Thành tựu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc
Ngày đăng: 20/09/2022
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc là hoạt động văn hóa tôn giáo do Liên hợp quốc chủ trương. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được thực hiện đảm bảo nguyên tắc. Thứ nhất, hoạt động của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được thực hiện theo chủ trương và quy định của Liên Hợp quốc; Thứ hai, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc là hoạt động có nguồn gốc tôn giáo, cụ thể là Phật giáo nên đảm bảo tôn trọng các hoạt động truyền thống và giá trị của Phật giáo.

Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc và là nước có Phật giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc Việt từ rất lâu trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước Việt Nam. Việt Nam đã ba lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014, 2019. Cả ba lần tổ chức đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó chính là việc tôn trọng và đảm bảo nguyên tắc trên.

1. Lịch sử Đại lễ Vesak Liên hợp quốc: Trước năm 1999, nhiều Quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc có dân số theo tôn giáo đã đưa ra ý kiến, “thế giới hiện có nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo có những giá trị tích cực nhất định, Liên hợp quốc cần lựa chọn tôn giáo điển hình để đề cao giá trị tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho xã hội, đặc biệt trong góp phần thực hiện chủ trương của Liên hợp quốc xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển,…”. Trải qua nhiều thời gian với sự phân tích khoa học, bình đẳng từ lịch sử đến thực tiễn, qua ý kiến của nhiều quốc gia, ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại thành phố New York, nước Mỹ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức chấp nhận đề nghị của 34 quốc gia: Nghị quyết Đại lễ Vesak là ngày Lễ Quốc tế của Liên Hợp quốc. Nghị quyết khẳng định:

(1). Công nhận Đại Lễ Vesak (Đại lễ tam hợp Đức Phật)  là ngày Lễ quốc tế vì hòa bình của Liên hợp quốc.

(2). Công nhận Đại Lễ Vesak là ngày Lễ thiêng liêng của thế giới.

(3). Công nhận sự đóng góp của Phật giáo là thiết thực cho thế giới về các giá trị: Đạo đức, Hòa bình, Tâm linh, Bình đẳng, Bảo vệ môi trường, v.v…. Nghị quyết đã xác định, từ năm 2000 trở đi, Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức Đại lễ Vesak hàng năm tại trụ sở chính của LHQ và tại trụ sở của LHQ ở các châu lục .[1]

 Năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở chính LHQ (New York, Mỹ) với sự tham dự của các truyền thống tông môn, hệ phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia. Từ đó đến nay Đại lễ Vesak đã được tổ chức nhiều năm liền ở trụ sở chính của LHQ và ở các nước có Phật giáo đăng cai. Đại lễ Vesak LHQ diễn ra ở các nước đăng cai với nhiều nội dung phong phú. Cùng với những hoạt động trong khuôn khổ truyền thống Phật giáo, còn có hội thảo khoa học trao đổi về những nội dung xã hội được Phật giáo quan tâm nhằm đóng góp vì lợi ích phát triển xã hội tốt đẹp. Ngoài ra còn có triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật Phật giáo của nước đăng cai và các nước được mời tham gia; du lịch thăm quan thắng cảnh, thắng tích Phật giáo,...

 Từ năm 2000 đến năm 2003, bốn năm liên tiếp, LHQ tổ chức Đại lễ Vesak tại Trụ sở chính LHQ (New York, Mỹ). Năm 2004, Chính phủ và Phật giáo Thái Lan đăng cai tổ chức, đây được xem là Đại lễ Vesak LHQ lần thứ nhất do nước Phật giáo đăng cai. Từ 2005 đến nay, trong khuôn khổ chủ trương của LHQ, một số quốc gia có Phật giáo đã luân phiên đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ hàng năm. Việt Nam đã đăng cai Đại lễ Vesak LHQ ba năm: 2008, 2014 và 2019. Đại lễ Vesak LHQ 2019, là lần thứ ba tổ chức tại Việt Nam, nhưng là Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 16 được các quốc gia có Phật giáo đăng cai tổ chức.[2]

2. Nguồn gốc Đại lễ Vesak. Trong truyền thống từ xa xưa tại Ấn Độ, Vesak là tên gọi của một tháng trong năm theo lịch Ấn Độ cổ, trong niềm tin họ xem tháng Vesak là tháng linh thiêng. Đối với Đức Phật Thích Ca, Giáo Chủ của Phật giáo có sự trùng lặp hy hữu hiếm gặp trong cuộc đời một con người từ tháng Vesak, đó là:

- Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật thời trẻ) sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak, (năm 624 trước Tây Lịch)

- Thái tử Tất Đạt Đa Đắc đạo (hay Phật thành Đạo) vào ngày trăng tròn tháng Vesak, (năm 589 trước Tây lịch).[3]

- Đức Phật nhập Niết bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak, (năm 544 trước Tây lịch) 

Đối với Đại lễ kỷ niệm Đức Phật, Đại lễ Vesak là Đại lễ gọi theo tháng (Vesak); Đại lễ Tam hợp Đức Phật là Đại lễ kỷ niệm ba sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tương đương với tháng 5 Tây lịch). Từ xa xưa, Đại lễ Vesak Đức Phật (hay Đại lễ Tam hợp Đức Phật) đã được tổ chức tại một số nước có Phật giáo như Ấn Độ, Srilanka, Myanma, Thái Lan, Campuchia, Lào, miền Nam Việt Nam (trong Phật giáo Nam tông Khmer),…

3. Ý nghĩa của Đại lễ Vesak LHQ. Liên hợp quốc Nghị quyết về Đại lễ Vesak LHQ, (hay Đại lễ Vesak Đức Phật) là một chủ trương lớn với nhiều ý nghĩa quan trọng, không chỉ ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh tôn giáo mà còn nhiều ý nghĩa to lớn khác, trong bài viết này xin được đưa ra một số ý nghĩa:

Ý nghĩa xã hội:  Liên hợp quốc đã tìm thấy ở Phật giáo những triết lý rất gần với chủ trương do LHQ đặt ra, đó là “ Hòa binh, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển bền vững”. Chính sự gần giũi và tương đồng đó, LHQ mong muốn thông qua việc đề cao Giáo chủ Phật giáo để đề cao triết lý và khuyến khích thực hành theo chuẩn mực Phật giáo nhằm xây dựng một thế giới như chủ trương của LHQ đặt ra, đó là “ Xây dựng một thế giới hòa binh, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển bền vững”. Mặt khác thông qua đề cao Phật giáo, LHQ hướng tới khuyến khích các tôn giáo tìm tiếng nói chung vì hạnh phúc nhân bản của con người, hãy thực hiện những gì mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng xã hội, hạn chế những hành động không phù hợp để cùng chung tay xây dựng thế giới hòa binh, phát triển bền vững sao cho mỗi người sống trên hành tinh này được hạnh phúc.

Ý nghĩa văn hóa: Đại lễ Vesak LHQ là ngày quốc tế tôn vinh Phật giáo về những giá trị văn hoá nhân bản của con người và xã hội. Đại lễ Vesak LHQ còn là cơ hội để các quốc gia, cộng đồng và cá nhân giao lưu, học hỏi, trao đổi những tinh hoa văn hoá của các nước, đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hoá Phật giáo phong phú cấp thế giới và quốc gia.

Ý nghĩa tâm linh: Qua Đại lễ Vesak LHQ, thiết lập, mở rộng nhịp cầu tâm linh, tạo cơ hội và điều kiện để học hỏi kinh nghiệm truyền tải tâm linh của Phật giáo đến từ các quốc gia; đồng thời thực hiện các nghi thức hành trì của các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế giới; tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, thúc đẩy tính tích cực trong các giá trị của nhiều niềm tin tâm linh khác, góp phần mang lại hoà bình, hữu nghị và an lạc cho đời sống xã hội trên phạm vi thế giới.

Ý nghĩa Đạo đức: Trong hội nhập toàn cầu, trước tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị đạo đức và chuẩn mực văn hóa bị xô lệch, áp lực về đời sống vật chất theo triết lý “nhận vào ngày càng tăng dần làm băng hoại đời sống tinh thần của cá nhân, làm xói mòn các giá trị đạo đức của xã hội, làm tăng dần khoảng cách giàu nghèo và bất an bất ổn của con người và xã hội. Trước thực trạng đó, đạo đức Phật giáo với triết lý “xả bỏ” “lục hòa có một ý nghĩa quan trọng đối với việc tạo sự cân bằng, giữ vững đời sống tinh thần lành mạnh đối với con người, trên cơ sở thiết lập nền tảng đạo đức của tình thương yêu, chia sẻ nhằm tạo hạnh phúc, an lạc cho mỗi con người và cả thế giới hiện thực.

Ý nghĩa học thuật: Đại lễ Vesak LHQ với chủ đề chính và các chuyên đề Hội thảo sẽ đưa ra những quan điểm, giải pháp của Phật giáo đối với các vấn đề ảnh hưởng đến xây dựng xã hội phát triển bền vững, gắn liền với chủ trương của LHQ và mối quan tâm của các quốc gia, đặc biệt là nước đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ. Các bài viết theo yêu cầu từ những chuyên đề Hội thảo Phật giáo thế giới là sự đóng góp của các nhà khoa học Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào các giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu đương đại và tương lai.

Ý nghĩa ngoại giao: Đại lễ Vesak LHQ là dịp để các quốc gia có Phật giáo, đặc biệt là nước đăng cai tổ chức có cơ hội tạo hình ảnh tốt đẹp với bạn bè thế giới về đất nước và con người có Phật giáo yêu chuộng hoà bình, thân thiện, hoà hợp, đoàn kết và phát triển. Đối với nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ là sự thể hiện, nâng tầm vị thế  với bạn bè thế giới, tăng cường thiết lập bang giao, tình hữu nghị với các quốc gia mời tham dự và các tổ chức quốc tế. Đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ còn là sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của quốc gia  thành viên LHQ, với đóng góp tích cực, chủ động và trách nhiệm vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, góp phần hội nhập quốc tế sâu rộng của các quốc gia nhằm xây dựng nền hòa bình trên thế giới.

Ý nghĩa kinh tế: Đại lễ Vesak LHQ góp phần tích cực vào phát triển du lịch và đầu tư kinh tế giữa các quốc gia, đặc biệt là nước chủ nhà đăng cai. Thông qua tuyên truyền để giới thiệu hình ảnh đất nước, con người đến bạn bè thế giới. Từ thông tin chỉ ra nhiều địa danh, thắng cảnh là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, qua đó thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, và quan trọng vận động UNESCO công nhận quần thể danh thắng là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Với những hình ảnh đẹp mà Đại lễ Vesak LHQ sẽ góp phần không nhỏ vào các nội dung trên.

4. Các kỳ Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại Việt Nam. Thực hiện và ủng hộ chủ trương về Đại lễ Vesak của LHQ, đồng thời khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam, thể hiện đất nước yêu chuộng hòa bình, phát triển trên tinh thần Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới,… Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ba lần tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào các năm:

Lần thứ nhất, Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 do Chính phủ Việt Nam đăng cai chủ trì, phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Cung Hội nghị Quốc gia Hà Nội, từ ngày 14-17/5/2008. Chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ 2008 là “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Những nội dung Đại lễ quan tâm qua các cuộc Hội thảo là những đề tài  như: Sự thay đổi khí hậu toàn cầu, những mâu thuẫn trong gia đình, chiến tranh và hàn gắn, những thay đổi xã hội, vấn đề giáo dục của Phật giáo, Phật giáo nhập thế và Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số.

Đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hiệp Quốc (IOC) 2008, khẳng định: “Đại lễ Vesak 2008 là sự kiện lịch sử Phật giáo quốc tế lớn nhất trong hơn 2 nghìn năm lịch sử Phật giáo của Việt Nam.  Đại lễ có sự tham dự của trên 900 đại biểu quốc tế, đại diện cho 74 quốc gia, vùng lãnh thổ có Phật giáo, cùng đại biểu các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao,... Cùng với trên 20.000 Tăng, Ni, Phật tử Đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu; Đồng bào Phật tử, nhân dân trong nước tham gia các hoạt động của Đại lễ Vesak LHQ 2008.[4]

 Hoạt động của Đại lễ Vesak 2008 quy mô không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều địa phương với các hoạt động  phong phú. Ngoài những hoạt động chung với tính chất Đại lễ còn có những Hội thảo theo các chủ đề, ,hoạt động văn hoá, văn nghệ, triển lãm ảnh, thư pháp nghệ thuật, triển lãm thực phẩm, diễu hành xe hoa, thả đèn lồng trên sông và trong không gian, thả  bóng bay, thắp nến cầu nguyện cho hoà bình thế giới.  Đặc biệt, tại Cung Hội nghị Quốc gia Hà Nội nơi diễn ra các sự kiện chính của Đại lễ có buổi hoà nhạc chào mừng với tác phẩm giao hưởng - hợp xướng mang tên "Khai giác" của nhà soạn nhạc quốc tế Nguyễn Thiên Đạo, gồm 7 chương dựa trên lịch sử 7 tuần thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật, tìm ra chân lý cứu khổ, giác ngộ, giải thoát, đem lại an lạc cho nhân loại. Thể hiện bản giao hưởng với sự tham gia biểu diễn của 450 ca sĩ, vũ công, nhạc công và 50 Tăng sinh Học viện Phật giáo Việt Nam kéo dài 40 phút, buổi hòa nhạc với tác phẩm được các đại biểu đánh giá rất cao.

Đại lễ Vesak 2008 với tuyên bố Hà Nội gồm 16 điểm nhấn mạnh những khía cạnh Phật giáo có thể đóng góp, thúc dục cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực cho một thế giới bền vững thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Tuyên bố Hà Nội còn khẳng định, phát triển kinh tế, xã hội không thể bền vững khi thiếu vắng hòa bình và sự tôn trọng quyền tự do căn bản của con người.

Đại lễ Vesak được đánh giá là tổ chức thành công nhất từ trước đến thời điểm đó (2008). Các đại biểu đã cùng nhau tìm ta những giải pháp cho vấn nạn toàn cầu của nhân loại mà những người con Phật quan tâm trên bốn phương diện quan trọng của đời sống xã hội gồm: tôn giáo, văn hóa, giáo dục và kinh tế.

Lần thứ hai, Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Tổ chức quốc tế IOC, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, diễn ra từ 7-10/5/2014.

Chủ đề của Đại lễ Vesak LHQ 2014: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc”. Làm rõ chủ đề Đại lễ có 5 hội thảo quan tâm tới các lĩnh vực: (1) Quan điểm và ứng xử của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; (2) Phật giáo với biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ môi trường; (3) Đóng góp của Phật giáo trong xây dựng lối sống lành mạnh; (4) Phật giáo với xây dựng hòa bình và ứng xử sau mâu thuẫn, chiến tranh; (5) Giáo dục Phật giáo ở chương trình cấp đại học.

Dự lễ khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; Thủ tướng Sri Lanka Jayaratne, các vị Đại sứ, đoàn ngoại giao cùng gần 1.150 vị khách quốc tế là lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học đến từ 97 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới và trên 10.000 đại biểu người Việt là Tăng, Ni, Phật tử Đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu; Lãnh đạo các tôn giáo bạn; Đồng bào Phật tử, nhân dân tham gia các hoạt động của Đại lễ Vesak LHQ 2014.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (IOC) 2014, khẳng định “Sau Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008 được tổ chức thành công tại Hà Nội, Đại lễ Vesak 2014 lần này tiếp tục được tổ chức tại Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam, một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của LHQ, đồng thời khẳng định  Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo đã góp phần tích cực cho ổn định xã hội, phát triển đời sống tốt đẹp của nhân dân”.

Đại lễ Vesak LHQ 2014, có nhiều đóng góp tích cực về mặt tri thức Phật giáo đối với các vấn đề lớn được LHQ quan tâm, từ các nhà nghiên cứu, các học giả trên thế giới. Tuyên bố của Đại lễ Vesak Ninh Bình 2014, đã thức tỉnh các nhà lãnh đạo trên thế giới, phải đặt sự phát triển bền vững của thế giới và mỗi quốc gia trên ba trụ cột chính là: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc bình đẳng, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy giáo dục. Đặc biệt tuyên bố của Đại lễ Vesak Ninh Bình 2014, đề cập và nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên qua sự kiện dàn khoan HD 981 của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố  còn khuyến khích các cá nhân phát huy trí tuệ và đạo đức nhân bản, chủ động hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, truyền bá triết lý của Đức Phật đề cao giá trị của hòa bình trong bản thân và xã hội, tham gia giải quyết để ngăn chặn các vấn nạn xã hội như chiến tranh, bạo lực, khủng bố đang đe dọa đến hòa bình và ổn định xã hội toàn giới.[5]

 Lần thứ ba, Đại lễ Vesak LHQ 2019, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 12 - 14/5/2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam:

 Chủ đề của Đại lễ Vesak 2019: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, trong khuôn khổ của Đại lễ, 5 hội thảo khoa học quốc tế với những nội dung: (1) Chánh niệm trong lãnh đạo để hòa bình bền vững; (2)  Phật giáo với gia đình hòa hợp, sức khỏe con người và xã hội bền vững; (3) Phật giáo với giáo dục và đạo đức toàn cầu; (4) Tiến bộ của khoa học, công nghệ và giáo dục Phật giáo; (5) Phật giáo với tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

 Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak LHQ 2019 tại Việt Nam, với sự tham gia của Nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo LHQ có, Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc... Các quan chức Bộ trưởng của các nước  và hơn 20 Đại sứ, đại diện các các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, với hơn 570 đoàn quốc tế và cá nhân độc lập, trên1.650 đại biểu quốc tế các vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch, lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái, truyền thống Phật giáo, các nhân sĩ trí thức học giả Phật giáo của 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng trên 20.000 đại biểu người Việt là Tăng, Ni, Phật tử Đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu; Lãnh đạo các tôn giáo bạn; Đồng bào Phật tử, nhân dân trong nước tham gia các hoạt động của Đại lễ Vesak LHQ 2019.

Tiệc chiêu đãi lãnh đạo các đoàn và quan chức cấp cao dự Đại lễ Vesak 2019 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2019 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bế mạc Đại lễ Vesak 2019 do Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì, Đại lễ cầu Quốc thái dân an- Thế giới hòa bình có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu. Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ban, Bộ ngành Trung ương; Đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước dự và tham gia nhiều hoạt động của Đại lễ.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc của Việt Nam 2019, đã khẳng định: “Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam là ngày hội của Phật giáo thế giới theo chủ trương của LHQ, đồng thời khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn ủng hộ chủ trương của LHQ, thể hiện sự lớn mạnh của GHPGVN trong đồng hành cùng dân tộc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”.[6]

 Đại lễ Vesak LHQ 2019, một lễ hội Phật giáo tưng bừng, ngoài các hoạt động chính trong Đại lễ, trong không gia quần thể chùa Tam Chúc diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tại Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan, gồm:  Lễ tắm Phật truyền thống; Đêm hoa đăng cầu nguyện Quốc thái dân an, thế giới hòa bình bình đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam thế và Trung tâm hội nghị quốc tế; Chương trình giao lưu và biểu diễn nghệ thuật Phật giáo Quốc tế; Diễu hành xe hoa; Ra mắt mạng xã hội Phật giáo do GHPGVN chủ trương (Butta.vn); Công bố ra mắt bộ tem chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019;

Thành công có ý nghĩa rất lớn từ Đại lễ Vesak LHQ 2019 là sự đóng góp của các đại biểu để ra được Tuyên bố Hà Nam, Việt Nam, góp phần giải quyết những vấn nạn mang tinh toàn cầu, và vấn nạn ở mỗi quốc gia được LHQ quan tâm. Đóng góp tích cực khác từ những tham luận khoa học theo các nội dung chủ đề đặt ra, với các bài viết thể hiện cách tiếp cận, ứng xử bằng trí huệ và đạo đức Phật giáo trước các vấn nạn xã hội.  Kỷ yếu Đại lễ Vesak LHQ 2019 có 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài  tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước, Đây là nguồn tư liệu và kiến thức rất phong phú phục vụ cho nghiên cứu lâu dài và vận dụng vào quản lý xã hội hiện tại rất thiết thực.

Đại lễ Vesak LHQ 2019, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là Đại lễ có quy mô lớn nhất, để lại ấn tượng đẹp nhất từ trước tới nay” từ đánh giá của rất nhiều đoàn các đại biểu quốc tế đã tham gia nhiều kỳ Vesak LHQ gửi về Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam.[7]

5. Thành tựu và một số tồn tại cần quan tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) về đối ngoại qua Đại lễ Vesak LHQ. Đại lễ Vesak LHQ được diễn ra từ năm 2000 đến nay với các quốc gia có Phật giáo, trên phạm vi toàn cầu là hoạt động hết sức thiết thực, thúc đẩy nâng cao vai trò đối ngoại của GHPGVN trên nhiều phương diện. Mặt khác hoạt động quốc tế như Đại lễ Vesak LHQ yêu cầu chuyên môn sâu và khả năng tổ chức chặt chẽ, thì hoạt động đối ngoại của GHPGVN không thể tránh được những hạn chế. Những thành tựu cần được khuyến khích để phát huy, những hạn chế cần được nhìn nhận khách quan để có điều chỉnh cho phù hợp. Trong khuôn khổ bài viết khó thể hiện trọn vẹn cả hai mặt tích cực và hạn chế trong đối ngoại của GHPGVN qua Đại lễ Vesak LHQ, xin nêu một vài nhận định chính:

Thành tựu, quan hệ đối ngoại của GHPGVN qua Đại lễ Vesak LHQ đạt  nhiều thành tựu quan trọng, đã được dư luận, tình cảm cùng trách nhiệm trong ngoài nước ghi nhận và khẳng định, trong khuôn khổ một bài viết khó có thể nêu hết, chỉ xin nêu ở một số thành tựu tiêu biểu:

Thứ nhất, sự trưởng thành rất nhanh về lĩnh vực đối ngoại của GHPGVN qua Đại lễ Vesak LHQ. Đối ngoại của GHPGVN có từ rất sớm và được hoạt động trên nhiều phương diện khác nhau, tuy nhiên tính chuyên nghiệp và quy mô phát triển nhanh từ khi LHQ có chủ trương Đại lễ Vesak LHQ. Hoạt động  đối ngoại của GHPGVN từ thụ động sự vụ đơn lẻ chuyển sang chủ động có tính hệ thống và chương trình thực hiện hàng năm với chủ đề rõ nét.

Về cá nhân, trước năm 2008 khi Việt Nam chưa tổ chức Đại lễ Vesak LHQ, quan hệ đối ngoại của GHPGVN còn khiêm tốn, ở phạm vi trong quan hệ với một số vị chức sắc Phật giáo có học thuật đã học ở nước ngoài và có ngôn ngữ tiếng Anh thông thạo như GS. Lê Mạnh Thát, TS. Thích Nhật Từ,… Khi Việt Nam đăng cai thực hiện Đại lễ Vesak 2008, trước nhu cầu quan hệ đối ngoại quốc tế mở rộng, GHPGVN đã huy động đội ngũ các nhà sư, các thầy cô giáo, sinh viên, tình nguyện viên trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực đối ngoại Phật giáo như phiên dịch tài liệu, dịch thuật nhiều ngôn ngữ trong giao dịch với đại biểu đại diện các quốc gia, thực hiện truyền thông đa ngôn ngữ,… ở những hoạt động phục vụ cho Đại Lễ trong và ngoài nước, từ liên lạc mời tham dự Đại lễ, đặt bài Hội thảo, đăng ký phương tiện, vé máy bay, thông tin trao đổi chương trình hoạt động, chỗ ở, sinh hoạt,… đảm bảo chu đáo thông suốt trong điều kiện tốt nhất có thể, Những việc làm đó đã góp phần không nhỏ vào đối ngoại. Nhờ những hoạt động này nhiều cá nhân có khả năng ngoại ngữ đã được huy động, nhiều người nhiệt tình đã đóng góp rất tích cực cho đối ngoại Vesak LHQ, tạo nên năng lực và sức mạnh chung rất lớn.

Về tổ chức, Trước Đại lễ Vesak LHQ 2008, tổ chức GHPGVN có Ban Phật giáo Quốc tế trược thuộc Hội đồng trị sự và ở nhiều địa phương có Ban Phật giáo Quốc tế trược thuộc tổ chức Phật giáo địa phương, tuy nhiên hoạt động còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, chưa mạnh. Từ khi Đại lễ Vesak 2008 được tổ chức, và nhất là sau Đại lễ Vesak 2008 các hoạt động quốc tế, đối ngoại của GHPGVN từ trung ương đến địa phương được củng cố và phát triển. Một trong những nội dung hoạt động quan trọng là củng cố tổ chức trong và ngoài nước, mở rộng quan hệ với Tăng, Ni, Phật tử kiều bào Phật giáo ở nước ngoài, nâng cao trình độ, chất lượng và điều kiện quan hệ đối ngoại của Phật giáo, đủ sức đón các đoàn Phật giáo quốc tế giao lưu học hỏi nghiên cứu Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam đi nghiên cứu Phật giáo các quốc gia,…

Thứ hai, Phát triển về số lượng và chất lượng quan hệ đối ngoại của GHPGVN thông qua Đại lễ Vesak LHQ trong quan hệ với các quốc gia với các tổ chức cá nhân tôn giáo nước ngoài. Thông tin về ba kỳ Đại lễ Vesak LHQ đã đủ để cho thấy sự phát triển về số lượng và chất lượng trong đối ngoại của GHPGVN, được thể hiện qua số lượng các quốc gia tham dự tăng dần, các đại biểu chức sắc của một số tôn giáo bạn, các lãnh tụ lãnh đạo các nước ngày một đông hơn, vị thế cao hơn. Các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, những quan sát viên quốc tế dự Đại lễ Vesak LHQ ở Việt Nam ngày một đông. Mặt khác hoạt động đối ngoại của GHPGVN quy tụ được khá đông các vị Tăng, Ni người Việt học tập và tu hành ở nước ngoài về nước, thông qua hoạt động này tạo nên sự hiểu biết và gắn kết Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước chặt chẽ hơn, tạo cơ hội cho sư Việt Nam học tập tu hành ở nước ngoài, đồng thời tạo cơ hội cho sư nước ngoài vào học tập tu hành và nghiên cứu ở Việt Nam. Cùng với đội ngũ Tăng, Ni, lực lượng tình nguyện viên, cộng tác viên trong và ngoài nước, đội ngũ kiều bào Phật tử ở nước ngoài cũng được bổ sung tăng cường về số lượng và nâng cao trình độ nhiều mặt trong quan hệ đối ngoại Phật giáo. Sự phát triển đó đã tạo nền tảng vững chắc cho GHPGVN trong đối ngoại nhân dân thông qua tôn giáo.

Thứ ba, đối ngoại Phật giáo qua Đại lễ Vesak LHQ, góp phần quan trọng vào mở rộng đối ngoại nhân dân, mở rộng đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy phát triển giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đại lễ Vesak LHQ không chỉ là ngày hội của những người có tín ngưỡng Phật giáo, mà còn là cơ hội lớn cho sự giao lưu gặp gỡ giữa những người yêu hòa bình, kính trọng các giá trị nhân bản của con người. Cơ hội gặp gỡ trao đổi quảng bá hình ảnh, đất nước, con người của các quốc gia cùng một hạnh nguyện hòa bình phát triển.

Đại lễ Vesak LHQ là cơ hội lý tưởng để gắn kết và truyền tải tình cảm hợp tác quốc tế vì lợi ích chung là hạnh phúc con người. Qua Đại lễ mỗi người tìm thấy những giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp cần học hỏi, tìm thấy những hạn chế cần điều chỉnh để phát huy. Chính vì thế Đại lễ Vesak còn là Đại lễ của đối ngoại nhân dân đa chiều thông qua các cá nhân có nhiệt tình, đạo đức và nhận thức đúng để kết nối, chuyển tải thông điệp của LHQ, thông điệp của nước chủ nhà và thông điệp của các nước qua giao lưu đến nhân dân và lãnh đạo mỗi nước để cả thế giới dần hiểu nhau, để mỗi người dần sát vai chung tay cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình an lạc.

Thành tựu của GHPGVN trong đối ngoại qua Đại lễ Vesak LHQ không chỉ từ các Đại lễ được tổ chức trong nước mà còn cả ở những hoạt động qua tham dự các kỳ Đại lễ Vesak LHQ ở nước ngoài. Các đoàn đại biểu của Việt Nam đi ra nước ngoài tham dự Đại lễ đã tỏ rõ được sự quan tâm, tôn trọng của Nhà nước đối với niềm tin tôn giáo và tự do hoạt động tôn giáo, đồng thời cho các nước thấy rõ hoạt động và sự lớn mạnh của các tôn giáo ở Việt Nam.

Đánh giá về Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo, Liên hợp quốc, các nước có Phật giáo, các đại biểu quốc tế và đông đảo nhân dân Việt Nam đánh giá cao về tự do tôn giáo ở Việt Nam, đánh giá cao về sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động tôn giáo được LHQ chủ trương, đặc biệt đanh giá cao về thành tựu của GHPGVN đã đạt được thông qua Đại lễ Vesak LHQ, trong đó quan trọng là thành tựu đối ngoại của GHPGVN thông qua Đại lễ Vesak LHQ.

Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, Các ngành các cấp chính quyền ở Việt Nam đã kịp thời ghi nhận và  động viên khen thưởng xứng đáng đối với tập thể GHPGVN, GHPGVN các cấp và các cá nhân có đóng góp xứng đáng trong thực hiện Đại lễ Vesak LHQ tại Việt Nam, xem đó là sự đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước từ nhiều phương diện khác nhau thông qua việc đoàn kết nhân dân, đoàn kết tôn giáo,... Trong ghi nhân, đánh giá và tặng thưởng đó có đóng góp không nhỏ từ hoạt động đối ngoại của chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước.

Hạn chế, hoạt động đối ngoại của GHPGVN thông qua Đại lễ Vesak có nhiều thành tựu song khó tránh khỏi hạn chế, do đây là Đại lễ mang tính quốc tế với quy mô rất lớn, và yêu cầu đảm bảo về chuyên môn khá cao, trong khi GHPGVN là tổ chức tôn giáo không chuyên về đối ngoại, số đông tham gia làm đối ngoại tập hợp từ xã hội hóa,.... GHPGVN trong đánh giá về thực hiện 3 kỳ Đại lễ Vesak LHQ tại Việt Nam đã chỉ ra hạn chế trong quan hệ đối ngoại của GHPGVN. Trong khuôn khổ của bài viết này xin nêu một số hạn chế sau:

Thứ nhất, Công tác tổ chức chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Đây là hạn chế bộc lộ khá rõ trong đối ngoại của GHPGVN qua Đại lễ Vesak LHQ, cả những kỳ tổ chức trong nước và tham gia các đoàn dự Đại lễ Vesak LHQ ở nước ngoài. Có lý do từ GHPGVN là một tổ chức tôn giáo nên hoạt động đối ngoại không chuyên nên thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên khá nhiều hoạt động Phật sự GHPGVN cũng thường có biểu hiện thiếu tính chặt chẽ, nhiều người tham gia nhưng tính thống nhất, tính hiệu quả chưa tương xứng.

Mặt khác hoạt động đối ngoại Phật giáo mang tính quần chúng rộng rãi,  nhiều người có năng lực và tâm huyết với đối ngoại Phật giáo qua Đại lễ Vesak LHQ, khi Đại lễ tổ chức trong nước. Nhiều Phật tử học ở nước ngoài về nước có ngôn ngữ, có tâm huyết mong muốn đóng góp qua việc phiên dịch, hướng dẫn đại biểu nước ngoài (nước mà họ đã học và công tác), tuy nhiên thông tin không đến họ hặc có người muốn đăng ký nhưng do quy định của tổ chức Đại lễ họ không được tham gia. Trong khi đó những người lớn tuổi có ngôn ngữ và kinh nghiệm, có hiểu biết sẽ có ảnh hưởng rất tích cực tới du khách quốc tế. Hạn chế này cần rút kinh nghiệm để những hoạt động quốc tế lớn của GHPGVN về sau cần có thông tin sớm, rộng mở hơn để quy tụ các tiềm năng đối ngoại Phật giáo trong Đại lễ Vesak LHQ.

Thứ hai, lúng túng, bị động và bỏ trống một số lĩnh vực chưa bao quát hết. Mặc dù đã có sự nỗ lực rất lớn, song nhiều kỳ tổ chức Đại lễ Vesak LHQ trong nước và tham gia Đại lễ ở nước ngoài, trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối ngoại của GHPGVN vẫn biểu hiện lúng túng. Chưa chủ động trong thực hiện đối ngoại theo chủ trương đã thống nhất, một số việc phát sinh xin ý kiến khá cồng kềnh. Một số lĩnh vực vì nhiều việc chưa bao quát hết như việc tổ chức các đòan có nhu cầu đi nghiên cứu sâu về truyền thống Phật giáo nước chủ nhà, nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt, nghiên cứu văn hóa của người Việt,  du lịch theo nhóm nhỏ thăm quan các danh thắng mà họ quan tâm.

Mặt khác GHPGVN chưa gợi ý cho GHPG các địa phương xây dựng và giới thiệu về nét riêng của Phật giáo, văn hóa, danh thắng,.. của nhiều vùng quê. Bổ sung vào thông tin và chương trình Vesak LHQ tại Việt Nam những hoạt động hấp dẫn, phong phú ngoài chương trình chính để họ lựa chọn và bố trí thời gian, điều kiện để được tham gia tìm hiểu. Đó là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

Thứ ba, chưa chủ động và có chiến lươc lâu dài trong đối ngoại của GHPGVN. Ban Phật giáo Quốc tế của GHPGVN có hoạt động đã nhiều chục năm, tuy nhiên chủ động mang tính kế hoach chưa thể hiện rõ, Những hoạt động đối ngoại của Phật giáo vẫn mang tính sự vụ, tới đâu giải quyết tới đó. Đặc biệt tính toán mang tính sâu xa trong đối ngoại Phật giáo ra nước ngoài còn khiêm tốn. Xa xưa trong điều kiện đi lại khó khăn, các bậc tiền nhân đã không quản ngại đi cùng cộng đồng kiều bào, xây dựng cơ sở Phật giáo ở nhiều nước. Ngày nay GHPGVN có phát triển qua xây dựng các Hội Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc GHPGVN nhưng chủ yếu xây dựng những nơi thuận lợi. Những nơi khó khăn về đời sống kinh tế - xã hội, Phật giáo trong nước rất khó vươn ra ngoài để  hoạt động, xây dựng và phát triển. Vậy GHPGVN nên có chương trình giúp đỡ, khuyến khích động viên những Tăng, Ni dấn thân tới các vùng miền, các nước có người Việt sinh sống để truyền bá Phật pháp, làm cầu nối cho đối ngoại nhân dân để phát huy đối ngoại và quan hệ ngoại giao Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới.

Từ việc chỉ ra những thành tựu và hạn chế trong đối ngoại của GHPGVN, mong rằng góp thêm chút ý kến góp ý để GHPGVN nhìn nhận và điều chỉnh để công tác đối ngoại Phật giáo đã tốt càng hiệu quả hơn./.

 

TS. Bùi Hữu Dược

Nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo, BTGCP

Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 

[1] . Ban Tôn giáo Chính phủ. Thông tin Đại lễ Vesak 2008.

[2] . Ban Tôn giáo Chính phủ. Báo cáo kết quả Đại lễ Vesak LHQ, 2008, 2014, 2019.

[3] . Thành đạo của Đức Phật có ý kiến khác nhau, thành đạo năm Thái Tử Tất Đạt Đa tròn 35 tuổi được nhiều kinh điển đề cập.

[4] . Ban Tôn giáo Chính phủ. Báo cáo Đại lễ Vesak 2008.

[5] . Ban Tôn giáo Chính phủ. Báo cáo Đại lễ Vesak 2014.

[6] . Diễn văn khai mạc tại Đại lễ Vesak 2019

[7] . Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo Đại lễ Vesak 2019.