Tôn giáo, nơi lưu trữ các giá trị văn hóa đạo đức: Những ghi nhận từ kinh điển Phật giáo
Ngày đăng: 03/11/2022
Có thể nói không quá rằng, tất cả các tôn giáo sinh ra đều vì con người, phục vụ con người và hướng con người đến các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Đó cũng là lý do mà tôn giáo vượt qua phạm vi lãnh thổ sinh ra nó để lan tỏa, du nhập và phát triển đến mọi nơi. Vì lẽ đơn giản, tôn giáo chỉ tồn tại và phát triển khi con người tiếp nhận, tin theo và thực hành nó. Ở một khía cạnh nào đó, dù trong giáo lý nguyên thủy hay trong thực tiễn đời sống, tôn giáo đã thể hiện như một kho tàng lưu trữ và xiển dương các giá trị văn hóa đạo đức. Phạm vi bài này chỉ xin đề cập đến trường hợp của Phật giáo.

Những lời dạy đức hạnh của Thích Ca với mỗi đối tượng xã hội, được kinh điển Phật giáo ghi chép lại còn lưu truyền đến nay, đã phản ánh những giá trị văn hóa đạo đức làm cho họ nhận biết, thay đổi ý nghĩ và thay đổi hành vi, mang các giá trị đạo đức đó thực hành ngay trong đời sống hàng ngày của họ, lan tỏa, ảnh hưởng, góp phần tạo nên những giá trị đạo đức xã hội. Điều này có thể thấy rõ qua lịch sử Phật giáo.

Từ việc vua Asoka (A Dục) nguyên là một vị vua tham đắm chinh phục và chém giết, trở thành một người mộ đạo, thực hiện chính pháp trên ngai vàng trị quốc, tuyên truyền giáo lý Phật giáo sau khi ông tiếp cận và thấm nhuần những lời dạy của Thích Ca. Đến việc những vị đại quý tộc, đại thí chủ như Cấp Cô Độc (người bỏ tiền vàng ra mua và xây dựng tịnh xá rộng lớn dâng cúng Phật - Khi du nhập vào Việt Nam, nhân vật Cấp Cô Độc được thể hiện với hình ảnh “Đức Ông” và tôn trí thờ trên chùa Phật với ý nghĩa người bảo trợ cho Phật giáo), thái từ Kỳ Đà (người đã cùng Cấp Cô Độc xây dựng tịnh xá với tên chung của hai ông - Tịnh xá Kỳ Đà thụ Cấp Cô độc viên - để dâng cúng Phật) vì nể trọng đạo hạnh và giá trị tốt đẹp mà đức Phật đem lại cho xã hội đã cúng dàng toàn bộ vàng bạc, điền sản, xây dựng tịnh xá để dâng tặng Phật và tăng đoàn, và cũng từ đó, họ trở thành những tín đồ tại gia thuần thành của Phật giáo, thụ trì và thực hành những chuẩn mực đạo đức được đem lại qua giáo lý Phật giáo. Rồi đến những người lao động bình thường như thợ rèn, người chăn bò, người quản tượng, đã vì giá trị đạo đức trong lời dạy của Thích Ca mà vâng theo, rồi áp dụng ngay vào đời sống thực tiễn hàng ngày của họ. Một minh chứng tiêu biểu nữa là Thi-ca-la-việt, người đã được Thích Ca dạy về những chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ với gia đình, cha mẹ, vợ chồng, thầy trò, bạn bè,... đã ứng dụng vào đời sống của anh ta, làm cho cuộc sống của anh ta trở nên thuần thiện, đạo đức, và được mọi người ca tụng. Hay hạ đẳng nhất, xấu xa nhất như tên kẻ cướp Angulimala, gái làng chơi Ambapàli, khi được tiếp cận, lắng nghe những lời dạy đầy đạo đức và phẩm hạnh của Thích Ca, đã tự nguyện xuất gia tu hành hoặc thọ trì giới pháp tu hành tại gia, dừng bặt những ý nghĩ, lời nói và hành động xấu ác, trở thành những con người có đời sống phạm hạnh, được mọi người kính trọng. Những trường hợp được nêu lại ở đây mới là một vài nhân vật tiêu biểu, có thật trong lịch sử Phật giáo, có sự ảnh hướng lớn, còn hàng triệu người đã và đang học tập và làm theo những lời răn dạy của Thích Ca, đang thúc đẩy trong chính cá nhân họ quá trình thanh lọc hóa tâm hồn, đạo đức hóa ứng xử, và nhân đạo hóa chính con người họ, rồi biến thành các hành động với những chuẩn mực về đạo đức, từ đó lan tỏa làm thúc đẩy sự tốt đẹp của đạo đức xã hội. Đó chính là sự biểu hiện giá trị văn hóa đạo đức được thể hiện qua lời dạy của Thích Ca, được đệ tử ông ghi chép thành kinh điển, được lưu truyền đến ngày nay.

Khi giáo lý Phật giáo được phổ biến trong xã hội, và nhất là qua các hoạt động thực hành giáo lý hằng ngày của chức sắc, tín đồ Phật giáo, các hành động thiện nguyện gắn với xã hội, các giá trị đạo đức văn hóa Phật giáo càng có cơ hội được tuyên truyền, xiển dương và phổ biến trong xã hội. Khi đó, Phật giáo đã đóng vai trò quan trọng tuyên truyền, phát huy giá trị văn hóa đạo đức của tôn giáo mình trong đời sống xã hội.

Chúng ta có thể nhận thấy vai trò của Phật giáo trong việc lưu trữ và tuyên truyền về văn hóa đạo đức thông qua một số biểu hiện cụ thể dưới đây:

Thứ nhất, giá trị văn hóa đạo đức thể hiện trong kinh tạng Phật giáo góp phần quan trọng vào việc hình thành, thúc đẩy văn hóa và đạo đức xã hội

Giá trị đạo đức Phật giáo đã tác động để hình thành quan điểm về cái thiện, về cái ác trong xã hội; những nhận định mang tính chất nhân - quả đạo đức, như “thiện giả thiện báo”, “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”, những quan điểm đạo đức về sự bình đẳng giữa mọi con người, quan điểm về trọng sinh, coi trọng sinh mạng loài người và muôn loài, những điều thiện nên làm, những điều ác cần bỏ... phù hợp với tâm thức và đạo đức xã hội nói chung, đã trở thành những chuẩn mực đạo đức văn hóa xã hội chung, không chỉ riêng trong cộng đồng Phật giáo. Các giá trị đạo đức Phật giáo đó được xã hội chấp nhận, tiếp nhận, thực hành, coi là các chuẩn mực, cùng với những thiết thế đạo đức tôn giáo, nó có tác dụng hình thành những nhận thức đạo đức và thúc đẩy đạo đức cá nhân, góp phần thúc đẩy việc hình thành, hoàn thiện đạo đức xã hội.

Thứ hai, giá trị văn hóa đạo đức thể hiện trong kinh điển Phật giáo tác động tích cực vào ý thức đạo đức con người, dẫn đến sự thay đổi tích cực trong ý nghĩ, lời nói, hành động theo hướng tốt đẹp

Những ý nghĩ, lời nói, việc làm tốt đẹp đó thể hiện các giá trị được cụ thể hóa, và những chuẩn mực trong đời sống xã hội. Những giá trị đạo đức được kinh điển Phật giáo nêu ra, gắn với mỗi trách nhiệm đạo đức của mỗi vị trí xã hội của con người, như giá trị đạo đức cần hướng đến đối với người đứng đầu đất nước, đối với những người quản lý xã hội và quản lý lao động, đối với người làm công, đối với bậc làm cha mẹ, đối với người làm con cái, đối với người làm thầy, đối với người làm học trò, đối với bạn bè, thân hữu... đã tạo nên hệ thống giá trị đạo đức, tác động vào đạo đức cá nhân và ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành đạo đức xã hội.

Những quan điểm đạo đức Phật giáo như: “Dù xây chín bậc phù đồ (tháp), không bằng làm phúc cứu cho một người”; “Cứu nhất nhân đắc kỳ vạn phúc, cứu một người phúc đẳng hà sa”; hay quan niệm “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”; hoặc cách đánh giá và trân trọng, cùng những trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ theo chuẩn mực đạo hiếu trong Phật giáo “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”; hoặc những chuẩn mực trong tinh thần ái ngữ của Phật giáo “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... là kết quả đúc rút của nhận thức đạo đức và thực hành đạo đức theo lời dạy trong kinh điển Phật giáo. Những quan niệm đó, tiêu chuẩn đó đã trở thành những chuẩn mực đạo đức xã hội, trở thành công cụ, trở thành thước đo đánh giá đạo đức, nhân phẩm con người.

Thứ ba, giá trị văn hóa đạo đức trong giáo lý Phật giáo góp phần trở thành công cụ hữu hiệu đẩy lùi dẫn đến xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực phi đạo đức trong xã hội

Tính nhân - quả trong quan điểm đạo đức Phật giáo cho rằng, nếu một người thực hiện những lời nói, suy nghĩ, hành động đạo đức sẽ nhận được phúc báo về những điều tốt đẹp, như được mọi người kính trọng, tin tưởng, tán thán, tuân phục, đạt được sự hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống, dứt lìa được những lo lắng xấu ác có thể xảy ra. Ngược lại, nếu một người thực hành những lời nói, ý nghĩ, hành động phi pháp, vô đạo đức sẽ phải nhận những quả báo xấu ác, bị mọi người khinh khi, xa lánh, người đó sẽ không có được sự yên vui hạnh phúc trong cuộc sống. Quy luật lô gic trong quan điểm về nhân - quả đạo đức của kinh điển Phật giáo đã trở thành một sự răn đe, cảnh tỉnh cho đạo đức cá nhân, vì đó mà nỗ lực thực hiện lời nói, ý nghĩ, việc làm theo những chuẩn mực, giá trị đạo đức. Nhờ đó, những giá trị đạo đức trong  kinh tạng Phật giáo Pàli trở thành công cụ thúc đẩy đạo đức xã hội và xóa bỏ những biểu hiện phi đạo đức.

Thực hành những chuẩn mực đạo đức không chỉ làm tăng lên những giá trị tốt đẹp của con người trong xã hội, mà ngay khi những giá trị đạo đức ấy được thực hành thì cũng chính là lúc những điều vô đạo đức, những điều xấu ác được ngăn chặn và loại bỏ. Những lời răn khuyên trong kinh điển Phật giáo như, thân không làm các việc ác: sát sinh, trộm cắp, tà dâm; khẩu không nói lời thô dữ, độc ác và nói dối; ý không tham lam, sân hận và si mê, đồng thời việc khuyến khích sống tuân thủ theo tinh thần của năm cấm giới, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu như đã nêu trong lời giáo huấn của Thích Ca chính là biện pháp bảo vệ quyền con người hữu hiệu nhất. Việc tuân thủ năm giới cấm, như nêu trên, hoàn toàn ngăn chặn sự phạm pháp của năm khía cạnh quan trọng về nhân quyền được ghi lại trong các Công ước Nhân quyền của Liên hiệp quốc. Cụ thể là, (1) mỗi người đều có quyền để bảo vệ cuộc sống của mình, (2) mỗi người đều có quyền để bảo vệ của cải và tài sản, (3) mỗi người đều có quyền sống một cuộc sống gia đình bình yên, (4) mỗi người đều có quyền được biết thông tin đúng và (5) mỗi người đều có quyền để duy trì sự an bình của tâm. Các quyền cơ bản vẫn được giữ nguyên bởi việc chấp hành năm tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội.

Các giá trị văn hóa đạo đức Phật giáo đồng hành cùng sự Phát triển của Phật giáo trong lòng xã hội Việt Nam, một mặt nó tạo nên những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, như những đúc kết mang tính giáo dục: “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau vả tàu bỏ cỏ”, “lá lành đùm lá ránh”... Thậm chí, giá trị văn hóa đạo đức Phật còn đi từ đời thực vào thi ca, vào những loại hình sân khấu nghệ thuật, mà “Quan Âm Thị Kính”. “Tấm Cám” là những tiêu biểu cho việc điển hình hóa giá trị văn hóa đạo đức Phật. Qua những hình tượng tiêu biểu và những hành vi thể hiện giá trị văn hóa đạo đức Phật, nó đã góp phần tích cực khẳng định những điều tốt đẹp, thiện lành, đẩy lùi những biểu hiện xấu, ác và thanh lọc xã hội.

Thứ tư, giá trị văn hóa đạo đức trong kinh điển Phật giáo góp phần hình thành hệ giá trị để đánh giá, định giá văn hóa đạo đức xã hội

Có thể khẳng định, đạo đức là nền tảng luân lý mà bất kỳ thời đại nào cũng cần phải xây dựng, củng cố và phát triển. Con người nếu không có đạo đức thì không dùng được. Xã hội nếu thiếu nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn. Luân lý đạo đức là phương châm, lối sống định hướng cho con người và xã hội sống tốt, sống thiện, mang đến an bình và hạnh phúc. Đó là những giá trị mà đạo đức Phật giáo khẳng định. Có nhiều quan niệm về đạo đức, như: đạo đức phương Đông, đạo đức phương Tây, đạo đức Khổng giáo, Lão giáo và đạo đức theo các tôn giáo khác. Mỗi tôn giáo, vùng địa lý và cộng đồng xã hội đều có chuẩn mực đạo đức luân lý của riêng mình. Nhưng giá trị đạo đức Phật giáo thiết lập nhằm mục đích thanh tịnh đời sống, đưa đến đời sống an lạc hạnh phúc thật sự. Đây được xem là nền đạo đức luân lý tiêu chuẩn có giá trị ứng dụng cao hình thành hệ thống các chuẩn giá trị đạo đức trong cuộc sống con người. Tâm thức xã hội đã quen với những câu ví thể hiện việc đánh giá chuẩn mực đạo đức đi ra từ những giá trị đạo đức Phật giáo, như: “Ác như ma, hiền như Bụt”, hay “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”... Giá trị văn hóa đạo đức Phật không chỉ là công cụ đánh giá, mà nó còn trở thành các tiêu chí điều chỉnh hành vi đạo đức và ửng xử của con người.

Phật giáo thiết lập một nền tảng đạo đức luân lý bằng cách tịnh hóa tam nghiệp (thân, khẩu, ý) và ngăn chặn tam độc (tham sân, si) sinh khởi trong con người. Do vậy, cần phải ngăn chặn các hành vi vi phạm các nguyên tắc đạo đức, nhằm củng cố thêm sức mạnh nội tâm cũng như năng lượng phòng hộ cho bản thân. Mặc khác thúc đẩy sự nỗ lực trong việc thực hành các thiện hạnh, phát triển lòng từ  bi, vô ngã vị tha nhằm hóa giải tất cả những hận thù, tranh chấp trong đời sống. Dưới góc nhìn chỉnh thể của Phật giáo và với lý thuyết thực thể tôn giáo, việc tuân thủ nề nếp thuần khiết đạo đức, thiết lập các điều kiện và nền tảng căn bản của thiện hạnh sẽ mang lại một cuộc sống lành mạnh cho cá nhân cũng như xã hội.

Thứ năm, giá trị văn hóa đạo đức trong kinh điển Phật giáo với những nội dung liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với mỗi con người với mỗi ngành nghề xã hội đã thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế, chính trị, xã hội

Những lời răn dạy về những hành động chính nghiệp, chính mệnh, không kiếm tiền tài, của cải, vật chất từ các ngành nghề phi pháp, phi đạo đức, trái với chuẩn mực và luân lý xã hội, không xung đột, không gây chiến giữa những nhóm xã hội và các quốc gia. Cùng những nội dung như chia sẻ thu nhập, nguồn lợi có được một cách hợp pháp cho những người nghèo đói, thiếu thốn hơn; thực hiện quản lý nghề nghiệp, quản lý xã hội bằng tài năng, đạo đức và vì lợi ích chung; cùng bàn luận, cùng thực hiện công việc trong sự thống nhất và đoàn kết; giải quyết những mâu thuẫn, những hiểu lầm, những tranh chấp bằng thành ý, tinh thần bình đẳng và lòng yêu thương đã góp phần thúc đẩy việc tạo lập một xã hội hài hòa, cân bằng, ổn định, xóa bỏ sự chênh lệch về kinh tế, xã hội, làm giảm những bất ổn chính trị, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Kết luận

Có thể nói, kinh tạng Phật giáo là nơi lưu trữ, bảo lưu các giá trị văn hóa đạo đức Phật giáo. Qua việc hoằng truyền giáo lý, thực thành tôn giáo, những giá trị văn hóa đạo đức đó được tuyên truyền trong xã hội, tạo nên những tác động tích cực đến đời sống văn hóa đạo đức mỗi con người nói riêng và văn hóa đạo đức xã hội nói chung. Có thể nói không quá rằng, Phật giáo chính là tôn giáo của văn hóa đạo đức. Và việc tu hành Phật giáo chính là việc thực hành các chuẩn mực văn hóa đạo đức trong xã hội. Phật giáo không chỉ thiết lập nền tảng đạo đức để tạo nên lối sống lành mạnh là điều kiện thiết yếu trong việc kiến tạo hạnh phúc an lạc lâu dài cho đời sống của con người, mà chính Phật giáo, trong thực tiễn đời sống tôn giáo, còn tuyên truyền, thúc đẩy thiết lập một đời sống an bình, và hạnh phúc, thúc đẩy việc hành thành một xã hội tốt đẹp, toàn thiện dựa trên nền tảng những giá trị văn hóa đạo đức./.

 

TS. Lê Trung Kiên