Thực trạng tôn giáo và những vấn đề đặt ra cho đối thoại liên tôn giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 15/09/2022
Đối thoại liên tôn giáo là một cơ chế đối thoại phổ biến diễn ra trên thế giới đề xử lý các nguy cơ xung đột tôn giáo, thực hiện hòa giải và hòa hợp tôn giáo, hướng tới việc chung sống hòa bình, cùng nhau phát triển và phát huy tốt nhất vai trò xã hội của mỗi tôn giáo trong đời sống nhân loại.
Ở Việt Nam, xung đột tôn giáo chưa xuất hiện. Tuy nhiên, thúc đẩy các cơ chế đối thoại tôn giáo và đối thoại liên tôn giáo là việc làm cần thiết để tránh các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột. Đây là yêu cầu đặt ra cho cả các chủ thể tôn giáo và cho Nhà nước, với vai trò điều tiết các mối quan hệ xã hội.
Tiếp cận một số khái niệm liên quan
Để làm rõ góc nhìn và hướng tiếp cận vến đề, trước khi tìm hiểu thực trạng tình hình tôn giáo và những vấn đề đặt ra cho đối thoại liên tôn giáo, chúng ta cần thống nhất nội hàm một số khái niệm liên quan, như: tôn giáo, xung đột, hòa hợp, hòa giải, và đối thoại.
Tôn giáo: Tôn giáo được nói đến ở đây không chỉ thuần túy là một hình thái ý thức xã hội, mà là một thực thể xã hội, một tổ chức xã hội, có tổ chức, có hoạt động, có lịch sử, có vai trò và có mối quan hệ.
Xung đột: 1 - Là một hiện tượng tất yếu trong mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi xã hội trong quá trình tiếp nhận và xử lý các mối liên hệ của cá nhân, tập thể và xã hội, có một quy mô nhất định vào một thời điểm nhất định và kéo dài trong một thời gian nhất định. 2 - Là trạng thái mâu thuẫn đối kháng của hai chủ thể với một cấp độ nhất định và để lại một kết quả, hậu quả cụ thể. 3 - Mâu thuẫn là biểu hiện đầu tiên hay đó là tiên đề của xung đột. Có hai loại xung đột: xung đột tích cực và xung đột tiêu cực. Xung đột tích cực dẫn tới kết quả tiến bộ, phát triển. Xung đột tiêu cực dẫn tới kết cục phản tiến bộ, tàn phá, thảm họa. 4 - Lợi ích vừa là nguyên nhân, vừa là động lực của xung đột. Lợi ích được đề cập đến ở đây bao gồm cả lợi ích tinh thần, lợi ích vật chất, cả thế quyền lẫn thần quyền.
Hòa hợp: Là trạng thái có được nhờ sự nuôi dưỡng và thể hiện những tư tưởng, hành vi đồng điệu trên một nền tảng nhân văn rộng lớn.
Hòa giải: Là hành vi dung hòa những khác biệt hoặc xung đột giữa các chủ thể tìm kiếm tiếng nói chung, những điểm tương đồng nhằm cùng kiến tạo mối quan hệ tốt đẹp, một hành vi tốt đẹp, một tương lai tốt đẹp để đáp ứng tối đa lợi ích của các chủ thể và cộng đồng.
Đối thoại: Là sự truyền thông, giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ và các phương tiện bổ trợ của các chủ thể một cách chủ động nhằm cung cấp thông tin, tạo sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, từ đó xóa bỏ những mâu thuẫn, xung đột, tiến tới hòa giải và hòa hợp bền vững.
Thực trạng tôn giáo ở Việt Nam
Do những đặc điểm riêng về địa lý, dân cư, lịch sử, văn hóa,... Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo riêng của mình. Người Việt có các hình thức tín ngưỡng dân gian như thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ những người có công với cộng đồng, dân tộc, thờ thần, thờ thánh, nhất là tục thờ Mẫu của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số với hình thức tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy, như Tô Tem giáo, Bái vật giáo, Sa man giáo,... Trải qua thời gian, các tôn giáo lớn trên thế giới lần lượt xuất hiện ở Việt Nam. Ban đầu là Phật giáo (được cho là đến Việt Nam vào cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III sau công nguyên), tiếp đến là Công giáo (giữa thế kỷ thứ XVI), Hồi giáo (cuối thế kỷ XIX) và muộn hơn cả là đạo Tin Lành (vào Việt Nam năm 1911). Đến nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, ở Việt Nam có 41 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau; với trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước); trên 58 ngàn chức sắc; 148 ngàn chức việc và gần 29,8 ngàn cơ sơ tôn giáo. Song có đến hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, chủ yếu ảnh hưởng Phật giáo.
Ngoài 41 tổ chức tôn giáo trên, ở Việt Nam còn có một số nhóm tôn giáo địa phương, hoặc mới được thành lập có liên quan đến Phật giáo hoặc mới du nhập ở bên ngoài vào (chủ yếu là các tổ chức Tin Lành).
Sự đa dạng của đời sống tôn giáo ở Việt Nam không chỉ về số lượng loại hình tôn giáo, mà sự đa dạng còn được phản ánh trên nhiều phương diện, như: quy mô của từng loại hình (có tổ chức trên chục triệu tín đồ, có tổ chức chỉ vài trăm người theo; có tổ chức hoạt động trên khắp cả nước, có tổ chức chỉ khu trú ở một số địa phương, khu vực), nguồn gốc hình thành (có tôn giáo bên ngoài du nhập, lại cũng có tôn giáo bản địa và phát triển vươn ra ngoài nước như trường hợp đạo Cao Đài); có tôn giáo vào Việt Nam bằng con đường hòa bình, nhưng cũng có tôn giáo xuất hiện ở Việt Nam bằng những con đường khác. Trong quá trình hình thành, phát triển của mình, mỗi một tôn giáo lại có lịch sử riêng, sự đóng góp của các tôn giáo vào công cuộc dựng nước và giữ nước cũng vì thế mà nhiều ít khác nhau, tuy bao trùm là đồng hành cùng dân tộc nhưng cũng không tránh khỏi sự so sánh.
Cũng cần nói thêm rằng, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam cũng khá đa dạng, trong đó có một bộ phận không nhỏ tín đồ là người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Nơi đây mặt bằng dân sinh và trình độ dân trí thấp so với bình quân của cả nước nhưng tính bản địa, vùng miền và ý thức tự tôn của các dân tộc thiểu số lại khá điển hình, nên cũng có những nguy cơ xảy ra xung đột giữa tôn giáo với văn hóa bản bản địa, giữa những người đồng tộc theo tôn giáo và không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác nhau.
Chính vì vậy, nếu không có một chính sách điều tiết tốt, sự khác biệt của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau ở Việt Nam sẽ rất dễ có nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột như những gì đã và đang xảy ra ở các nước có đặc điểm tôn giáo tương đồng. Ở đó, một bộ phận không nhỏ dân cư đang phải chịu nhiều bất ổn chính do các tôn giáo xung đột với nhau gây ra. Cho đến nay, Việt Nam đã không để xảy ra điều đó. Hòa hợp tôn giáo là đặc điểm xuyên suốt và nổi bật của tình hình tôn giáo ở Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại.
Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 8 năm 2018 tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP. HCM, với sự tham dự của đại diện các tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Tôn giáo Baha’i, Islam…
Những đặc điểm tích cực hạn chế nguy cơ xung đột tôn giáo
Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng ở Việt Nam không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn. Hầu hết các tôn giáo đều có những đóng góp nhất định cho dân tộc trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, các tôn giáo có vai trò và vị trí khác nhau trong đời sống xã hội nhưng ở Việt Nam chưa từng xảy ra xung đột tôn giáo. Khác với nhiều quốc gia hiện nay, vẫn có một tôn giáo giữ vai trò chủ đạo với số lượng tín đồ chiếm đa phần dân số (thường gọi là quốc đạo hay quốc giáo), các tôn giáo ở Việt Nam dù ít hay nhiều tín đồ thì đều tồn tại đan xen với nhau, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Chúng ta có thể một số đặc tính cơ bản tác động đến sự hài hòa tôn giáo ở Việt Nam trên một số phương diện cơ bản sau đây:
Thứ nhất, theo dòng lịch sử, trên lãnh thổ Việt Nam, số lượng tôn giáo tăng theo xu thế hòa quyện, không đối đầu. Người dân Việt Nam dường như có tính khoan dung, độ lượng trong quan hệ đa tôn giáo. Các tín ngưỡng truyền thống phản ánh đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, sự khoan dung, độ lượng, nhân ái của người Việt Nam và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những yếu tố để người Việt Nam dễ hòa đồng với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, ở những giai đoạn nhất định, bên cạnh những tôn giáo lớn, chủ lưu thì luôn có những loại hình tôn giáo khác cùng tồn tại và phát triển song song. Sau khi du nhập vào Việt Nam, các tôn giáo đều trải qua quá trình bản địa hóa và có sự tiếp biến với các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo bản địa khác nên các tôn giáo luôn có xu hướng tác động, ảnh hưởng lẫn nhau và chung sống một cách hòa bình, hữu hảo bên nhau. Thậm chí bản thân các tôn giáo lớn, giữ vai trò gần như là chủ đạo của xã hội trong những thời kỳ lịch sử nhất định thì ngay trong nó đã có sự dung hòa với giá trị của các tôn giáo khác. Điều này được thể hiện ngay trong điện thờ của các loại hình tôn giáo khác nhau: Trong các chùa Phật giáo (nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Bắc), ngoài thờ Phật còn thờ cả các vị Thánh, Tiên của Nho giáo, Lão giáo; các vị thần của tín ngưỡng dân gian Việt Nam như Thổ công, Thổ địa, Thành hoàng, các Mẫu… Trong Thánh thất của đạo Cao Đài có sự hội tụ cả các giá trị văn minh phương Tây và văn minh phương Đông. Với Công giáo, sau một thời gian dài tồn tại ở Việt Nam, Giáo hội Công giáo đã cho phép tín đồ được kính nhớ tổ tiên, được lập bàn thờ tổ tiên dưới bàn thờ Chúa…
Thứ hai, người Việt Nam có sự linh hoạt trong tiếp nhận tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của người châu Âu”. Đối với người Việt Nam, không ít người sẵn sàng chấp nhận thờ cúng cả thần, thánh, tiên, Phật, lẫn thổ công, hà bá… Họ có thể đều đặn đến chùa mà vẫn say sưa hầu bóng; có thể vừa chịu đủ những phép bí tích mà vẫn ham bói toán, tử vi; vừa tham gia các nghi lễ tôn giáo lớn mà vẫn chăm chỉ thờ cúng tổ tiên, tổ chức hội làng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người Việt Nam “tắm mình trong tâm thức tôn giáo nhưng lại khó có thể tìm thấy trong họ một niềm tin rõ rệt”. Qua đây cho thấy, người Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện các nghi thức sinh hoạt của nhiều tôn giáo khác nhau, miễn là đáp ứng được những nhu cầu nhất định của cá nhân họ.
Một bộ phận người Việt Nam có xu hướng chuyển đổi hoặc đa dạng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo: Họ đang tin thờ một đối tượng thiêng này lại từ bỏ niềm tin đó và chuyển sang tin thờ một đối tượng thiêng khác. Điển hình như trường hợp người Mông, người Dao và một số dân tộc thiểu số khác từ bỏ tín ngưỡng truyền thống của mình để chuyển sang theo Công giáo và Tin Lành; một số người chuyển từ hệ phái Tin Lành này sang hệ phái Tin Lành khác; nhiều người Kinh theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng khi về già lại quy y theo Phật giáo, họ không từ bỏ tín ngưỡng truyền thống mà họ vừa thờ cúng ông bà tổ tiên, đồng thời cũng là Phật tử…
Thứ ba, có sự tương đồng, dung hợp nhất định trong tư tưởng và cả trong hình thức thực hành của các tôn giáo ở Việt Nam. Thực tế, mỗi tôn giáo đều mang trong mình một hay nhiều tín ngưỡng; các tín ngưỡng này đã có sự giao thoa với văn hóa Việt Nam và đều hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, chịu ảnh hưởng của truyền thống dân tộc, góp phần tạo nên những nét đẹp trong nền văn hóa đa dạng, phong phú về bản sắc của dân tộc. Hệ thống giáo lý của các tôn giáo nội sinh (Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam,...) hầu hết đều chịu ảnh hưởng từ các tôn giáo có trước.
Thứ tư, tín đồ của các tôn giáo khác nhau có thể là người trong cùng một gia đình, một dòng họ, chung sống trong cùng một làng, một xã… Trong nhiều cộng đồng dân cư có sự xen kẽ giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo. Ở nhiều nơi, trong cùng một làng, xã, có nhóm tín đồ của tôn giáo này sống đan xen với nhóm tín đồ của tôn giáo khác hoặc với những người không theo tôn giáo và họ sống hòa hợp với nhau trên nền tảng làng, xóm, dòng họ. Vì vậy, trong một làng có thể có nhà thờ của Công giáo bên cạnh ngôi chùa thờ Phật cùng rất nhiều đình, đền, miếu, phủ của hệ thống tín ngưỡng dân gian. Chức sắc các tôn giáo cũng luôn có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau; trong những năm gần đây, trong các dịp lễ trọng của các tôn giáo, chúng ta không khó để thấy được hình ảnh những đoàn chức sắc của tôn giáo này tới chúc mừng ngày lễ trọng của tôn giáo khác (như chức sắc Công giáo chúc mừng lễ Phật đản trong Phật giáo; chức sắc Phật giáo chúc mừng lễ Giáng sinh trong Công giáo…).
Thứ năm, đại đa số chức sắc, chức việc sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Chức sắc của mỗi một tôn giáo lại có những tên gọi khác nhau được quy định bởi giáo lý, giáo luật, hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đó, có thứ bậc, phẩm cấp, danh xưng khác nhau. Chức sắc, chức việc các tôn giáo đều sinh hoạt trong các hệ thống tổ chức chặt chẽ của giáo hội các tổ chức tôn giáo. Hầu hết các chức sắc, chức việc tôn giáo ở Việt Nam được tuyển chọn công phu từ cộng đồng tôn giáo; được đào tạo quy mô, bài bản trong các cơ sở tôn giáo ở trong và ngoài nước nên bên cạnh sự hiểu biết sâu sắc về giáo lý, luật lệ, lễ nghi tôn giáo, số lượng chức sắc có trình độ tri thức cao ngày càng nhiều. Hiện nay, chức sắc tôn giáo ở nước ta đang có sự gia tăng về số lượng, chất lượng và hiện đại hóa mạnh mẽ từ việc nâng cao trình độ thần học, giáo lý, đến trình độ văn hóa nói chung. Do đó, chức sắc, chức việc các tôn giáo là lực lượng nòng cốt của giáo hội, quyết định hiện tại và tương lai của tôn giáo; là lực lượng quan trọng trong mối quan hệ giữa giáo hội của các tôn giáo với nhà nước và là đầu mối trong việc hướng dẫn, quản lý về hoạt động tôn giáo.
Những thách thức đặt ra cho đối thoại liên tôn giáo
Các tôn giáo ở Việt Nam có điểm tương đồng lớn nhất và cũng là điểm tương đồng giữa tôn giáo với Nhà nước, đó là mục tiêu xây dựng một đời sống an lạc hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã đặt ra và đang nỗ lực thực hiện.
Tuy nhiên, trong đối thoại liên tôn giáo vẫn có những chướng ngại, làm cản trở và giảm hiệu quả của đối thoại tôn giáo. Cụ thể:
Thế giới quan, nhân sinh quan của các tôn giáo không giống nhau. Đây là một thực tế. Mỗi tôn giáo có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau bởi những cộng đồng người trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Thế giới quan và nhân sinh quan tôn giáo phản ánh tâm thức của các chủ thể tôn giáo trong mỗi giai đoạn lịch sử khách nhau. Nếu không hành xử với tâm thức văn hóa tôn trọng sự khác biệt thì việc tạo ra tiếng nói chung trong đối thoại liên tôn là thực sự khó khăn.
Quan điểm về thần quyền, thế quyền, vai trò của giáo sỹ, tín đồ, tổ chức giáo hội của các tôn giáo trong xã hội không giống nhau. Đây chính là tính đặc trưng trong tổ chức, điều hành và hoạt động của tổ chức giáo hội tôn giáo. Có những tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập chỉ để lo việc đạo, phục vụ chức sắc, tín đồ trong việc thực hành niềm tin tôn giáo, nhưng cũng có tổ chức tôn giáo được giao thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong phạm vi, địa hạt quản lý. Trong xử lý các quan hệ xã hội tôn giáo nếu không có cùng quan điểm thì đây cũng chính là trở ngại trong đối thoại tôn giáo.
Cách thức truyền đạo, phát triển tôn giáo không tương đồng, trong những trường hợp cụ thể sự phát triển của tôn giáo này là mối quan ngại, gây sức ép về lực lượng tín đồ cho những tôn giáo khác. Khi đó, hoạt động tích cực của tôn giáo này, nhất là ở khía cạnh phát triển đạo và thực hiện các hoạt động xã hội thu hút tín đồ, sẽ làm hạn chế vai trò, sự phát triển và ảnh hưởng của tôn giáo khác. Đương nhiên, trong trương quan không cân bằng đó, thì việc hòa hợp tôn giáo cũng sẽ có những tác động tiêu cực.
Cách thức tiếp cận, giải quyết một vấn đề nhân sinh, xã hội xuất phát từ nhân sinh quan, thế giới quan và giáo lý các tôn giáo, dù ít hay nhiều có những khác biệt. Điều đó sẽ chi phối và tác động không nhỏ đến kết quả giải quyết các vấn đề xã hội tôn giáo nói chung và sự hài hòa tôn giáo nói riêng. Điều cần thiết trong bối cảnh đó là tăng cường sự thấu hiểu, kéo gần khoảng cách, làm giảm sự khác biệt để có tiếng nói chung thống nhất.
Các tôn giáo, phần lớn ra đời sớm và có lịch sử lâu đời thường mang tính ổn định cao, nhưng mặt trái của nó là tinh thần chậm cải cách và tính cố hữu nhất định. Điều này tạo ra các truyền thống và tiếp tục củng cố truyền thống của các tôn giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và thế giới phẳng, một vấn đề xã hội không chỉ diễn ra trong phạm vi cộng đồng nhỏ theo những niềm tin tôn giáo khác nhau mà có tính phổ quát. Như vậy, việc cởi mở hay tự đổi mới theo xu hướng hiện đại, nhất là trong phương pháp và cách thức hoạt động, vận hành của các tổ chức tôn giáo sẽ tạo nên xu hướng chung và sẽ tạo ra các cơ hội tốt nhất cho việc đối thoại để thúc đẩy sự hài hòa và cùng phát triển của các tôn giáo.
Trong nội bộ các tổ chức tôn giáo, vẫn còn một bộ phận chức sắc lãnh đạo có dấu hiệu tha hóa, tư lợi, buông lỏng việc thực hành quy định giáo lý, giáo luật của tôn giáo, mất đoàn kết, tranh giành vị trí, muốn khẳng định vai trò cá nhân trong tổ chức. Thậm chí, ngay trong một tổ chức tôn giáo còn có những biểu biện bề dưới bất tuân bề trên, hiệu lực quản lý hành chính giáo hội không được thực thi, hay cá biệt có sự mâu thuẫn, công kích nhau của những chức sức cùng tôn giáo về việc thực hành giáo lý tôn giáo. Khi trong nội bộ tôn giáo còn tiềm ẫn những nguy cơ xung đột thì việc đối thoại liên tôn giáo chắc chắn có những trở ngại vì chính nguy cơ nội tại đó của các tôn giáo.
Các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ, mất đoàn kết tôn giáo, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là trở lực khách quan, nằm ngoài tôn giáo, nhưng khi bị kích động, lợi dụng thì những ngoại lực này lại biến thành nội lực trong một bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo thiếu thiện chí. Trong thực tế, đây đã và đang là trở ngại gây khó khăn không chỉ trong việc đối thoại tôn giáo mà còn ảnh hưởng đến việc đại đoàn kết dân tộc.
Như vậy, có thể nói, tôn giáo ở Việt Nam với những đặc trưng giáo lý, lễ nghi, đặc trưng trong bối cảnh du nhập và đặc trưng của cộng đồng tiếp nhận tôn giáo đã dẫn đến những tích cực trong việc xây dựng một bức tranh tôn giáo ở Việt Nam hòa hợp, cùng phát triển. Tuy nhiên, cũng chính từ những đặc trưng trên, nhất là các nét khu biệt của từng tôn giáo trong giáo lý, thực hành tôn giáo và thực hiện các hoạt động xã hội tôn giáo, cùng với đó là những tác động khách quan từ xã hội cũng tạo nên những khó khăn, những thách thức trong đối loại liên tôn giáo. Để kéo gần những cách biệt và hướng tới mục tiêu chung cùng phát triển trong hòa bình, ổn định, rất cần sự nỗ lực của các tổ chức tôn giáo, mà vai trò đầu tiên và quan trọng nhất là các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo./.
TS. Lê Trung Kiên