kém tài thì hẳn sẽ không có những chiến thắng lừng lẫy sử xanh như vậy, thậm chí là thất bại. Trần Quang Khải tin cậy tài thao lược của Trần Quốc Tuấn đến độ khi chiến tranh xảy ra, mặc dù là Thượng tướng Thái Sư chỉ đứng dưới vua, nhưng ông tự nguyện đặt mình dưới quyền chỉ huy về quân sự của Trần Quốc Tuấn. Minh chứng, ông được điều động chỉ huy cánh quân ở Thanh Hóa để cản đường tiến quân của Toa Đô từ Chiêm Thành tiến ra Thăng Long. Sau đó, ông là người chỉ huy chiến thắng Chương Dương lẫy lừng.

Cũng giống như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải là người hành động theo tùy hỷ, tùy duyên, tùy theo cái lý của thực tiễn. Bảng nhãn, sử gia Lê Văn Hưu, người từng là thầy của hoàng tử Trần Quang Khải nhận xét về học trò “tự tri giả anh, tự thắng giả hùng” – “biết được mình là sáng suốt, thắng được mình là anh hùng” .

Có thể nói tinh thần nhập thế Phật giáo đời Trần là những hành động có mục đích tốt đẹp hướng tới xã hội cả ở phạm vi quốc gia, nó không bó hẹp ở cá thể, ở cộng đồng nhỏ bé. Những con người trong giai đoạn đó dù là quý tộc, vua chúa hay thường dân đều hòa mình vào đời sống xã hội. Tư tưởng Phật giáo thời nhà Trần về cơ bản không cũng là tư tưởng Phật giáo nguyên thủy, điều quan trọng và mới mẻ là triều đình nhà Trần đã mang tinh thần Phật giáo dấn thân nhập thế để phục vụ xã tắc và lê dân trăm họ./.

 

Thanh Hà